Sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền ở cấp tỉnh nước ta hiện nay
TCCSĐT - Chính quyền tỉnh là một cấp của chính quyền địa phương, có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc điều hành, quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn. Để xây dựng bộ máy chính quyền tỉnh trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền tỉnh.
Xuất phát từ vai trò của chính quyền địa phương, Đảng ta chủ trương: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp”(1).
Chính quyền tỉnh là một cấp của chính quyền địa phương, có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc điều hành, quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn. Để xây dựng bộ máy chính quyền tỉnh trong sạch, vững mạnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh. Muốn vậy tỉnh ủy phải xác định đúng nội dung lãnh đạo, sử dụng hiệu quả các phương thức lãnh đạo, đồng thời nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền ở cấp tỉnh là tổng thể hoạt động có định hướng của tỉnh ủy đối với chính quyền, từ việc đề ra các chủ trương, nghị quyết về xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ đến các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, có năng lực quản lý và điều hành tốt các lĩnh vực đời sống xã hội tại địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Trong mối quan hệ tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh, chủ thể lãnh đạo là tỉnh ủy, trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh ủy; đối tượng lãnh đạo bao gồm hội đồng nhân dân tỉnh và ủy ban nhân dân tỉnh. Mục tiêu là nhằm xây dựng chính quyền tỉnh trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khi nghiên cứu về sự lãnh đạo chính trị của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh cần xem xét trên hai phương diện: nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa chúng.
Nội dung lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh
Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo chính quyền tỉnh trên các phương diện: lãnh đạo chính quyền tỉnh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ; lãnh đạo chính quyền tỉnh giải quyết hài hòa các mối quan hệ công tác với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Một là, tỉnh ủy lãnh đạo hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Cụ thể, lãnh đạo hội đồng nhân dân tỉnh quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh địa phương; lãnh đạo hội đồng nhân dân tỉnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân; lãnh đạo hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát hoạt động của ủy ban nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và các nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp; lãnh đạo hội đồng nhân dân tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động của thường trực hội đồng nhân dân tỉnh, của kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh, của đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, của các ban hội đồng nhân dân tỉnh và văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân tỉnh.
Hai là, tỉnh ủy lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ luật định.
Tỉnh ủy lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân tỉnh; định hướng các chủ trương, biện pháp lớn và lãnh đạo việc chuẩn bị đề án về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, quan liêu, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ba là, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với hội đồng nhân dân tỉnh: Tỉnh ủy lãnh đạo công tác bầu cử hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo việc xác định chủ trương, phương hướng, tiêu chuẩn, cơ cấu để chuẩn bị và tiến hành bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh đúng luật định; giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, tham gia ý kiến về nhân sự phó Chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy viên thường trực; lãnh đạo kiện toàn Đảng đoàn hội đồng nhân dân tỉnh. Thường trực tỉnh ủy chỉ định bổ sung ủy viên Đảng đoàn hội đồng nhân dân tỉnh và các ban của hội đồng nhân dân tỉnh.
Ban thường vụ tỉnh ủy xây dựng và thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, nhận xét, đánh giá và các chính sách đối với cán bộ trong các cơ quan thuộc hội đồng nhân dân tỉnh; quyết định phân công, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, xếp lương, khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch cán bộ đối với cán bộ giữ các chức danh: trưởng, phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ủy viên thường trực, trưởng phó các ban hội đồng nhân dân tỉnh; chánh văn phòng, phó chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, văn phòng hội đồng nhân dân tỉnh; phê duyệt phương án quy hoạch cán bộ chủ chốt các ban hội đồng nhân dân tỉnh.
Thường trực tỉnh ủy cho ý kiến về bổ nhiệm, điều động, thuyên chuyển, nghỉ hưu, miễn nhiệm cán bộ thuộc quyền quản lý của Đảng đoàn trong trường hợp Đảng đoàn hội đồng nhân dân thấy cần phải xin ý kiến thường trực tỉnh ủy trước khi quyết định. Tỉnh ủy lãnh đạo nâng cao chất lượng đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, chất lượng đội ngũ cán bộ của Văn phòng hội đồng nhân dân, của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế.
Đối với ủy ban nhân dân tỉnh: Tỉnh ủy lựa chọn, giới thiệu cán bộ để các cơ quan có thẩm quyền bầu cử hoặc bổ nhiệm các chức vụ của ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định, quy trình, nguyên tắc, nhất là giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, tham gia ý kiến về chức danh phó Chủ tịch ủy ban nhân dân.
Ban thường vụ tỉnh ủy xây dựng và thực hiện quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, nhận xét, đánh giá và các chính sách đối với cán bộ trong các cơ quan thuộc ủy ban nhân dân tỉnh; quyết định phân công, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, xếp lương, khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch cán bộ đối với cán bộ giữ các chức danh: chánh văn phòng, phó chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh; phê duyệt phương án quy hoạch cán bộ chủ chốt các sở, ngành của tỉnh.
Thường trực tỉnh ủy cho ý kiến về bổ nhiệm, điều động, thuyên chuyển, nghỉ hưu, miễn nhiệm cán bộ thuộc quyền quản lý của Ban cán sự đảng trong trường hợp Ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh cần phải xin ý kiến thường trực tỉnh ủy trước khi quyết định; chuẩn y kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, các ủy viên ủy ban kiểm tra và các chức danh lãnh đạo của ủy ban kiểm tra đảng ủy; chỉ định bổ sung ủy viên Ban cán sự đảng ủy ủy ban nhân dân tỉnh. Ban thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành; nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm đối với cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý.
Bốn là, lãnh đạo chính quyền thực hiện các mối quan hệ công tác với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị tỉnh.
Tỉnh ủy lãnh đạo hội đồng nhân dân tỉnh và ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân, vận động nhân dân tham gia hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh
Phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh là hệ thống các phương pháp, hình thức, cách thức, quy chế, quy trình, phong cách, lề lối làm việc mà tỉnh ủy sử dụng để tác động vào các yếu tố, các lĩnh vực, các tổ chức, lực lượng, các quan hệ liên quan nhằm xây dựng chính quyền tỉnh trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh bằng nghị quyết; định hướng, chỉ đạo giải quyết các vấn đề lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng của địa phương; lãnh đạo bằng công tác tổ chức, cán bộ; bằng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện; bằng công tác tư tưởng của Đảng.
Một là, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh bằng chủ trương, nghị quyết.
Tỉnh ủy xây dựng và ban hành các nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh, nhất là các nghị quyết, chủ trương giải quyết những vấn đề lớn có ý nghĩa chính trị quan trọng. Trên cơ sở đó, hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và ra nghị quyết, ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh. Tỉnh ủy cho ý kiến giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, cho ý kiến về đề án, chương trình, kế hoạch của ủy ban nhân dân tỉnh trước khi trình hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các biện pháp giải quyết.
Hai là, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh bằng công tác tư tưởng.
Tỉnh ủy tiến hành các mặt công tác lý luận, tuyên truyền cổ động để giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc chính quyền tỉnh thông suốt tư tưởng và chấp hành sự lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, tỉnh ủy lãnh đạo tổng kết kinh nghiệm, cung cấp những thông tin, dữ liệu và các căn cứ khoa học phục vụ quá trình ra nghị quyết lãnh đạo và đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Ba là, tỉnh ủy lãnh đạo bằng hệ thống tổ chức đảng, Đảng đoàn hội đồng nhân dân, Ban cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh, đảng viên trong bộ máy chính quyền tỉnh.
Tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh thông qua tổ chức đảng và đảng viên làm việc trong các cơ quan của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh. Các tổ chức đảng trong các cơ quan này trực tiếp giáo dục, rèn luyện, quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên của mình về phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, làm nòng cốt trong triển khai thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân tỉnh, các chủ trương, giải pháp của ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh bằng công tác cán bộ.
Tỉnh ủy chăm lo xây dựng, kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan của chính quyền tỉnh, lựa chọn và bố trí đúng các chức danh cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh; quản lý chặt chẽ toàn diện, kiểm tra, giám sát những cán bộ đó trong thực thi công vụ và trong các quan hệ xã hội.
Năm là, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh bằng công tác kiểm tra, giám sát.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện những nhân tố mới, tạo điều kiện cho nó phát triển, đồng thời uốn nắn những lệch lạc, xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm cho đường lối của Đảng, chủ trương, nghị quyết của tỉnh ủy được thực hiện thắng lợi.
Sáu là, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh bằng quy chế, lề lối làm việc, phong cách công tác của tỉnh ủy.
Tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền tỉnh theo quy chế làm việc của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong quy chế làm việc quy định rõ chế độ trách nhiệm lãnh đạo của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh, quy định mối quan hệ công tác giữa tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Tỉnh ủy thực hiện công tác giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ công tác các cơ quan chính quyền tỉnh, trước hết là thực hiện tốt chế độ trách nhiệm.
Bảy là, tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh thông qua việc phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia các hoạt động của chính quyền tỉnh, xây dựng chính quyền tỉnh.
Trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể nhân dân có vai trò to lớn và có trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng và chính quyền, giám sát, phản biện xã hội hoạt động của Đảng và chính quyền. Do đó, tỉnh ủy lãnh đạo phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ chính quyền tỉnh.
Mối quan hệ giữa nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh
Hoạt động lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh là sự thống nhất biện chứng giữa nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo. Trong đó, nội dung lãnh đạo chính là những nhiệm vụ mà tỉnh ủy phải thực hiện để xây dựng chính quyền tỉnh trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh là hệ thống các hình thức, phương pháp, cách thức mà tỉnh ủy sử dụng để tác động vào chính quyền tỉnh nhằm thực hiện nội dung lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh. Trong thực tiễn, nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau, không tách rời nhau. Tuy nhiên, trong nghiên cứu cần nhận thức rõ nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo.
Trong mối quan hệ giữa nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo, nội dung lãnh đạo là yếu tố cơ bản, phương thức lãnh đạo là yếu tố quan trọng. Nội dung lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh quy định, chi phối phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh. Căn cứ nội dung lãnh đạo, tỉnh ủy sử dụng các cách thức, hình thức, biện pháp, quy trình lãnh đạo một cách phù hợp. Phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh phụ thuộc vào nội dung tỉnh ủy lãnh đạo chính quyền tỉnh. Chính yêu cầu về nội dung lãnh đạo chính quyền tỉnh đòi hỏi tỉnh ủy phải có phương thức lãnh đạo phù hợp để tác động đến chính quyền tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu lãnh đạo của tỉnh ủy đối với chính quyền tỉnh.
Phương thức lãnh đạo chuyển tải nội dung lãnh đạo, hiện thực hóa nội dung lãnh đạo. Dù xác định nội dung lãnh đạo đúng nhưng nếu không lựa chọn được phương thức lãnh đạo phù hợp thì chất lượng, hiệu quả lãnh đạo sẽ giảm sút, thậm chí không đạt được mục tiêu lãnh đạo./.
------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr251
Bổ sung tiêu chí “hạnh phúc” vào mục tiêu chung  (12/10/2015)
Bổ sung tiêu chí “hạnh phúc” vào mục tiêu chung  (12/10/2015)
Kết quả và bài học kinh nghiệm từ đại hội cấp trên cơ sở của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh  (12/10/2015)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 05-10 đến ngày 11-10-2015)  (12/10/2015)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay