Kinh tế thế giới năm 2018, triển vọng năm 2019
TCCSĐT - Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2018 kém tươi sáng do bị tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nội bộ châu Âu chia rẽ, bất đồng giữa các nước lớn vẫn chưa được giải quyết, các cuộc xung đột địa - chính trị vẫn đang tiếp diễn... Năm 2019, kinh tế toàn cầu được dự báo còn phải hứng chịu những cú sốc mới khắc nghiệt hơn so với năm 2018.
Kinh tế thế giới năm 2018 tăng trưởng chậm
Năm 2018, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát ngay trong nửa đầu năm 2018 làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu. Sóng gió trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực đến đà đi lên của kinh tế thế giới. Sách xanh về kinh tế Trung Quốc do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố ngày 24-12-2018 nhận định, bất đồng thương mại gia tăng cản trở tăng trưởng kinh tế tại cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc, song Trung Quốc bị tác động lớn hơn so với Mỹ.
Xét về tổng thể, kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu ổn định rõ rệt trong những tháng cuối năm 2018, các công ty Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu chịu tác động. Doanh số bán lẻ chững lại, nhu cầu nội địa yếu đi, đầu tư sụt giảm, cùng với thị trường chứng khoán lao dốc, đồng Nhân dân tệ chưa có dấu hiệu phục hồi. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại trong khi thuế quan của Mỹ đánh vào hàng xuất khẩu Trung Quốc vẫn còn hiệu lực. Ngân hàng Thế giới (WTO) cho biết, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc ước đạt 6,5% (1), con số này của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra là 6,6% (2). Dự kiến mức tăng trưởng về tiêu thụ và xuất khẩu sẽ giảm, chính quyền Trung Quốc sẽ phải lấy đầu tư vào hạ tầng cơ sở làm động lực phát triển. Trung Quốc sẽ phải giải quyết khó khăn trong nền kinh tế thông qua chính sách truyền thống là chi tiêu công. Đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngày 04-01-2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và đây là lần thứ 5 kể từ năm 2018, Trung Quốc đưa ra quyết định này.
Về phía Mỹ, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc giảm mạnh bắt đầu từ tháng 7-2018, sau khi Mỹ áp dụng thuế quan với Trung Quốc. Vấn đề an ninh mạng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Kinh tế Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, có dấu hiệu giảm tốc ngay trong những tháng cuối năm 2018, dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Nghiên cứu của Goldman Sachs ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2018 là 2,9% (3).
Không chỉ gây tổn hại cho Mỹ và Trung Quốc, những tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến giá cả hàng hóa leo thang, đầu tư giảm, kiểm soát xuất nhập khẩu khắt khe hơn, trong khi thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động. Tháng 10-2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,7% cho cả năm 2018 (4).
Tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), do những tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ, cùng sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc khiến châu Âu phải đối mặt với khá nhiều bề bộn và lo âu. Số liệu sơ bộ từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 04-01-2019 cho thấy, lạm phát trong tháng 12-2018 tại Eurozone giảm xuống còn 1,6%, chủ yếu do giá các mặt hàng năng lượng suy giảm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang điều hành các chính sách tiền tệ theo hướng duy trì lạm phát ở ngưỡng dưới 2%. Lạm phát giảm khiến ECB rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi cân nhắc về việc tăng lãi suất lần đầu tiên. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) của Eurozone trong tháng 12-2018 giảm xuống 51,1 điểm, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ của khu vực đồng euro cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, ở mức 51,2 điểm từ mức 53,4 điểm, chịu ảnh hưởng do tăng trưởng kinh doanh mới chậm hơn (5). Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Eurozone ước đạt 2% trong năm 2018 (6).
Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi không đồng đều, một số nền kinh tế vẫn phải đối mặt với sức ép và rủi ro nhất định. Tuy nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, nhưng tính cân đối khi mở rộng kinh tế đã sụt giảm, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu cũng đi xuống. Dưới ảnh hưởng của các nhân tố không xác định như tình hình thương mại toàn cầu có xu hướng thu hẹp, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới trở lại bình thường và rủi ro địa - chính trị…, rủi ro sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu dần tích tụ, làm nảy sinh ảnh hưởng nhất định đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tại châu Á, các nền kinh tế mới nổi có độ phụ thuộc lớn vào dòng vốn đầu tư nước ngoài như Indonesia, sẽ gặp thách thức trong việc giữ ổn định tỷ giá và ngăn sự thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2018, Ngân hàng ADB vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng 6% của khu vực châu Á cho năm 2018 (7). Ấn Độ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong năm 2018 với mức tăng ước đạt 7,4% (8). Tuy nhiên, năm 2019, Ấn Độ sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử và nếu buộc phải thành lập chính phủ liên minh sau lần bầu cử này, Thủ tướng N. Modi có thể sẽ gặp khó khăn trong cải cách kinh tế.
Trong báo cáo tháng 12-2018, Văn phòng Nội các Nhật Bản giữ nguyên mức đánh giá nền kinh tế nước này vẫn duy trì đà phục hồi vừa phải, đồng thời không thay đổi một số dữ liệu chủ chốt như tiêu dùng cá nhân, đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu. Tiêu dùng tư nhân đang gia tăng, trong khi chi tiêu doanh nghiệp được duy trì nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh. IMF dự báo kinh tế Nhật Bản năm 2018 tăng trưởng 1,1% (9) và khuyến cáo, trong thời gian tới, vấn đề cải cách cơ cấu đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Nhật Bản nhằm cải thiện tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm hiện nay.
Kinh tế Hàn Quốc đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2018, ở cả trong và ngoài nước. Ở trong nước, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp suy yếu, chi phí nhân công tăng. Bối cảnh bên ngoài, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động đã khiến bức tranh tăng trưởng kinh tế trở nên ảm đạm hơn. Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực đưa ra các chính sách tài chính chủ động, nhưng thực trạng đầu tư ở các doanh nghiệp vẫn trì trệ, trong khi xuất khẩu lại phụ thuộc quá lớn vào một số ngành mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, mà ngành này lại đang có dấu hiệu suy giảm. Các ngành công nghiệp chủ lực đang mất dần khả năng cạnh tranh, Hàn Quốc vẫn chưa tìm ra ngành công nghiệp triển vọng thay thế. Kinh tế Hàn Quốc nhìn chung đang trong giai đoạn khó khăn, được phản ánh bởi các chỉ số kinh tế đang ngày càng xấu đi. IMF cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể là một trong những quốc gia trong khu vực châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, do sự phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế Nga thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu trong vài năm qua do bị cản trở bởi đồng Rúp yếu và không ổn định, giá dầu giảm, trong khi sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, vẫn không hề suy giảm. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây do hãng tin Reuters tiến hành, kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng 1,7% trong năm 2018 (10). Con số thống kê của WB cho biết, tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2018 ước đạt 1,6% (11).
Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribê, do chịu tác động bởi suy thoái kinh tế ở Argentina, suy giảm tăng trưởng ở Brazil và cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Venezuela…, tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribê trong năm 2018 ước đạt 1,2% (12).
Năm 2019: Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn
Năm 2019, do tác động từ sự phục hồi bấp bênh và khủng hoảng quay trở lại trên phạm vi toàn cầu, động lực phục hồi kinh tế của thị trường các nước phát triển có thể sẽ giảm. Trong khi đó, hầu hết các dữ liệu phân tích gần đây đều nhận định, kinh tế thế giới năm 2019 sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn năm 2018, do căng thẳng thương mại, bất ổn chính trị tiếp tục gia tăng. Những nhân tố tiêu cực của năm 2018 vẫn còn tồn tại và chưa tìm được lối thoát. Những nhân tố này dự báo sẽ tiếp tục gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dù đang trong giai đoạn được coi là tạm “đình chiến”, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Cuộc chiến thương mại này không chỉ là nguy cơ bên ngoài lớn nhất đối với chính nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, mà còn là trở lực lớn nhất đối với kinh tế thế giới thời gian tới.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019 khi viện dẫn một số trở ngại, trong đó có căng thẳng thương mại vẫn còn âm ỉ giữa Trung Quốc và Mỹ. OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 tăng 3,5%, giảm so với mức dự báo trước đó là 3,7% (tháng 5-2018). OECD cũng điều chỉnh giảm nhẹ tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 6,3% năm 2019; hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2019 từ mức dự kiến ban đầu là 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ Nhật Bản từ tháng 10-2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, OECD giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng của Mỹ là 2,7% cho năm 2019 khi chính sách cải cách thuế mới đây của Tổng thống D. Trump hỗ trợ tốt cho đầu tư của doanh nghiệp.
Mặc dù phải chịu những sức ép từ Mỹ và một số nước châu Âu cùng Nhật Bản và Australia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng các nhà cải cách kinh tế Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Nếu Trung Quốc thành công trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt, bởi vấn đề mà Mỹ muốn đạt được trong cuộc chiến thương mại này không chỉ đơn thuần là giảm thâm hụt thương mại song phương, mà thực chất là yêu cầu phía Trung Quốc phải cấu trúc lại nền kinh tế một cách sâu rộng và thực chất hơn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, vấn đề bảo hộ các công ty nhà nước, mở cửa cho các công ty nước ngoài vào Trung Quốc… Tuy nhiên, trong tương lai gần, mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung vẫn tồn tại. Trong khi đó, sức ép gây sụt giảm nền kinh tế Trung Quốc năm 2019 chủ yếu đến từ nhu cầu bản thân. Vấn đề then chốt là đầu tư cơ sở hạ tầng đã tăng trở lại, nhưng liệu nó có thể ngăn chặn được sự sụt giảm xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng đầu tư bất động sản hay không. Do vậy, các nhà phân tích lo ngại, trong năm 2019, kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái, thất nghiệp gia tăng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ dễ rơi vào cạm bẫy thanh khoản, khó khăn chồng chất, không gian hạn chế… Do kinh tế suy giảm, sức ép gia tăng, các rủi ro về kinh tế cũng sẽ dần lộ rõ. WB dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 (13), trong khi ADB dự báo 6,3% (14).
Nền kinh tế Mỹ trong năm 2019 tiếp tục phải đối mặt với sự điều chỉnh, bởi nhu cầu thế giới có thể sẽ bị thu hẹp lại. Sau năm 2019, hiệu ứng chính sách tài chính tích cực của Mỹ có thể giảm đi, Hạ viện dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ có thể sẽ khiến cho chính sách kích thích kinh tế của Tổng thống D. Trump khó được thực thi. Thêm vào đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không ngừng tăng lãi suất, nhu cầu bị thu hẹp, tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế vì thế sẽ giảm sút trong năm 2019. Liên quan đến chính sách thương mại, trong ngắn hạn, với việc tăng cường chống chủ nghĩa bảo hộ, biện pháp chống toàn cầu hóa của Tổng thống D. Trump đã được hạn chế bước đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và duy trì ưu thế Mỹ dẫn đầu thế giới đã trở thành nhận thức chung của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Khi mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ gia tăng, không loại trừ khả năng Chính quyền Trump sẽ liên kết với đảng Dân chủ, khiến cho chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Về tổng thể, quan hệ thương mại Trung - Mỹ dự kiến sẽ xuất hiện cục diện “sức ép trong ngắn hạn dịu đi, cuộc đọ sức trong dài hạn còn kéo dài”. Kinh tế Mỹ trong tương lai gần sẽ giảm, tuy không bị mất đà tăng trưởng, lạm phát giảm nhẹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn sẽ giữ vững sự ổn định. WB cho biết, tăng trưởng của Mỹ có thể giảm xuống 2,5% trong năm 2019 (15). Sự suy yếu sẽ khiến FED thận trọng hơn trong tăng lãi suất. OECD lạc quan hơn khi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 có thể đạt 2,7% (16).
Năm 2019, quan hệ Mỹ - Nga vẫn khó có thể cải thiện, bởi lẽ cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy phía Nga hoặc Mỹ nỗ lực tìm kiếm điểm chung để có thể hóa giải mâu thuẫn, bất đồng. Mỹ hiện vẫn đang tiếp tục điều tra Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ít có khả năng chính quyền Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Nga. Còn giới phân tích kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao, tăng trưởng giảm, đồng Rúp yếu hơn trong năm 2019, nếu tiếp tục vấp phải các lệnh trừng phạt mới. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga dự kiến sẽ đạt 1,5% (17).
Kinh tế châu Âu tiếp tục đối phó với thách thức từ chủ nghĩa dân túy và tác động từ rủi ro địa - chính trị khiến tốc độ tăng trưởng, sự phục hồi kinh tế yếu. Nguyên nhân là do, hiệu ứng kích thích cận biên của chính sách nới lỏng tiền tệ đối với nền kinh tế đang có xu hướng suy yếu; những cải cách về mặt cơ cấu khó được tiếp tục, trong khi sức ép bên ngoài dần gia tăng. Tác động của chiến tranh thương mại thế giới sẽ gia tăng rõ rệt vào năm 2019, nền kinh tế châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài sẽ bị tác động nghiêm trọng. Trước những thách thức bên trong và bên ngoài, châu Âu hiện nay không có đủ không gian chính sách để thay đổi tình trạng kinh tế tăng trưởng yếu. Xem xét từ chính sách tiền tệ thống nhất, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED sẽ không dừng lại vào năm 2019, do đó, ECB sẽ tiếp tục thu hẹp mức độ nới lỏng định lượng. Nhưng xét đến tình trạng kinh tế tăng trưởng yếu, ECB sẽ phải cân nhắc việc tăng lãi suất, cố gắng duy trì cục diện lãi suất thấp, thoát đáy đi lên. Về tổng thể, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2019 sẽ giảm còn 1,6%, giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11-2018; tốc độ tăng trưởng năm 2020 là 1,5% (18).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2019 suy giảm nhẹ. IMF dự báo, kinh tế Nhật Bản năm 2019 tăng trưởng 0,9%, giảm 0,2 điểm % so với tốc độ tăng trưởng trong năm 2018 (19). Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng sức lao động của Nhật Bản sụt giảm, tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) khó có thể nâng cao và tốc độ tăng trưởng vốn thấp. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng ở Nhật Bản tiếp tục sụt giảm, đầu tư tư nhân giảm cùng với sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ, xuất khẩu có thể tiếp tục chậm lại trước tình trạng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, xung đột thương mại gia tăng. Đây là những yếu tố không có lợi cho sự hồi phục tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.
Năm 2019 dự kiến sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế, Viện nghiên cứu Hyundai (Hàn Quốc) dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2019 chỉ xoay quanh mức từ 2,6% - 2,7% (20). Song, bối cảnh khó khăn cũng là cơ hội để Hàn Quốc cải cách, tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế. Nếu Chính phủ Hàn Quốc đưa ra được định hướng phù hợp, nền kinh tế sẽ tiến về phía trước. Theo chiều hướng ngược lại, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái. Các chính sách tài chính mở rộng của chính phủ dự kiến sẽ mang lại một số hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi nhìn chung ổn định hơn, IMF dự báo năm 2019, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng 4,7% (21), do giá dầu tăng, các hoạt động kinh tế của các nước xuất khẩu năng lượng có phần cải thiện, nhưng chịu ảnh hưởng của các nhân tố như rủi ro địa - chính trị bùng phát, điều kiện tài chính có xu hướng eo hẹp và tình hình thương mại căng thẳng. Thêm vào đó, trong bối cảnh tình hình thương mại có xu hướng căng thẳng, điều kiện tài chính không ngừng thắt chặt, sức ép mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt sẽ tương đối lớn.
Khu vực Mỹ Latinh có mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn ở mức 1,2% trong năm 2018. Mức tăng trưởng này được dự báo sẽ tăng lên 1,7% vào năm 2019. Brazil dự kiến sẽ cải thiện mức tăng trưởng từ 1,3% trong năm 2018 lên 2% vào năm 2019, trong khi tốc độ tăng trưởng của Mexico dự kiến sẽ giảm nhẹ từ 2,2% năm 2018 xuống còn 2,1% năm 2019. Năm 2019, Cộng hòa Dominican dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 5,7%, tiếp theo là Panama 5,6%, Bolivia 4,3%. Tăng trưởng của Peru trong năm 2019 đạt 3,6%, Chile 3,3% và Trung Mỹ 3,3% (22). Bên cạnh đó, nguy cơ bất ổn chính trị tại Brazil và Mexico có thể sẽ khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy ra khỏi các quốc gia này.
Kinh tế toàn cầu năm 2019 gặp nhiều khó khăn không chỉ bởi hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018, khiến các nền kinh tế mất đi một phần lực đẩy, mà trong năm 2019, rủi ro đến từ việc tăng lãi suất sẽ còn lớn hơn cả rủi ro từ xung đột thương mại. Năm 2019, nhiều dự báo cho thấy, FED sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất, sau 4 lần nâng lãi suất trong năm 2018. Rõ ràng khi FED tăng lãi suất, dòng vốn ngày càng khan hiếm và bị hạn chế, những nền kinh tế đang phát triển, mới nổi sẽ là nạn nhân đầu tiên. Thực tế cho thấy, trong hai năm trở lại đây, đi kèm với các đợt tăng lãi suất và thắt chặt thanh khoản của FED là sự đảo chiều của dòng vốn đầu tư quốc tế tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chảy ngược về Mỹ. Do đó, để hạn chế tác động này, nhiều nước chủ động nâng lãi suất đồng nội tệ để bảo đảm nền kinh tế vẫn có được suất sinh lời hấp dẫn, cũng như giữ được giá trị đồng nội tệ trước áp lực rút vốn của giới đầu tư quốc tế. Lãi suất tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, xu hướng chống toàn cầu hóa gia tăng… tiếp tục đẩy nền kinh tế thế giới vào một chu kỳ tăng trưởng chậm hơn./.
----------------------
(1) World Bank Projects Chinese GDP Growth at 6.5% in 2018, 6.2% in 2019, http://www.laht.com/article.asp?ArticleId=2471891&CategoryId=12396
(2), (7), (13) Asia to grow as expected in 2018 and 2019, trade war poses downside risks: ADB, https://www.reuters.com/article/us-asia-economy-adb/asia-to-grow-as-expected-in-2018-and-2019-trade-war-poses-downside-risks-adb-idUSKBN1OB06G
(3), (4) IMF Cuts Indonesia's 2018, 2019 Growth Forecast, https://jakartaglobe.id/business/imf-cuts-indonesias-2018-2019-growth-forecast/
(5) Những dấu hiệu kém tươi sáng về triển vọng kinh tế Eurozone, TTXVN, ngày 04.01.19.
(6) Overestimating the EU economy, https://www.gulf-times.com/story/617838/Overestimating-the-EU-economy
(8) Settled GST, credit flows among 7 reforms to aid India grow 7.5% in 2019: CII,
https://economictimes.indiatimes.com/articleshow/67314737.cms?utm_source=contentofinterest&utm_medium=text&utm_campaign=cppst
(9), (19) Aging Japan faces 25% drop in GDP, IMF warns, https://asia.nikkei.com/Economy/Aging-Japan-faces-25-drop-in-GDP-IMF-warns
(10) Economists: Russia Faces Economic Downturn, Higher Inflation In 2019, https://www.rferl.org/a/russia-faces-economic-downturn-higher-inflation-in-2019-economist-predict/29679409.html
(11) Russia's Growth Prospects 'Modest' Amid High Geopolitical Tension, World Bank Says, https://themoscowtimes.com/news/russias-growth-prospects-modest-amid-high-geopolitical-tension-world-bank-says-63702
(12) The IDB summary for the Latin American economy in 2018, https://latinamericanpost.com/25494-the-idb-summary-for-the-latin-american-economy-in-2018
(14), (15) World economy to grow by 3.5 percent, report says, https://www.hellenicshippingnews.com/world-economy-to-grow-by-3-5-percent-report-says/
(16) Global growth is slowing amid rising trade and financial risks, http://www.oecd.org/economy/global-growth-is-slowing-amid-rising-trade-and-financial-risks.htm
(17) What to Expect From 2019, https://themoscowtimes.com/articles/what-to-expect-from-2019-63964
(18) Economic Snapshot for the Euro Area, https://www.focus-economics.com/regions/euro-area
(20) South Korean economy enters rough seas as chips lose steam, https://asia.nikkei.com/Economy/South-Korean-economy-enters-rough-seas-as-chips-lose-steam
(21) IMF cuts its global growth forecasts, citing trade tensions between the US and its trading partners, https://www.cnbc.com/2018/10/09/world-economic-outlook-imf-cuts-global-growth-forecasts-on-trade-fight.html
(22) India’s exports have increased to Latin America in 2018, http://businesswithlatinamerica.blogspot.com/
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc Tết đội cảnh sát 113 và EVN  (05/02/2019)
Thành phố Cần Thơ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh  (05/02/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 28-01 đến ngày 03-02-2019)  (05/02/2019)
Sự kiện trong nước nội bật tuần qua (từ ngày 28-01 đến ngày 03-02-2019)  (05/02/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chúc tết tại các địa phương  (04/02/2019)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên