Phòng, chống lãng phí, tăng cường nguồn lực xây dựng đất nước
TCCS - Qua thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, một trong những trở lực cho sự phát triển đất nước là tệ lãng phí. Lãng phí làm tổn thất lớn tài nguyên quốc gia, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống lãng phí đi đôi với thực hành tiết kiệm, nhất là trong điều kiện nước ta đang thực hiện “mục tiêu kép”, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID -19.
Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc tác hại của tệ nạn lãng phí đối với công cuộc xây dựng đất nước: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”(1). Bác yêu cầu các tổ chức đảng, Chính phủ, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi người dân phải ra sức tiết kiệm, đấu tranh chống lãng phí, để cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về phòng, chống lãng phí, Đảng ta xác định cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí là một cuộc đấu tranh phức tạp, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Đảng ta chỉ rõ: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).
Theo khoản 2, Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”. Như vậy, có thể hiểu lãng phí là quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả, thường tập trung vào một số lĩnh vực, như quản lý xây dựng cơ bản, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, trụ sở làm việc, nhà công vụ; sử dụng các nguồn thu thường xuyên từ ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước; quản lý thời gian, sức lao động, nguồn nhân lực;…
Biểu hiện của lãng phí rất đa dạng, để xem xét một việc làm, một hành vi có gây ra lãng phí hay không, cần so sánh việc sử dụng các nguồn lực với các tiêu chuẩn, định mức và chế độ mà Nhà nước quy định. Nếu sử dụng vượt mức tiêu chuẩn, định mức và chế độ là lãng phí, còn nếu sử dụng đúng định mức là không lãng phí. Nhưng cũng có những trường hợp, tuy sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng chất lượng đạt thấp hơn hoặc không đúng mục tiêu đã xác định. Trong trường hợp này cần đánh giá chất lượng công việc đã làm có đạt yêu cầu không hoặc có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Lãng phí có thể xảy ra ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trong mỗi gia đình, cá nhân và trong toàn xã hội; có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng. Vì thế, cần đặt ra yêu cầu phòng, chống lãng phí một cách toàn diện, triệt để, hệ thống, đồng bộ. Lãng phí có cấp độ từ thấp đến cao. Lãng phí (theo nghĩa thông thường nhất) là sự tiêu phí tài sản, của cải, công sức, thời gian, có thể ngẫu nhiên, theo thói quen, mà chính đối tượng gây ra lãng phí cũng không nhận thức được hoặc cố tình lãng phí. Lãng phí làm thiệt hại của cải, vật chất (mà phần lớn là tài sản công), nếu xảy ra có tính phổ biến, thường xuyên, ở nhiều nơi, nhiều đối tượng trong xã hội, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm mất lòng tin trong nhân dân, do vậy cần phòng, chống quyết liệt, triệt để.
Đối lập với lãng phí là tiết kiệm. Tiết kiệm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(3). Tiết kiệm không phải bủn xỉn, mà những việc mang lại lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của cũng sẵn lòng thực hiện. Tiết kiệm là sử dụng đúng mức, không phung phí sức lực, thời gian, của cải và có thể để dành do biết chi tiêu, sử dụng đúng mức trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt. Tiết kiệm là sử dụng nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực ở mức thấp hơn quy định nhưng vẫn mang lại kết quả tốt, vẫn đạt được mục đích đã đề ra. Tiết kiệm được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc sách, là rất cần thiết; phải đi đôi với chống xa hoa, lãng phí. Từng quốc gia và từng gia đình sẽ không thể giàu mạnh nếu để xảy ra tình trạng lãng phí một cách phổ biến. Chống lãng phí luôn phải đi cùng với thực hành tiết kiệm.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống lãng phí
Để có cơ sở pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân, những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo về công tác này(4). Hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước và đẩy mạnh cải cách hành chính. Bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhờ vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Sau 35 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt”(5). “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chỉ đạo để hoàn thiện các luật, quy định về phòng, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo thực hiện phòng, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý tài nguyên, vốn, tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp… Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả bước đầu quan trọng”(6).
Công tác quản lý ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán. Việc đẩy mạnh cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước đã khuyến khích chính quyền địa phương các cấp quan tâm đầu tư phát triển. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm điều hành chính sách tài khoá chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, chống lãng phí, minh bạch trong thu chi ngân sách nhà nước. Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá độ minh bạch ngân sách đạt 65,41 điểm, xếp thứ 42/100 quốc gia(7).
Năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng). Chính phủ chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng). Thủ tướng Chính phủ giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 một lần theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định. Kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao, góp phần vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2020; giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách(8).
Trong đầu tư công, quản lý tài sản công, năm 2020, Chính phủ ban hành 17 nghị định, 1 quyết định, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản công giúp cho việc mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn. “Việc thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung; sắp xếp xe ô tô công theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã phát huy hiệu quả, giảm số lượng xe ô tô công, kinh phí sử dụng xe, nhân viên lái xe, tăng hiệu suất sử dụng xe, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, dư luận xã hội đồng tình”(9). Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công. Chống lãng phí được thực hiện thông qua việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu thông qua tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án,… Thực hiện chống lãng phí ngay từ chủ trương đầu tư.
Công tác quản lý trụ sở làm việc, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật. Thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, ngày 19-1-2007, của Thủ tướng chính phủ “Về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước”, các cấp, các ngành và địa phương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất, qua đó đã cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất đang quản lý; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất được Nhà nước giao, cho thuê đúng mục đích, đúng công năng, tiết kiệm và hiệu quả. Tổng giá trị tài sản tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công ngày 31-12-2019 là 1.398.748 tỷ đồng, trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất là 890.558 tỷ đồng; nhà: 365.967 tỷ đồng; ô tô: 25.420 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/ đơn vị tài sản là 116.545 tỷ đồng(10).
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, với các biện pháp ngày càng đồng bộ, từ khâu quản lý quy hoạch đến khai thác. Việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất đã có nhiều chuyển biến tích cực: Nhà nước ban hành hàng loạt các chính sách điều chỉnh về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bước đầu tạo được khung pháp lý khá đầy đủ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên đất đã quán triệt được các chủ trương của Đảng về quản lý, khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên đất. Đồng thời, bảo đảm mọi tài sản nhà nước đều có người chịu trách nhiệm bảo vệ, sử dụng, phát triển và phát huy vai trò kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có nhiều đổi mới; chất lượng quy hoạch sử dụng đất được nâng lên, bước đầu kiểm soát được việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất.
Năm 2020, ngành thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế là 86.369 tỷ đồng, 6.366ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830ha đất. Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536ha đất. Bên cạnh đó, tiến hành xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và 485 cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định 97 vụ, 99 đối tượng. Hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, đã đưa hơn 63.000ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển dịch gần 76.000ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất, kinh doanh, phát triển đô thị. Thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30.000ha đất(11).
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế. Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; năm 2020 thực hiện tinh giảm biên chế gần 24 nghìn người. Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm). Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả; giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Việt Nam(12). “Cổng dịch vụ quốc gia sau một năm vận hành, đến năm 2020, đã có hơn 2,6 nghìn dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6,7 nghìn thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu 9%) với hơn 99 triệu lượt truy cập… Theo đánh giá của Liên hợp quốc, xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãng thổ, duy trì đà tăng liên tục từ năm 2014 (xếp thứ 99/193), được xếp vào nhóm các nước phát triển chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung bình thế giới”(13).
Những hạn chế của công tác phòng, chống lãng phí
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp, biện pháp cụ thể để phòng, chống lãng phí, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phòng, chống lãng phí hiện nay của nước ta vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt... Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(14). Hiện nay, tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực, như đầu tư cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên... tuy từng bước được khắc phục nhưng còn chậm. Còn không ít bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong triển khai, thực hiện công tác phòng, chống lãng phí. Tình trạng lãng phí trong tổ chức lễ hội, hội thảo, gặp mặt, tiếp khách… vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Công tác quản lý, sử dụng đất tại một số địa phương còn hạn chế, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí, sai phạm trong quản lý. Tỷ lệ hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý đất thuộc sở hữu nhà nước chưa cao. Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản của một số doanh nghiệp tại nhiều địa phương vẫn còn sai phạm, dẫn đến lãng phí tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường. Cải cách hành chính và sử dụng thời gian lao động của cán bộ, công chức vẫn còn nhiều hạn chế… Điều đáng nói là, một số cấp ủy, đơn vị buông lỏng, có phần coi nhẹ cuộc đấu tranh này. Những hạn chế trên dẫn đến làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh tế, xã hội, làm giảm tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguyên nhân của tệ lãng phí trên là do:
Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đối với công tác phòng, chống lãng phí chưa chặt chẽ, sâu sát, thường xuyên; việc xử lý lãng phí nhiều nơi còn chưa nghiêm. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí, nhưng việc thực thi trong thực tế vẫn còn hạn chế. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong các lĩnh vực chưa đồng bộ; một số quy định mang tính hình thức hoặc không khả thi; nhiều định mức, tiêu chuẩn chưa sát, chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc thực thi hạn chế. Một số cơ chế, chính sách không phù hợp hoặc chồng chéo, gây nên sự thất thoát, lãng phí tài sản công. Hằng năm, nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được xét xử cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận những người thi hành công vụ, cả người có thẩm quyền và người thực thi còn hạn chế, yếu kém. Việc xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng và chỉ được xử lý cùng tham nhũng như một hệ lụy kéo theo.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chống lãng phí đạt hiệu quả chưa cao, chưa tạo được dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng ý thức văn hoá tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, định mức phù hợp để định hướng việc tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ba là, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng, triển khai thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thiếu đôn đốc, kiểm tra để phát hiện hành vi gây lãng phí trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Còn tình trạng e dè, nể nang hoặc vì “lợi ích cục bộ”, “lợi ích nhóm” mà không dám đấu tranh với những biểu hiện vi phạm lãng phí của cán bộ, đảng viên, tổ chức mình. Một số cán bộ, đảng viên do thiếu tự giác rèn luyện, tu dưỡng, đã sa vào tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Công tác giáo dục, quản lý, kiểm tra cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi chưa được sát sao, còn buông lỏng.
Bốn là, tệ quan liêu, tham nhũng chưa được đẩy lùi, đây là tác nhân gây ra lãng phí lớn cho xã hội. Thực tế cho thấy, lãng phí có mối liên hệ với quan liêu, tham nhũng. Lãng phí và quan liêu thường đi liền với nhau. Tệ quan liêu là yếu tố làm phát sinh, phát triển và nuôi dưỡng tệ lãng phí. Ở đâu có tệ quan liêu, thì ở đó tệ lãng phí cũng tồn tại, phát triển. Lãng phí dung túng và là cái “ô” che cho tham nhũng phát triển, ngược lại tham nhũng càng khiến lãng phí thêm trầm trọng. Cả tham nhũng và lãng phí đều là những nguyên nhân trực tiếp làm thâm hụt ngân sách nhà nước, làm suy yếu các nguồn lực phát triển và là những mối đe doạ đến sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.
Năm là, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Có lúc, có nơi còn hiện tượng buông lỏng quản lý gây lãng phí, trong đó có nguyên nhân là thiếu cơ chế hiệu quả loại bỏ những người làm việc không hiệu quả ra khỏi bộ máy nhà nước. Sự yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra thất thoát, lãng phí tài nguyên, tài sản công.
Sáu là, chưa tạo được cơ chế thực sự hữu hiệu cho việc giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể quần chúng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều lãng phí, sai phạm đã được phát hiện nhưng chậm xử lý, xử lý chưa nghiêm; việc động viên, khen thưởng người thực hiện tiết kiệm hoặc phát hiện lãng phí còn hạn chế.
Bảy là, hiện tượng lãng phí, với những biểu hiện đa dạng đang diễn ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng còn khó nhận diện. Đồng thời, còn thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý, dẫn đến việc lãng phí còn xảy ra phức tạp ở nhiều đơn vị, tổ chức. Do vậy, cần sớm ban hành các quy định pháp luật cụ thể để nhận diện, phát hiện và xử lý về vấn đề này.
Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí
Lãng phí làm tổn hại tài sản của đất nước và nhân dân, do đó, kiềm chế sự phát triển và lan rộng của hiện tượng lãng phí là công việc cấp thiết hiện nay. “Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ những hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí… Coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(15). Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, phòng chống lãng phí, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác cải cách thể chế xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Rà soát, bổ sung, sửa đổi kịp thời các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, theo hướng tăng cường công khai, minh bạch các khâu quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giao đất, cho thuê đất, quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản… Quy định rõ ràng, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với đất đai, tài nguyên thiên nhiên.
Hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách; chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công; các khoản chi thường xuyên; các định mức, tiêu chuẩn trong sản xuất tiêu dùng, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện kiểm toán công khai, minh bạch về tài chính. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đầu tư xây dựng, nhất là những hoạt động dễ phát sinh tiêu cực. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch trong giao dịch, giao tiếp ở các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng...
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định chất lượng công trình xây dựng… để phục vụ kịp thời, có hiệu quả việc xử lý hành vi lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, gây lãng phí.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động phòng, chống lãng phí, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống lãng phí. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của cộng đồng và nhân dân trong việc phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện lãng phí.
Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống lãng phí. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống lãng phí. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong việc trau dồi phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính và kiên quyết đấu tranh chống lãng phí trong công tác và trong đời sống cá nhân. Bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí. Có hình thức xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu để xảy ra lãng phí, thất thoát ở bất kỳ cấp nào.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống lãng phí. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong định hướng dư luận về công tác phòng, chống lãng phí, nêu bật những kết quả tích cực, cũng như phát hiện những hạn chế, yếu kém, khó khăn, phức tạp trong công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống lãng phí. Khắc phục thông tin một chiều, xử lý nghiêm việc đưa thông tin sai sự thật, gây hậu quả xấu. Qua báo chí, tăng cường nhận thức của mỗi cá nhân về ý thức thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, để hướng tới xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí trong toàn dân./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 357
(2) Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-2-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 122
(4) Chỉ thị số 21/CT-TW, ngày 21-12-2012, của Ban Bí thư“Về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10-1-2019, của Bộ Chính trị,“Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực”; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và 2013, Quyết định số 2544/QĐ-TTg, ngày 30-12-2016, của Thủ tướng Chính phủ “Về ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2020”, Quyết định số 1845/QĐ-TTg, ngày 2-11-2021, của Thủ Tướng Chính phủ, “Về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025”…
(5), (14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 21-22, 92-93
(6), (9), (13), (15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 210-211, 211, 53, 250-251
(7) (10) Xem: Báo cáo số 150/BC-CP, ngày 16-4-2020, của Chính phủ, về “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019”
(8), (11), (12), Xem: Báo cáo tóm tắt số 258/BC-CP, ngày 27-7-2021, của Chính phủ, về “Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020”
Những vấn đề cơ bản về đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay  (15/12/2021)
"Khát vọng phát triển đất nước" - Bài học nhìn từ thế giới và lịch sử phát triển Việt Nam  (20/07/2021)
Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới  (14/07/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên