Phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
TCCSĐT - Một trong 15 nội dung Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) là xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Báo cáo chính trị cũng đề ra 8 nhiệm vụ, trong đó, nhiệm vụ thứ sáu là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa.
Khái niệm công nghiệp văn hóa
Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” đã được gần 200 quốc gia thông qua từ năm 1998 trong Hội nghị Thượng đỉnh về văn hóa được tổ chức tại Xtốc - khôm (Thụy Điển). Có thể nói, công nghiệp văn hóa là sự tập hợp các ngành kinh tế khai thác và sử dụng hiệu quả tính sáng tạo, kỹ năng, sở hữu trí tuệ, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa văn hóa xã hội; nhấn mạnh đến hai yếu tố công nghiệp và sáng tạo. Sự kết hợp giữa hai yếu tố công nghiệp và sáng tạo đã tạo nên đặc trưng của ngành công nghiệp này. Nói cách khác, năng lực sáng tạo của cá nhân thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại tạo nên một ngành kinh doanh hùng mạnh, giàu tiềm năng, chứa đựng cả giá trị kinh tế lẫn văn hóa.
Quan niệm có tính phổ biến hiện nay cho rằng công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất, tái sản xuất, truyền bá các dịch vụ văn hóa và sản phẩm văn hóa được tạo ra bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa và thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của người dân. Đó là sản phẩm kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật cao với sự nghiệp văn hóa, thể hiện xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa được bảo vệ bởi Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Bản quyền.
Về cơ cấu của ngành công nghiệp văn hóa, cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Trước đây, theo quan niệm phổ biến trên thế giới, lĩnh vực công nghiệp văn hóa gồm quảng cáo, kiến trúc, thị trường đồ cổ và nghệ thuật, thủ công nghiệp, thiết kế, thời trang, điện ảnh, video và nhiếp ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và thị giác, xuất bản, phần mềm, trò chơi máy tính và xuất bản điện tử, truyền hình và đài phát thanh. Các nước châu Âu đưa ra 11 lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa, đó là quảng cáo kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật, đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, điện ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính… Trong khi một số nước châu Á thì chỉ đề cập đến 7 lĩnh vực, đó là điện ảnh, phát thanh - truyền hình, báo chí, xuất bản, in và sản xuất băng đĩa, quảng cáo và dịch vụ giải trí, nghệ thuật biểu diễn.
Quá trình nhận thức của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa
Dù sau này khái niệm công nghiệp văn hóa mới được đề cập trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng nhưng nội hàm của khái niệm này đã được đề cập tới từ trước rất lâu. Trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, cùng với quá trình hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, các đơn vị sự nghiệp văn hóa cũng dần có những chuyển biến phù hợp. Một số đơn vị sự nghiệp về văn hóa bước đầu chuyển sang hạch toán kinh doanh. Thị trường văn hóa đã manh nha hình thành. Bước sang thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiến lược phát triển kinh tế đan xen với chiến lược phát triển văn hóa được đặc biệt chú ý. Trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta đưa ra quan điểm chỉ đạo cơ bản, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa,… văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”(1). Một trong những nhiệm vụ cụ thể được Nghị quyết nêu rõ là: “Hoàn chỉnh các văn bản pháp luật về văn hóa, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện của cơ chế thị trường; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hóa và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân”(2). Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn kết giữa chính sách văn hóa với chính sách kinh tế, giữa các hoạt động văn hóa với hoạt động kinh tế.
Kết luận Hội nghị Trung ương 10, khóa XI (năm 2004) đã cho thấy những điểm mới trong nhận thức của Đảng về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Đó là sự khẳng định các hoạt động văn hóa không chỉ mang tính chất sự nghiệp mà còn mang tính kinh doanh với sự tham gia của các doanh nghiệp văn hóa; thị trường văn hóa bước đầu được thừa nhận với những sản phẩm văn hóa được lưu thông theo cơ chế thị trường. Cũng tại Hội nghị này, thuật ngữ “doanh nghiệp văn hóa” được đưa ra và nhấn mạnh giải pháp phát triển các doanh nghiệp văn hóa đủ khả năng đứng vững trong cơ chế thị trường, đạt được hiệu quả văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ.
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” một lần nữa khẳng định sự tồn tại của thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa; các phương tiện, phương thức sản xuất và truyền bá các sản phẩm văn hóa - những nội dung quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa đã được Nghị quyết nhấn mạnh: “Các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển khá mạnh đã đưa được nhiều tác phẩm đến với công chúng, góp phần đáp ứng ngày càng đa dạng của nhân dân. Đã hình thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật ở trong nước; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kỳ mới”(3).
“Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06-5-2009, khẳng định, phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới; cơ chế thị trường huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, kích thích một số ngành sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa xuất hiện, mở ra khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tạo tiền đề cho việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta. Như vậy, trong Chiến lược này, Chính phủ đã nhận thức rõ về xu thế tất yếu phải phát triển công nghiệp văn hóa, những điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa và đưa ra nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đề ra mục tiêu cụ thể là xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Một trong 6 nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch… thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa. Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý và thực thi quyền tác giả từ trung ương đến địa phương.
Như vậy, mặc dù khái niệm công nghiệp văn hóa đã được đề cập khá sớm trong văn bản của Nhà nước (Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020) nhưng phải đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, lần đầu tiên khái niệm công nghiệp văn hóa mới được chính thức nêu ra trong văn kiện của Đảng. Nhằm xác lập chủ trương nhất quán về phát triển công nghiệp văn hóa, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tại Đại hội XII của Đảng cũng đã nêu nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Gần đây nhất, ngày 08-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Có thể khẳng định, chủ trương xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa là một bước tiến quan trọng trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan quản lý; là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy về văn hóa gắn với đổi mới tư duy kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường.
Những nhiệm vụ và giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta trong những năm tới
Để phát triển công nghiệp văn hóa cần phải quan tâm đến một số nhiệm vụ và giải pháp sau (như Đại hội XII đã đề ra):
Thứ nhất, có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Cơ sở vật chất - kỹ thuật hỗ trợ rất nhiều cho sự thể hiện của người sáng tác, biểu diễn và đưa lại hiệu quả không nhỏ cho người hưởng thụ văn hóa. Vì vậy, không thể không ứng dụng những tiến bộ của khoa học - công nghệ vào việc quy hoạch, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa phù hợp với việc phát triển công nghiệp văn hóa. Các thiết chế phục vụ cho phát triển công nghiệp văn hóa nhìn chung còn hạn chế về nhiều mặt, hạn chế cả về số lượng, quy mô, trang thiết bị, đội ngũ quản lý và điều hành. Vì vậy, cần phải dành quỹ đất để xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa. Tập trung xây dựng một số trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại, đa năng để có thể tổ chức được các chương trình nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế.
Việc cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập, như cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, giao đất... cho các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa là một yêu cầu rất cấp thiết. Có như vậy thì các đơn vị mới chủ động hơn trong đầu tư, trong xây dựng kế hoạch hoạt động lâu dài. Đồng thời đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài trong giai đoạn mới, hoặc chủ trương tổ chức đấu thầu công khai để tìm đơn vị (không phân biệt tư nhân hay Nhà nước) thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất đối với những công trình nghệ thuật lớn của Nhà nước. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của một số nước tiên tiến về cách đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, như Nhật Bản (tất cả các cơ sở vật chất nhà hát đều do nhà nước đầu tư xây dựng, mỗi quận đều có từ một đến vài nhà hát. Sau khi nhà nước xây dựng nhà hát sẽ tổ chức đấu thầu cho các công ty tư nhân có năng lực hoạt động thuê lại thời gian 5 năm, 10 năm... để thực hiện các chương trình, vở diễn phục vụ nhân dân; đó là cách để khán giả được hưởng thụ văn hóa tốt hơn).
Thứ hai, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.
“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã đưa ra quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Lâu nay, Nhà nước đã hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật bằng cách đầu tư từ nguồn ngân sách, cho xây dựng các thiết chế văn hóa, gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách về thuế. Nhà nước cũng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc hình thành các loại quỹ văn hóa với các thể chế phi nhà nước và nửa nhà nước. Loại quỹ văn hóa phi nhà nước thuần túy huy động sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước… để đầu tư cho các hoạt động văn hóa theo nhu cầu của xã hội. Còn loại quỹ có sự đầu tư một phần của Nhà nước trong xây dựng các mục tiêu và quy định cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Thứ ba, đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam.
Đổi mới, hoàn thiện thể chế văn hóa là yêu cầu tất yếu để phát triển công nghiệp văn hóa. Từ bài học thành công của các nước trên thế giới về ngành công nghiệp văn hóa đã cho thấy, văn hóa đang ngày càng thể hiện thế mạnh khi trở thành thương phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ ngày càng cao trên thế giới. Vì vậy, ở Việt Nam cần thiết phải đổi mới, hoàn thiện thể chế và tạo môi trường pháp lý để ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều bộ luật. Bên cạnh Luật Sở hữu trí tuệ và các chính sách ưu đãi thuế có vai trò bảo trợ, hỗ trợ pháp lý cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, còn có các bộ luật và các quy định khác có liên quan chặt chẽ đến việc cung cấp một khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của các ngành, nghề như Luật Điện ảnh, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, ngày 05-10-2012 của Chính phủ “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”, Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng năm 2006… “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cũng đã xác định nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
Thứ tư, nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội.
Công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế, các doanh nghiệp văn hóa hoạt động theo quá trình sản xuất, khai thác, phân phối và tiêu thụ các giá trị văn hóa cho nên cần phải được bảo vệ bởi bản quyền. Cần phải khẳng định rằng, sẽ không tồn tại ngành công nghiệp văn hóa nếu việc vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Ở nước ta, hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền đang xuất hiện khá phổ biến ở một số lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi trực tuyến, thời trang,… Vi phạm bản quyền khiến người sáng tạo, các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm và dịch vụ ít có cơ hội thu được lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối sản phẩm; phá hỏng các mô hình kinh doanh và gây khó khăn cho sự phát triển các doanh nghiệp. Việc thiếu hiểu biết nghiêm trọng về các quy định pháp lý của các doanh nghiệp khiến họ thiếu tự tin trong việc phát triển các mô hình doanh nghiệp.
Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa là một nhiệm vụ mới, liên quan đến sự đổi mới tư duy về phát triển văn hóa phù hợp với tiêu chí của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn thực hiện được nhiệm vụ này cũng như đạt được mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội thì cần phải thực hiện rất nhiều việc, trước hết đó là thay đổi tư duy, thay đổi thể chế và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp vừa nêu trên./.
---------------------------------------
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1998, tr. 55
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Sđd, tr. 69
(3) Xem http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/van-kien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu/nghi-quyet/doc-2925201511552446.html
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời New York đến Washington  (31/05/2017)
Thủ tướng dự Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc  (31/05/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên