Từ thực tiễn công tác dân vận ở cơ sở tại Nam Bộ
TCCS - Là vùng đất trù phú, có những nét đặc thù riêng, nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, những năm vừa qua các tỉnh Nam Bộ đã phát huy thế mạnh của mình, góp sức vào những thành tựu chung phát triển đất nước. Để công tác dân vận thực hiện ngày càng tốt hơn, cần phải phát huy những mặt mạnh và nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để sửa chữa tiến bộ.
Vài nét về công tác dân vận ở các tỉnh, thành Nam Bộ
Gần đây, công tác dân vận tại các tỉnh, thành trong khu vực không ngừng được nâng cao. Các cấp ủy đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác dân vận. Qua đó nắm bắt, giải quyết kịp thời hoặc kiến nghị Trung ương những bức xúc từ cơ sở, đồng thời phát hiện những mô hình hay, cách làm giỏi để nhân rộng, nhất là mô hình “Dân vận khéo”. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, các tỉnh, thành ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận ở cơ sở. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức nghiên cứu, đầu tư xây dựng các mô hình tổ chức dân vận ở ấp, khóm. Ở An Giang có ban công tác vận động quần chúng ấp; Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long có tổ dân vận ấp; ở Tiền Giang có khối dân vận ấp..., đội ngũ làm công tác dân vận ấp đều được hưởng chế độ phụ cấp hằng tháng từ nguồn kinh phí địa phương. Những mô hình này xuất hiện đầu tiên trong cả nước, bước đầu phát huy tác dụng, là nét mới trong công tác dân vận ở các tỉnh Nam Bộ.
Được sự quan tâm của các cấp ủy cùng việc giúp đỡ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, dân chủ, sát cơ sở, kết hợp hài hòa giữa vận động với chăm lo lợi ích cho đoàn viên, hội viên. Thực hiện quan điểm “đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng” của Đảng, ngoài các tổ chức chính trị - xã hội truyền thống, hàng ngàn tổ chức quần chúng trong khu vực nhanh chóng được thành lập, hầu hết đều chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đã góp phần tích cực vào sự phát triển đất nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2008 có khoảng 5.000 hội (đội, nhóm, câu lạc bộ) đang hoạt động, trong đó có 553 hội được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp phép.
Từ khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 18, ngày 21-9-2000, về “Tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền”, công tác dân vận của vùng có nhiều tiến bộ, các cấp chính quyền chú trọng thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt phiền hà cho nhân dân, phát huy dân chủ, phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong giải quyết nhiều vấn đề ở địa phương. Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương... hằng năm đã tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo địa phương với nhân dân, tạo được sự thông hiểu giữa chính quyền với dân trong giải quyết những vấn đề bức xúc của dân.
Bên cạnh những tiến bộ vẫn còn không ít hạn chế. Một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình hiện nay nên thiếu quan tâm, buông lỏng hoặc lúng túng trong lãnh đạo công tác này. Ở một số địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chậm đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, chưa làm tốt công tác tham mưu, chậm phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân cho Đảng. Trong giải quyết các điểm nóng tại các địa bàn xung yếu (vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), vận động các đối tượng đặc thù (chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc, trí thức, sinh viên, tiểu thương, giới chủ...) thì vai trò của Mặt trận và các đoàn thể còn hạn chế. Trình độ học vấn, chính trị, kỹ năng vận động quần chúng của phần lớn cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chưa đồng đều. Tỷ lệ đoàn viên, hội viên trong nhân dân còn thấp, chất lượng chưa cao, lực lượng nòng cốt trong các đoàn thể còn mỏng.
Công tác dân vận của các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế, phẩm chất và năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thủ tục hành chính còn nhiêu khê, tạo kẽ hở cho những hành vi tiêu cực. Một số cơ quan nhà nước có biểu hiện mất dân chủ trong giải quyết những vấn đề nội bộ và những vấn đề liên quan đến lợi ích người dân. Thời gian qua, nhiều công chức (hầu hết là trí thức) bỏ các cơ quan nhà nước ra ngoài, các vụ khiếu kiện xảy ra... một phần bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Những bài học kinh nghiệm bước đầu từ thực tiễn
Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, các địa phương trong khu vực đã thực sự quan tâm nhiều đến công tác “dân vận chính quyền”, coi đó là bộ phận quan trọng nhất trong công tác dân vận của hệ thống chính trị hiện nay. Bài học này xuất phát từ quan điểm “quan hệ giữa Đảng và nhân dân chủ yếu thông qua chính quyền và bằng chính quyền”. Điều đó cũng có nghĩa, trong công tác dân vận của hệ thống chính trị hiện nay vai trò của chính quyền rất quan trọng, cần được đặt lên hàng đầu.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2008 có khoảng 5.000 hội (đội, nhóm, câu lạc bộ) đang hoạt động, trong đó có 553 hội được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp phép.
Để chính quyền có cơ sở làm tốt công tác dân vận trước tiên phải xuất phát từ đường lối của Đảng. Đường lối của Đảng là căn cứ để chính quyền đề ra chính sách. Đường lối của Đảng đúng, tự nó đã chứa đựng và bao hàm yếu tố dân vận. Đơn cử như trên mặt trận nông nghiệp, cuối thập niên 70 và gần hết thập niên 80 của thế kỷ XX, chúng ta loay hoay mãi trong cơ chế quản lý cũ nên dân vẫn thiếu ăn, hằng năm phải nhập hàng trăm ngàn tấn lương thực. Nhưng năm 1989, chỉ sau 1 năm chính quyền các cấp tổ chức thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ban hành ngày 05-4-1988, “Về đổi mới kinh tế nông nghiệp”, trong đó xác định hộ xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ, đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong nông nghiệp. Không cần vận động nông dân nhiều, chúng ta đạt 21,5 triệu tấn lương thực, không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, trong đó vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò to lớn.
Thứ hai, từ thực tiễn ở Nam Bộ, cần hướng mạnh công tác dân vận về cơ sở, trước hết là địa bàn khóm, ấp, phum, sóc, khu phố (gọi chung là ấp); coi công tác dân vận ở ấp quyết định sự thành bại của việc đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Quy mô ấp Nam Bộ trung bình có từ 300 đến 350 hộ, khoảng từ 1.500 - 2.000 nhân khẩu được sinh hoạt hầu hết trong các tổ chức tự quản. Tuy không phải là một cấp hành chính, nhưng trong thực tế, ấp hình thành một bộ máy tương đối hoàn chỉnh, có chi bộ đảng; trưởng ấp (và ban tự quản ấp) do dân trực tiếp bầu ra, vừa đại diện cho xã, vừa đại diện cho dân; công an ấp và ấp đội; ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể; cùng với các đại diện trên còn có sự hiện diện của các hội quần chúng. Các loại hình tổ chức này, do chi bộ ấp trực tiếp lãnh đạo. Không phải là cấp xã, mà là ở ấp nơi trực tiếp tập hợp quần chúng, biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Và ấp là nơi các đoàn thể gần gũi, sâu sát với đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân, nắm bắt chính xác, kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh kịp thời cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh, bổ sung đường lối, chính sách...
Thứ ba, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Qua tổng kết, tổ chức hội thi “Dân vận khéo” từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành vào dịp 15 tháng 10 hằng năm (Ngày Truyền thống công tác dân vận) tại các địa phương đã có tác dụng giáo dục rất hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là dịp các địa phương, đơn vị xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác dân vận để nhân rộng.
Thứ tư, địa phương nào quan tâm đến cán bộ dân vận, tạo điều kiện cho công tác dân vận hoạt động, thì nơi đó phong trào quần chúng có nhiều khởi sắc. Cán bộ làm công tác dân vận ngoài có tâm, có tầm, phải có sở trường, năng khiếu, đặc biệt nhiệt tình với công tác dân vận. Qua thực tiễn cho thấy, ở đâu không có cán bộ phù hợp thì ở đó không có phong trào mạnh. Xác định được tầm quan trọng của vấn đề đó, các địa phương trong khu vực đã luôn luôn coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, củng cố bộ máy, tạo kinh phí và phương tiện làm công tác dân vận ở các cấp, đặc biệt là địa bàn khóm, ấp. Nhờ đó năng lực đội ngũ làm công tác dân vận trong khu vực ngày càng được nâng lên.
Để tiếp tục làm tốt công tác dân vận trong thời kỳ mới
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận trong thời kỳ mới. Tổ chức học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VI, ngày 27-3-1990, “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Đồng thời chú trọng đến các nghị quyết về đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo, công nhân, nông dân, trí thức ban hành thời gian gần đây. Nam Bộ có nét đặc thù: vừa trải qua hai cuộc chiến tranh chưa lâu; tình hình dân tộc, tôn giáo, trí thức, sinh viên, công nhân phong phú và phức tạp nên càng đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong khu vực càng phải nhận thức bài học trên một cách thật sâu sắc.
Vấn đề mấu chốt trong đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng là xây dựng lực lượng nòng cốt của các đoàn thể đủ mạnh, bảo đảm vai trò “hạt nhân” để tổ chức và phong trào phát triển mạnh mẽ đúng hướng.
Hai là, tăng cường thực hiện đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, kết hợp với xây dựng lực lượng xung kích nòng cốt. Quan điểm vận động quần chúng cơ bản nêu trong Nghị quyết Trung ương 8B là thực hiện đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng. Gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, ngoài các đoàn thể truyền thống, trên thực tế ở khu vực Nam Bộ đã ra đời hàng ngàn hội quần chúng ở cơ sở, nhất là ở các thành phố lớn. Vấn đề mấu chốt trong đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng là xây dựng lực lượng nòng cốt của các đoàn thể đủ mạnh, bảo đảm vai trò “hạt nhân” để tổ chức và phong trào phát triển mạnh mẽ đúng hướng. Nói một cách khác, các đoàn thể vừa tập hợp quần chúng rộng rãi, vừa phải có nòng cốt vững chắc, tránh rơi vào tình trạng cực đoan, hẹp hòi, cô độc, hoặc mở rộng tràn lan mà không có nòng cốt. Nòng cốt của đoàn thể thường phân làm hai loại, nòng cốt phong trào và nòng cốt chính trị. Nòng cốt phong trào giữ vai trò xung kích trong các phong trào hành động cách mạng của Mặt trận và các đoàn thể, bao gồm chủ yếu là đoàn viên, hội viên và quần chúng tích cực. Nòng cốt chính trị là nòng cốt trong các địa bàn trọng điểm, các đối tượng đặc thù sinh hoạt bên trong các tập hợp quần chúng (như vùng dân tộc, tôn giáo, người đứng đầu các dân tộc, chức sắc tôn giáo...). Vừa qua, trong khu vực còn xảy ra nhiều điểm nóng, một phần do chúng ta chưa xây dựng được nòng cốt chắc chắn.
Ba là, đẩy mạnh phong trào vận động cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ, nhất là ở cơ sở và địa bàn ấp. Đẩy mạnh vận động các phong trào này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho các tầng lớp nhân dân. Nam Bộ là vùng đất giàu tiềm năng vào bậc nhất đất nước, nhưng người dân còn nghèo, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp so với mặt bằng chung của cả nước; tình trạng mất dân chủ vẫn diễn ra không ít nơi. Nên phong trào cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ phải được đề cao hơn và phải trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.
Bốn là, cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng công tác dân vận của các cấp chính quyền và coi đây là điểm mấu chốt của công tác dân vận. Điều chỉnh lòng dân qua chính sách, kết quả cải cách thủ tục hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ đối với nhân dân, sẽ giúp hóa giải nhiều bức xúc của người dân đối với chính quyền. Các cấp chính quyền phát huy dân chủ, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong các loại hình cơ sở. Bởi lẽ, “Dân chủ là chìa khóa vạn năng, việc gì dù khó mấy nếu dân chủ bàn bạc đều làm được”. Chính quyền phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận và các đoàn thể trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương, qua đó chính quyền sẽ làm tốt hơn công tác dân vận của chính mình./.
Phương châm công tác dân vận ở đồng Tháp: Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân được hưởng  (29/12/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 95 (25-12-2009)  (29/12/2009)
Lễ đón nhận huân chương độc lập hạng Nhất và khánh thành nhà máy xi măng Tây Ninh của Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1  (29/12/2009)
Hội thảo khoa học: “Quan điểm, nguyên tắc và phương hướng, giải pháp đổi mới công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”  (29/12/2009)
Binh chủng Tăng -Thiết giáp “rực rỡ vườn hoa quyết thắng”  (28/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên