TCCSĐT - Ngày 07-4-2015, bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ bảy tại Pa-na-ma, diễn ra cuộc hội đàm lịch sử giữa Chủ tịch Cuba Ra-un Ca-xtơ-rô và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.

Dân số già tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế

 

Theo IMF, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số tăng sẽ dẫn đến việc giảm tăng trưởng kinh tế. Ảnh: dailyfinance.com

Ngày 07-4-2015, báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định tỷ lệ người cao tuổi trong dân số tăng đồng nghĩa với việc lực lượng lao động giảm, sản phẩm ít hơn và dẫn đến việc giảm chất lượng sống trong tương lai. Hiện nay, nguồn cung vốn đầu tư và lực lượng lao động tay nghề cao đã tăng chậm hơn so với dự kiến do số người đã và sẽ nghỉ hưu cao hơn số người bắt đầu tham gia thị trường lao động dẫn đến sản lượng tiềm năng và tăng trưởng kinh tế giảm.

Theo thống kê của IMF, trước khi khủng hoảng xảy ra vào năm 2008, tăng trưởng tiềm năng của các nền kinh tế phát triển là 2%, đã giảm xuống 1,3% trong giai đoạn khủng hoảng và sẽ ở mức 1,6% trong suốt thời gian còn lại của thập kỷ này. Tại các nền kinh tế đang phát triển, con số này sẽ giảm từ 6,5% trong giai đoạn 2008 - 2014 xuống 5,2% trong giai đoạn đến năm 2020. Để ngăn tình trạng này, IMF khuyến cáo các quốc gia có thể tăng đầu tư nhằm nâng sản lượng tiềm năng, cải cách cơ cấu, đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển và nghiên cứu để tăng nguồn cung và đổi mới toàn diện. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển cần tăng đầu tư vào kết cấu hạ tầng để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, cải cách cơ cấu để cải thiện các điều kiện kinh doanh và các thị trường sản phẩm.

Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ kết thúc không có tuyên bố chung

 

Trong cuộc hội đàm, Chủ tịch Cuba R. Ca-xtơ-rô và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma nhất trí quyết tâm đối thoại, tiến tới tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ảnh: whitehouse.gov

Ngày 07-4-2015, Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ bảy với chủ đề: “Thịnh vượng với công bằng: Sự thách thức trong hợp tác tại châu Mỹ” đã bế mạc tại Pa-na-ma mà không đưa ra tuyên bố chung. Đáng chú ý nhất trong Hội nghị lần này là cuộc hội đàm lịch sử của Chủ tịch Cuba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama), cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của nguyên thủ hai nước trong 56 năm qua. Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí quyết tâm đối thoại, tiến tới tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở ra trang sử mới trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống B. Ô-ba-ma tiếp xúc trực tiếp với người đồng cấp Vê-nê-du-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolas Maduro), trong đó, ông B. Ô-ba-ma tái khẳng định Oa-sinh-tơn không đe dọa Ca-ra-các. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh cũng chỉ trích sắc lệnh hành pháp mới đây của Tổng thống Mỹ, trong đó gọi Vê-nê-du-ê-la là “mối đe dọa an ninh” đối với Mỹ, đồng thời kêu gọi Oa-sinh-tơn dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các quan chức của chính quyền Ca-ra-các bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận những thách thức mới nổi trong các lĩnh vực, như giáo dục, năng lượng, nhập cư và an ninh; một vài vấn đề gây tranh cãi, như quan hệ Mỹ - Vê-nê-du-ê-la, chính sách kiểm soát buôn bán chất gây nghiện tại một vài quốc gia Trung Mỹ và việc tranh chấp lãnh thổ giữa Ác-hen-ti-na và Anh.

Chính phủ các nước cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục

 

Để đạt được các mục tiêu phổ cập giáo dục tới năm 2030 đòi hỏi chính phủ các nước đầu tư nhiều hơn cho giáo dục. Ảnh: the guardian.com

Ngày 08-4-2015, theo báo cáo hằng năm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), chỉ có 1/3 trong số 164 nước đã cam kết đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học đúng hạn chót năm 2015, trong đó có các nước châu Âu cùng 3 nước Cu-ba, Cư-rơ-gư-dơ-xtan (Kyrgyzstan) và Mông Cổ. Những nước bỏ lỡ mục tiêu này là Pa-ki-xtan, Y-ê-men và các nước khu vực Nam sa mạc Xa-ha-ra của châu Phi.

Tổng Giám đốc UNESCO I-ri-na Bô-cô-va (Irina Bokova) nhấn mạnh chính phủ các nước cần ưu tiên hơn nữa hỗ trợ trẻ em nghèo, đặc biệt là các bé gái. Cũng theo UNESCO, việc học hành của các trẻ em gái thường bị gián đoạn do phải kết hôn và mang thai sớm. Trong số 781 triệu người mù chữ trên thế giới có 2/3 là nữ giới. UNESCO cho rằng tài chính hiện vẫn là rào cản lớn đối với việc mở rộng giáo dục. Cộng đồng quốc tế cần thêm khoảng 22 tỷ USD để có thể đạt được các mục tiêu phổ cập giáo dục tới năm 2030. UNESCO đề xuất chính phủ các nước dành từ 15% - 20% ngân sách quốc gia để đầu tư cho giáo dục, đồng thời các quỹ từ thiện cần tăng gấp 4 lần các khoản đóng góp cho giáo dục. Ngoài ra, các nước cũng được khuyến khích miễn ít nhất một năm học phí cho tất cả trẻ em ở bậc tiểu học.

Diễn đàn Nước Thế giới khai mạc tại Hàn Quốc

 

Tại Diễn đàn Nước Thế giới (WWF) lần thứ bảy, các đại biểu sẽ tìm kiếm cách thức đối phó với tình trạng thiếu nước tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: worldwatercouncil.org

Ngày 12-4-2015, Diễn đàn Nước Thế giới (WWF) lần thứ bảy đã khai mạc tại Đê-gu, cách Thủ đô Xê-un của Hàn Quốc khoảng 300 km về phía Đông Nam. Diễn đàn năm nay sẽ kéo dài 6 ngày với chủ đề “Nước cho tương lai chúng ta”. Các đại biểu sẽ tìm kiếm cách thức đối phó với tình trạng thiếu nước tại nhiều nơi trên thế giới cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc khan hiếm nước. Ngoài ra, các vấn đề như biến đổi khí hậu, cứu trợ người dân vùng thảm hoạ và bảo đảm năng lượng cũng sẽ được thảo luận sâu rộng.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê (Park Geun-hye) bày tỏ hy vọng Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình toàn cầu bằng cách đưa ra các giải pháp cho những cuộc xung đột liên quan đến nước. Theo bà Pắc Cưn Hê, thiếu nước đang trở thành một vấn đề chung của thế giới, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển. Các quốc gia cần phải tiến tới một kỷ nguyên hòa bình và hợp tác bằng cách giải quyết các xung đột liên quan tới nước và biến những thách thức thành cơ hội tăng trưởng kinh tế. Riêng tại bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng căng thẳng liên Triều cũng có thể được giải quyết thông qua việc hợp tác sử dụng các con sông chảy qua cả hai miền. Hiện Hàn Quốc đang có kế hoạch thiết lập kênh đối thoại để hai bên có thể cùng quản lý các con sông như vậy./.