Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 7-12 đến ngày 13-12-2015)

Nhân Hòa (tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
23:20, ngày 14-12-2015
TCCSĐT - Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới; Míttinh hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ; Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ; Khởi động dự án giao thông lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hạ thủy giàn khoan tự nâng lớn nhất từ trước đến nay… là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng phát động Phong trào thi đua cả nước giai đoạn 2016 - 2020

Này 07-12, tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua -Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phong trào tập trung vào những nội dung: Một là, đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường và động lực phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, an sinh xã hội, “đền ơn đáp nghĩa”,… bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Hai là, tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước. Nâng cao chất lượng các phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc”, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần vun đắp niềm tin, niềm tự hào, hướng về Tổ quốc, chung tay, chung sức xây dựng quê hương, đất nước.

Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và chính quyền các cấp. Hướng các phong trào thi đua vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

Bốn là, đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong công tác khen thưởng, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương, quan tâm đến các tập thể, cá nhân người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát hiện những điển hình tiên tiến, nhân tố mới thông qua các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ để có hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời.

Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới. Các cơ quan thông tin truyền thông tăng thời lượng, chuyên trang, chuyên mục về các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương người tốt, việc tốt để biểu dương, tôn vinh, nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Phấn đấu trong thời gian tới, ngành nào, cấp nào cũng có ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến.
 
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới

Ngày 08-12, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giai đoạn 2010 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn trình bày tại Hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.

Kết quả cụ thể là tính đến hết tháng 11-2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Mục tiêu cụ thể được xác định trong giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy kết quả mới bước đầu đạt được song đã khẳng định được sự đúng đắn của một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là phong trào được lòng dân, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn tổng thể sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có thể khẳng định Chương trình đã được triển khai tích cực, đúng hướng, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Cả hệ thống chính trị đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, từ Chính phủ, đến các bộ, ngành, địa phương đều tích cực vào cuộc; có kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng.

Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với Báo cáo sơ kết của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới là rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình; đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để chúng ta thực hiện Chương trình này một cách hiệu quả.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể cấp huyện dẫn đầu trong phong trào dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 51 xã, thị trấn tiêu biểu trong Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Míttinh hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ

Tối 08-12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức Lễ míttinh “Hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, từ ngày 25-11 đến 10-12-2015.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện vẫn còn khá phổ biến, diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được coi như là một hành động vi phạm nhân quyền, có hệ thống và phổ biến trên thế giới, tồn tại dưới nhiều hình thức: bạo lực thể xác; bạo lực tinh thần; bạo lực tình dục; buôn bán phụ nữ, trẻ em gái; định kiến giới...

Trước tiên, bằng các hình thức khác nhau, mọi người phải lên án mọi hành vi bạo lực, thiết lập sự bình đẳng trong công việc, cuộc sống gia đình; thay đổi các hình thức đối xử với phụ nữ, trẻ em gái, nhằm xây dựng xã hội bình đẳng giữa nam và nữ.

Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái mà Việt Nam là thành viên, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ các văn bản đó; nhanh chóng khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác này.

Phó Chủ tịch nước mong rằng Quỹ Dân số Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế tiếp tục giúp đỡ và phối hợp với Việt Nam trong việc thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái.

Lễ míttinh “Hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” có ý nghĩa rõ nét, thể hiện sự lên tiếng của các tổ chức trong nước và quốc tế ủng hộ phụ nữ, trẻ em gái. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời hưởng ứng ngày 25-11 là ngày đã được Liên hợp quốc lựa chọn là "Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái".

Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ

Ngày 10-12-2015, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị “Tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ”. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không đã hoàn thành trên địa bàn là 58.778 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng yếu đã được đưa vào sử dụng như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến đường Nam sông Hậu, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc,... Các công trình này, cùng với hơn 44.000 km đường và 19.877 cầu giao thông nông thôn do chính quyền và nhân dân các địa phương chung sức xây dựng (tổng vốn đầu tư gần 24.380 tỷ đồng) đã phá thế ngăn sông cách trở giữa các tỉnh, thành trong vùng với nhau, với thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong nước và thế giới; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nam Bộ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khẳng định: Để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải với tầm nhìn xa hơn, rộng hơn để đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, nhằm tạo điều kiện phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của vùng.

- Chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đều tư phát triển hạ tầng giao thông, tránh lãng phí.

- Quan tâm đầu tư hệ thống đường dân sinh và cầu giao thông ở nông thôn.

Tại hội nghị, Bộ Giao thông vận tải đã công bố Kế hoạch đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016-2020. Bộ dự kiến sẽ huy động khoảng 86.319 tỷ đồng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn ngân sách nhà nước, vốn từ các thành phần kinh tế thông qua nhiều hình thức đầu tư để triển khai nhiều dự án mới trong vùng. Trong đó, đường bộ sẽ triển khai 33 dự án (khoảng 65.297 tỷ đồng); đường thủy nội địa: 05 dự án (2.314 tỷ đồng); hàng hải: 08 dự án (6.503 tỷ đồng); hàng không: nâng cấp Cảng hàng không Phú Quốc, xây dựng sân bay An Giang, thay mới trạm ra - đa sân bay Cà Mau (5.805 tỷ đồng); triển khai dự án đầu tư logistics đồng bằng sông Cửu Long (300 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ).

Khởi động dự án giao thông lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 12-12-2015, tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ khởi động dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi, nối tỉnh Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng, một trong những dự án lớn nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Dự và phát biểu tại lễ khởi động dự án, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là một trong những dự án lớn nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là dự án trọng điểm quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh nói riêng. Việc xây dựng dự án thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của hai địa phương vốn còn nhiều khó khăn là Sóc Trăng và Trà Vinh.

Khi hoàn thành dự án và thông toàn tuyến Quốc lộ 60 sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đáng kể cho tuyến Quốc lộ 1, rút ngắn cự ly di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau khoảng 70 km, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày một tăng cao. Ngoài ra, dự án hoàn thành còn góp phần phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng, cảng biển, công nghiệp, kinh tế quan trọng trong khu vực. Là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL, các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ và nhất là hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Dự án Cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60 có điểm đầu giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao với đường Nam sông Hậu, thuộc địa phận huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Chiều dài toàn tuyến của dự án khoảng 15,2 km, trong đó có 2 hạng mục chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2.

Cầu Đại Ngãi 1 dài 2,24 km, dạng cầu dây văng hai mặt phẳng dây, mặt cầu rộng 16 m cho 4 làn xe chạy, đảm bảo khổ thông thuyền cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu, tĩnh không thông thuyền 45 m, chiều rộng thông thuyền tối thiểu 300m.

Cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86 km, dạng cầu bê tông cốt thép, mặt cầu rộng 16 m cho 4 làn xe chạy, đảm bảo khổ thông thuyền tương ứng với sông cấp 1 (cho tàu 2.000 tấn); 5 cầu trung và nhỏ cùng đường dẫn vào cầu với nền rộng 9 m, mặt rộng 7 m. Tổng mức đầu tư toàn dự án lên đến 5.726 tỉ đồng.

Các hạng mục còn lại của dự án và công tác giải phóng mặt bằng được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong quý I-2016 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý IV-2018.

Hạ thủy giàn khoan tự nâng lớn nhất từ trước đến nay

Sáng 13-12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã tổ chức hạ thủy giàn khoan Tam Đảo 05 cho Liên doanh Việt-Nga (VietsovPetro) phục vụ khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa của việc tiếp tục sản xuất, chế tạo và đưa vào sử dụng một sản phẩm cơ khí dầu khí quy mô, phục vụ nhiệm vụ thăm dò, khai thác dầu khí, phát triển kinh tế biển.

Với tỷ lệ nội địa hoá đạt mức gần 50%, dự án đã bước đầu tạo cơ sở để giúp xây dựng một hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp cơ khí biển, đóng tàu - một trong những yếu tố được đánh giá là then chốt để giúp thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển.

Phó Thủ tướng đề nghị PetroVietnam tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần chủ đạo của thị trường trong nước đối với những dịch vụ có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho thăm dò, khai thác dầu khí.

Là công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Dự án giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 được thiết kế theo mẫu của Hoa Kỳ với tổng giá trị đầu tư 230 triệu USD, tổng khối lượng 18.000 tấn, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí độ sâu 9.000 m. Kích thước thân giàn 70,4x76x9,5 m, khả năng chất tải 2.995 tấn.

Tam Đảo 05 được thiết kế có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12. Đây là giàn khoan thứ hai do Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thực hiện sau giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 đã được bàn giao đưa vào sử dụng thành công trong gần 3 năm qua./.