Cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm để gây hạnh phúc cho dân. Không chỉ là người đầu tiên khởi xướng, Hồ Chí Minh còn là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Tư tưởng thi đua yêu nước của Người là hệ thống quan điểm về mục đích, nội dung, hình thức, biện pháp, vị trí, vai trò, nguyên tắc của thi đua. Mục tiêu của thi đua yêu nước là vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nội dung của thi đua chính là những công việc hàng ngày của mỗi con người. Động lực của thi đua yêu nước là lòng yêu nước, ý chí tự cường, lòng tự tôn và khí phách tự hào dân tộc.

Nhân kỷ niệm 60, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2008), Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội thảo: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước”.

Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

- Làm rõ những giá trị vĩnh hằng của tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh được thể hiện trong các tác phẩm, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt các tư tưởng của Người về: bản chất, mục tiêu, nội dung, nguyên tắc, hình thức, biện pháp, vị trí, vai trò của thi đua yêu nước...

Nội dung cốt lõi cũng như bản chất thực sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào hành động yêu nước, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc cách mạng, thực hiện tốt hơn những công việc hàng ngày. Tư tưởng của Hồ Chí Minh thi đua yêu nước xuất phát và biểu hiện trên những vấn đề cơ bản: hiểu sâu sắc truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và tầm quan trọng của thi đua yêu nước; chỉ rõ tính hướng đích của thi đua yêu nước là làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước; yêu cầu rõ về tính thực tiễn, cụ thể, thiết thực của thi đua yêu nước là phải được thực hành vào công việc yêu nước, mà thực chất là làm tốt hơn những công việc hàng ngày.

- Rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quán triệt và tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phân tích những thành tích, ưu điểm và những hạn chế, khuyết điểm trong việc quán triệt, thực hiện tư tưởng thi đua yêu nước của Người trong các thời kỳ cách mạng khác nhau...

Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu bản chất thi đua yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong tình hình mới, càng cần phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; càng cần phải tổ chức thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, có hiệu quả và thiết thực hơn

- Những vấn đề mới đặt ra trong việc nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sao cho, trong mỗi mục tiêu của phong trào thi đua đều chứa đựng các khả năng giải quyết hài hoà các lợi ích giữa lợi ích quốc gia, dân tộc, giai cấp, toàn xã hội với lợi ích của từng tập thể, từng doanh nghiệp, từng nhóm xã hội, từng gia đình và từng cá nhân. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế, vấn đề lợi ích càng trở nên cần thiết khi có yếu tố nước ngoài tham gia vào các quá trình thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.