Tác động của điều kiện tự nhiên - xã hội đến công tác đấu tranh phản, bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay
TCCS - Với định hướng trở thành một trung tâm công nghiệp trọng điểm về kinh tế của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Giang đang từng bước vươn lên trở thành một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Bắc Giang cũng trở thành mục tiêu, địa bàn các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ra sức tuyên truyền chống phá. Do đó, hiểu rõ những đặc điểm tự nhiên, tình hình xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tổ chức, phối hợp các lực lượng nhằm đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian tới.
Một số yếu tố tác động đến công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
Thứ nhất, sự tác động của các điều kiện địa lý, dân cư
Bắc Giang là một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc). Tỉnh Bắc Giang có diện tích tự nhiên là 3.895 km² (đứng thứ 36 cả nước), có 10 đơn vị hành chính cấp huyện. Địa hình Bắc Giang gồm 2 tiểu vùng miền núi và trung du có đồng bằng xem kẽ. Vùng trung du có đồng bằng xen kẽ chiếm 28% diện tích toàn tỉnh, bao gồm các huyện: Hiệp Hoà, Việt Yên và thành phố Bắc Giang, vùng miền núi chiếm 72% diện tích, bao gồm các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng và Lạng Giang; trong đó, một phần các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên thế và huyện Sơn Động là vùng núi cao. Bắc Giang có gần 2 triệu dân và có trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó: Dân tộc Kinh chiếm đa số (88%), còn lại các dân tộc thiểu số khác chiếm 12%. Bắc Giang là tỉnh có số dân đông thứ 12 so với cả nước và có mật độ dân số bình quân cao hơn so với mật độ dân số bình quân cả nước.
Điều kiện địa lý và dân cư đó tạo ra một số thuận lợi nhất định cho công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Một là, với địa bàn không quá rộng, các chủ thể công tác tư tưởng, các chủ thể đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch có thể nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến tư tưởng của nhân dân nhanh chóng, kịp thời hơn. Hai là, với mật độ dân cư đông, cao hơn mật động trung bình cả nước, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp, có thể tác động đến đông đảo đối tượng trong mỗi hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Ba là, với trên 20 dân tộc cùng sinh sống, Bắc Giang trở thành điển hình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân" trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đối với công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Với trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, đòi hỏi các chủ thể tham gia đấu tranh sẽ phải nhiều hơn, phương pháp, hình thức tác động cũng phải đa dạng, phù hợp từng dân tộc. Các thế lực thù địch cũng thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, với địa hình kéo dài từ đông sang tây, xen kẽ giữa núi cao, trung du và đồng bằng, việc di chuyển, đi lại tương đối khó khăn, đặc biệt là những vùng hẻo lánh, dân cư thưa thớt, nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, sự tác động của yếu tố văn hóa
Bắc Giang nằm trong vùng văn hoá Kinh Bắc có đặc điểm văn hóa phong phú và đa dạng, được quy tụ và thể hiện thông qua đời sống, phong tục, tập quán truyền thống của cộng đồng các dân tộc; biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội truyền thống. Hằng năm, Bắc Giang có hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức; một số lễ hội tiêu biểu ở Bắc Giang, như: lễ hội Yên Thế; lễ hội Xương Giang; lễ hội Suối Mỡ; lễ hội Thổ Hà; lễ hội Chùa La (Vĩnh Nghiêm)… Bắc Giang có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với hơn 2.230 di tích, trong đó có 731 di tích được xếp hạng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng. Trong đó một số di tích, công trình tiêu biểu, như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên), những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử… Các lễ hội cổ truyền vẫn được gìn giữ và ngày càng phát huy, mở rộng thêm. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; dân ca quan họ; ca trù; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Bắc Giang cũng là nơi có kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, như: Truyện thần thoại, truyện cổ tích, huyền thoại, giai thoại, tục ngữ, ca dao, hát ví, hát trống quân, chèo, ca trù và dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Với bề dày văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thông qua hoạt động của các thiết chế văn hóa, các chủ thể tham gia công tác đấu tranh tư tưởng có nhiều thuận lợi để triển khai công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Sự đa dạng các giá trị văn hóa, nét sinh hoạt văn hóa cũng tạo thuận lợi cho việc đa dạng hóa phương pháp, hình thức, phương tiện tác động đến tư tưởng các đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau. Đồng thời, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự giao lưu, đoàn kết các dân tộc, củng cố “thế trận lòng dân” trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sự đa dạng các giá trị văn hóa cũng tạo ra một số thách thức. Nếu không được quan tâm, đầu tư bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị, các giá trị văn hóa truyền thống, di tích, di sản văn hóa rất dễ xuống cấp, mai một, bị lấn át bởi văn hóa ngoại lai. Mặt khác, nếu việc đầu tư thiếu hợp lý, hài hòa giữa các vùng, các dân tộc, dễ dẫn đến nguy cơ bất hòa giữa các cộng đồng dân cư, gây mất ổn định đời sống xã hội, tạo cớ để các thế lực thù địch kích động gây chia rẽ, chống phá.
Thứ ba, sự tác động từ yếu tố kinh tế - xã hội
Trong những năm gần đây, Bắc Giang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Nhiều khu, cụm công nghiệp được đầu tư, xây dựng và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ đang dần chiếm ưu thế, tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản trong cơ cấu kinh tế dần thu hẹp. Ngành nông, lâm, thuỷ sản hiện đang được tái cơ cấu và phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin bảo đảm cho việc liên lạc và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Toàn tỉnh đến nay có 9 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng, trong đó có 8 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1.792,5ha; 6 khu công nghiệp đang hoạt động, điển hình như các khu công nghiệp: Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung… Các khu công nghiệp được quy hoạch nằm dọc theo quốc lộ 1A mới Hà Nội - Lạng Sơn, đường tỉnh lộ 295, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường hàng không và các cảng sông, cảng biển.
Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được bảo đảm. Song, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng tạo ra những khó khăn, thách thức nhất định, đó là sự chênh lệch phát triển giữa các vùng, khoảng cách giàu nghèo đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong khi các điều kiện về kết cấu hạ tầng xã hội chưa theo kịp, nguy cơ dẫn đến mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường.
Thứ tư, sự tác động từ yếu tố chính trị - xã hội
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang hiện có 14 đảng bộ trực thuộc, 581 tổ chức cơ sở đảng, 4.343 tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ cơ sở với 89.455 đảng viên. Trong 4 năm (2020 - 2023), toàn tỉnh kết nạp được 8.807 đảng viên, riêng năm 2023 kết nạp 2.614 đảng viên; nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ tỉnh lên 89.455 đồng chí. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh có 145 đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp (cấp huyện 8 đồng chí, cấp xã 138 đồng chí); 9 đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Đến nay, toàn tỉnh có 115/123 thủ trưởng cơ quan hành chính, 103/108 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp và 38/45 chủ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước làm bí thư cấp ủy cơ sở.
Các tổ chức đảng, đảng viên trên địa bàn tỉnh quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, của Tỉnh ủy về đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn, nên có sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn một số tổ chức đảng, đảng viên còn chủ quan, mơ hồ trong công tác đấu tranh. Trên địa bàn tỉnh có một số vụ, việc sau khi được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát đã phát hiện sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có cán bộ, đảng viên là người đứng đầu có tác động không tốt đến niềm tin của nhân dân, đồng thời tạo cớ để các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, chống phá.
Thứ năm, sự tác động của âm mưu “diễn biến hòa bình”, sự chống phá của các thế lực thù địch
Những năm gần đây, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng internet, các phương tiện truyền thông xã hội để xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các đối tượng trên thông qua phương tiện truyền thông xã hội phát tán tin, bài, video, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, trong đó có nhiều vụ, việc trên địa bàn tỉnh, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Tăng cường đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng các dự án khu, cụm công nghiệp...; thực hiện việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính xã, phường, huyện... Những công việc đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song cũng làm ảnh hưởng đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân; xáo trộn đời sống của người dân, tạo cớ để các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá:
Một là, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những hạn chế trong công tác quản lý thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xuyên tạc, bôi nhọ uy tín của chính quyền, tổ chức đảng, kêu gọi biểu tình, gây rối trật tự công cộng, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, âm mưu làm mất ổn định chính trị - xã hội tại những địa phương có nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, như Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế...
Hai là, lợi dụng sự khác biệt về văn hóa giữa đồng bào các dân tộc, giữa các tôn giáo, vùng, miền để kích động gây chia rẽ hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lợi dụng việc tổ chức chưa ổn định để gây mất an ninh, trật tự ở các đơn vị hành chính mới sắp xếp, như thành phố Bắc Giang, thị trấn Chũ và các huyện Lục Nam, Sơn Động…
Ba là, thúc đẩy “tự diễn biến” tư tưởng trong giới trẻ, công nhân trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh các khu, cụm công nghiệp, số lượng công nhân trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhanh, đa số là lao động trẻ, nhận thức chính trị và “sức đề kháng” trước các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc còn hạn chế... Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh tuyên truyền các thông tin xấu, độc vào giới trẻ, công nhân, với thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, làm thay đổi nhận thức, gieo rắc những tư tưởng, lối sống, ứng xử xã hội lệch lạc.
Âm mưu, thủ đoạn và phương thức chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, do đó, công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng; xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra; ra sức xây dựng “thế trận lòng dân” trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là các địa phương có công trình, dự án trọng điểm cần tích cực, chủ động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương liên quan đến các công trình, dự án, nhất là tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng...; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội lắng nghe kịp thời, đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Thứ hai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách liên quan đến các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; chỉ đạo các cơ quan báo chí trong tỉnh thực hiện và phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương và các tỉnh, thành, địa phường trên cả nước kịp thời thông tin một cách chính xác, đầy đủ, khách quan về các vấn đề liên quan đến các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, ban chỉ đạo 35 các cấp chủ trì điều phối và tích cực triển khai kế hoạch đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, thanh niên trong các nhà máy, khu công nghiệp để nâng cao nhận thức chính trị và có khả năng “tự đề kháng” trước những thông tin xấu, độc.
Thứ tư, kết hợp triển khai tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, an ninh, nghiệp vụ, kinh tế..., phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, kịp thời xử phạt các cá nhân, tổ chức đăng tải, tuyên truyền những thông tin sai trái, xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng.
Thứ năm, mở rộng đội ngũ thông tin viên, nhất là đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân cần được tập huấn những kỹ năng đấu tranh cơ bản, nhất là hiểu, biết vận dụng những yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, điều kiện tự nhiên đặc thù của Bắc Giang vào công tác đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.../.
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ  (04/06/2024)
Tỉnh Bắc Giang khắc phục “điểm nghẽn”, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững  (26/03/2024)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang  (18/01/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển