Những chuyển động ở châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 và triển vọng năm 2019

Trần Việt Thái TS, Học viện Ngoại giao
21:46, ngày 10-04-2019

TCCS - Trong năm 2018, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có năm đặc điểm nổi bật, trong đó đáng chú ý nhất và quan trọng nhất là sự gia tăng mạnh mẽ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nước lớn có những điều chỉnh chính sách rõ nét và đẩy mạnh tập hợp lực lượng ở khu vực. Tình hình bán đảo Triều Tiên và Biển Đông có xu hướng dịu đi, trong khi đó eo biển Đài Bắc Trung Hoa lại “nóng” lên vào cuối năm 2018. ASEAN tiếp tục khẳng định được vị thế ở khu vực và trong quan hệ với các nước lớn. Năm 2019, các nước lớn trong khu vực có thể sẽ phải tập trung đối phó với các vấn đề trong nước nhiều hơn, nhưng cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ cơ bản tiếp nối các xu thế như đang diễn ra hiện nay.

Trung Quốc đẩy mạnh triển khai chiến lược “Vành đai, Con đường”

Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục khẳng định “Vành đai, Con đường” (BRI) là một chiến lược lâu dài và đưa ra sáu điều chỉnh lớn để thúc đẩy BRI trên phạm vi toàn cầu.

Một là, BRI ngày càng được mở rộng phạm vi ra nhiều khu vực mới. Đến cuối năm 2018, BRI đã thu hút sự tham gia của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế ở cả năm châu lục. Trung Quốc đã ký 101 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ BRI.

Hai là, BRI chuyển từ triển khai các “điểm” sang kết nối thành “tuyến” ngày một rõ nét. Khi BRI mới hình thành, Trung Quốc chủ yếu lựa chọn một số cảng biển, một số dự án kết cấu hạ tầng (các “điểm”) nằm rải rác ở nhiều nơi để triển khai. Nhưng hiện nay, BRI đã dần hình thành các “tuyến” kết nối rõ nét về kết cấu hạ tầng, mạng lưới thương mại, kết nối năng lượng và hành lang kinh tế. Trung Quốc đóng vai trò trung tâm của các mạng lưới kết nối này, hình thành các cấu trúc kiểu “trung tâm - ngoại vi” rõ nét hơn, được tổ chức chặt chẽ hơn. Về kết nối kết cấu hạ tầng, đã hình thành tuyến giao thông kết nối Á - Âu. Tính đến cuối tháng 8-2018, đã có hơn 1.000 chuyến tàu từ Trung Quốc tới châu Âu, kết nối 48 thành phố của Trung Quốc với 42 thành phố của 14 quốc gia châu Âu. Các tuyến kết nối đường sắt, đường bộ, đường hàng không giữa Trung Quốc với hàng loạt nước ở châu Âu và Nam Á cũng đang dần được hình thành.

Về kết nối năng lượng, năm 2018 đã dần hình thành các tuyến đường ống năng lượng, tập trung chủ yếu ở Trung Á và Nam Á để đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng cho tương lai của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến hành lang kinh tế có tầm quan trọng chiến lược cho mình, đặc biệt là với Đông Nam Á, Nam Á...

Ba là, định hình “con đường tơ lụa” trên không gian mạng và vũ trụ. Đây là điểm đáng chú ý nhất trong việc triển khai BRI của Trung Quốc trong năm 2018. Trung Quốc từng bước mở rộng không gian hoạt động của BRI sang cả lĩnh vực vũ trụ và trên không gian mạng thông qua hệ thống vệ tinh, cảm biến định vị từ xa nhằm tiến tới có thể kiểm soát không gian mạng và cạnh tranh với các cường quốc khác trên vũ trụ. Về cơ bản, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc đã đi vào vận hành ổn định, đang phát huy tác dụng to lớn về nhiều lĩnh vực và sẽ còn tiếp tục được mở rộng.

Bốn là, tiếp tục đầu tư vào các cảng biển quan trọng, có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã dần hình thành một mạng lưới các tuyến hàng hải do Trung Quốc kiểm soát kéo dài từ Biển Đông tới Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Đông Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Các cảng biển này được kết nối cả trên lục địa và trên biển, nhất là khi hải quân Trung Quốc ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động.

Năm là, Trung Quốc từng bước luật pháp hóa BRI theo kiểu Trung Quốc. Trong năm 2018, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã thành lập 2 chi nhánh ở thành phố Thâm Quyến và Tây An với tên gọi Tòa án thương mại quốc tế thứ nhất và thứ hai của Trung Quốc, với mục tiêu giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư theo luật pháp của Trung Quốc. Tòa án ở Tây An xử lý các vụ, việc liên quan tới “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”, còn Tòa án thương mại quốc tế ở Thâm Quyến chịu trách nhiệm xử lý các vụ việc liên quan tới “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”. Theo quy định, quan tòa xét xử sẽ là người Trung Quốc, các chuyên gia luật quốc tế chỉ được mời tham dự với tư cách hòa giải tranh chấp... Tuy nhiên, việc thành lập hai tòa án này vẫn mang tính hình thức và đến nay chưa trực tiếp thụ lý bất cứ vụ, việc nào.

Sáu là, Trung Quốc khai thác linh hoạt các công cụ tài chính và áp dụng nhiều cơ chế hợp tác khác nhau để thắt chặt quan hệ với các đối tác, hình thành nhiều cơ chế hỗ trợ cho việc triển khai BRI, như lập các mạng lưới đối tác khác nhau nằm trong khuôn khổ BRI, đẩy nhanh cơ chế hợp tác với bên thứ ba trong BRI...

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, các thách thức đặt ra đối với Trung Quốc trong việc triển khai BRI cũng đang nổi lên ngày càng gay gắt, phức tạp hơn so với các năm trước. Cụ thể là:

Thứ nhất, tâm lý lo ngại của các quốc gia về “nguy cơ bẫy nợ” từ các khoản vay của BRI ngày càng tăng lên. Hiện có 8 quốc gia đang trong tình trạng “báo động đỏ” về nguy cơ “sập bẫy nợ”; 23/68 quốc gia có nguy cơ cao. Xu hướng tạm dừng, tạm hoãn các dự án trong khuôn khổ BRI đang nổi lên, khiến một số điều khoản có thể phải đàm phán lại...

Thứ hai, các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, Tây Âu đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng xâm nhập mạng và các khoản đầu tư bị coi là có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia (đơn cử như trường hợp Tập đoàn Huawei) và đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang có xu hướng lan sang các lĩnh vực khác, như công nghệ, quốc phòng - an ninh...

Thứ ba, một số dự án bị ngừng lại hoặc điều chỉnh do thiếu tính khả thi hoặc gặp vấn đề khi triển khai. Ngay một số doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước không khả quan, buộc nước này phải chủ động điều chỉnh các dự án trong khuôn khổ BRI.

Mỹ đẩy mạnh triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Nếu như năm 2017, Mỹ mới công bố Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì trong năm 2018, Mỹ đẩy nhanh hoàn thiện nội hàm và ráo riết triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) để cạnh tranh trực tiếp với BRI. Tháng 3-2018, Mỹ đổi tên gọi từ “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” thành IPS. Từ tháng 5-2018, Mỹ cơ bản định hình xong về mục tiêu, nhiệm vụ, khuôn khổ và các giải pháp chủ chốt của IPS. Từ đầu tháng 7-2018 đến nay, Mỹ bắt đầu triển khai và đưa thêm nhiều nội hàm mới vào IPS về hợp tác kinh tế, kết cấu hạ tầng và năng lượng...

Về chính trị, Mỹ nhắc lại cam kết lâu dài của mình ở khu vực, trấn an các đồng minh... Trong chuyến thăm châu Á nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Xin-ga-po và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Pa-pua Niu Ghi-nê (tháng 11-2018), Phó Tổng thống Mỹ M. Pen-xơ có những phát biểu mạnh mẽ nhằm vào Trung Quốc. Mỹ tuyên bố sẽ phối hợp với Ô-xtrây-li-a và Pa-pua Niu Ghi-nê để phát triển một quân cảng mang tên Lom-brum tại đảo Ma-nút của Pa-pua Niu Ghi-nê, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Ngày 31-12-2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật tái bảo đảm châu Á (ARIA) với những cam kết rõ ràng và lâu dài ở khu vực.

Về kinh tế, từ ngày 6-7-2018, Mỹ đã áp nhiều đợt thuế trị giá hàng trăm tỷ USD đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ và chính thức khởi động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tháng 9-2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật BUILD và gói 60 tỷ USD để hỗ trợ các nước trong khu vực về kết nối kinh tế, nhất là kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác về kết nối hạ tầng cơ bản, hạ tầng kỹ thuật số, năng lượng (đặc biệt là dầu khí) và hàng hải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Mỹ cũng thông qua gói 113 triệu USD để hỗ trợ các nước ASEAN phát triển kinh tế.

Về quốc phòng - an ninh, tháng 8-2018, Mỹ công bố gói trợ giúp ASEAN trị giá 300 triệu USD để các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực bảo đảm an ninh. Tiếp đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật ủy nhiệm chi quốc phòng 2019 Giôn Mắc Kên (tháng 9-2018), theo đó Mỹ sẽ tái lập Hạm đội 2, đóng mới 6 tàu phá băng để bố trí ở khu vực Bắc Cực và tăng cường bố trí lực lượng ở bang A-la-xca; đóng mới thêm một tàu sân bay và 7 tàu mặt nước. Lực lượng thường trực của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ được tăng cường nhiều tàu, máy bay và phương tiện hiện đại, đặc biệt Mỹ sẽ đồng thời bố trí 2 tàu sân bay trực chiến đồng thời tại biển Hoa Đông và Biển Đông, dự kiến bắt đầu triển khai từ sau năm 2023.

Những bước triển khai trên cho thấy Mỹ ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và đang đẩy mạnh tập hợp lực lượng ở khu vực thông qua IPS. Tuy nhiên, càng về cuối năm 2018, chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm càng phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các vấn đề nội bộ, như xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mê-hi-cô, chính phủ bị đóng cửa... Điều này đã tác động không nhỏ tới việc triển khai chiến lược của Mỹ ở khu vực. Việc Mỹ bắt đầu tiến hành đàm phán về thương mại với Trung Quốc cũng làm nhiều nước trong khu vực lo ngại có thể có những thỏa hiệp bất lợi cho họ. Do vậy, Mỹ sẽ còn rất nhiều việc phải xử lý trong IPS những năm tới.

Bán đảo Triều Tiên hòa dịu nhưng vấn đề phi hạt nhân chưa có nhiều tiến triển thực chất

Trong năm 2018, tình hình bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể so với năm 2017, chủ yếu nhờ sự điều chỉnh chính sách tích cực của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và nỗ lực ngoại giao của các nước, đặc biệt là của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã chủ động trong việc bảo đảm an ninh, thực hiện nhất quán chính sách đối ngoại năng động. Về phía CHDCND Triều Tiên, ngay từ đầu năm 2018, Triều Tiên thực hiện dồn dập các hoạt động ngoại giao, vừa cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, vừa khôi phục quan hệ với Trung Quốc, khai thông đối thoại với Mỹ, tăng cường quan hệ với Nga và thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN.

Bước ngoặt của tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm 2018 là việc Mỹ và CHDCND Triều Tiên lần đầu tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Xin-ga-po vào ngày 12-6-2018 và thông qua tuyên bố chung với bốn nội dung chính: 1- Hai bên cam kết thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều Tiên; 2- Thiết lập hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; 3- Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn; 4- Tìm kiếm, trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích (MIA) trong chiến tranh Triều Tiên. Mặc dù từ sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Xin-ga-po, vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chưa có tiến triển thực chất, nhưng việc tổ chức thành công cuộc gặp cấp cao lịch sử Mỹ - Triều Tiên đã góp phần làm dịu tình hình và thúc đẩy các cặp quan hệ khác chuyển động theo hướng tích cực.

Quan hệ liên Triều có nhiều tiến triển mang tính đột phá trong năm 2018. Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm (tháng 4-2018), Tuyên bố chung Bình Nhưỡng (tháng 9-2018), mở văn phòng liên lạc chung liên Triều tại khu công nghiệp Khai Thành (tháng 9-2018). Hiện nay, hai bên đang thúc đẩy để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn thực hiện chuyến thăm Hàn Quốc. Một số dự án kinh tế liên Triều cũng có thể được triển khai trong thời gian tới.

Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên cũng có nhiều diễn biến bất ngờ và tích cực trong năm 2018. Hai nước đã nối lại trao đổi đoàn cấp cao sau bảy năm bị gián đoạn. Chủ tịch Triều Tiên Kim Châng Ưn đã thăm Trung Quốc tới bốn lần kể từ tháng 4-2018 đến nay và Triều Tiên cũng đang tích cực thúc đẩy chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước này. Giao lưu cấp cao Trung Quốc - Triều Tiên được nối lại đã góp phần cải thiện nền kinh tế Triều Tiên, mở ra không gian để Triều Tiên thúc đẩy vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ với các đối tác quan trọng khác, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc.

Mặc dù đạt được nhiều tiến triển tích cực, góp phần làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Trong vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù Mỹ và Triều Tiên đã mở ra các kênh tiếp xúc trực tiếp, nhưng mâu thuẫn về lập trường còn khá lớn. Mỹ vẫn gia tăng sức ép và không thay đổi lập trường về vấn đề này.

Biển Đông lắng dịu, nhưng sóng ngầm vẫn còn lớn

Trong năm 2018, tình hình Biển Đông tương đối yên ổn về ngoại giao, không xảy ra các sự cố lớn trên thực địa, nhưng sóng ngầm vẫn rất dữ dội. Bên cạnh việc gia tăng hoạt động trên thực địa, Mỹ cũng thể hiện cam kết chiến lược lâu dài và toàn diện với khu vực, tăng cường trấn an các nước đồng minh và đối tác; cụ thể hóa IPS bằng nhiều chương trình; gia tăng sức ép đối với Trung Quốc, như yêu cầu rút các tên lửa khỏi các cấu trúc địa lý nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam...

Trung Quốc cũng có một số điều chỉnh trong vấn đề Biển Đông. Tháng 8-2018, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua một văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc (ngày 14-11-2018), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định mong muốn hoàn thành COC trong vòng ba năm tới. Lập trường của Trung Quốc là xây dựng COC ở mức chung chung, không đi sâu vào các vấn đề cốt lõi của tranh chấp và muốn gạt các nước ngoài khu vực ra khỏi vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, ASEAN mong muốn có một COC thực chất, như một cơ chế trao đổi khu vực về Biển Đông với Trung Quốc, thúc đẩy Trung Quốc can dự tích cực và có trách nhiệm ở Biển Đông, duy trì ổn định và hình thành chuẩn mực chung ở khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Cùng với hoạt động ngoại giao, trên thực địa, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách phi lý về chủ quyền theo “đường chín đoạn”, gia tăng các hoạt động quân sự trên các cấu trúc địa lý nhân tạo và các vùng Biển Đông... Tình hình Biển Đông do vậy vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp.

ASEAN khẳng định vai trò trong bối cảnh tình hình rất phức tạp

Trong năm 2018, ASEAN tiếp tục duy trì sự đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác xây dựng Cộng đồng và triển khai các ưu tiên về một ASEAN “tự cường và sáng tạo”, nỗ lực thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng ASEAN trên cả ba trụ cột.

Hợp tác chính trị - an ninh tiếp tục được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả tích cực. ASEAN đã triển khai được 239/290 dòng hành động trong hợp tác chính trị an ninh, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực, an ninh, an toàn cho người dân. Về đối ngoại, ASEAN tập trung đẩy mạnh đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, củng cố các cơ chế, khuôn khổ hợp tác phục vụ cho một cấu trúc khu vực mở, dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế, minh bạch, dung nạp với ASEAN ở vị trí trung tâm. ASEAN cũng nhất trí để I-ran và Ác-hen-ti-na tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), nâng tổng số thành viên tham gia TAC lên 37 quốc gia. ASEAN cũng đã cùng Trung Quốc thúc đẩy việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến hành thương lượng thực chất về COC, tích cực thể hiện quan điểm, vai trò của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, khu vực và tích cực phối hợp lập trường tại nhiều diễn đàn đa phương.

Hợp tác quốc phòng của ASEAN cũng ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, giúp xây dựng lòng tin, nâng cao năng lực, khả năng ứng phó với các thách thức đặt ra. ASEAN đã thông qua quy tắc hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa máy bay quân sự, tổ chức diễn tập về cứu trợ thảm họa, tăng cường hợp tác chống khủng bố, quân y...

Về hợp tác kinh tế, trong năm 2018, ASEAN đã hoàn tất đàm phán về Hiệp định thương mại điện tử ASEAN và khung hội nhập số ASEAN; ký Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Nghị định thư thực hiện gói cam kết số 10 trong khuôn khổ Hiệp định khung về dịch vụ của ASEAN (AFAS), Nghị định thư thứ hai và thứ ba nâng cấp Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Bản ghi nhớ hợp tác giữa ASEAN và Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). ASEAN cũng đã hoàn tất Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA), thông qua Tuyên bố ASEAN về du lịch hành trình trên biển, thành lập Mạng lưới sáng tạo ASEAN... Về thương mại hàng hóa, ASEAN đã xóa bỏ 98,6% các dòng thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định ATIGA và dự kiến hoàn tất việc xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan vào đầu năm 2019. Về thương mại dịch vụ, ASEAN đã triển khai Khuôn khổ chứng nhận bằng cấp ASEAN (AQRF) và tiến hành nghiên cứu khả thi nhằm xây dựng Thẻ doanh nhân ASEAN (ABTC) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tạm thời qua biên giới của thể nhân trong khu vực. Ngoài ra, trong các lĩnh vực, như thuận lợi hóa thương mại, hải quan, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs)... cũng đạt nhiều kết quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư ở khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong hợp tác kinh tế với các đối tác, ASEAN đang đàm phán nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Độ; phê chuẩn và nội luật hóa các cam kết trong FTA giữa ASEAN và Hồng Công (Trung Quốc), hoàn tất nghiên cứu khả thi FTA giữa ASEAN và Ca-na-đa và đang xây dựng khung đàm phán FTA giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU).

Về hợp tác văn hóa - xã hội, đến nay ASEAN đã hoàn thành khoảng 8% các dòng hành động trong kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) đến năm 2025, 47% các dòng hành động đang được thực hiện và 45% còn lại sẽ được thực hiện trong các năm tới. Đã có 14/15 cơ quan hợp tác chuyên ngành trong ASCC hoàn tất việc xây dựng kế hoạch công tác. ASEAN đã tăng cường hệ thống giám sát và đánh giá tiến độ triển khai kế hoạch tổng thể ASCC 2025. Quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác tiếp tục được tăng cường cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 2018 cũng đánh dấu việc chuyển giao vai trò điều phối giữa các nước ASEAN với các đối tác. Các nước đối thoại đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình một cấu trúc khu vực mở, dung nạp, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ, ủng hộ ASEAN triển khai Tầm nhìn Cộng đồng 2025, tích cực thúc đẩy quan hệ thực chất với ASEAN thông qua các dự án, chương trình hợp tác cụ thể nhằm tăng cường liên kết và triển khai kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hoạt động bảo hộ, đơn phương có xu hướng gia tăng, ASEAN và các đối tác nhất trí phối hợp thúc đẩy và củng cố hệ thống thương mại đa biên, đồng thời mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới...

Về hợp tác kết nối, ASEAN tiếp tục thúc đẩy phối hợp liên ngành giữa Ủy ban điều phối (ACCC), Điều phối quốc gia (NC), Cơ quan đầu mối quốc gia (NFPs) và các cơ quan thực hiện ngành, lĩnh vực cùng các đối tác. ASEAN đã hoàn thành tài liệu khái niệm của 15 sáng kiến trong năm lĩnh vực ưu tiên hợp tác, 8 sáng kiến đã chuyển sang giai đoạn đầu triển khai, 7 sáng kiến ở giai đoạn xây dựng dự án. Về thu hẹp khoảng cách phát triển, kế hoạch công tác giai đoạn ba sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI-WP3) hỗ trợ các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam (CLMV) tiếp tục được triển khai trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại, phát triển MSMEs, giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, đào tạo và lao động. Tính đến cuối tháng 10-2018, đã có 18/26 dòng hành động trong IAI-WP3 được thực hiện, tương đương 69,2% với 62 dự án các loại.

Triển vọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019

Dự báo trong năm 2019, các nước lớn, như Mỹ và Trung Quốc sẽ phải tập trung giải quyết nhiều vấn đề nội bộ. Với Mỹ là vấn đề chính phủ bị đóng cửa quá lâu, vấn đề bức tường biên giới giữa Mỹ và Mê-hi-cô, mâu thuẫn giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ, đặc biệt là với Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát, sẽ tăng mạnh. Với Trung Quốc là các khó khăn về kinh tế do tốc độ tăng trưởng giảm, các khó khăn về xã hội, đặc biệt là áp lực tạo việc làm mới... Trung Quốc có thể sẽ có những điều chỉnh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng về cơ bản sẽ không điều chỉnh chiến lược của mình, đặc biệt là chiến lược BRI và “Cộng đồng chung vận mệnh” để hướng tới mục tiêu 100 năm lần thứ nhất vào năm 2021.

Mặc dù gặp khó khăn nội bộ, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì cam kết mạnh mẽ và lâu dài ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục xu hướng chính sách như hiện nay. Các nước lớn, đặc biệt là Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác sẽ tích cực can dự hơn vào khu vực này để vừa khẳng định vai trò, vừa tìm kiếm lợi ích và duy trì một trật tự khu vực mở, dung nạp, minh bạch, dựa trên luật lệ và chuẩn mực quốc tế. Mặc dù các thiết chế, các tổ chức khu vực gặp nhiều khó khăn trong năm 2018, nhưng về cơ bản các luật lệ, thiết chế do Mỹ và phương Tây chi phối vẫn có ảnh hưởng quyết định, song các cơ chế hợp tác do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo cũng ngày càng tỏ ra hấp dẫn và có vị trí quan trọng.

Với khu vực Đông Bắc Á, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng trong năm 2019, dự báo xu hướng hòa bình, hòa giải trên bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục được duy trì. Riêng quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Bắc Trung Hoa có thể sẽ diễn biến rất phức tạp, cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực đối với khu vực này. Với Đông Nam Á và Biển Đông, năm 2019 hy vọng sẽ tiếp tục duy trì không khí hòa bình, ổn định do một số nước trong khu vực, như In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Ma-lai-xia, Mi-an-ma phải tập trung vào các vấn đề nội bộ. Tiến trình đàm phán COC dù chưa thể hy vọng có những đột phá trong năm 2019, tuy nhiên có thể sẽ đạt một số bước tiến nhất định, góp phần làm dịu tình hình Biển Đông. ASEAN sẽ tiếp tục duy trì được xu hướng chung như trong năm 2018.

Tóm lại, bức tranh chung của châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018 đan xen cả hai mảng sáng - tối, nhưng về tổng thể hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chủ lưu. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đang từng bước làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng và tập hợp lực lượng ở khu vực, nên các nước trong khu vực đều theo dõi sát sao để có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp./.