Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
TCCS - Để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhất quán thực hiện phát triển kinh tế tuân theo quy luật thị trường gắn với bảo đảm định hướng XHCN. Thành phố đi trước, mạnh dạn thí điểm nhiều cách làm, mô hình kinh tế mới, để rồi nhân rộng, mang lại những kết quả đáng ghi nhận, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tiên phong trong đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm
Sau thời gian dài vận hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, năm 1986, tại Đại hội VI, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong nhận thức về tư duy kinh tế, chỉ ra những khiếm khuyết của mô hình kinh tế này, từ đó đề ra chủ trương mang tính bước ngoặt trong quản lý kinh tế, đó là quyết định chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; Đại hội VII của Đảng xác định phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội IX của Đảng chính thức khẳng định phát triển nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ hóa độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong tiến trình đổi mới, Đảng ta có đột phá nhận thức về mối quan hệ giữa phát triển KTTT và định hướng XHCN, từ chỗ phủ nhận KTTT vì xem nó là đặc trưng riêng của chủ nghĩa tư bản, đối lập KTTT với chủ nghĩa xã hội đến nhận thấy sự tồn tại khách quan, tất yếu của KTTT trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Theo thời gian, nhận thức về KTTT định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện hướng tới xây dựng nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước, do Đảng lãnh đạo. Nhìn tổng quát, đất nước đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong thập niên 80 của thế kỷ XX, để đến cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI thoát khỏi tình trạng nghèo, kém phát triển, thu nhập thấp và ngày nay trở thành quốc gia đang phát triển năng động, có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được cải thiện, uy tín và vị thế trên trường quốc tế được nâng lên rõ rệt.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện mô hình KTTT định hướng XHCN. Ngay từ năm 1982, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW, xác định “Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta”. Nghị quyết được xem là chìa khóa để Thành phố vững bước tiến vào thời kỳ đổi mới; là cơ sở để thực hiện những cơ chế mang tính thí điểm, đột phá góp phần hình thành một số chính sách chung của cả nước, từng bước hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, nổi trội là:
Thứ nhất, sớm thừa nhận tồn tại nhiều loại hình doanh nghiệp. Từ nhận thức, tồn tại và phát triển kinh tế nhiều thành phần là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; động lực chính yếu thúc đẩy kinh tế - xã hội để Thành phố phát triển, nên Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 639/QĐ/UBND, ngày 20-10-1989, “Về các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần”. Đây là tiền đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân, vận hành KTTT, tạo niềm tin và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển hợp pháp, cũng là cơ sở quan trọng để Quốc hội khóa VII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1991.
Thứ hai, mạnh dạn thí điểm các chế định vận hành của thị trường. Ngay từ năm 1987, để góp phần khơi thông thị trường vốn, Thành phố đã thành lập Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công thương; trên cơ sở đó, đến năm 1990, Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ngân hàng, tạo điều kiện cho loại hình ngân hàng thương mại cổ phần phát triển. Năm 1992, Thành phố đề xuất Chính phủ cho phép cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, để đến năm 1996, Chính phủ chỉ đạo triển khai trên phạm vi cả nước; trong đó, Công ty cơ điện lạnh REE điển hình cho sự thành công, cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam vào năm 2000. Trung tâm Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ tháng 7-1998 nhằm xây dựng thị trường vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ và tiến hành các giao dịch cổ phiếu…
Thứ ba, đi đầu trong nghiên cứu và thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp để hướng kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách kinh tế mở. Sau này được pháp chế hóa thành quy định chung cho cả nước, góp phần đáng kể vào việc tăng cường sản xuất công nghiệp, tăng trưởng GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu. Điển hình, khu chế xuất Tân Thuận được thành lập từ năm 1991, là khu chế xuất đầu tiên, hoạt động rất hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh trên cả nước...
Thứ tư, sáng tạo, chủ động trong huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển. Nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, năm 1997, Thành phố đã chủ trương huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế để thành lập Quỹ Đầu tư phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - HIFU (nay là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh - HFIC). Phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị góp phần hình thành cơ chế phân cấp ngân sách đầu tư giữa Trung ương và địa phương để tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương trong huy động vốn đầu tư. Nhượng quyền khai thác (thu phí) đường đã được mở rộng cho các thành phần kinh tế để thu hồi sớm vốn đầu tư thực hiện đầu tư các dự án khác. Thành lập các công ty cổ phần đại chúng để thực hiện các dự án đầu tư dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, trong đó có vốn nhà nước đóng góp mang tính chất vốn mồi. Thực hiện xã hội hóa, hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các đơn vị trường học, bệnh viện đầu tư hạ tầng kỹ thuật nâng cao chất lượng phục vụ người dân...
Thứ năm, triển khai thực hiện các mô hình điều hành kinh tế vĩ mô và cải cách hành chính. Những mô hình hiệu quả như: Kết nối doanh nghiệp với ngân hàng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý; xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp; xúc tiến thương mại trong và ngoài nước và chương trình đưa hàng hóa Việt Nam về nông thôn, các khu công nghiệp… đã được nhân rộng trong cả nước. Đặc biệt, Thành phố đã đi đầu triển khai mô hình “một cửa, một dấu” ở một số quận, huyện từ năm 1995; sau đó phát triển thành cơ chế “một cửa liên thông” góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng công vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Sáng tạo của Thành phố ở những năm trước, đầu đổi mới dù tiên phong nhưng cũng vấp phải không ít sự phê phán bởi những cách làm được xem như trái với quy định quản lý kinh tế thời bấy giờ. Nhưng, lãnh đạo Thành phố vẫn xin chủ trương, báo cáo đầy đủ, quyết tâm hành động với phương châm: “Bằng thực tiễn sinh động của mình, Thành phố phải cố gắng báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ với các đồng chí lãnh đạo cao nhất ở Trung ương về hướng đổi mới xuất hiện từ thực tiễn, vì chỉ có sự chuyển động từ cấp cao nhất thì mới chuyển động được toàn cục; nếu chỉ một số địa phương làm thì hiệu quả cũng chỉ có ý nghĩa cục bộ, không thống nhất và cũng không xoay chuyển được tình thế”(1). Rõ ràng, xuất phát từ thực tiễn, Thành phố đã sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, dù đi đầu đổi mới phương thức quản lý kinh tế nhưng không tuỳ tiện, đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Kết quả từ thực hiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Vận dụng KTTT định hướng XHCN để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh hướng tới bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh… là những bước đi sát hợp của Thành phố. Các định chế mà Thành phố triển khai trước kia, đã được Đảng nhìn nhận tính hợp lý, phù hợp với KTTT định hướng XHCN. Quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tiếp tục thực hiện đổi mới, những giai đoạn gần đây kinh tế của Thành phố phát triển khá đồng bộ, mang lại kết quả:
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và nông nghiệp công nghệ cao, tăng dần giá trị các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ. Về cơ cấu kinh tế theo ngành, dịch vụ là ngành giữ tỷ trọng lớn nhất trong GRDP và tiếp tục ngày càng tăng trưởng qua từng giai đoạn; tiếp đến là ngành công nghiệp - xây dựng; ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm… tiếp tục là động lực tăng trưởng của công nghiệp Thành phố. Năm 2010 tỷ trọng giữa 3 khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp tương ứng là 55,98%; 42,96% và 1,06%. Đến năm 2019, khu vực dich vụ chiếm tỷ trọng 60,42%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,55%, khu vực nông nghiệp chiếm 0,66%... Năm 2023, khu vực thương mại dịch vụ chiếm 64,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,7%.
Về cơ cấu theo khu vực kinh tế, có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ cơ cấu GRDP theo khu vực kinh tế bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011 - 2015 là 21,76% khu vực nhà nước, 49,62% khu vực ngoài nhà nước, 16,54% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; giai đoạn 2016 - 2020 lần lượt là 14,54%, 54,43%, 18,04%; năm 2021 lần lượt là 12,81%, 53,92%, 19,76%.
Dù chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng chuyển dịch cơ cấu nội ngành vẫn còn chậm, một số ngành trọng điểm có xu hướng tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước. Quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, còn vướng mắc, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả chưa cao. Các tổ chức kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chậm…
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển từ phát triển chủ yếu chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ. Giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996 - 2010) là giai đoạn tăng trưởng kinh tế của Thành phố có sự chuyển biến mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu. Công nghệ cao từng bước giữ vai trò chủ lực trong sản xuất và xuất khẩu. Các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung thu hút đầu tư, góp phần phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ. Ứng dụng công nghệ xây dựng mới, áp dụng tiêu chuẩn công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh được triển khai và nhân rộng. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển theo định hướng, gắn với thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ; các mô hình kinh doanh mới hình thành trước xu hướng số hóa kinh tế. Nhiều loại thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, khoa học và công nghệ, bất động sản phát triển tăng quy mô, đổi mới phương thức giao dịch với sự gia tăng ứng dụng điện tử…
Kinh tế Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Tính đến năm 2020, quy mô kinh tế của Thành phố tăng gấp 2,7 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,39 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP dù liên tục tăng qua các năm và các giai đoạn, nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ đóng góp của yếu tố truyền thống; năng suất lao động tiếp tục tăng, nhưng chưa thật sự vượt trội nếu so sánh trên phương diện cạnh tranh quốc tế.
Thể hiện vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. So với các địa phương khác, Thành phố vẫn giữ vị trí nổi trội trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của cả nước, như thương mại, vận tải kho bãi, du lịch, tài chính, công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ...; thu ngân sách nhà nước luôn giữ tỷ trọng cao nhất nước, quy mô ngày càng lớn, luôn đạt và vượt kế hoạch (ngoại trừ năm 2021 do chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19). Các giải pháp sáng tạo nhằm phát triển kinh tế từ Thành phố được lan tỏa ra cả nước, điển hình như các chương trình: Bình ổn thị trường, kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, kích cầu đầu tư và các giải pháp nhằm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Thành phố cũng là nơi thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng còn một số hạn chế, đó là đóng góp vào nền kinh tế của cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện, việc phát huy các nguồn lực để phát triển kinh tế có mặt chưa hiệu quả: Nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển Thành phố còn bất cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng chậm triển khai trong nhiều năm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch hằng năm; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài và trong nước có quy mô lớn.
Chủ động hợp tác với các địa phương. Thành phố tích cực thúc đẩy mối quan hệ với các địa phương thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch để cùng phát triển, thể hiện vai trò nòng cốt trong đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều địa phương; là trung tâm phân phối, tiêu thụ hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho liên vùng, cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước. Nhưng do cơ chế liên kết vùng vẫn còn những bất cập nhất định nên chưa thể phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Thành phố cũng như các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để cùng hợp tác phát triển toàn diện hơn.
Về hội nhập kinh tế quốc tế, Thành phố tích cực tham gia thực hiện các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà nước ta là thành viên, cùng với hoạt động xúc tiến, tạo điều kiện mở rộng xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, Thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 58 địa phương ở cả 5 châu lục. Các mối quan hệ này không những tăng về số lượng mà các hoạt động hợp tác được triển khai ngày càng đa dạng, mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần triển khai chính sách đối ngoại quốc gia, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tiếp tục phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế
Thời gian qua, Thành phố đã không ngừng phấn đấu vượt mọi khó khăn, thách thức, đồng lòng cùng cả nước, vì cả nước; vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; vừa nỗ lực, tăng tốc để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại để thực hiện định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đảng giao phó: Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á vào năm 2045(2). Để đạt được định hướng trên, nhiều vấn đề mới đặt ra cùng với những yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn; điều này, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Thành phố cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để đóng góp vào sự phát triển chung, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam:
Một là, tăng cường cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ và năng suất lao động cao. Phấn đấu tốc độ tăng GRDP hằng năm cao hơn mức bình quân chung cả nước. Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố và vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách và hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai là, tiếp tục phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế; sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch; hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể áp dụng các mô hình kiểu mới, chuyển đổi hoạt động hiệu quả; phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, năng lực cạnh tranh cao, có chính sách xây dựng một số doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước để tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ba là, duy trì phát triển các ngành công nghiệp then chốt, ưu tiên các ngành và sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử - viễn thông, cơ khí chính xác, chế tạo thông minh... Quy hoạch, chuyển đổi và phát huy hiệu quả mô hình các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao; phát triển kinh tế tri thức, sáng tạo, kinh tế số. Lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát triển nông nghiệp sinh thái; đi đầu xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng nội địa, từng bước tăng dần tỷ lệ tiêu thụ nội địa.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ trọng điểm có lợi thế so sánh và giá trị gia tăng cao, như thương mại, vận tải kho bãi, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch...; xây dựng cơ sở nền tảng để Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu và cung ứng đầu vào cho sản xuất. Hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường và thúc đẩy công nghệ số trong các ngành dịch vụ có mức độ sẵn sàng cao, như tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch số, văn hóa số…/.
---------------------------
(1) Xem: Võ Trần Chí: “Bước ngoặt của một chặng đường”, Thành phố Hồ Chí Minh hai mươi năm (1975 - 1995), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr. 511 - 532
(2) Xem: Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045”
Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền  (03/11/2024)
Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo  (28/10/2024)
Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay  (24/10/2024)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm