Máy gặt liên hợp đang thu hoạch lúa hè thu trên đông ruộng huyện Hải Lăng 
 Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Xã hội nông thôn gắn liền với những cánh đồng lúa nước đã tạo ra một quần thể cộng đồng dân cư, góp phần làm nên nền văn hóa cộng đồng Việt Nam. Thử hỏi khi quan hệ truyền thống thôn ấp đó bị thay đổi theo cuộc sống thực dụng, thì những tinh hoa của từng vùng còn hay không? Đây chính là những vấn đề cần đặt ra để xem xét sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam hiện nay.

1- Đặc thù của nền nông nghiệp Việt Nam

Cách đây khoảng 4.000 năm, ở giai đoạn Phùng Nguyên, nghề trồng lúa nước đã ra đời. Chính nền văn hóa Đông Sơn cùng với nghề trồng lúa nước đã tạo ra nền văn minh sông Hồng. Chính nền nông nghiệp ấy đã cung cấp lương thực, thực phẩm và nguồn nhân lực cho nhân dân ta đấu tranh lâu dài giành độc lập tự chủ trong một nghìn năm Bắc thuộc cũng như những cuộc đấu tranh giữ nước sau này. Từ nền văn minh lúa nước mà tiêu biểu là nền văn minh sông Hồng đã tạo ra sức mạnh cho những thế hệ nối tiếp nhau, đổ mồ hôi, nước mắt và xương máu để dựng nước và giữ nước.

Ngày nay, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta vẫn kế thừa truyền thống trên. Chủ trương lớn đầu tiên để phát triển nông nghiệp và nông thôn vẫn là đẩy mạnh thâm canh lúa, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung lúa năng suất, chất lượng cao. Đối với thế giới, khi xu thế đô thị hóa đang ồ ạt phát triển thì điều kiện sống rất cơ bản của loài người vẫn phải tiếp tục dựa trên truyền thống là con người biết quản lý nguồn tài nguyên đất và nước của mình như thế nào.

Nông nghiệp không chỉ phục vụ nhu cầu lương thực mà còn bảo đảm bền vững môi trường, và có vai trò giữ ổn định cơ cấu xã hội sống còn trong những vùng nông thôn. Từ những nhận định trên giúp ta có được nhận thức đúng đắn về lịch sử hình thành nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Có được những cánh đồng lúa nước hai vụ với năng suất tới 10 tấn/ha trong một năm là trải qua quá trình biến đổi tự nhiên cùng với tập quán canh tác của con người trong hằng ngàn năm. Ngày nay, chúng ta với những kỹ thuật mới có thể tạo ra hàng chục vạn héc-ta đất mới để trồng trọt, song phần lớn là những vùng đất bấp bênh khi khí hậu thay đổi, dễ xói mòn, bạc màu và điều quan trọng là những dinh dưỡng trong sản phẩm không cao bằng sản phẩm ở những cánh đồng lúa thâm canh nhiều đời. Gạo Hải Hậu (đồng bằng sông Hồng), gạo An Giang, Đồng Tháp (đồng bằng sông Cửu Long) luôn được sự yêu chuộng của người tiêu dùng.

2 - Về sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Ngày nay khái niệm phát triển bền vững bao hàm cả tăng trưởng kinh tế liền với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Bài học về cuộc khủng hoảng kinh tế châu á vừa qua là một ví dụ, trong đó Việt Nam và Thái Lan đã vượt qua được là nhờ có nền kinh tế nông nghiệp ổn định.

Tương lai sẽ mang lại cơ hội cũng như những thách thức to lớn. Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ mọc lên nhiều khu công nghiệp, khu đô thị lớn. Ước tính đến năm 2025, gần 60% dân số thế giới sẽ sống trong các khu vực đó. Mối quan tâm chính cho người dân là phải bảo đảm nguồn lực dồi dào, phù hợp với thu nhập, đồng thời không có những mối nguy hiểm về sức khỏe và môi trường.

Để có được bức tranh toàn cảnh, chúng ta cần đặt ra nhiều câu hỏi về các khía cạnh khác nhau:

- Hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn này là gì? Ngành nông nghiệp đứng ở vị trí nào? Việc lấy đất lúa và ưu tiên nước sạch cho sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa đã có giải pháp bù lại chưa?

- Nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, mang tính đa dạng sinh học, đòi hỏi kỹ thuật cao để thích ứng với những biến đổi bất thường. Liệu Việt Nam có thể làm được không? Chúng ta phải đánh giá một cách khoa học, sát với thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay để khẳng định lương thực có đủ và thừa chưa? Qua những trận bão vừa qua cho thấy, sự hỗ trợ cho những vùng thiên tai từ phía ngân sách là quá ít ỏi. Sự cố gắng của chính người dân địa phương là quá lớn, song để trở lại cuộc sống ban đầu sẽ phải trải qua một thời gian dài. Với những vùng lúa thâm canh bị mất đi, liệu số đất còn lại có đủ khả năng tăng năng suất để bù không? Khi có biến động, kinh tế bị đông cứng, liệu còn khả năng sức mua sản phẩm công nghiệp để bù trở lại cho nông nghiệp không?

- Nhiều nước phát triển trên thế giới có chính sách bảo hộ nông nghiệp rõ rệt. Bang Ha-oai (Mỹ) có quy định không cho các ngành công nghiệp, dịch vụ san lấp những vùng đất nông nghiệp, mặc dù họ đóng góp cho nhà nước nguồn tài chính lớn. Vụ kiện cá ba sa, tôm giữa Việt Nam và Mỹ là một dẫn chứng về chính sách bảo hộ trong nước, mặc dù người dân Mỹ vẫn muốn mua sản phẩm của Việt Nam với lý do giá rẻ hơn. Ô-xtrây-li-a, Pháp, Nhật Bản, Liên minh châu Âu cũng có những chính sách bảo hộ nông nghiệp tương tự như vậy.

- Tính chất bền vững trong nông nghiệp mang tính xã hội cao. Qua những điều tra ở những vùng mà nông dân được đền bù do mất đất nông nghiệp thấy rõ, sau khi có được số tiền lớn, lại không có nghề thay thế nên họ chỉ biết mua sắm như xe máy, tiện nghi gia đình, một số không nhỏ sa vào nạn cờ bạc, nghiện hút, làm cho tệ nạn xã hội tăng lên. Cơ hội học hành tiếp cận việc làm là không có, bởi lẽ lao động công nghiệp đòi hỏi những kỹ năng mà bản thân người dân ở khu công nghiệp đó không đáp ứng, buộc người chủ phải tuyển lao động nơi khác. Đối với nông dân miền Bắc và miền Trung, quy mô sản xuất nông nghiệp không lớn, nên họ đã có truyền thống nghề phụ như các làng nghề Bắc Ninh, Hà Tây... điều này giúp cho họ có khả năng thích nghi cao nếu có được chính sách của Nhà nước sau đền bù đất đai, giống như chính sách sau thu hoạch của nông nghiệp vẫn làm. Còn nông dân Nam Bộ, thường có diện tích sản xuất lớn, nhưng khi không còn đất để sản xuất, họ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vậy họ sẽ làm gì để sống và hậu quả phải tính cả thế hệ sau khi điều kiện đi học không còn nữa.

- Trong những nhà đầu tư nước ngoài phải kể đến một số hãng như Canon (Nhật Bản), Nike, Ford (Mỹ)... đều có chính sách đào tạo người dân địa phương để tuyển vào lao động. Song không ít những tập đoàn ở nhiều nước chỉ vì lợi nhuận bỏ qua việc đào tạo, không chú ý đầu tư bảo vệ môi trường, nên không đáp ứng cam kết ban đầu với người dân. Phải nhận thấy người nông dân ở đây là chủ gia đình, còn khu công nghiệp mới sinh ra như một đứa trẻ, do vậy Nhà nước cần có luật riêng để giải quyết hài hòa vấn đề này.

3 - Một số kiến nghị

Để giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn Việt Nam, chúng ta cần có những luận cứ khoa học. Trước mắt, kiến nghị một số việc làm sau:

- Cần điều tra những khu công nghiệp xem sự thực hiện các cam kết ban đầu của những nhà đầu tư như thế nào? Liệu đã giải quyết theo như mong muốn của chúng ta chưa? Các chủ đầu tư phải có nghĩa vụ hỗ trợ việc làm cho người dân khi không còn đất để sản xuất. Không thể viện cớ trình độ lao động của người nông dân không đáp ứng để không thu nhận vào nhà máy, bởi vì khi còn đất họ vẫn là chủ gia đình, có kinh nghiệm trong sản xuất.

- Việc so sánh giá trị sản phẩm nông nghiệp với sản xuất công nghiệp không chỉ lấy giá vài tấn gạo so với lợi nhuận thu được từ một chiếc xe máy, hay một chiếc ô-tô, mà phải tính với giá trị thật của một tấn gạo khi kinh tế - xã hội bị biến động. Qua cuộc khủng hoảng kinh tế châu á cho thấy, không có giá trị sản phẩm công nghiệp nào so với giá trị một tấn gạo lúc đó.

- Cần thường xuyên điều tra những ảnh hưởng của các khu công nghiệp đến xã hội, bởi lẽ những đầu tư công nghiệp và dịch vụ hiện nay chỉ ở giai đoạn đầu nhằm tận dụng nguồn lao động rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên có sẵn, chưa phải là giai đoạn tạo nên nền sản xuất công nghiệp, có đủ khả năng giải quyết mọi hậu quả do nó gây ra. Như vậy, trong giai đoạn đầu, người đầu tư có chính sách lợi nhuận riêng mà chúng ta đừng quá ngây thơ tin ở những lời cam kết.

- Nghiên cứu xây dựng chính sách “sau đền bù” không chỉ áp dụng cho vùng bị lấy đất nông nghiệp, mà còn áp dụng cho cả khu vực đô thị phải giải tỏa mặt bằng, kể cả những vùng bị thiên tai cần được khôi phục. Nội dung chính sách này không chỉ nhằm ổn định tạm thời cuộc sống, mà cần tạo cho người được đền bù hoặc hỗ trợ một nghề để duy trì cuộc sống như trước đây.

- Việc xây dựng các chính sách cần lấy ý kiến của những nhà khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Khi kết luận để ban hành cần làm rõ đã tiếp thu những ý kiến đóng góp nào? không để việc lấy những ý kiến đó như một cách làm tùy tiện./.