Chị Tứ (gương phụ nữ giỏi) chăm sóc đàn gà gia đình - Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Việt Nam là một nước nông nghiệp có nhiều tiềm năng ở châu á và thế giới. Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, cao su và đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Dù ngành chăn nuôi chưa đóng góp nhiều ngoại tệ và chưa thực sự nổi bật nhưng không phải vì thế nó không có những lợi thế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để chăn nuôi thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần phải nhìn thẳng vào sự thật và đổi mới thực sự nhận thức chung về vấn đề này.

Ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian qua

Kinh tế phát triển, nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng tăng, song sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do chưa thực sự có cách tiếp cận mới, chăn nuôi truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ cao, với những đặc điểm nổi bật là nhỏ lẻ, phân tán, số lượng không tập trung đủ lớn để trở thành sản phẩm hàng hóa, không đồng nhất về chất lượng, chưa chú trọng đến tính kế hoạch thị trường và hạch toán về hiệu quả kinh tế. Phương thức chăn nuôi này tuy có nhiều nhược điểm, nhưng là nguồn thu nhập tối cần thiết nâng cao mức sống của người nghèo. Theo tính toán của các chuyên gia, thu nhập từ chăn nuôi chiếm 70% thu nhập của người nghèo hiện nay.

Mười năm trước, nhu cầu tiêu thụ thịt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 500 tấn/ngày. Hiện nay, mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ từ 800 tấn - 1.000 tấn, Hà Nội cần 300 tấn/ngày. Chỉ tính riêng thịt lợn, hằng năm hai thành phố (gần 13 triệu dân) cần một khối lượng thịt tương đương 7 triệu - 10 triệu con lợn thịt có trọng lương 100kg/con, chưa kể nhu cầu thực phẩm của 70 triệu dân ở các vùng khác nhau trong cả nước. Rõ ràng, nếu không chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực phẩm thịt, sữa, trứng có chất lượng và an toàn vệ sinh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Những năm gần đây, nhiều chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển ngành chăn nuôi. Một phương thức sản xuất mới - sản xuất theo hướng hàng hóa bền vững - trong ngành chăn nuôi đang từng bước hình thành.

Tính đến đầu năm 2007, cả nước có 17.721 trang trại (chưa kể những trang trại chuyên chăn nuôi thỏ, lợn rừng, nhím và các loại động vật sống trong nước ngoài cá), trong đó có 7.475 trang trại chăn nuôi lợn, 2.837 trang trại chăn nuôi gia cầm, 6.405 trang trại chăn nuôi bò (có 2.011 trang trại chăn nuôi bò sữa), 247 trang trại chăn nuôi trâu, 757 trang trại chăn nuôi dê. Chăn nuôi trang trại đang trên đà phát triển mạnh, nhưng không phải vì vậy mà không có những vấn đề đang đặt ra. Số liệu tổng kết cho thấy, chăn nuôi nhỏ lẻ đáp ứng đến 60% nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời là nguồn thu nhập đáng kể của các hộ nông dân cá thể. Chăn nuôi thực sự đang là một trong những phương thức quan trọng góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo trong nông thôn. Tuy nhiên, làm thế nào để người chăn nuôi tiếp cận được nguồn vốn, ứng dụng tốt nhất các thành tựu của khoa học - công nghệ, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang là vấn đề có nhiều bức xúc.

Lợi thế ngành chăn nuôi ở Việt Nam

Nhà nông phấn khởi khi có Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10-12-1999 và Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 29-01-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010. Hàng loạt các trang trại chăn nuôi bò sữa, lợn hàng hóa, dê, gà thả vườn, vịt, ngan... đã phát triển mạnh mẽ. Hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương đã từng bước phổ biến rộng rãi tiến bộ mới về giống, kỹ thuật, nhờ đó các tiến bộ kỹ thuật về chuồng trại theo quy trình công nghệ mới, con giống mới cho chăn nuôi đã được người dân áp dụng, hàng triệu nông hộ thoát đói, giảm nghèo.

Theo Quyết định phê duyệt của Chính phủ về định hướng phát triển chăn nuôi đến 2020, “chăn nuôi sẽ được thay đổi cơ bản theo hướng công nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; kiểm soát được dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu”, “nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp: đạt 32% vào năm 2010; 38% năm 2015 và 42% năm 2020”. Tất cả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước là điểm tựa vững chắc giúp ngành chăn nuôi có cơ sở pháp lý để phát triển trong thời hội nhập.

Chăn nuôi lợn, gà công nghiệp.

Chăn nuôi lợn, gà công nghiệp không cạnh tranh về đất đai làm chuồng trại, có thể phát triển trên đất cằn sỏi đá, nghèo dinh dưỡng. Trên cùng một đơn vị diện tích đất này, nếu đủ nước có thể tạo ra khối lượng sản phẩm chăn nuôi lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế cho thấy, khi đầu tư đồng bộ về chuồng trại, thiết bị phục vụ nuôi lợn trên một héc-ta (cho dù đất rất xấu), hằng năm sẽ sản xuất được từ 10.000 con đến 15.000 con lợn thịt (tương đương từ 100 tấn đến 150 tấn thịt hơi), doanh thu đạt từ 40 tỉ đến 60 tỉ đồng

Chăn nuôi gia súc có sừng công nghiệp.

Để chăn nuôi gia súc có sừng cần quy hoạch đất đủ cho trồng cỏ. Khi chăn nuôi phát triển, chỗ nào có chăn nuôi nơi đó có cơ hội cải thiện được chất lượng đất, cung cấp nhiều nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao cho chế biến thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng hằng ngày cho người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm và phục vụ xuất khẩu, giúp cơ cấu lại bữa ăn, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong dân, nâng cao văn minh ăn uống, tăng cường sức khỏe cộng đồng, nâng cao dân trí xã hội.

Những thách thức và rủi ro của ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi hàng hóa ở nước ta mới hình thành nên không có truyền thống “cha truyền con nối” như ở các nước khác. Chính vì điều khác biệt này mà chăn nuôi chưa có cơ hội phát triển lâu dài, bền vững ở từng hộ, nếu không có chính sách thích hợp khuyến khích.

Khi chăn nuôi phát triển sẽ lôi cuốn được hàng triệu người dân tham gia vào sản xuất và các hoạt động dịch vụ cộng đồng khác sẽ hình thành, cải thiện nhanh chóng môi trường an sinh xã hội.

Cho đến nay, ngành chăn nuôi Việt Nam tự nó chưa có mô hình sản xuất mang tính cộng đồng để đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài hiện có ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Trong hành lang pháp lý vĩ mô cũng chưa đủ chính sách rõ nét về chuỗi sản phẩm khép kín (từ chăn nuôi gia súc cho thịt, sữa, trứng, thức ăn, thức ăn đạm, thức ăn bổ sung, dụng cụ chuồng trại cho chăn nuôi, thuốc thú y, giết mổ công nghiệp, chế biến thịt, sữa công nghiệp và thị trường dịch vụ).

Chưa có một chính sách và kế hoạch dài hạn cho đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyên ngành cũng như về kỹ thuật đồng bộ về giống, công nghệ sinh học, thiết bị, chế biến, thú y... có trình độ chuyên môn sâu. Thực tế đã bắt đầu có sự hụt hẫng về đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, tâm huyết với nghề không chỉ trong chăn nuôi mà còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác khi chăn nuôi phát triển.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn dàn trải, những đề tài nghiên cứu không mang tính toàn diện và lâu dài; chưa đáp ứng cho việc nâng cao sản xuất ở từng giai đoạn và thiếu tính liên tục; thiếu những giải pháp kỹ thuật mới, cụ thể, ứng dụng ngay cho phát triển sản xuất; thiếu tính đặc thù vùng sinh thái, vùng kinh tế trong nghiên cứu để triển khai phù hợp; nhiều đề tài không mang yếu tố kinh tế, khó áp dụng vào sản xuất.

Thống kê của ngành chăn nuôi còn quá hời hợt, thiếu cụ thể, không phong phú và chi tiết, bỏ qua nhiều chỉ tiêu rất cần cho định hướng phát triển tương lai.

Các quy định thanh toán, quyết toán đề tài nghiên cứu do Bộ Tài chính đưa ra không thực tế khi áp dụng. Các nhà khoa học phải thực hiện theo những quy định bất hợp lý. Ví như kinh phí khi được cấp theo dự toán lúc xây dựng đề tài về giá cả vật tư, xăng xe, công cán đã quá thấp so với giá cả thực tế khi được cấp kinh phí thực hiện, nhưng nội dung đề tài vẫn giữ nguyên, không được điều chỉnh.

Những bất cập khác:

- Chăn nuôi đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm, nhất là những bệnh lây sang người như cúm gia cầm.

- Nhu cầu nguyên liệu cho chăn nuôi ngày một tăng, không đủ và không chủ động được nguồn nguyên liệu cơ sở, cho phát triển dù chỉ 70%.

- Kế hoạch sản phẩm không chủ động và chưa điều tiết được. Trong sản xuất lúc dư thừa, lúc thiếu hụt.

- Chưa coi trọng công tác quản lý giống quốc gia vì chưa thấy hết tầm quan trọng lâu dài trong công tác chọn lọc nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi một cách chủ động. Việc tổ chức bộ máy không phù hợp từ trong đầu tư về kỹ thuật, con người và cả chính sách.

Một số giải pháp cần quan tâm cho phát triển chăn nuôi

Để ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra được bước đột phá thực sự trong sản xuất nông nghiệp, cần có những tư duy mới, bước đi mạnh dạn hơn trong việc cơ cấu lại và tổ chức ngành:

- Mở rộng đào tạo kỹ thuật chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa và lớn, tính cụ thể đến hiệu quả kinh tế để người dân biết, nắm vững, làm theo.

- Cần tập trung xây dựng kế hoạch và chính sách phát triển sản phẩm hằng năm thật phù hợp, trên cơ sở những giải pháp đã có để chỉ đạo sát sao theo từng giai đoạn phát triển. Có như vậy, ngành chăn nuôi mới điều tiết được lượng sản phẩm làm ra, tránh hiện tượng “no dồn đói góp”.

Từ điều kiện đất đai, địa hình tự nhiên, thời tiết, khí hậu và kinh nghiệm thực tiễn, cần quy hoạch tổng thể lại ngành chăn nuôi. Cụ thể là cần quan tâm đến các yếu tố: quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi; xác định vùng chăn nuôi trọng điểm để kêu gọi đầu tư; đầu tư thủy lợi theo giai đoạn phát triển để lấy nước trồng màu (ngô, khoai, sắn, đậu nành...), đồng cỏ cho 2 nhóm vật nuôi ở những vùng có tiềm năng phát triển gia súc có sừng và sản xuất nguyên liệu thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi lợn, gà; về lợi thế chăn nuôi cần đề cập đến nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ phù hợp, độ ẩm thấp giúp vật nuôi phát triển nhanh dẫn đến chi phí thức ăn giảm, chất lượng sản phẩm tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cần sớm có một chiến lược phát triển chăn nuôi và dịch vụ chăn nuôi, như sản xuất thức ăn, phát triển trồng cỏ có thủy lợi, sản xuất thuốc thú y, sản xuất dụng cụ chăn nuôi, chế biến thịt sữa... ở vùng Tây Nguyên. Đường Hồ Chí Minh sẽ là trục chính cho các cụm phát triển chăn nuôi ở Tây Nguyên nhằm tận dụng lợi thế khí hậu, đất đai, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn và nhất là tiết kiệm được thức ăn, tăng năng suất vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho các loại cây công nghiệp khác ở đây.

Phát huy mạnh mẽ nội lực, cộng với sự hợp tác đa dạng hơn với thế giới để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi bạn bè trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong một tương lai không xa./.