Để góp phần mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế đối ngoại của ngành du lịch Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế
TCCS - Du lịch là một hình thức của kinh tế đối ngoại đồng thời là một ngành dịch vụ mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của nhiều quốc gia. Thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND, ngày 13-7-2012, của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, về quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Thành ủy Hà Nội, về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo…; trong những năm qua, Hà Nội đã nỗ lực khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của đất nước, khẳng định vai trò là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách du lịch chủ yếu của khu vực phía Bắc, là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất khu vực châu Á, đóng góp mạnh mẽ vào thực hiện các mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, cũng như tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thực trạng phát triển du lịch của thành phố Hà Nội
Nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, Thủ đô Hà Nội đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa ngay từ những buổi đầu của lịch sử đất nước. Ngày 16-7-1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập tỉnh Hà Tây) vào tháng 8-2008, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là địa phương đứng thứ hai về dân số với hơn 8 triệu người, mật độ dân số 2.398 người/km² (năm 2019). Năm 2019, Hà Nội là đơn vị hành chính Việt Nam xếp thứ hai về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 41 về tốc độ tăng trưởng GRDP. GRDP đạt 971.700 tỷ đồng (tương đương 41,85 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 120,6 triệu đồng (tương đương 5.200 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,62%.
Hà Nội không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu ôn hòa, phong cảnh độc đáo,… mà còn nơi hội tụ của nhiều lễ hội có giá trị cao về truyền thống, bản sắc và văn hóa tâm linh; đặc biệt, từng là kinh đô của nước Việt Nam trong nhiều triều đại (thời nhà Lý, Trần, Mạc, Tiền Lê, Tây Sơn), với những tên gọi khác nhau, như Đại La, Thăng Long. Bên cạnh đó, người dân Hà Nội cũng vô cùng thân thiện và hiếu khách. Những yếu tố “địa lợi, nhân hòa” mang đến cho Hà Nội những tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch riêng có của mình, từ du lịch MICE(1), du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch ẩm thực, du lịch phố cổ - làng nghề, du lịch xanh..., cho đến du lịch văn hóa - tâm linh.
Trên cơ sở từng bước định hướng phát triển du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng khai thác thị trường quốc tế, trong những năm qua, du lịch của Hà Nội luôn nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức du lịch uy tín quốc tế; đồng thời, nhận được nhiều giải thưởng và đề cử danh giá bởi các tổ chức quốc tế.
Giai đoạn 2016 - 2018, lượng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội lên tới 22,5%/năm. Năm 2018, Hà Nội đã đón 26,30 triệu lượt khách (tăng 10,4%), chiếm 27,5% cả nước; trong đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 6.005 triệu lượt, chiếm tỷ trọng 38,7% so với cả nước, hoàn thành vượt 105,2% chỉ tiêu đến năm 2020 tại Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Theo bảng xếp hạng 100 thành phố điểm đến hàng đầu năm 2018 của Tập đoàn EuroMonitor International công bố vào ngày 5-12-2018, Hà Nội đứng thứ tư so với Thủ đô các nước trong khu vực Đông Nam Á về đón khách quốc tế, sau Băng-cốc (Thái Lan, với 23,69 triệu lượt), Xin-ga-po (18,55 triệu lượt), Cu-a-la Lăm-pơ (13,43 triệu lượt). Doanh thu từ khách du lịch tăng từ 61.778 tỷ đồng (năm 2016) lên 77.480 tỷ đồng (năm 2018). Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ khách du lịch bình quân trong 3 năm (2016 - 2018) đạt 12,1%.
Năm 2019, Hà Nội đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến ưa thích nhất (theo TripAdvisor); xếp thứ 15 trong bảng xếp hạng 20 điểm đến thành phố du lịch hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương (theo MasterCard); được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới tiếp tục đề cử là một trong 19 ứng cử viên hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới”. Theo số liệu thống kê, lượng khách Hà Nội đến Hà Nội trong năm 2019 đạt 28,58 triệu lượt khách, tăng 9,8% so với số thực hiện năm 2018, trong đó số lượng khách quốc tế đạt 7,025 triệu lượt, tăng 17%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 103.812 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 60% - 65%. Với kết quả này, ngành du lịch của Thủ đô đã về đích sớm trước 2 năm về chỉ tiêu đón 5,7 triệu lượt khách quốc tế theo mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2017, của Thành ủy Hà Nội đề ra; đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Hà Nội…
Năm 2020, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón gần 32 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 8,2 triệu khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 116.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, đã khiến ngành du lịch Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ước tính của Sở Du lịch thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch của Thủ đô chỉ đón 4,93 triệu lượt khách, giảm 65,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 987.000 lượt, giảm 68,8% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa ước đạt 3,95 triệu lượt, giảm 64,4% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18.900 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Có thể nói, hoạt động kinh tế du lịch ở Hà Nội thời gian qua đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Thông qua du lịch, kinh tế của Hà Nội từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Phát triển du lịch nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội, giữa vững bản sắc dân tộc. Tháng 9-2019, Hà Nội cũng vinh dự là 1/19 ứng cử viên hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2019” (World’s Leading City Destination) do World Travel Awards (WTA) đề cử. Tại lễ vinh danh và trao Giải thưởng du lịch Việt Nam năm 2019, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được trao giải, như: Công ty cổ phần Hanoi Redtours, Công ty cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư Hà Nội, Công ty Vietrantour, Công ty Du lịch Vietsense, Công ty Lữ hành Hanoitourist, khách sạn Metropole Hà Nội…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành du lịch Hà Nội cũng có một số hạn chế khác, làm cho ngành du lịch chưa thực sự bứt phá. Đơn cử như, thị trường khách du lịch còn nhỏ so với khả năng đáp ứng; hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được hết nhu cầu phát triển của du lịch; vốn đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, khai thác hiệu quả chưa cao nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, tương xứng với tiềm năng; thiếu những khu du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ và sản phẩm du lịch nổi trội để cạnh tranh với các địa phương trên cả nước và trong khu vực; chất lượng môi trường sống còn nhiều hạn chế, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn giao thông chưa thực sự bảo đảm; nguồn nhân lực du lịch còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, nhất là đội ngũ nhân lực quản trị doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch... Ngoài ra, nhận thức xã hội về du lịch cũng chưa thực sự đồng đều ở các cấp, các ngành; chưa có cơ chế hữu hiệu giữa du lịch với các ngành, các cấp. Nhiều chính sách cũng chưa thực sự thuận lợi cho du lịch phát triển.
Để phát huy những giá trị đích thực
Trước xu thế phát triển du lịch quốc tế của thế giới và trong nước cũng như nhu cầu của người dân và du khách, để tiếp tục phát huy và định vị thương hiệu “Hà Nội - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn” trong lòng khách du lịch thế giới và người dân trong nước; đồng thời, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung, xin đề xuất một số biện pháp sau:
Một là, đặt phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc trưng của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, xã hội hóa cao, mang tính toàn cầu hóa, khu vực hóa. Chính vì vậy, cần nỗ lực chú trọng đầu tư vào phát triển lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; coi trọng công tác quy hoạch, gắn quy hoạch du lịch với quy hoạch kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương; đẩy mạnh triển khai đề án nâng cao chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao và danh mục các khu, điểm du lịch trọng điểm cần tập trung đầu tư đã được xác định. Song song với đó, phối hợp tham mưu thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao; thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp; xây dựng điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố.
Hai là, chú trọng hoạt động ma-két-tinh. Bên cạnh việc áp dụng nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch, như cải tiến các thủ tục; đầu tư xây dựng các loại hình dịch vụ đặc sắc, đầu tư trùng tu những di tích lịch sử, văn hóa,… thành phố Hà Nội còn thực hiện nhiều chiến lược ma-két-tinh để quảng bá hình ảnh du lịch đến du khách quốc tế, như thông qua việc khai thác và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông như Youtube, Facebook hay Twitter... để xây dựng mạng lưới thành viên “Hanoi fanclubs” tại nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới; quảng bá, khuếch trương ẩm thực của Thủ đô cũng như của đất nước ra nước ra nước ngoài với tên gọi “Hà Nội - bếp ăn của thế giới” (Hanoi - Kitchen to the world)… Bên cạnh đó, thực hiện số hóa các điểm đến điểm du lịch của các quận, huyện trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360, 3D, FLYCAM, công nghệ thực tế ảo,... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch.
Ba là, xác định rõ sự cần thiết hoạch định chiến lược cạnh tranh du lịch quốc gia và chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp lữ hành, từ đó xây dựng, triển khai kế hoạch và chương trình cạnh tranh cho từng thời kỳ, phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch; xác định đa dạng hóa sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút khách du lịch.
Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ du lịch, nhất là hướng dẫn viên du lịch. Lãnh đạo và người dân Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung quan niệm, khách du lịch đến với Hà Nội có yêu mến, ấn tượng tốt và muốn quay trở lại hay không phụ thuộc chủ yếu vào người hướng dẫn viên. Bởi họ là người đại diện cho thành phố, cho đất nước truyền tải nền văn hóa bản địa đến với khách du lịch quốc tế.
Năm là, thúc đẩy du lịch nội địa thông qua việc ủng hộ những chương trình quảng bá của các hãng lữ hành nội địa và các sự kiện du lịch trong nước, để bù đắp lại những thời điểm lượng khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội suy giảm. Bên cạnh đó, áp dụng những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng các tour du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để người dân trong nước có cơ hội được sử dụng dịch vụ chất lượng với giá tốt nhất, nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong nước
Sáu là, luôn nỗ lực đem lại sự hài lòng cho khách du lịch. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng “bắt chẹt” xảy ra ở nhiều điểm du lịch trong thành phố để khách du lịch khi đến Hà Nội luôn cảm giác thoải mái và hài lòng với cảm giác thực sự trở thành “thượng đế”. Cùng với nụ cười hiền hòa, hiếu khách là sự tôn trọng khách du lịch một cách đặc biệt của người bán hàng. Chính điều này sẽ níu chân khách du lịch và là ấn tượng tốt để Hà Nội luôn trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu giải trí, không gian thư giãn và mua sắm./.
---------------------
(1) loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, hoặc như những chương trình “tri ân khách hàng” cho các đối tác, khách hàng tiềm năng…
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt du khách trong quý IV-2020  (11/11/2020)
Quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội hiện nay  (06/11/2020)
Gắn kết du lịch Hà Nội với xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo  (05/11/2020)
Du lịch Quảng Ninh: Hướng mạnh vào dịch vụ đẳng cấp  (02/11/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên