Cần giữ gìn ưu thế về đa dạng sinh học

Nguyễn Lân Dũng
15:26, ngày 07-11-2008

Thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới. Với các điều tra đã công bố, Việt Nam có 21.000 loài động vật, bao gồm 4/25 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất trên thế giới; 100 loài chim đặc hữu; 78 loài thú, bò sát, ếch nhái chỉ có ở Việt Nam; hơn 100 loài bướm, gần 100 loài san hô và nhiều loài động vật không xương sống khác. Việt Nam có tới 16.000 loài thực vật, bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tổ chức vi sinh vật học châu Á thừa nhận không ít loài vi sinh vật mới đối với thế giới có ở Việt Nam.

Bảo tồn đa dạng sinh học là yêu cầu quan trọng đối với cả xã hội. Đó là bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các hệ sinh thái đặc thù hoặc mang tính đại diện, bảo vệ môi trường sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ nét đẹp độc đáo của thiên nhiên, lưu giữ lâu dài các nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật. Hiện nay, người ta đã ghi nhận có tới 400 loài động vật và 450 loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Về các loài bị đe dọa tuyệt chủng Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước hàng đầu đối với thú, 20 nước hàng đầu đối với chim, 30 nước hàng đầu đối với lưỡng cư và thực vật (!)

Với vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam là một trong những trung tâm trên thế giới về các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng tự nhiên trên cạn, đất ngập nước đồi núi đá vôi, đất khô, cùng với các hệ sinh thái tự nhiên dọc theo bờ biển 3.200km và các hải đảo

Bảo tồn đa dạng sinh học cũng chính là để có thể khai thác lâu dài các tài nguyên trên cạn và dưới nước, tránh tình trạng cạn kiệt dần vì những lý do khai thác quá mức hoặc do ô nhiễm môi trường. Bảo tồn đa dạng sinh học không có nghĩa là loại trừ khả năng nhập khẩu các loại cây trồng, vật nuôi, các loại vi sinh vật có ích từ nước ngoài. Tuy nhiên, cũng không vì các ưu thế rõ rệt của các loài cây trồng, vật nuôi mà để mất đi các loài bản địa.

Việt Nam có những giống ngô đang trồng trên biên giới phía Bắc, nơi chỉ có lớp đất mỏng trên đá, người dân có thói quen trồng không phân, không tưới. Bắp ngô tuy bé nhưng đã thích nghi lâu đời với cách trồng trọt nơi ấy. Những giống ngô nhập tuy có năng suất rất cao nhưng không thể sinh trưởng được trong những điều kiện như vậy. Gần đây Trung Quốc bỏ ra những nguồn kinh phí lớn để điều tra các thực vật có hoạt chất chống ung thư. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu được công bố, chúng tôi thấy có tới trên 50 loài có mặt tại Việt Nam. Trong số này có những loài (như cây Bảy lá một hoa) đang được lùng sục để tìm mua đến mức đã cạn kiệt.

Muốn thực thi được việc bảo tồn đa dạng sinh học nhất thiết phải có những quy hoạch lâu dài và thống nhất trong cả nước. Phải xây dựng được các khu bảo tồn thuộc các cấp khác nhau: các Vườn quốc gia, các khu dự trữ thiên nhiên, các khu bảo tồn loài - sinh cảnh, các khu bảo vệ cảnh quan. Luật Đa dạng sinh học đã quy định cụ thể tiêu chí của từng loại khu bảo tồn, trình tự, thủ tục lập dự án, thẩm định dự án thành lập và quyết định giao đất cho các khu bảo tồn này. Các khu bảo tồn phải phân thành các phân khu rõ rệt ( phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính…). Ban quản lý các khu bảo tồn vừa phải có trình độ chuyên môn, vừa phải có tinh thần trách nhiệm cao và yên tâm bám địa bàn lâu dài để xây dựng và quản lý ngày càng hoàn thiện các khu bảo tồn này. Tổ chức và cá nhân tham gia quản lý các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được hưởng các quyền lợi chính đáng phù hợp với luật này, như lợi ích từ khai thác du lịch, chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen theo đúng quy chế của từng khu bảo tồn.

Hiện nay, Việt Nam có 126 khu bảo tồn các loại, chiếm diện tích tới 2,5 nghìn ha. Nhiều hộ gia đình còn đang sinh sống hợp pháp trong các khu bảo tồn. Họ cần phải tham gia bảo vệ khu bảo tồn và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, được khai thác nguồn lợi theo nội quy của khu bảo tồn phù hợp với luật này. Nếu những hộ này chuyển ra ngoài khu bảo tồn sinh sống thì họ cần được cấp đất hoặc được bồi thường theo quy định của pháp luật. Các hoạt động của dân chúng sinh sống trong vùng đệm của từng khu bảo tồn phải tuân theo các quy chế quản lý do Thủ tướng ban hành nhằm không gây tác động xấu đến khu bảo tồn

Ở các Vườn Quốc gia Bô-gô (In-đô-nê-xi-a) và các khu bảo tồn quy mô nhỏ như ở một nước rất nghèo là Nê-pan, tuy mức độ nhau, nhưng được quản lý khá tốt, chính vì thế đã thu hút được rất đông khách du lịch. Tại Nê-pan, các khu bảo tồn chỉ được ngăn cách tượng trưng bằng 1 sợi dây thép gai, nhưng người dân rất tự giác, không ai xâm phạm vào các khu này để lấy củi hay săn bắn chim, thú. Khách du lịch mỗi tốp 40 người được phân ra ngồi trên 10 con voi để đi vào rừng và không tốp nào không gặp được thú dữ, không kể vô số thú nhỏ và chim, du khách có điều kiện thoải mái quay phim chụp ảnh.

Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, sao cho rừng, các vùng núi đá vôi và các thủy vực vừa được bảo vệ, vừa được khai thác hợp lý; tuyên truyền rộng rãi để toàn dân biết rõ về các loài động, thực vật quý, hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt và chấp hành việc cấm khai thác, vận chuyển, mua bán, sử dụng. Thói quen ăn thú rừng phải chuyển sang hướng sử dụng các động vật hoang dã được nuôi sinh sản (như lợn rừng, nhím, hươu, nai, cá sấu…). Phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, thực hiện ngay việc đưa các động vật quý hiếm đang được nuôi (hổ, gấu…) vào các khu cứu hộ để phục hồi sức khỏe cho chúng trước khi trả lại môi trường tự nhiên. Cần nghiêm cấm việc khai thác mật gấu (gấu nuôi lấy mật có vòng đời rất ngắn, không sinh sản được và tác dụng của mật gấu không có tác dụng gì đối với các bệnh hiểm nghèo như vẫn đồn đại!). Các thực vật có giá trị (cây dược liệu, cây hoa, cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp…), tùy mức độ quý hiếm, cần được bảo tồn lâu dài tại các cơ sở lưu giữ có đủ phương tiện và đủ diện tích để duy trì ổn định nguồn gen, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất.

Với các vi sinh vật cần phải phân lập, định tên, nghiên cứu về hoạt tính và bảo quản an toàn lâu dài trong các Trung tâm lưu giữ nguồn gen vi sinh vật phục vụ chung cho các nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất. Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật (VTCC) đang được Nhà nước đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Cần nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá các sinh vật ngoại lai được đưa vào qua các cửa khẩu hay các vùng biên để triệt để ngăn chặn các loài ngoại lai xâm hại. Việc nuôi trồng các loài ngoại lai phải được tiến hành sau khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép.

Việc đưa vào thử nghiệm các cây trồng vật nuôi biến đổi gen cần được quản lý rủi ro bằng các nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn. Trong khoảng thời gian 1996-2005, cây trồng chuyển gen đã được triển khai trên một diện tích rất rộng lớn – khoảng 900 000 km2, có tới 55% là ở Hoa Kỳ. Diện tích cây trồng chuyển gen đến năm 2007 đã tăng lên đến 114,3 triệu ha. Nông dân nhiều nước đã trồng các cây chuyển gen mang nhiều đặc tính (stacked traits), vì vậy nếu tính diện tích cây trồng chuyển gen theo đặc tính thì tăng thêm 22%. Đã có tới 12 triệu nông dân trên thế giới tham gia vào việc trồng cây chuyển gen, trong số này có tới 90% là những nông dân nghèo thuộc các nước đang phát triển (khoảng 11 triệu người). Đến năm 2005, tại Bra-xin, đã có 94 000km2 đậu tương chuyển gen được gieo trồng. Đến năm 2007 đã có 23 nước tham gia trồng cây trồng chuyển gen. Ngoài các nước nói trên còn có Ỗ-trây-li-a, Bun-ga-ri, Pháp, Đức, Mê-hi-cô, Ru-ma-ni, Tây Ban Nha,Phi-lip-pin, Cô-lôm-bi-a, Chi-lê, Hon-đu-rát, Séc, Xlô-va-ki-a, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Pa-ra-goay, U-ru-goay…Đặc biệt là ngô (Bt corn) mang gen Bt (chống sâu hại) và ngô kháng thuốc trừ cỏ đang được gieo trồng rất rộng rãi và thu được hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt.

Những nội dung được đề cập ở trên nhằm khẳng định rằng, việc ban hành Luật Đa dạng sinh học là một bước tiến lớn trong việc tạo ra hàng lang pháp lý để gìn giữ có hiệu quả nguồn tài nguyên sinh học vô cùng phong phú và quý giá của đất nước./.