Xuất bản Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức
TCCS - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang diễn ra với tốc độ nhanh và tác động ngày một lớn đến nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật, trong đó có ngành xuất bản. Trước những cơ hội cũng như thách thức đan xen, việc đánh giá khách quan sự phát triển của hoạt động xuất bản hiện nay dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cơ sở quan trọng cho việc hoạch định các chính sách phát triển mới đối với lĩnh vực đặc thù này.
Tình hình xuất bản Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương khóa IX, “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, ngày 29-12-2016, Ban Bí thư ra Thông báo số 19-TB/TW, “Thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Thông báo kết luận chỉ rõ: “Hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động xuất bản”. Ban Bí thư yêu cầu thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các đề án, chương trình để phát triển ngành xuất bản trong thời kỳ mới. Chú trọng tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà xuất bản, đồng thời kiện toàn tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động của các nhà xuất bản, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu,... phát triển xuất bản điện tử.
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là Luật Xuất bản năm 2012 và “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, ngành xuất bản có bước phát triển quan trọng. Hoạt động xuất bản có bước phát triển về quy mô, năng lực hoạt động, theo đó năm 2018 có 33,9 nghìn đầu sách với 372 triệu bản, tăng 18% về đầu sách và tăng 18,5% về bản sách so với năm 2017 (1). Nhiều bộ sách có giá trị cao thuộc các lĩnh vực, như sách nghiên cứu về chính trị, sách văn hoá - xã hội, sách khoa học - công nghệ, sách kinh tế và quản lý kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế... được xuất bản. Nhiều nhà xuất bản kinh doanh hiệu quả và có lãi, điển hình như Nhà xuất bản Trẻ (13,700 tỷ đồng), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (19,722 tỷ đồng), Nhà xuất bản Kim Đồng (30,350 tỷ đồng), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (104,793 tỷ đồng) (2). Năm 2019, doanh thu toàn ngành xuất bản đạt 2.775,127 tỷ đồng (tăng 10,7% so với năm 2018), nộp ngân sách 165,412 tỷ đồng (giảm 11,6% so với năm 2018) (3).
Lĩnh vực in ấn được quan tâm đầu tư phát triển, hiện đại hóa công nghệ; sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khác nhau. Quá trình cổ phần hóa, nhu cầu tăng trưởng của các ngành kinh tế đã tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp in mở rộng đầu tư, trang bị máy móc, hiện đại hóa quy trình, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng những đơn hàng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao. Mô hình tổ chức ngành in được sắp xếp lại. Năm 2019, cả nước có trên 1.900 cơ sở in công nghiệp (tăng 5,3% so với năm 2018) trong tổng số hơn 10.000 cơ sở in. Doanh thu ngành in đạt trên 96.000 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2018). Lợi nhuận ngành in đạt gần 8.000 tỷ đồng (tăng 4%), nộp ngân sách nhà nước 2.220 tỷ đồng (4).
Đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, nhiều đơn vị có tốc độ phát triển nhanh, như các công ty cổ phần phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Công ty cổ phần Văn hóa - Du lịch Gia Lai… Năm 2019, tổng số phát hành đạt 440 triệu bản (tăng 1,6% so với năm 2018), tổng doanh thu đạt 3.462 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2018) (5).
Hoạt động xuất nhập khẩu sách có bước phát triển. Thị trường sách được mở rộng thêm ở một số quốc gia: Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, phát triển thêm thị trường mới như Italia, Trung Quốc, Singapore. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sách, báo đạt 27,45 triệu USD (tăng gần 4% so với năm 2018), trong đó nhập khẩu: 23,25 triệu USD, xuất khẩu: 4,2 triệu USD (6).
Trong những năm gần đây, xuất bản phẩm điện tử từng bước lan tỏa và ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của độc giả. Bạn đọc, khách hàng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận và chọn lọc thông tin, cũng như có nhiều hơn sự lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu trên thị trường.
Công tác quảng bá, tổ chức hội chợ sách trong nước và tham gia hội chợ sách quốc tế được quan tâm, đầu tư. Nhận thức của các đơn vị xuất bản, phát hành sách và cơ quan quản lý nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của công tác quảng bá sách đã có sự chuyển biến tích cực. Hoạt động quảng bá sách, đặc biệt là các hội chợ sách tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thu hút độc giả thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt, ngày sách Việt Nam hằng năm không chỉ bó hẹp ở một số trung tâm, thành phố lớn mà đã được mở rộng đến nhiều địa phương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu) (7). Đồng thời, Việt Nam chủ động tham gia các hoạt động quảng bá sách, như Hội chợ sách quốc tế La Habana tại CuBa, tại Liên bang Nga; Hội chợ sách quốc tế tại Frankfurt, Đức; tổ chức giới thiệu sách Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Cộng hòa Séc; tổ chức triển lãm sách tại Hoa Kỳ nhân sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam”...
Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc trong ngành xuất bản tiếp tục được tăng cường để thích ứng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Tính đến tháng 3-2018, có gần 1.300 biên tập viên trên cả nước được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Đội ngũ cán bộ của ngành xuất bản từng bước tiếp cận với công nghệ tiên tiến, năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành xuất bản.
Cơ hội và thách thức đối với xuất bản Việt Nam trong thời gian tới
Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tác động trực tiếp và làm thay đổi toàn bộ “ngành công nghiệp tri thức”, từ cách tiếp cận thị trường, quy trình xuất bản, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, vấn đề bản quyền cho tới công tác quản lý xuất bản, văn hóa xuất bản (8). Thực tiễn cho thấy, Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ trên nền tảng internet, trí thông minh nhân tạo…, tạo ra những thay đổi đột phá trong toàn bộ công tác xuất bản, trong đó có bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet giúp xuất bản phẩm đến được tay độc giả trên khắp thế giới nhanh nhất, tiện ích nhất.
Về phía doanh nghiệp xuất bản, Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cơ hội cho sự ra đời xuất bản phẩm điện tử, in ấn được số hóa trên nền tảng công nghệ mới, phát hành, quảng bá xuất bản phẩm, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại giảm bớt, tạo điều kiện mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất bản phẩm. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng sách và bản quyền trên phạm vi toàn cầu diễn ra nhanh, thuận tiện hơn... Thông qua việc lưu vết dữ liệu của độc giả trên không gian mạng, các doanh nghiệp xuất bản, in ấn, phát hành thu thập được lượng dữ liệu khổng lồ, từ đó cập nhật được nhu cầu của bạn đọc, để có những đề tài sách, thiết kế ấn phẩm và cách tiếp thị cũng như phương thức cung cấp xuất bản phẩm đáp ứng được thị hiếu bạn đọc.
Việc quảng bá xuất bản phẩm trên nền tảng internet góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Qua đó, giúp độc giả trên thế giới có những thông tin chính xác về thành tựu đổi mới của đất nước ta, thêm hiểu và yêu mến Việt Nam, cộng đồng người Việt ở nước ngoài thêm gắn bó với quê hương, đất nước. Ở chiều ngược lại, ngành xuất bản Việt Nam có thêm cơ hội khai thác, chuyển tải các xuất bản phẩm giá trị của nước ngoài về Việt Nam, phục vụ nhu cầu của độc giả trong nước. Những thay đổi đó đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển xuất bản Việt Nam.
Bên cạnh nhiều thuận lợi, hoạt động xuất bản của Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Khi công nghệ và tự động hóa phát triển, các đơn vị xuất bản phải đối mặt với áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến và đổi mới dây chuyền công nghệ, nguồn nhân lực có năng lực về công nghệ cao… Công nghệ, nhân lực và nguồn vốn hiện nay của các đơn vị xuất bản, đặc biệt là lĩnh vực in ấn, phát hành của Việt Nam còn khá nhỏ bé. Số tác phẩm có giá trị chiếm tỷ lệ chưa cao. Năng lực, quy mô, trình độ của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế… Công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về xuất bản trên một số mặt chưa hiệu quả, nhất là quản lý xuất bản điện tử. Công nghệ xuất bản trong nước chưa bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ của thế giới thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0 và nếu có công nghệ mới, thì nguồn nhân lực kỹ thuật trong nước lại chưa đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn.
Mặt khác, tuy số đầu sách và số bản sách tăng đều đặn hằng năm nhưng đi cùng với đó là số lượng xuất bản phẩm sai phạm cũng có số lượng không nhỏ. Trong năm 2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 155 xuất bản phẩm vi phạm của các nhà xuất bản (101 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung; 5 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả; 49 xuất bản phẩm vi phạm các quy định khác của Luật Xuất bản)... Đối với mảng sách điện tử, từ năm 2016 đến đầu năm 2020, số lượng đề tài đăng ký dần suy giảm. Số đầu sách (tên sách) điện tử trên thị trường bị giảm sút: Năm 2016 số ebook đăng ký là gần 1.900 tên sách, thì đến năm 2019, chỉ còn 5 nhà xuất bản có khả năng xuất bản sách điện tử với 92 đề tài được đăng ký (9). Đây là hiện tượng đi trái với xu thế chung của thế giới, cũng như nhu cầu của bạn đọc...
Những thách thức, hạn chế trên là do một số cơ quan chỉ đạo, quản lý chưa kịp thời có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển. Nhiều vấn đề lý luận mới đặt ra trong công tác xuất bản chưa được nghiên cứu, làm rõ. Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản nhà xuất bản còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản chưa được triển khai đồng bộ; quy định pháp lý trong việc chống vi phạm bản quyền ở nước ta còn hạn chế. Năng lực, trình độ của một số cán bộ quản lý nhà xuất bản, biên tập viên, lao động ngành xuất bản chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động xuất bản trong tình hình mới…
Trước thực trạng đó, để ngành xuất bản của Việt Nam phát triển trên cơ sở tận dụng được những cơ hội, vượt qua những khó khăn từ tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, cần có hệ giải pháp đồng bộ, tập trung hiện đại hóa hoạt động xuất bản với kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin mở; đổi mới công tác quản lý hoạt động xuất bản theo hướng tăng cường vai trò công tác quy hoạch, định hướng, xây dựng hệ thống pháp luật đối với hoạt động xuất bản; quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn lại cơ sở đào tạo xuất bản, in, phát hành theo hướng chính quy, hiện đại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm; mở rộng hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế sâu rộng về khoa học - công nghệ, kỹ thuật xuất bản nhằm đa dạng hóa sản phẩm xuất bản, nâng cao năng lực nội tại của hoạt động xuất bản Việt Nam./.
------------------------------
(1) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê tóm tắt 2018, tr. 391
(2) Cục Xuất bản, In và Phát hành: Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản, phát hành năm 2018
(3), (5), (6) Cục Xuất bản - In và Phát hành: Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản, phát hành năm 2019
(4) https://zingnews.vn/nam-2019-xuat-ban-400-trieu-ban-sach-doanh-thu-2600-ty-dong-post1032094.html
(7), (9) Ban Tuyên giáo Trung ương: Kết luận Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019
(8) http://hvcsnd.edu.vn/home/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-40/xuat-ban-voi-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay  (30/04/2020)
Vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận diện tình hình thế giới hiện nay  (23/02/2020)
Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (21/02/2020)
Kinh tế số và cơ hội để Việt Nam bứt phá  (11/02/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển