TCCSĐT - Trước sự tác động nhiều mặt của tình hình trong nước, khu vực và thế giới, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, việc phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết.

Đổi mới giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò nhân tố chính trị tinh thần trong quân đội

Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc về thực chất là phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân của quân đội; làm cho cán bộ, chiến sĩ giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng; trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình, luôn kiên định, vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc về vai trò của nhân tố chính trị tinh thần của quân đội trong chiến tranh và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay luôn là một đòi hỏi cao đối với mọi quân nhân. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhận thức của các chủ thể không đồng nhất và có một bộ phận nhận thức chưa thật sự đúng đắn, khoa học về vấn đề này. Vì thế, trong quá trình giáo dục quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta cho cán bộ, chiến sĩ quân đội cần coi trọng việc giáo dục về vai trò của nhân tố chính trị tinh thần trong sức mạnh chiến đấu của quân đội nói riêng, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Qua giáo dục phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ, trong học thuyết về chiến tranh và quân đội, quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đều khẳng định vai trò to lớn của nhân tố chính trị tinh thần quân đội và xem xét bản chất, nguồn gốc của nhân tố này trên lập trường duy vật biện chứng. Cho dù khác với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về lập trường giai cấp và thế giới quan phương pháp luận trong xem xét nhân tố chính trị tinh thần, song các nhà tư tưởng quân sự tư sản phần lớn cũng đều đánh giá cao nhân tố này của quân đội và dù muốn hay không, đa số họ vẫn thừa nhận sức mạnh của nhân tố chính trị tinh thần của quân đội cách mạng, coi đây là nhân tố làm nên chiến thắng trước các đội quân nhà nghề có binh khí, kỹ thuật quân sự hiện đại.

Đồng thời với giáo dục quan điểm khoa học cách mạng về vai trò nhân tố chính trị tinh thần của quân đội và đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề này thì cần phải làm cho mọi quân nhân nhận thức rõ vai trò ngày càng tăng của nhân tố chính trị tinh thần của quân đội trong điều kiện mới, nhất là trong chiến tranh vũ khí công nghệ cao và khả năng phát huy vai trò này trên thực tế ở Việt Nam.

Trong khi giáo dục về vai trò của các nhân tố chính trị tinh thần của quân đội, bên cạnh việc nêu ra những thuận lợi lớn cũng cần phải chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong việc phát huy nhân tố này trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, của “diễn biến hòa bình”, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa - đạo đức tới cán bộ, chiến sĩ.

Tập trung nâng cao chất lượng của các yếu tố cấu thành nhân tố chính trị tinh thần của quân đội trong tình hình hiện nay

Thực tế cho thấy, để phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phát huy đồng bộ vai trò của các yếu tố cấu thành. Song, do vai trò không ngang bằng nhau của từng yếu tố và sự tác động, ảnh hưởng của điều kiện khách quan tới từng yếu tố cũng khác nhau, hơn nữa là sự quan tâm xây dựng của các chủ thể tới các yếu tố cấu thành nhân tố chính trị tinh thần quân đội chưa thống nhất nên cần phải xem xét một cách cụ thể để có biện pháp khoa học phù hợp nhằm nâng cao chất lượng của mỗi yếu tố và tổng thể các yếu tố trong mối quan hệ không tách rời nhau. Hiện nay, cần tập trung đổi mới việc giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho mọi quân nhân về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là hạt nhân, giữ vai trò chủ đạo trong nhân tố chính trị tinh thần của quân đội. Vì thế, việc giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu phải được đặt lên hàng đầu. Những nhận thức lệch lạc, sai trái và những quan điểm thù địch xoay quanh mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa vấn đề giai cấp, dân tộc và nhân loại cần phải được chỉ rõ và đấu tranh khắc phục kiên quyết. Nâng cao giác ngộ chính trị của cán bộ, chiến sĩ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu không thể tách rời với kiên định nền tảng tư tưởng của quân đội là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ quân đội đã đề ra.

Một yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhân tố chính trị tinh thần của quân đội ta là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà giá trị hàng đầu trong đó là chủ nghĩa yêu nước. Sự giác ngộ về nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự của người quân nhân cách mạng, về lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng, về tình đồng chí, đồng đội và sự đoàn kết toàn quân một ý chí là những nội dung cần được tăng cường giáo dục cho quân nhân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập và cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng đang diễn ra rất gay go, quyết liệt hiện nay.

Để nâng cao chất lượng các yếu tố chủ yếu cấu thành nhân tố chính trị tinh thần của quân đội thì bên cạnh việc nâng cao chất lượng từng nhân tố phải chú ý kết hợp hài hòa xây dựng các yếu tố khác trong một chỉnh thể thống nhất, không được coi nhẹ hoặc tuyệt đối hóa một yếu tố nào. Do đặc điểm của nhân tố chính trị tinh thần nên biện pháp quan trọng để phát huy vai trò của nó là phải tích cực nghiên cứu, đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ công tác này với công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác chính sách và tăng cường hoạt động thực tiễn quân sự để bồi dưỡng, kiểm nghiệm, rèn luyện, nâng cao chất lượng nhân tố chính trị tinh thần của quân đội.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong phát huy nhân tố chính trị tinh thần

Nhân tố chính trị tinh thần của quân đội được xây dựng và phát huy như thế nào là do con người và tổ chức với tính cách là chủ thể quyết định. Sự tác động của môi trường, điều kiện khách quan cùng với những thuận lợi, khó khăn dù ở mức độ nào cũng không phải là nhân tố quyết định trạng thái chính trị tinh thần của quân đội. Chủ thể xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội không chỉ là con người và tổ chức trong quân đội mà bao gồm cả những chủ thể khác có mối quan hệ tới bản chất và sức mạnh chiến đấu nói chung, tới nhân tố chính trị tinh thần của quân đội nói riêng. Trong các mối quan hệ đó, mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân là những mối quan hệ có ý nghĩa quyết định, chi phối các mối quan hệ khác. Chính vì thế, việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội phải luôn được xác định là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội. Đảng lãnh đạo quân đội bằng đường lối, chính sách, thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và tổ chức Đảng trong quân đội. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chính trị có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội. Phẩm chất chính trị tinh thần, năng lực chỉ huy lãnh đạo, huấn luyện chiến đấu và xây dựng đơn vị của đội ngũ này có tác động rất lớn tới trạng thái tinh thần của quân nhân, nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện đại với vũ khí công nghệ cao.

Trong thực tế hiện nay, số lượng cán bộ, đảng viên dày dạn trận mạc được thử thách, tôi luyện qua những năm tháng chiến tranh dần ít đi, một số ít cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện bị sa sút, thoái hóa về chính trị, đạo đức trước tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường. Đây là những tác động ảnh hưởng tới phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội ta. Vì vậy, để phát huy nhân tố này cần coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, kỷ luật. Trong lúc này cần phải nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt lời chỉ dẫn của V. I. Lê-nin: “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội được tiến hành chu đáo nhất… thì ở đấy không có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn, tinh thần của họ cũng cao hơn, ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn” (1). Đồng thời quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta” (2).

Cán bộ, chiến sĩ quân đội là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Sức mạnh chính trị tinh thần của họ bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội ở các địa phương có vai trò rất lớn trong phát huy nhân tố chính trị tinh thần của quân đội ta. Đây là điều cần đặc biệt chú trọng trong tình hình hiện nay, nhất là trước sự phát triển của dân trí, dân sinh, dân quyền và mối quan hệ máu thịt giữa quân đội và nhân dân tiếp tục được phát triển nhưng đang bị các thế lực thù địch và các phần tử chống đối cách mạng tập trung phá hoại.

Xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân, giữa các tổ chức đoàn thể trong quân đội với hệ thống chính trị, xã hội ở các địa phương ngày càng phát triển bền vững là việc có ý nghĩa thiết thực góp phần phát huy nhân tố chính trị tinh thần của toàn dân nói chung, của quân đội nói riêng. Tư tưởng, tình cảm, ý chí của quân nhân, nhất là của chiến sĩ chịu tác động ảnh hưởng rất lớn từ phía gia đình, hậu phương. Tổ chức đơn vị, cán bộ thường xuyên trực tiếp làm công tác tư tưởng cho họ nhưng không thể thay thế được tác động tư tưởng tới họ từ phía gia đình, người thân. Do đó, phải có sự phối hợp một cách phù hợp giữa đơn vị với địa phương, gia đình trong xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho bộ đội, nhất là về mặt tâm lý.

Xây dựng tâm lý vững vàng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Đây là nội dung hết sức quan trọng, là nhân tố góp phần xây dựng sức mạnh chính trị tinh thần của quân đội. Mọi quân nhân cần nhận thức sâu sắc bản chất, mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh công nghệ cao của các thế lực thù địch.

Để chuẩn bị tâm lý vững vàng trong chiến tranh công nghệ cao, phải xây dựng cho được niềm tin chiến thắng cho bộ đội. Muốn vậy, đòi hỏi quân nhân phải thường xuyên rèn luyện toàn diện, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, không hoang mang, dao động, kiên quyết, dũng cảm, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong những tình huống diễn biến phức tạp, nguy hiểm, ác liệt. Bên cạnh đó, bằng hệ thống truyền thông đại chúng, với nhiều hình thức và biện pháp phù hợp, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng bản chất, âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, trong đó có âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không bị mắc mưu kẻ thù, không bị cuốn vào vòng xoáy của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tha hóa bản chất giai cấp của quân đội ta. Mặt khác, cần vạch trần bản chất xâm lược, phi nghĩa của cuộc chiến tranh công nghệ cao do các thế lực thù địch phát động. Đồng thời, phải làm rõ tính chất chính nghĩa của ta vì đó là cuộc chiến tranh nhân dân, tự vệ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và được nhân dân tiến bộ trên thế giới đồng tình ủng hộ. Chủ động khắc phục tâm lý sợ hãi, sợ hy sinh, gian khổ, có biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất. Từ đó, xây dựng cho bộ đội ý chí quyết tâm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dũng cảm chiến đấu đến cùng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có những thuận lợi mới, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Việc xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng “sức mạnh mềm” thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ… là những thách thức nghiêm trọng. Trong nước, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, xuất hiện những vấn đề phức tạp mới, ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và gay gắt hơn. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng với sự xuống cấp của các giá trị văn hóa, tình trạng phân cực giàu nghèo… diễn biến phức tạp. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta càng phải coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây là vấn đề lớn, đặc biệt hệ trọng hiện nay, nhất là trong việc hoạch định đường lối và thực hiện chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng, động viên và phát huy sức mạnh chính trị tinh thần. Hội nghị Trung ương 8, khóa XI của Đảng khẳng định: Bất luận trong điều kiện hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải thấy rõ tính phức tạp của diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay để nêu cao ý chí quyết tâm và có biện pháp hữu hiệu để giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Thực hiện cho bằng được: Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất.

Phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của quân đội, nhân tố cơ bản góp phần làm nên chiến thắng quân đội, chúng ta cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng quân đội về chính trị, làm cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt. Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị; nâng cao chất lượng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân; đồng thời, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch để bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

---------------------

(1) V. I. Lênin: Toàn tập, t. 39, tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-va. M. 1977, tr. 66

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 29