Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế
TCCSĐT - Kinh tế tư nhân có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong việc giải quyết công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, nguồn vốn nhàn rỗi, tận dụng các nguồn lực xã hội, phục vụ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội... Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cần có những đổi mới cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân.
Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân
Thực hiện đường lối của Đảng, qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân (bao gồm cả kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân) ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt từ sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, số doanh nghiệp mới được thành lập ngày càng tăng. Theo Nghị định số 90/2001/NĐ-CP của Chính phủ, với tiêu chí quy mô vốn pháp định của doanh nghiệp dưới 10 tỷ VNĐ, số lượng lao động sử dụng dưới 300 lao động một năm thì hiện nay khoảng 97% các doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại doanh nghiệp vừa và nhỏ và chủ yếu thuộc về khu vực kinh tế tư nhân.
Các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay, nhất là giai đoạn đầu của quá trình xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tế qua hơn 30 năm đổi mới cho thấy, kinh tế tư nhân phát huy ngày càng tốt hơn các nguồn lực và tiềm năng trong nhân dân. Sau gần 5 năm Luật Doanh nghiệp ra đời (năm 2005), năm 2010 cả nước có gần 108.300 doanh nghiệp mới đăng ký, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký lên khoảng 150.000, tăng gấp gần 2 lần so với 9 năm trước đây (1991 - 1999); tổng số vốn đăng ký đạt hơn 302.250 tỷ đồng (tương đương 18 tỷ USD, cao hơn số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong cùng thời kỳ). Đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp mới đã hình thành sau thực thi Luật Doanh nghiệp mới năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014, trong năm 2016 cùng với cam kết của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt đã tạo xung lực mới cho kinh tế tư nhân phát triển. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở mức ấn tượng, riêng năm 2016 là hơn 110.000 doanh nghiệp.
Đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của kinh tế tư nhân là tạo việc làm và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Riêng số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thu hút 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, khoảng 25% - 26% lực lượng lao động cả nước. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đã sử dụng khoảng 16% lực lượng lao động xã hội (khoảng hơn 6 triệu người). Tính tổng thể, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước(1).
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, nhìn chung kinh tế tư nhân đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn. Thách thức lớn nhất đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, các sản phẩm và của nền kinh tế nói chung còn hạn chế, chậm được khắc phục. Tính trong nhiều năm, Việt Nam bị tụt bậc, hoặc không cải thiện nhiều về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước xếp hạng. Điều này cho thấy mặc dù có nhiều cố gắng, song môi trường đầu tư kinh doanh vào Việt Nam, có liên quan đến hoạt động của kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn, chậm được cải thiện. Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có nhiều giấy phép kinh doanh các loại đang được vận dụng nhưng nhiều loại giấy phép kinh doanh có mục tiêu không rõ ràng, hiệu lực quản lý thấp, tạo cơ hội cho việc lạm quyền, gia tăng nhiều khoản chi phí không chính thức.
Việt Nam là nước có tỷ lệ chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp thuộc loại cao nhất trong khu vực. Để thành lập một doanh nghiệp và đi vào hoạt động cần làm nhiều thủ tục (xin mã số thuế, lắp đặt hệ thống điện nước, điện thoại, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng nhà xưởng, giấy chứng nhận về môi trường...). Chính chi phí này cộng thêm sự bất lợi của quá trình sản xuất - kinh doanh là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp cao, khả năng cạnh tranh hạn chế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, trong hoạt động của kinh tế tư nhân xuất hiện tình trạng nhiều “doanh nghiệp ma” được thành lập để sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng đã gây tác hại không nhỏ đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đầu cơ buôn lậu lũng đoạn thị trường, trốn thuế đang đặt ra nhiều vấn đề và công tác quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện.
Hiện có tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển thành doanh nghiệp vì tâm lý ngại các thủ tục hành chính khi thành lập và hoạt động kinh doanh dưới sự quản lý của cơ quan công quyền. Ngoài ra, tình trạng một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hình thành và phát triển, tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản, trong khi đó các lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng, xuất khẩu... sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế.
Ngoài quy mô nhỏ thì hạn chế nổi bật của khu vực kinh tế tư nhân là trình độ của lao động số đông không được đào tạo, kỹ năng tay nghề thấp, trình độ tiếng Anh còn kém. Đa số các doanh nghiệp tư nhân đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó 52% đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ có 10% là thiết bị tương đối hiện đại. Đây là điều đáng báo động trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay(2).
Trước sức ép của làn sóng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng vươn lên để tồn tại, đứng vững và phát triển. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh chậm được cải thiện, chi phí gia nhập thị trường cao, đồng thời với chi phí đầu vào, như nguyên liệu, giá xăng dầu, giá độc quyền trong một số lĩnh vực, giá thuê đất cao cộng với mất ưu thế về nguồn lao động rẻ đang tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp tư nhân trước yêu cầu mở cửa hội nhập quốc tế. Ngoài khó khăn kể trên, hiện nay trên thực tế kinh tế tư nhân còn gặp nhiều trở ngại, như khó khăn về môi trường pháp lý, môi trường tâm lý xã hội,...
Nguyên nhân những khó khăn, hạn chế của kinh tế tư nhân
Ngoài nguyên nhân nội tại của kinh tế tư nhân, cần kể đến những yếu tố thuộc về tổ chức, quản lý nhà nước, như:
- Về công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển kinh tế tư nhân:
Chưa xây dựng được chiến lược, quy hoạch phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói chung cũng như trong từng ngành, từng địa bàn, thích hợp với từng trình độ để có thể tận dụng và phát huy mọi năng lực, làm căn cứ cho sự định hướng, dẫn dắt phát triển của Nhà nước. Các thị trường về bất động sản, vốn, lao động, khoa học - công nghệ chưa phát triển; luật pháp, chính sách để tạo môi trường cho các thị trường này hoạt động còn chưa đủ và đồng bộ. Công tác dự báo, định hướng, thông tin, nhất là thông tin thị trường, hướng dẫn đối với khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém, bất cập.
- Về hệ thống văn bản pháp luật
Còn không ít những quy định chưa rõ ràng, chưa đồng bộ và chưa đủ cụ thể, nên khó thực hiện, như một số quy định của các luật chuyên ngành được ban hành từ trước, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, không phù hợp với Luật Doanh nghiệp; danh mục ngành, nghề đăng ký kinh doanh, quy định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề và giấy phép kinh doanh, thay đổi tên doanh nghiệp, quy định về điều kiện ưu đãi. Quy định hộ kinh doanh cá thể là những cơ sở không thường xuyên thuê lao động, nhưng thực tế rất nhiều hộ kinh doanh cá thể có thuê lao động thường xuyên; quy định những người làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh, nhưng lại không quy định như thế nào là thu nhập thấp.
Chưa hình thành đồng bộ khung pháp lý cho việc phát triển của các yếu tố thị trường, như thị trường hàng hóa, thị trường vốn (bao gồm cả chứng khoán), thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản (kể cả quyền sử dụng đất) và cho sự hình thành môi trường kinh doanh bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân còn nhỏ bé mới hình thành, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh; tiến tới một mặt bằng pháp lý và các điều kiện đầu tư, kinh doanh chủ yếu cho tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Một số nội dung quy định chưa phù hợp với trình độ, quy mô phát triển của hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp của tư nhân, như trong quy định về chế độ báo cáo tài chính, về lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, mức nộp phí công đoàn. Hiện vẫn chưa có cơ chế tài chính cụ thể đối với khu vực kinh tế tư nhân. Khâu quản lý sau đăng ký kinh doanh còn bất cập, các ngành và địa phương chưa nắm được đầy đủ và chắc chắn hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân.
- Về tổ chức quản lý nhà nước
Công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện một số hạn chế, như:
Năng lực của cơ quan đăng ký kinh doanh ở địa phương còn hạn chế so với yêu cầu phát triển; thiếu sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong khâu đăng ký và quản lý hoạt động của kinh tế tư nhân.
Quản lý nhà nước sau đăng ký kinh doanh còn nhiều bất cập. Mặc dù có nhiều đầu mối tham gia quản lý đối với khu vực kinh tế tư nhân, song trên thực tế, không có một cơ quan quản lý nhà nước nào ở Trung ương và ở địa phương theo dõi, nắm chắc được tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của kinh tế tư nhân.
Nhìn chung các bộ, ngành ở Trung ương và các sở, ngành ở địa phương chưa thực hiện được đầy đủ chức năng quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực của mình.
Cải cách hành chính tiến hành còn chậm (việc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp còn chồng chéo, kéo dài, gây phiền hà cho cơ sở; chưa có chế tài để xử lý các vi phạm trong đăng ký kinh doanh và những cán bộ nhà nước nhũng nhiễu, gây khó khăn, thiệt hại cho người kinh doanh).
Một số giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật
Luật pháp, chính sách cần nhất quán, minh bạch, mọi sự thay đổi cần thiết phải theo xu hướng thuận lợi hơn, tốt hơn cho người kinh doanh, không gây bị động cho nguời kinh doanh, kinh tế tư nhân.
Tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết định của người kinh doanh, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp đồng thời phải có chế tài, chế độ khen thưởng và xử phạt nghiêm minh cả với người kinh doanh và người thi hành công vụ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân.
Phân biệt rõ quan hệ kinh tế, dân sự với việc vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia, lợi ích nhà nước và trật tự an toàn xã hội mang tính chất hình sự. Cần thống nhất phối hợp giữa các cơ quan thanh tra kiểm tra, các cơ quan quản lý nhà nước có chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với doanh nghiệp và thông báo trước cho doanh nghiệp. Cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ kiểm tra, thanh tra khi doanh nghiệp đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thanh tra, kiểm tra.
Cần tiến hành sơ kết, tổng kết Luật Doanh nghiệp qua thực thi để có kế hoạch bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện mới, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung một số quy định trong luật chuyên ngành (Bộ luật Dân sự, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Phá sản).
Ban hành và thực thi hiệu quả pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, hình thành khung khổ pháp lý cho việc bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát độc quyền kinh doanh.
Tăng cường phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ đối với kinh tế tư nhân, nhất là cho hộ kinh doanh cá thể.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân theo hướng bảo đảm sự phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể trong việc thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Tiếp tục tạo môi trường tâm lý xã hội tích cực cho khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức quản lý nhà nước
Bổ sung, sửa đổi về phân công, phân cấp quản lý khu vực kinh tế tư nhân: Chức năng quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân là xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện khung pháp lý và ban hành định hướng chính sách, cơ chế quản lý đối với khu vực này; kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chế độ, quy định của Nhà nước. Thống nhất quản lý nhà nước đối với toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân (các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp của tư nhân), nhất là khâu đăng ký kinh doanh; các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý theo ngành và lãnh thổ đối với tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Hình thành một đầu mối tổng hợp chung đối với khu vực kinh tế tư nhân ở trung ương và địa phương.
Ban hành tiêu chí để phân loại hình hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân: Nhà nước sớm quy định tiêu chí để đánh giá và phân định hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp khác của tư nhân cho đúng tính chất của từng loại hình kinh tế, làm cơ sở cho việc áp dụng cơ chế và phương thức quản lý phù hợp, tạo điều kiện để chuyển dịch hiệu quả các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp tư nhân.../.
----------------------------------------
(1) Võ Khắc Nghiêm: Một mùa xuân kiến tạo khởi nghiệp, Thời báo Kinh tế Việt Nam: Xuân Khởi nghiệp 2017 (Số 20-30), ngày 24-1-2017 - 4-2-2017, tr 04
(2) Tô Hoài Nam: Thách thức, thời cơ với doanh nghiệp Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Báo Tuổi trẻ ra ngày 28-11-2016
Thủ tướng tọa đàm với các doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản  (06/06/2017)
Đà Nẵng: 5 tháng đầu năm 2017, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đều đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch  (06/06/2017)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên