Binh đoàn 15 phát huy truyền thống anh hùng, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên
TCCS - Thực tiễn xây dựng và phát triển Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) trong 35 năm qua là một minh chứng sống động khẳng định thêm sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, quốc phòng gắn với kinh tế. Những người lính trên trận tuyến kinh tế - quốc phòng đã viết nên truyền thống “Kiên định mục tiêu, vượt mọi gian khó, gắn bó với nhân dân, sáng tạo chuyên cần, đoàn kết quyết thắng”; góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Vượt qua gian khó, bám trụ để dựng xây, kiến thiết
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Tây Nguyên đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu, lập công xuất sắc, cùng cả nước đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn và chiến lược quân sự của kẻ thù, góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau khi các tỉnh Tây Nguyên được giải phóng, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quân và dân các dân tộc Tây Nguyên đã khẩn trương tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy tiềm năng và từng bước làm hồi sinh địa bàn chiến lược này. Đây thực sự là công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, cùng một lực lượng kinh tế - quốc phòng chuyên trách để thực hiện thành công. Đó cũng là cơ sở và tiền đề để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định số 68-QĐ/HĐBT, ngày 20-2-1985, thành lập Binh đoàn 15, trực thuộc Bộ Quốc phòng, với nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Đứng chân trên dọc tuyến biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia dài hơn 251km, địa bàn chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, đời sống kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp, những ngày đầu thành lập, Binh đoàn 15 gặp muôn vàn khó khăn. Kinh nghiệm và kiến thức quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; mô hình kinh tế - quốc phòng chưa có tiền lệ; giống, vốn, máy móc và phương tiện kỹ thuật eo hẹp; diện tích đất tự nhiên đa phần là đồi núi, rừng hoang hóa, ẩn chứa hiểm họa do chiến tranh để lại như bom, mìn, chất độc hóa học, dịch bệnh; một số nơi tàn quân Phun-rô (Fulro) liên tục quấy nhiễu chống phá chính quyền. Song, bằng sự quyết tâm, nghị lực và trí tuệ, cùng với lòng nhiệt tình cách mạng, sự chịu đựng gian khổ, bền bỉ và vững vàng, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và người lao động của Binh đoàn 15 nối tiếp nhau, đồng cam cộng khổ, vượt khó vươn lên vừa hoàn thành tốt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp trên giao, vừa hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đứng chân, vừa giúp đỡ hai nước bạn Lào và Campuchia, góp phần làm sâu sắc hơn tình hữu nghị đặc biệt giữa ba nước Đông Dương.
Trong giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990, Binh đoàn 15 tổ chức thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là mở rộng sản xuất, xây dựng hàng trăm điểm dân cư; phát triển kinh tế đi đôi với giữ vững an ninh chính trị trên toàn tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Từ năm 1991, Binh đoàn chủ động đổi mới từ mô hình kế hoạch hóa sang tự chủ hạch toán đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh 2 sản phẩm chủ lực là cao-su và cà-phê, Binh đoàn đã từng bước mở rộng thêm các ngành nghề phục vụ sản xuất và đời sống, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Đến nay, Binh đoàn đã phát triển trên 40.000ha cao-su; 300ha cà-phê; 74ha lúa nước; hơn 40ha đồng cỏ chăn nuôi; xây dựng 6 nhà máy chế biến cao-su với công suất hơn 40.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất phân vi sinh công suất hơn 20.000 tấn/năm; 1 nhà máy sản xuất gạch không nung; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 16.000 lao động, trong đó lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%, hàng chục nghìn người có việc làm phụ; tiền lương và các chế độ chính sách cho người lao động luôn được bảo đảm.
Trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Binh đoàn 15 luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng các lực lượng vững mạnh. Hằng năm, Binh đoàn tổ chức huấn luyện, diễn tập phù hợp với các phương án trong khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố. Tổ chức ký kết và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với lực lượng công an, quân sự, biên phòng các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình. Bố trí các chốt tự vệ ở các vị trí trọng yếu, thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, bảo vệ địa bàn, bảo vệ tài sản đơn vị, các công trình ở khu vực biên giới, bảo vệ mốc giới quốc gia. Nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động; ngăn chặn không để xảy ra các hiện tượng truyền đạo, vượt biên trái phép, xử lý linh hoạt các vấn đề nảy sinh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh và chủ quyền biên giới.
Quá trình phát triển sản xuất, Binh đoàn luôn chú trọng bố trí các đơn vị trực thuộc ở địa bàn trọng yếu, các đội sản xuất được bố trí ở vị trí sát đường biên giới, xen kẽ với các thôn, làng trên địa bàn các xã, huyện đứng chân, tạo dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong khu vực phòng thủ. Cán bộ, chiến sĩ, người lao động luôn đề cao cảnh giác, mỗi công nhân là một chiến sĩ, mỗi cụm điểm dân cư, bản làng là một cụm đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, ngăn chặn sự chống phá cách mạng và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Điều đó khẳng định những đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động Binh đoàn 15 đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn đứng chân.
Với phương châm nhất quán và xuyên suốt được triển khai: “Binh đoàn gắn với tỉnh và huyện; công ty gắn với huyện và xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số” được đúc kết từ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Binh đoàn 15 đã thực hiện hiệu quả công tác dân vận, tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu đói giai đoạn giáp hạt; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các tổ chức quần chúng phối hợp hoạt động, xây dựng các thiết chế văn hóa giúp người dân địa phương tiếp thu văn hóa mới, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Binh đoàn ký kết và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp công tác với 5 huyện, thành phố của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tổ chức và duy trì hoạt động kết nghĩa với Học viện Lục quân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân và Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển chính trị cơ sở thuộc Bộ Quốc phòng Lào. Các công ty, đơn vị tổ chức kết nghĩa với 271 thôn, làng trong nước, 4 xã thuộc tỉnh Rat-ta-na-ki-ri (Campuchia) và 6 bản thuộc tỉnh A-ta-pư (Lào).
Đặc biệt, Binh đoàn đã sáng tạo thực hiện thành công mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ gia đình công nhân người Kinh với hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Toàn Binh đoàn hiện có 4.617 cặp hộ gắn kết, phát huy hiệu quả trong việc nâng cao kiến thức, đời sống và thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa 28 dân tộc anh em trong Binh đoàn và địa bàn. Bên cạnh đó, Binh đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư. Cùng với đó, Binh đoàn tổ chức làm mới, sửa chữa hơn 1.500km đường giao thông liên thôn, liên xã; 400km đường điện; xây dựng, tu sửa hàng trăm nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà rông văn hóa cho nhân dân các thôn, làng trên địa bàn, hàng nghìn “nhà đồng đội, nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà mái ấm công đoàn, nhà nghĩa tình hội viên” cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ gia đình đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn; hàng chục hồ, đập, hàng trăm giếng khoan; xây dựng 1 bệnh viện hạng hai với 200 giường, 11 bệnh xá quân - dân y kết hợp, hằng năm khám, chữa bệnh cho hơn 50.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động và nhân dân trên địa bàn; xây dựng và bàn giao cho địa phương 8 trường tiểu học, trung học cơ sở; xây dựng 2 trường tiểu học, trung học nội trú, 11 trường mầm non, với 130 điểm trường, 325 nhóm lớp, gần 6.000 cháu, trong đó hơn 2.000 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những thành tích xuất sắc đạt được, Binh đoàn 15 đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới”.
Linh hoạt, sáng tạo trong cơ cấu lại, đổi mới, phát triển toàn diện, vững chắc
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, giá sản phẩm mủ cao-su, cà-phê giảm sâu, những hạn chế trong việc đầu tư mở rộng diện tích vườn cây và xây dựng cơ bản, dẫn đến việc Binh đoàn mất cân đối về tài chính, khó khăn trong việc triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của công nhân, người lao động. Trước tình hình đó, Binh đoàn đã kịp thời đánh giá lại các nguồn lực, điều chỉnh quy hoạch sản xuất, bố trí lao động phù hợp, nhằm tăng năng suất lao động, mở rộng thêm các ngành nghề sản xuất để tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Liên kết với các đối tác nghiên cứu phương án sử dụng nguồn lực đất đai, con người hiệu quả hơn, phù hợp với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Binh đoàn 15 tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại và xử lý tài chính Tổng công ty 15, với những yêu cầu mới và trách nhiệm hết sức nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ, Binh đoàn xác định thực hiện tốt một số chủ trương, giải pháp sau:
Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị; giữ gìn và phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ, phối hợp chặt chẽ với địa phương và các lực lượng kịp thời xử lý mọi tình huống, bảo đảm địa bàn luôn ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và công tác đền ơn đáp nghĩa. Quan tâm chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên, người lao động.
Hai là, xây dựng Đảng bộ Binh đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng các cấp. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, Binh đoàn “vững mạnh toàn diện”, các tổ chức quần chúng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng ủy Binh đoàn về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển của Binh đoàn trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và phát triển năng động của đất nước. Tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Ba là, phát huy nội lực, kế thừa những thành quả Binh đoàn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong vùng dự án; đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trước hết là làm chuyển biến tư duy nhận thức, thay đổi hủ tục lạc hậu còn cố hữu trong nhân dân, làm cản trở tới quá trình phát triển của địa phương. Tham gia tích cực với địa phương xây dựng các cụm, điểm dân cư, thôn, làng, bản đạt tiêu chí về nông thôn mới. Xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu mang tính lưỡng dụng nhằm phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa của người dân; tăng cường tiềm lực cho các khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Bốn là, tranh thủ mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại và xử lý tài chính Tổng công ty 15. Bảo đảm Binh đoàn phát triển toàn diện, vững chắc, chú trọng đồng bộ cả tổ chức, biên chế, nhân lực, vật lực, nguồn lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Năm là, tiếp tục phát huy thành quả trong công tác đối ngoại quốc phòng, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án trên hai nước bạn Lào, Campuchia. Giữ gìn mối quan hệ đoàn kết với chính quyền, nhân dân địa phương trong vùng dự án, chấp hành nghiêm pháp luật, quy định các nước sở tại, góp phần làm sâu sắc hơn tình hữu nghị đặc biệt giữa ba nước Đông Dương.
Nhìn lại chặng đường 35 năm qua, bằng bàn tay, khối óc, công sức của tập thể cán bộ, chiến sĩ và người lao động, Binh đoàn 15 đã biến một vùng đất nghèo, rộng lớn trên vành đai biên giới Tây Nguyên trở thành một vùng phát triển năng động; tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”; xứng đáng với danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới” mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng; tiếp tục làm sáng ngời hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” Binh đoàn 15 trong thời kỳ mới trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển