Hà Nội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị
TCCS - Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII về tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội đã thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây từ ngày 1-7-2021.
Mô hình chính quyền đô thị
Nhìn chung, trong quản lý hành chính nhà nước cần xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền, mỗi cơ quan hành chính nhà nước, tránh sự chồng chéo hay bỏ sót nhiệm vụ; tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ. Địa bàn nông thôn, đô thị rất khác nhau từ đặc điểm dân cư, mật độ dân cư, phong tục, tập quán, lối sống đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công. Theo đó, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước cũng khác nhau (về tính chất, khối lượng công việc, yêu cầu quản lý). Khi nhiệm vụ khác nhau tất yếu đòi hỏi phải thiết kế tổ chức bộ máy khác nhau để đáp ứng yêu cầu công việc quản lý. Tuy nhiên, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiện hành quy định một mô hình tổ chức bộ máy chung cho cả địa bàn nông thôn và đô thị nên trong hoạt động của chính quyền xuất hiện những bất cập, ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Để góp phần nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ; rút ngắn thời gian giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, qua đó, giảm thiểu chi phí hành chính của người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi có thủ tục hành chính cần giải quyết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14, ngày 27-11-2019 về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội". Ngày 29-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 32/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội".
Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (UBND); chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND phường. Như vậy, ở các phường thuộc các quận và thị xã thuộc thành phố Hà Nội không tổ chức hội đồng nhân dân (có ở các xã, thị trấn thuộc các huyện (địa bàn nông thôn) của thành phố) mà chỉ có UBND phường.
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.
Ủy ban nhân dân phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước hội đồng nhân dân, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã; ký các văn bản của UBND phường.
Công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; phó chủ tịch phường; trưởng công an phường; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường; các công chức khác: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.
Khẩn trương, quyết liệt thực hiện mô hình chính quyền đô thị
Để triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện một khối lượng lớn công việc, nhiệm vụ. Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31-12-2019 về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Theo kế hoạch, Ban Cán sự đảng UBND thành phố phối hợp với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố xây dựng và ban hành các quy định để tổ chức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương báo cáo, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND phường; Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường. Trên cơ sở rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và Đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức của các phường trình Hội đồng nhân dân thành phố cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường khi thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật.
Quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động luân chuyển chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, Đề án sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức của 177 phường thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng được triển khai xây dựng.
Các quận huyện, thị xã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí theo quy định, bao gồm rà soát hiện trạng đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch UBND và các công chức phường hiện tại; xây dựng phương án sắp xếp, bố trí các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, công chức UBND phường; thực hiện thẩm định về điều kiện, tiêu chuẩn các chức danh nêu trên; rà soát hiện trạng đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố để sắp xếp cho phù hợp.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, đến ngày 1-7-2021, Hà Nội đã chính thức triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây. Mô hình thí điểm mới đi vào hoạt động, còn phải tổng kết, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn, tuy nhiên, có thể khẳng định Nghị quyết của Quốc hội phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù đô thị; mở ra bước đột phá trong thiết kế tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của thành phố, nhất là ở cấp cơ sở, tạo điều kiện tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ./.
Du lịch Hà Nội ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững  (18/09/2021)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thành quả của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm  (14/09/2021)
Công an quận Đống Đa thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (12/09/2021)
Nâng cao năng suất lao động - đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững  (11/09/2021)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay