Năm 2007: Kinh tế thế giới tiếp tục đà tăng trưởng
Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năm 2006, môi trường tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn thuận lợi. Kinh tế thế giới đạt tốc độ tăng trưởng cao 5,1%/năm, tăng 0,8% so với năm 2005. Sự bùng nổ về thương mại thế giới và hoạt động sôi động của thị trường sáp nhập đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế thế giới năm qua.
1 - Tổng quan kinh tế thế giới năm 2006
Kinh tế của 30 nước thành viên OECD tăng 3,2%, cao hơn 0,4% so với năm 2005. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ chậm lại do thị trường nhà ở chững lại, đạt 3,4%, thấp hơn 0,2% so với mức 3,6% năm 2005. Nếu mấy năm trước đây, kinh tế thế giới chủ yếu dựa vào sự thúc đẩy của nền kinh tế Mỹ, thì hiện nay cục diện này đã bị phá vỡ. Theo đánh giá của OECD, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng lớn tới những nền kinh tế khác. Dẫu sao, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng cao nhất so với các nền kinh tế công nghiệp phát triển.
Kinh tế Liên minh châu Âu (EU) cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá của Cao ủy phụ trách các vấn đề kinh tế tiền tệ của EU, châu Âu đang ngày càng ít phụ thuộc hơn vào nền kinh tế Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của EU25 đạt 2,8%, cao hơn 1,1% so với năm 2005. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Sự tăng vọt của đầu tư kinh doanh và nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mạnh là động lực chính của bùng nổ kinh tế hiện nay. Trong đó, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng ơ-rô đạt 2,6% năm 2006, cao hơn 1,2% so với năm 2005. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh đã giúp EU cải thiện được tình trạng thất nghiệp xuống còn 8%, tạo thêm khoảng 5 triệu việc làm mới trong khu vực đồng ơ-rô trong giai đoạn 2006 - 2008 và khoảng 2 triệu việc làm trong toàn EU. Ngoài sự năng động của nền kinh tế, các yếu tố khác như sự ổn định về lương và năng suất tăng cũng góp phần cải thiện tình trạng thất nghiệp trong EU.
Tình trạng tài chính của chính phủ cũng được cải thiện nhờ thu nhập từ thuế tăng vọt. Tỷ lệ thâm hụt công trung bình của EU25 và khu vực đồng ơ-rô ở mức thấp 2% GDP (ngoại trừ các nước như Séc, Hung-ga-ri, I-ta-li-a, Bồ Đào Nha và Xlô-va-ki-a có mức thâm hụt trên 3% GDP). Trong khi đó, lạm phát của EU giảm xuống còn 2,12%, đáp ứng mục tiêu Ngân hàng Trung ương châu Âu đề ra.
Kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi vững chắc. Theo đánh giá của Văn phòng Nội các Nhật Bản, kinh tế Nhật Bản đang tiếp tục tăng trưởng trong quý thứ 7 liên tiếp với mức tăng trung bình hằng năm 2%. Năm 2006, GDP của Nhật Bản đạt 2,8%, cao hơn 0,4% so với năm 2005. IMF cho rằng, Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực châu á cuối cùng đã thoát khỏi thời kỳ 7 năm thiểu phát và đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Theo đánh giá của các nhà phân tích, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng bền vững lâu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng không mạnh như trong giai đoạn "Thần kỳ kinh tế 1965 - 1970".
Các nước đang phát triển vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao. Theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển đạt 7%, cao hơn 0,6% so với năm 2005. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu á tiếp tục dẫn đầu thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP đạt hơn 8%, cao hơn gần 3% so với năm 2005. Các nền kinh tế ở khu vực Đông á (Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Việt Nam, Thái Lan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Xin-ga-po và Đài Loan) đang tiến gần đến năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 8%.
Kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, tăng trưởng GDP năm 2006 đạt khoảng 10,5%. Trong đó, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng ở mức 27%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,5%, nhập khẩu tăng 27,2% và xuất khẩu tăng 23,4%. Kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm nhẹ từ quý II năm 2006. Điều này chứng tỏ những chính sách điều chỉnh vĩ mô nhằm "hạ nhiệt" nền kinh tế của chính phủ đã phần nào có hiệu quả.
Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đã cắt giảm thuế quan trung bình từ mức 15,3% xuống còn 9,9%, bãi bỏ hoặc điều chỉnh hơn 3.000 điều luật và mở cửa nền kinh tế cho các đối tác nước ngoài (mỗi tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào nước này hơn 1 tỉ USD, biến Trung Quốc thành một công xưởng sản xuất của toàn thế giới). Sau 5 năm, Trung Quốc đã vượt Anh và Pháp, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới với tăng trưởng thương mại đạt gần 30%/năm, tỷ lệ người nghèo giảm từ 16% xuống 10%.
Theo sau Trung Quốc là Ấn Độ. Năm 2006, kinh tế Ấn Độ cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi nước này tiến hành các cải cách kinh tế vào những năm 1990 - 1992 đến nay. Nền kinh tế Ấn Độ với quy mô 780 tỉ USD đã đạt tốc độ tăng trưởng hơn 8% trong 2 năm qua. Riêng năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8,3%, đưa Ấn Độ trở thành nước thứ hai sau Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo đánh giá của Chính phủ ấn Độ, nguyên nhân chủ yếu của sự tăng trưởng kinh tế cao là do sự tăng mạnh của khu vực dịch vụ (14%) và khu vực chế tạo (12%). Mặc dù kinh tế tăng trưởng cao, nhưng chính phủ vẫn kiểm soát được lạm phát thông qua "quản lý phần cung" trong các nỗ lực nhằm tránh dẫn đến việc tăng tỷ lệ lãi suất.
J.D.Úp-phen-sơn- cựu Tổng giám đốc của WB nhận định: Tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khiến cho sự cân bằng toàn cầu có sự thay đổi cơ bản. Hai nước này sẽ trở thành chủ đạo kinh tế thế giới trong tương lai.
Năm 2006, kinh tế Nga tiếp tục đạt được sự ổn định về vĩ mô. Tăng trưởng GDP đạt gần 7%/năm. Theo đánh giá của Giéc-man Grép - Bộ trưởng phát triển Kinh tế và Thương mại Nga - nước Nga đang trong giai đoạn mới của sự phát triển kinh tế. Trung tuần tháng 11-2006, Tổng thống Nga V.Pu-tin và Tổng thống Mỹ, G.Bu-sơ đã ký kết thỏa thuận về việc gia nhập WTO của Nga. Điều này sẽ góp phần tăng GDP của Nga thêm 2%/năm, đầu tư nước ngoài vào Nga tăng 10%/năm. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2006, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nga tăng mạnh 44%, đạt hơn 20 tỉ USD. Lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nhất ở Nga hiện nay là khai thác nguyên liệu thô và chế tạo, với số tiền đầu tư là 5,8 tỉ USD và 5,2 tỉ USD.
Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới và việc tăng giá dầu đã khiến thặng dư thương mại của Nga tăng 36,4% chỉ riêng trong nửa đầu năm 2006 so với cùng kỳ năm 2005.
Theo đánh giá của ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh (CEPAL), tăng trưởng GDP của Mỹ La-tinh năm 2006 đạt 5,3%, củng cố thêm đà phục hồi kinh tế bắt đầu từ năm 2004. Trong đó, kinh tế Bra-xin, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực tăng 3,6%, Ác-hen-ti-na đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ La-tinh vẫn thấp nhất trong khu vực các nền kinh tế đang phát triển; vẫn bị tụt hậu so với châu á trên tất cả các lĩnh vực như tăng trưởng, cải cách, hội nhập và tận dụng xu hướng toàn cầu hóa. IMF đánh giá sự bất ổn định vĩ mô, khả năng cạnh tranh hạn chế và hoạt động yếu kém của các thể chế công cộng là những yếu tố khiến Mỹ La-tinh phát triển chậm, với khoảng cách ngày một xa so với châu Á. IMF cho rằng chính phủ các nước Mỹ La-tinh cần hỗ trợ mạnh mẽ các xí nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từng bước hoàn thiện các thể chế công cộng để có thể hòa nhập vào trào lưu phát triển chung của thế giới.
Kinh tế châu Phi đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của thế giới. Năm 2006, năm thứ ba liên tiếp, kinh tế châu Phi đạt mức tăng trưởng 5,4%. Khu vực Tiểu Xa-ha-ra có mức tăng trưởng GDP là 5,2%; Nam Phi là 4,2%; các nước xuất khẩu dầu mỏ đạt 6,7%.
2 - Về triển vọng và thách thức của kinh tế thế giới năm 2007
Theo dự báo của các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế, năm 2007 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp kinh tế toàn cầu tăng trưởng khả quan, song, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ chậm lại, ước đạt 4,9%, thấp hơn so với năm 2006. Do những đặc thù về địa lý, kinh tế và chính trị, các quốc gia, khu vực sẽ có sự phát triển kinh tế rất khác nhau. Lấy ví dụ, trong khi thị trường nhà đất đang "hạ nhiệt" tại Mỹ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ hàng điện tử, may mặc và các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ, thì tại Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của châu Á, nhu cầu tiêu dùng của giới trung lưu lại tăng vọt, dường như sẽ bù đắp cho sự giảm sút này của nền kinh tế Mỹ đối với kinh tế thế giới. IMF, WB và Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc cho rằng: châu Á vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới năm 2007, tiếp tục thúc đẩy kinh tế thế giới đi lên. Kinh tế châu Á vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 7% vào năm 2007 nhờ tiêu dùng khả quan. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là 2 động lực của tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á và toàn cầu. Nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt tốc độ tăng GDP ước tính 9,9% vào năm 2007 mặc dù ba động lực tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư đều sẽ chững lại và Chính phủ sẽ có các chính sách nhằm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP của Ấn Độ dự đoán đạt khoảng 8%.Thủ tướng M.Xinh đã đặt mục tiêu mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 9% trong 5 năm tới. Theo đó, việc tăng sản lượng nông nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ tầng cơ sở, cũng như tạo thêm nhiều việc làm là những vấn đề chính cần thực thi của Ấn Độ. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau một thập kỷ trì trệ. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt hơn 2%, thấp hơn năm 2006. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản cũng sẽ tác động tích cực tới kinh tế châu Á, bởi sự phục hồi trong nhu cầu tiêu dùng nội địa được thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và nhà sản xuất sẽ bù đắp phần nào cho sự thiếu hụt trong xuất khẩu. Điều này sẽ làm tăng nhập khẩu và do đó sẽ tác động tích cực đến kinh tế các nước trong khu vực châu Á.
Sự phục hồi vững chắc của kinh tế Nhật Bản, cùng với tăng trưởng kinh tế cao ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giúp châu Á duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao vào năm 2007 do ba nền kinh tế này chiếm tỷ trọng hơn 62% GDP của khu vực châu Á.
Tại châu Âu, các nhà kinh tế của EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của EU25 có thể bị ảnh hưởng ít nhiều do sự chậm lại của kinh tế Mỹ, trong đó tăng trưởng GDP của 12 nước khu vực đồng ơ-rô sẽ đạt 2%, thấp hơn năm 2006, nhưng vẫn cao hơn so với mức trung bình 1,4% kể từ năm 2001. Do kinh tế khu vực đồng ơ-rô đang trong quá trình phục hồi phát triển, ECB sẽ tăng tỷ lệ lãi suất lên 3,75% vào giữa 2007 so với 3,5% hiện nay, và sẽ lên 4% vào năm 2008.
Với mức lạm phát ở trong tầm kiểm soát, nền kinh tế của các nước Mỹ La-tinh sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm 2007. Đây là khu vực có khối lượng các mặt hàng nguyên liệu thô xuất khẩu lớn như đồng, quặng sắt, đậu tương; do đó, bất kỳ cú sốc kinh tế toàn cầu nào đều có thể gây ra những hậu quả lớn tại khu vực này. Đầu tầu kinh tế khu vực là Bra-xin sẽ đạt mức tăng trưởng GDP là 3,4%, Mê-hi-cô 3,7%; riêng Ác-hen-ti-na sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, với tốc độ GDP đạt 7%.
Các chuyên gia của IMF cho rằng, năm 2007, khu vực Trung Đông sẽ tăng trưởng 5,4%; kinh tế khu vực châu Phi sẽ tăng 5,9%.
Mặc dù kinh tế thế giới năm 2007 được dự báo là phát triển khả quan, song, cả IMF, WB và OECD đều nhận định: nhiều vấn đề được xem là những thách thức còn tiềm ẩn trong sự phát triển của kinh tế thế giới.
Thứ nhất, kinh tế Mỹ suy giảm. Theo Rô-góp - giáo sư kinh tế học Mỹ, năm 2007, giá cả thị trường bất động sản ở Mỹ tiếp tục giảm, tình trạng nợ nước ngoài vượt mức của Mỹ ngày càng trầm trọng. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ lên tới 6,5% GDP, thặng dư tương ứng với các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nước châu á khác. Đây là một hiện tượng kinh tế phức tạp, đã tích lũy qua nhiều năm và không thể giải quyết ngay bằng một liệu pháp thần kỳ nào đó. Theo dự đoán khả quan nhất, kinh tế Mỹ chỉ giảm tốc độ tăng trưởng chứ không suy thoái trong năm tới. Nhưng, dù sao, Mỹ vẫn cần thời gian để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo Bộ Thương mại Mỹ, sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Đầu tư Mơ-rin Lin (Mỹ) cho rằng, năm 2007 sẽ là năm Mỹ chuyển giao cây gậy chỉ huy sang phần còn lại của thế giới.
Thứ hai, sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu đe dọa môi trường kinh tế toàn cầu. Trong khi đó thị trường này đang ngày càng dễ bị tác động bởi nguy cơ suy giảm mạnh của nền kinh tế Mỹ, sự trượt giá của đồng USD và một đường lối không chắc chắn của chính sách tiền tệ Mỹ. OECD cho rằng, sự mất cân đối trong tài khoản vãng lai trên toàn cầu vẫn còn rất lớn, và có thể sẽ dẫn tới giảm mạnh giá trị đồng USD. Chính điều này sẽ tác động trở lại, làm tăng tỷ lệ lãi suất và giảm mạnh giá nhà đất trên toàn cầu. Việc hầu hết các chính phủ không tận dụng được những tình huống kinh tế thuận lợi nhằm giảm chi tiêu, cải thiện vị trí tài chính của mình sẽ gây rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Thứ ba, do những căng thẳng địa chính trị, đặc biệt tại Trung Đông, giá dầu có thể tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát của các nước. Mặc dù xuất hiện nhu cầu giảm áp lực đối với giá cả năng lượng nhưng sản lượng cung vẫn bị siết chặt khiến các nhà cung cấp dầu mỏ sẵn sàng tăng giá bán. Hiện tại, các nước xuất khẩu dầu mỏ đang lo lắng giá dầu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế của họ. Về xu thế lâu dài, giá dầu có thể giảm xuống mức 50 USD/thùng, nhưng điều đó không ổn định. Giáo sư Rô-góp dự đoán, trong vòng 10 năm tới, giá dầu có lúc sẽ xuống mức 20 USD/thùng. Nhưng nếu có diễn biến bất thường, giá dầu có thể lên đến mức 120 USD/thùng và tác động cực mạnh đến tiêu dùng.
Thứ tư, sự biến đổi của khí hậu toàn cầu. Hội nghị môi trường thế giới tổ chức ở Nai-rô-bi (Kê-ni-a) vào trung tuần tháng 11-2006, nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2012 khi Nghị định thư Ky-ô-tô hết hiệu lực, đã nhận định: Thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra sẽ làm giảm 20% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây ra những đảo lộn về kinh tế - xã hội (có thể so sánh với thiệt hại do 2 cuộc chiến tranh thế giới gây ra và cuộc đại suy thoái kinh tế trong thế kỷ trước). Theo Liên hợp quốc, những trận bão xảy ra từ tháng 7 đến tháng 12-2006 tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Việt Nam đã gây thiệt hại lớn, hàng nghìn người chết và mất nhà ở, thiệt hại về tài sản lên tới hàng chục nghìn tỉ USD. Tại châu Phi, nạn hạn hán và lụt lội diễn ra ở Ê-ti-ô-pi-a và Xô-ma-li đã làm 280.000 người mất nhà ở, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 3 triệu người. Tiến sĩ N.Xten, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB cho rằng, thế giới sẽ bị thiệt hại tới 7.000 tỉ USD do hiện tượng trái đất nóng lên trong 10 năm tới nếu như các nước không thực hiện những biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu này.
Thứ năm, dịch cúm gia cầm tái bùng phát mạnh mẽ. Hiện nay, cúm gia cầm đã xuất hiện ở 58 nước trên thế giới. Dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế nông nghiệp của các nước có dịch bệnh; đồng thời tác động tiêu cực đến các ngành dịch vụ, du lịch, xuất khẩu.
Nhằm giúp cho kinh tế thế giới tiếp tục đà tăng trưởng, các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, các chuyên gia kinh tế thế giới đều cho rằng, các nước cần phải có các chính sách và nguyên tắc kinh tế hợp lý để có được cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sự hợp tác giữa các khu vực kinh tế chủ chốt. OECD kiến nghị lấy cải cách cơ cấu làm phương thuốc chữa trị các "cơn sốc" và hỗ trợ tăng trưởng. Nhà kinh tế hàng đầu OECD, Giăng Phi-líp Cô-ti hối thúc chính phủ các nước không lặp lại những sai lầm như hồi cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi lấy nguồn thu thuế cao từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ để tăng chi tiêu công cộng. Theo IMF, ngân hàng trung ương của các nước nên thắt chặt lãi suất hơn nữa để tránh lạm phát và những rủi ro trong tăng trưởng kinh tế.
* PGS, TS, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Vấn đề hạt nhân I-ran - đàm phán là cần thiết  (05/02/2007)
Nam Sách vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (05/02/2007)
Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Đà Nẵng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế  (05/02/2007)
Trên vùng núi đá Yên Minh  (05/02/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển