Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay

Thiếu tá Đặng Công Thành Khoa tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
21:18, ngày 10-05-2016

TCCSĐT - Trong kho tàng di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, di sản tư tưởng của Người về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế là một bộ phận hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Đây là cơ sở nền tảng, kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta trong các giai đoạn cách mạng, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu. Vì sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ phụ thuộc vào con người, tài nguyên, vị trí, truyền thống của quốc gia đó, mà một phần quan trọng tùy thuộc vào các mối liên kết quốc tế mà trước hết là về mặt kinh tế. Năm 1919, khi bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(1). Người luôn xác định, mỗi nước là một bộ phận của thế giới với các mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Đối với nước ta, Người viết: “… là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới”(2). Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, cách mạng Việt Nam không thể thắng lợi hoàn toàn nếu thiếu sự ủng hộ giúp đỡ và hợp tác quốc tế. Nhưng điều then chốt là, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong cộng đồng quốc tế trên lập trường giai cấp công nhân và thống nhất với lợi ích của quốc gia, dân tộc, từ đó xác định rõ đối tượng hợp tác và đấu tranh, giữa bạn và thù để có những chủ trương, biện pháp phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu chính trị cách mạng.

Tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần phải mở rộng hợp tác với các nước, không chỉ với các nước láng giềng anh em, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ mà cả với các nước tư bản nhưng với điều kiện là phải bảo đảm độc lập tự chủ của Việt Nam. Độc lập tự chủ là nguyên tắc không thay đổi, hội nhập kinh tế quốc tế là để phục vụ công cuộc xây dựng phát triển đất nước sau khi giành độc lập, không thể vì hợp tác, hội nhập kinh tế mà đánh mất độc lập tự chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi, và chung sống hòa bình”(3). Khi trả lời câu hỏi của một phóng viên hãng thông tấn Pháp: “Nếu chính phủ hoặc tư nhân Pháp cho vay vốn thì Chủ tịch có nhận không? Và nếu nhận thì với những điều kiện như thế nào”. Người khẳng định: “Những quan hệ kinh tế giữa hai nước phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần và lợi ích dân tộc trong quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế thế giới. Người nhấn mạnh: “Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn”(5) và căn dặn cán bộ, đảng viên, nhân dân rằng, “cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc”(6), “phải tranh đấu vì lợi ích của dân tộc”(7), phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ. Tuy nhiên, Người nhắc nhở không được thể hiện tư tưởng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà “mình được hưởng cái hay của người thì phải có cái hay cho người ta hưởng”.

Về quan niệm độc lập của nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích cho thông tin viên hãng Roi-tơ, ông V. Rao rằng: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”(8). Độc lập tự chủ là xuất phát từ lợi ích giai cấp và dân tộc để hoạch định và thực thi đường lối đối nội, đối ngoại; không giáo điều, dập khuôn, máy móc; không lệ thuộc vào người khác. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập tự chủ là đặc điểm rất sâu sắc trong phong cách tư duy của Người mà một trong những điều kiện quan trọng để có được phẩm chất ấy là phải hướng tầm nhìn ra thế giới, mở mang quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và nhằm làm cho Việt Nam phát triển “giàu mạnh”, “văn minh”, “có thể theo kịp các nước khác trên toàn cầu”.

Khi nhấn mạnh phải giữ vững độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế nói chung, trong hội nhập kinh tế nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo hai khuynh hướng cần phải tránh, đó là, “không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”(9).

Tư tưởng độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất và gắn liền với tư tưởng chủ động, tích cực, “tự lực cánh sinh”, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, không ỷ lại ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ. Theo Người, muốn hợp tác quốc tế hiệu quả, bền vững phải có thực lực của ta làm cơ sở. Thực lực chính là sức mạnh nội lực, là nhân tố quyết định thành công của hội nhập quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập. Cần lưu ý rằng, khi đề cập đến nhân tố trong nước và sự hợp tác với nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng đặt nhân tố nội lực lên trên, nhấn mạnh phải lấy nội lực là chính. Phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nước cũng chính là để sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn nguồn lực từ bên ngoài. Đồng thời có chính sách thu hút tốt các nguồn lực từ bên ngoài thì sẽ phát huy tốt hơn, có hiệu quả hơn các nguồn lực trong nước. Phát biểu trong phiên họp Hội đồng chính phủ, ngày 23-11-1945, Người nói: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình về kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình”.

Sau ngày tuyên bố độc lập không lâu, khi trả lời các nhà báo về thái độ của Chính phủ Việt Nam với Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta không chống tất cả nước Pháp, tất cả dân chúng Pháp. Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hòa bình (từ trước tới nay chưa có một cuộc điều đình như vậy, nhưng giả sử có, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ hoan nghênh)”(10) và với điều kiện chính là Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, thì “Có thể rằng: Những cơ sở mà người Pháp đã bỏ vốn ra gây dựng ở đây từ trước đến giờ, nếu xét ra cần thiết cho nền kinh tế quốc gia Việt Nam, sẽ được chúng ta chuộc lại dần dần. Có thể rằng: Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng, phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy, thì không thể nói chuyện gì được cả”(11). Điều này thể hiện tư duy rộng mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn mềm dẻo, linh hoạt trên nguyên tắc “bất biến” độc lập, tự chủ, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.

Trong thư gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giêm Biếc-nơ ngày 01-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác, để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”(12). Đồng thời, Người nêu lên tâm tư nguyện vọng, thái độ của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như các tầng lớp khác về sự ham học hỏi, cầu tiến bộ nhằm xây dựng đất nước hòa bình, độc lập và phát triển: “Trong suốt nhiều năm nay, họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”(13). Nội dung này thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải có liên kết kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật trong xây dựng đất nước.

Ngay trong lúc đất nước bộn bề muôn vàn khó khăn, chúng ta đang tập trung lực lượng chuẩn bị cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên vấn đề hợp tác, hội nhập. Tháng 7-1946, giữa thủ đô Pa-ri (Pháp), Người tuyên bố: “Việt Nam đòi quyền độc lập. Độc lập không phải là đoạn tuyệt với Pháp, mà ở trong Liên hiệp Pháp quốc, vì như thế thì lợi cả cho hai nước. Về mặt kinh tế và văn hóa, Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp…Việt Nam sẽ bảo hộ tài sản của người Pháp. Nhưng người Pháp phải tuân theo luật lao động của Việt Nam”(14). Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, người Pháp có thể tiếp tục mở thêm những doanh nghiệp mới, đủ ngành với quyền tự do doanh nghiệp của những người Pháp cũng chỉ phải chịu những điều kiện như người Việt Nam. Người nêu quan điểm, “nếu cần đến những người cố vấn, thì Việt Nam sẽ dùng đến người Pháp trước”(15) và yêu cầu Chính phủ Pháp “hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi”(16). Sau ngày hòa bình lập lại, miền Bắc tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến vấn đề hợp tác, hội nhập kinh tế nhằm tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo cán bộ, sử dụng chuyên gia nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, tác phong công nghiệp.

Giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay

Hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực đang là xu thế tất yếu. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu đều tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả nhất. Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập kinh tế với những lợi thế và thách thức. Chính vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa quan trọng. Cần giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay theo những hướng sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò các cơ quan quản lý nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, tập hợp sức mạnh toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh cơ sở, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Quán triệt sâu sắc và thực hành đúng tư tưởng Hồ Chí minh về phát huy thực lực của đất nước, bởi “thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng”, “ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”. Thực lực của ta là sức mạnh tổng hợp mọi mặt gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng, an ninh… Trong đó, cần chú trọng các yếu tố bảo đảm cho độc lập, tự chủ như: chính trị, xã hội ổn định; kinh tế tăng trư¬ởng nhanh, bền vững; quốc phòng - an ninh vững mạnh; nguồn nhân lực đối ngoại trung thành và chuyên nghiệp; quan hệ cân bằng với các nước lớn. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, trước hết, phải không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả. Ở đây, Đảng ta nhấn mạnh vai trò quyết định của tiềm lực kinh tế quốc gia trong nâng cao trình độ hội nhập quốc tế có lợi cho đất nước. Vì vậy, cần phát triển bền vững, nền kinh tế quốc dân dựa trên hệ thống doanh nghiệp mạnh và đường lối điều hành kinh tế nhanh nhạy của chính phủ thích nghi với những biến đổi của kinh tế thế giới.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, gắn ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế; nắm vững mục tiêu, kiên định nguyên tắc, bám sát tình hình, linh hoạt ứng biến; tích cực tranh thủ và chủ động tạo dựng thời cơ, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng đối ngoại với các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội; tăng cường ngoại giao nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược và lộ trình hội nhập giai đoạn 2011 - 2020 phù hợp với thế và lực của nước ta cũng nh¬ư trong môi trường quan hệ quốc tế mới. Thực tiễn cho thấy, điều cơ bản có tính chất quyết định để thực hiện các mục tiêu phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ là phải phát huy được nội lực, ngoại lực, tạo thành quốc lực mạnh, đặc biệt chăm lo, củng cố niềm tin, sự ủng hộ và gắn bó của nhân dân đối với chế độ, với Đảng, với Nhà nước.

Ba là, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế. Cùng với việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ, gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phải không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả”(17). Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ đổi mới kinh tế với “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(18).

Bốn là, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với củng cố an ninh quốc phòng. Phát huy tinh thần chủ động, nỗ lực của các cấp, các ngành để khắc phục những tiêu cực của cơ chế thị trường, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, chủ động phòng tránh các quan điểm cực đoan trong nhận thức về quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, như chỉ nhấn mạnh độc lập tự chủ mà xem nhẹ hội nhập quốc tế hoặc cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thì không cần nói tới độc lập tự chủ. Bởi, trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, chúng ta chủ động và tích cực hội nhập, bảo đảm thực hiện các cam kết trong các quan hệ song phương và đa phương, nhưng phải luôn đề cao cảnh giác, không mơ hồ trước các âm mưu đen tối của các thế lực thù địch. Xây dựng các mối quan hệ phải trên tinh thần “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”(19). Như thế, việc giải quyết mối quan hệ giữa hội nhập kinh tế quốc tế với độc lập tự chủ sẽ thành công.

                                                                              *

                                                                          *     *

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế mang tính cách mạng và khoa học. Tư tưởng đó dựa trên cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự phát triển xã hội về mối quan hệ giữa giai cấp, dân tộc và nhân loại, về cách mạng vô sản và bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc chân chính và tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những tư tưởng của Người đã và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam dẫn đường cho việc xác định và thực thi đường lối đối ngoại nói chung, về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên lĩnh vực kinh tế nói riêng để phát triển đất nước ta trong giai đoạn hiện nay./.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.14

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.265

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.12

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 113

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 265

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 514

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 8

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 162

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 97 - 98

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 85

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 86

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 91

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 91- 92

(14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 417

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 102

(18) TS. Đinh Thế Huynh, GS,TS. Phùng Hữu Phú, GS,TS. Lê Hữu Nghĩa, GS,TS. Vũ Văn Hiền, PGS,TS. Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên): 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 229

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Đảng (tài liệu sử dụng tại đảng bộ cấp cơ sở), tháng 2 - 2015, tr. 41 - 42