Hoàn thiện hệ thống chính sách hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội dựa trên quyền con người
TCCS - Ngày 16-9-2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: PGS, TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Hội đồng Nghị viện Liên hợp quốc (UNPA), Ngân hàng Thế giới (WB); đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học…
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã đạt được nhiều thành tựu, quan trọng:
- Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về chính sách xã hội có chuyển biến rõ rệt. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội. Chỉ số phát triển con người (HDI) có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2019).
- Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt và là chính sách được thực hiện tốt nhất trong các chính sách xã hội. Công tác xác nhận người có công được thực hiện bảo đảm không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
- Chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống.
- Quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được bảo đảm tốt hơn, hệ thống chính sách được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; các chính sách được ban hành và thực hiện trong 10 năm qua đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, các địa phương cũng chủ động ban hành một số chính sách riêng hỗ trợ tích cực, kịp thời hơn cho nhóm yếu thế.
- Sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp ngày càng tích cực và hiệu quả thông qua các chương trình giảm nghèo, các phong trào thi đua, chăm lo cho nhóm đối tượng đặc thù, dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật, bảo hiểm y tế cho người nghèo…
- Hợp tác quốc tế được mở rộng đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong thực hiện các chính sách xã hội, các công ước, điều ước và khuyến nghị quốc tế về lao động, việc làm và an sinh xã hội được nghiên cứu và nội luật hóa.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Bùi Tôn Hiến cho biết, chính sách người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được thực hiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế -xã hội cho phép; đã trở thành phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh hằng năm; giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị công nhận người có công còn tồn đọng vào năm 2020. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có hơn 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Đến năm 2020, bảo đảm 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ…
Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đổi mới về phương thức, giải pháp thực hiện, tập trung vào các đối tượng nghèo nhất với nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn kết giữa tạo sinh kế, việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; nhiều địa phương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1% - 1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010…
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội.
Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng đề xuất định hướng chính sách xã hội trong giai đoạn mới cần đặt mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội theo hướng trở thành hệ thống an sinh xã hội đa tầng thực sự, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, đáp ứng cú sốc, nhạy cảm về giới và bảo đảm rằng Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế nhanh chóng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Để đạt được các mục tiêu và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất trong lĩnh vực an sinh xã hội, chương trình cải cách chính sách xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần tập trung vào bốn lĩnh vực chính sách cơ bản: 1- Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng hiệu quả, tăng cường sự kết nối và phối hợp giữa các nhánh chính sách trong hệ thống an sinh xã hội nhiều cấp. 2- Tăng cường sự tập trung vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng sức hấp dẫn đối với người lao động. 3- Tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội. 4- Thúc đẩy tính liên kết giữa các chính sách an sinh xã hội và các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả chính sách kinh tế.
Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã nhận được 42 ý kiến tham gia, đóng góp xây dựng của các thành viên Tổ Biên tập, thành viên Ban Chỉ đạo; gần 100 ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương; 21 ý kiến bình luận, góp ý của các chuyên gia cao cấp lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, chính sách xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm trên 10% tổng dân số từ năm 2011 và là một trong 5 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, diện tích đất ở, đất sản xuất bị thu hẹp; các thiệt hại về kinh tế, con người ở các vùng chịu ảnh hưởng gia tăng, tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân… tạo áp lực trực tiếp đến hệ thống an sinh xã hội. Hướng đến việc thực hiện tốt nhất các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, an dân, an cư, cần có các quan điểm phát triển cũng như các mục tiêu phù hợp trong giai đoạn tới:
Một là, xây dựng và thực hiện chính sách xã hội bao trùm, toàn diện, bền vững; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội dựa trên quyền con người.
Hai là, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại, hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng linh hoạt và hiệu quả trước các rủi ro; bảo đảm ngày càng tốt hơn những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân.
Ba là, phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hội nhập, tạo việc làm có năng suất cao và bền vững; đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phổ cập nghề cho người lao động; tận dụng hiệu quả cơ cấu "dân số vàng", chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Bốn là, đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội phù hợp với khả năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm là, thực hiện chính sách xã hội chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội./.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa  (13/09/2022)
Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh  (11/09/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm