Các nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở nước ta hiện nay
Bầu cử là một quá trình đưa ra quyết định của công dân hoặc của thành viên một tổ chức để chọn ra các cá nhân nắm giữ các chức vụ thuộc chính quyền, thuộc ban lãnh đạo của một tổ chức, cơ quan, đơn vị nào đó. Đây là cơ chế phổ biến được các nền dân chủ hiện áp dụng để phân bổ chức vụ trong bộ máy lập pháp, đôi khi cả ở bộ máy hành pháp, tư pháp và ở chính quyền địa phương. Bầu cử là cơ sở pháp lý cho việc hình thành ra các cơ quan đại diện cho quyền lực của Nhà nước.
Trong văn bản pháp luật, thuật ngữ “bầu cử” được hiểu là thủ tục thành lập cơ quan nhà nước hay chức danh nhà nước. Thủ tục này được thực hiện bởi sự biểu quyết của cử tri (đại cử tri, đại diện cử tri) nhằm bầu ra một đại biểu (chức danh) với điều kiện phải có từ hai ứng cử viên trở lên. Định nghĩa trên cho phép phân biệt bầu cử với phương pháp khác trong việc thành lập cơ quan nhà nước, như bổ nhiệm, chỉ định.
Ngoài những cuộc bầu cử mang tính chất chính trị (thành lập cơ quan nhà nước), bầu cử còn được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội, chính trị, như các đảng chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng… Bầu cử cũng thường được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức thương mại và tư nhân, từ các câu lạc bộ cho đến các hội từ thiện và các tập đoàn,...
Khác với cuộc bầu cử được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cuộc bầu cử thành lập cơ quan nhà nước hay một chức danh nhà nước được điều chỉnh bởi Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước ban hành. Thông thường, cơ quan đại diện của chính quyền địa phương được thành lập bằng con đường bầu cử. Ở một số nước, các cơ quan nhà nước khác như Tổng thống, Chính phủ, Tòa án cũng được thành lập thông qua bầu cử.
Bầu cử cho phép người dân có quyền rất lớn để hành động như những "chủ nhân" chọn những "công bộc" chính quyền cho chính họ. Điểm đặc biệt của các nền dân chủ và cộng hòa là sự nhận thức rõ rằng, để Nhà nước có được quyền hợp pháp, thực sự là Nhà nước "của dân, do dân và vì dân", thì phải có sự đồng thuận của người dân hay những người bị trị.
Cần phân biệt giữa bầu cử với chế độ bầu cử, theo đó, chế định bầu cử là một tổng thể gồm các nguyên tắc, các quy định của pháp luật về bầu cử cùng những quan hệ được hình thành trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử: từ lúc công dân ghi tên trong danh sách bầu cử đến lúc các lá phiếu được bỏ vào thùng phiếu và xác định kết quả bầu cử. Đó là tổng thể các quan hệ xã hội hợp thành trình tự bầu cử.
Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt “bầu cử” với “quyền bầu cử”. Quyền bầu cử được hiểu là khả năng của công dân được Nhà nước bảo đảm tham gia vào quá trình thành lập các cơ quan nhà nước ở Trung ương và cơ quan chính quyền địa phương. Quyền bầu cử là tổng thể những quy định cụ thể cho công dân.
Các nguyên tắc bầu cử là những quy định được áp dụng cho quyền bầu cử của chủ thể (quyền bầu cử chủ động và quyền bầu cử bị động). Nguyên tắc bầu cử là điều kiện được quy định bởi luật bầu cử của mỗi nước, mà việc thực hiện và tuân thủ quy định đó trong quá trình bầu cử quyết định tính hợp pháp của cuộc bầu cử.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nước ta quy định 4 nguyên tắc bầu cử: nguyên tắc phổ thông, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc trực tiếp và nguyên tắc bỏ phiếu kín.
Nguyên tắc phổ thông
Pháp luật bầu cử của các nước đều khẳng định, nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, (trừ những người mất trí hay những người bị tước quyền bầu cử trên cơ sở của pháp luật), đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử.
Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử.
Ví dụ: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của nước ta quy định đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội:
- Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật, được Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày diễn ra bầu cử;
- Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai, có sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và đoàn thể nhân dân;
- Thời gian bỏ phiếu được quy định thống nhất trong cả nước từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật);
- Mọi công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri;
- Danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày diễn ra bầu cử;
- Danh sách ứng cử viên cũng được lập và niêm yết công khai chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn.
Nguyên tắc bình đẳng
Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
Nội dung của nguyên tắc bình đẳng là mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo,... Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân.
Nội dung nguyên tắc bình đẳng: Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; Mỗi ứng cử viên chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; Mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu.
Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng.
Nguyên tắc trực tiếp
Bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào.
Nguyên tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu.
Trái với nguyên tắc bầu cử trực tiếp là nguyên tắc bầu cử gián tiếp. Theo nguyên tắc này, cử tri không trực tiếp bầu ra người đại diện cho mình, mà bầu ra thành viên của tuyển cử đoàn, sau đó tuyển cử đoàn mới bầu ra cơ quan đại diện hay chức danh nhà nước. Bầu cử gián tiếp có thể qua hai cấp, như bầu Tổng thống Mỹ (cử tri bầu ra Đại cử tri đoàn), Thượng nghị viện Pháp; hoặc bầu qua ba cấp, như bầu Quốc hội Trung Quốc (Đại hội đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc).
Nguyên tắc bỏ phiếu kín
Nguyên tắc bỏ phiếu kín thể hiện ở việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí (sự bỏ phiếu) của cử tri. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo tự do đầy đủ sự thể hiện ý chí của cử tri.
Để bảo đảm khách quan trong việc lựa chọn của cử tri, các nước thường quy định việc bỏ phiếu kín. Ví dụ: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nước ta quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín.
Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Bốn nguyên tắc nói trên là một chỉnh thể, thiếu sót ở nguyên tắc nào cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc khác. Để buộc các chủ thể phải tuân thủ các nguyên tắc nói trên, Nhà nước pháp điển hóa các nội dung của chúng thành các quy phạm pháp luật. Có nguyên tắc được quy định rõ trong một quy định, có nguyên tắc được thể hiện bằng nhiều quy phạm pháp luật khác nhau.
Theo chiều hướng của sự phát triển xã hội ngày càng mở rộng dân chủ, thì các hình thức biểu hiện của các nguyên tắc bầu cử trên đây càng đa dạng, càng phong phú, càng góp phần đảm bảo tính chất dân chủ của các cuộc bầu cử.
Tóm lại, bầu cử là biểu hiện quan trọng của dân chủ trong xây dựng chính quyền nhà nước. Chế độ bầu cử là nền tảng của dân chủ, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc kiến tạo chế độ dân chủ. Chế độ bầu cử là một trong những trụ cột trong cấu trúc dân chủ ở bất cứ nhà nước nào, bất cứ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nào. Dân chủ và bầu cử gắn bó mật thiết như hình với bóng. Ở đâu có bầu cử tự do và trung thực, thì ở đó một chế độ dân chủ được nảy nở và phát triển. Dân chủ có nghĩa là nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể của quyền lực nhà nước; các cơ quan quyền lực phải được nhân dân bầu hoặc bãi miễn thông qua bầu cử tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín.
Bầu cử là một định chế quan trọng của dân chủ, nền tảng hợp pháp để hình thành các chức danh, cơ quan lãnh đạo của các tổ chức thành viên thuộc hệ thống chính trị, trong đó có Đảng Cộng sản cầm quyền. Việc thiết kế, thực thi chế độ bầu cử tiến bộ, phù hợp, thực sự dân chủ là công việc quan trọng hàng đầu đối với bất cứ cơ quan chính quyền nhà nước, cũng như đối với tất cả các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay. /.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chào xã giao Thủ tướng Hun Sen  (12/05/2016)
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt - Lào  (12/05/2016)
Việt Nam - Lào tăng hợp tác bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu lý luận  (12/05/2016)
Khởi công Hợp phần B Dự án Cảng container quốc tế Hải Phòng  (12/05/2016)
Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt hoạt động thăm đảo Ba Bình  (12/05/2016)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên