Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV
TCCS - Ngày 20-7-2021, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV khai mạc trọng thể dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Vương Đình Huệ. Tại kỳ họp này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tạo tiền đề, động lực rất quan trọng cho hoạt động của bộ máy nhà nước trong cả nhiệm kỳ khóa XV.
Buổi sáng, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV khai mạc trọng thể dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Vương Đình Huệ.
Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; các đồng chí trong đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cùng 499 đại biểu vừa được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đã diễn ra thành công tốt đẹp, thực sự là “ngày hội lớn của toàn dân”, để lại dấu ấn và mốc son mới trong lịch sử Quốc hội nước ta, được nhân dân, cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát rất phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, một số địa bàn, cơ sở, xã, phường, khu công nghiệp… phải áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly, nhưng đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay và tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao (đạt tỷ lệ 99,6%). Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm chính trị rất cao và niềm tin tưởng sâu sắc của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, thành công của cuộc bầu cử càng khẳng định sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; càng khó khăn, thách thức thì tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của dân tộc càng được phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực không quản ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến hết mình của của đội ngũ cán bộ ngành y tế, các chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng chức năng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, các lực lượng phục vụ công tác bầu cử. Đồng thời, trân trọng ghi nhận, biểu dương sự chung sức, đồng lòng, tham gia tích cực, tự nguyện, có trách nhiệm của cử tri, đồng bào cả nước. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, chu đáo, chuyên nghiệp, linh hoạt và sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy ban bầu cử các cấp và cả hệ thống chính trị đã tạo nên thành công của cuộc bầu cử.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội mới trúng cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội tiền nhiệm, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khóa XIV, với nhiều thành tựu to lớn trên cả phương diện lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân và cử tri cả nước, đúc kết được nhiều bài học quý, nhiều kinh nghiệm hay, cần được kế thừa và phát huy trong nhiệm kỳ này. Quốc hội khóa XV mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý, chia sẻ, đồng hành của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân nhằm tiếp thêm động lực, sức mạnh để Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV diễn ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở một số địa phương, với khối lượng công việc nhiều, nội dung hết sức quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý và kỳ vọng rất lớn của cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài. Thành công của kỳ họp này sẽ là tiền đề, động lực rất quan trọng cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ khóa XV. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, tập trung cao độ, phát huy trí tuệ, tận dụng thời gian đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết và chất lượng, góp phần vừa rút ngắn thời gian vừa bảo đảm cho kỳ họp thành công tốt đẹp.
Theo chương trình làm việc, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét quyết định 5 nội dung quan trọng:
Thứ nhất, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia về tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử; báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước. Đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước cả nhiệm kỳ. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, thảo luận dân chủ, cân nhắc kỹ lưỡng, sáng suốt quyết định bầu và phê chuẩn các nhân sự được giới thiệu.
Thứ ba, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; xem xét, quyết định các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế, xã hội, tài chính quốc gia; đầu tư công trung hạn. Việc Quốc hội xem xét, quyết định đồng thời các kế hoạch 5 năm tại Kỳ họp thứ nhất nhằm bảo đảm tính tổng thể và là cơ sở quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện để các cơ quan, các ngành, các cấp, các địa phương sớm chủ động triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ tư, xem xét, quyết định 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ năm, xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, trải qua hơn 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta đã luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của hơn 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án công trình quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước. Tập trung làm tốt công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định là, tất cả các vị đại biểu Quốc hội khóa XV cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.
Sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự trình bày báo cáo kết quả xác nhận tư cách 499 đại biểu Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ và tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội khoá XV Vương Đình Huệ khẳng định: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức, đồng chí Vương Đình Huệ cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu đồng chí giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định sẽ cống hiến hết sức mình, cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm Quốc hội Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển đất nước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao uy tín Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Quốc hội; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân; đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, tham vấn, lắng nghe ý kiến, gắn bó chặt chẽ với cử tri.
Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành bầu 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Với tổng số 483/483 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 96,79% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV gồm: Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khóa XIV; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với tổng số 475/475 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 95,19% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV gồm các Ủy viên Trung ương Đảng: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Hoàng Thanh Tùng, Lê Thị Nga, Vũ Hồng Thanh, Nguyễn Phú Cường, Lê Tấn Tới, Nguyễn Đắc Vinh, Nguyễn Thúy Anh, Lê Quang Huy, Vũ Hải Hà, Bùi Văn Cường, Nguyễn Thị Thanh và Dương Thanh Bình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tiến hành phiên họp thứ nhất về chuẩn bị dự kiến nhân sự Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước và thực hiện một số nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra đến hết ngày 31-7-2021./.
Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội  (19/07/2021)
Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ họp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV  (18/07/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển