TCCSĐT - Từ ngày 29-9 đến ngày 30-9-2014, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 12 đã diễn ra tại Ba-gan (Mi-an-ma).

Hội đồng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN lần thứ 12

Từ ngày 29-9 đến ngày 30-9-2014, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 12 đã diễn ra tại Ba-gan (Mi-an-ma). Trước đó, từ ngày 27-9 đến ngày 28-9 đã diễn ra Hội nghị các Quan chức cấp cao Văn hóa - Xã hội ASEAN (SOCA) và Cuộc họp Nhóm Công tác của ASCC.

Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã tập trung kiểm điểm việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến thời điểm này, thảo luận và thống nhất định hướng hoạt động của ASEAN trong lĩnh vực văn hóa - xã hội giai đoạn sau năm 2015. Các bộ trưởng hoan nghênh và ghi nhận các thành tựu ASCC đã đạt được trong thời gian qua, theo đó ASEAN đã triển khai và thực hiện 97% các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể ASCC, đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện 5 nội dung ưu tiên trong năm 2014.

Các bộ trưởng đã thảo luận và nhất trí nội dung Báo cáo của Hội đồng ASCC trình lãnh đạo cấp cao xem xét và thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 25 diễn ra vào tháng 11 tới tại Mi-an-ma. Kết thúc các phiên thảo luận, các bộ trưởng đã ra Tuyên bố chung Hội nghị ASCC lần thứ 12 phản ánh các kết quả thảo luận tại Hội nghị. Các bộ trưởng cũng nhất trí Hội nghị ASCC lần thứ 13 sẽ được tổ chức trong tháng 4-2015 tại Ma-lai-xi-a.

Lãnh đạo Mỹ và I-xra-en bất đồng trong nhiều vấn đề then chốt ở Trung Đông

Ngày 01-10-2014, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) đã có cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi tiến trình hòa bình Trung Đông sụp đổ do cuộc xung đột tại Dải Ga-da tháng 8 vừa qua. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Giô-sơ Ơ-nét (Josh Earnest) cho biết, Oa-sinh-tơn quan ngại sâu sắc trước những báo cáo nói rằng Chính phủ I-xra-en đang tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch xây 2.600 căn nhà tái định cư ở “những vùng nhạy cảm” thuộc Đông Giê-ru-xa-lem. Ông Gi. Ơ-nét nhấn mạnh hành động của I-xra-en chỉ khiến Ten A-víp hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế, thậm chí đẩy nước này ngày càng rời xa các đồng minh gần gũi nhất và “đầu độc không khí” trong quan hệ với Pa-le-xtin cũng như với các quốc gia A-rập trong khu vực.

Trong khi đó, Thủ tướng I-xra-en lại gây sức ép và đưa ra cảnh báo về hướng đàm phán giữa I-ran với các cường quốc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran. Theo ông, I-ran đang tìm kiếm một thỏa thuận cho phép nước này phát triển năng lượng hạt nhân trong khi vẫn được (phương Tây) dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông B. Nê-ta-ni-a-hu bày tỏ hy vọng, với vai trò là nước trung gian, Mỹ sẽ không để điều này xảy ra vì tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của I-ran là mối đe dọa hiện hữu.

Bên cạnh hai vấn đề chính nói trên, cuộc đàm phán song phương còn đề cập đến cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Oa-sinh-tơn dẫn đầu. Thủ tướng B. Nê-ta-ni-a-hu bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Mỹ trong cuộc chiến này.

Dịch Ê-bô-la tiếp tục diễn biến phức tạp

Ngày 02-10-2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo số bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm vi-rút Ê-bô-la tại Tây Phi hiện đã lên tới 7.178 người, trong đó 3.338 trường hợp đã tử vong. Người phát ngôn của Liên hợp quốc Xtê-phan Đu-gia-ríc (Stephane Dujarric) cho biết, tại các quốc gia vùng ổ dịch, xu hướng nhiễm bệnh đang tiếp tục gia tăng ở Xi-ê-ra Lê-ôn và Li-bê-ri-a. Tình hình dịch bệnh ở Ghi-nê tuy đã lắng dịu hơn song vẫn cần cảnh giác vì xu hướng lây lan có thể thay đổi nhanh chóng. Trong số những người nhiễm vi-rút Ê-bô-la, đáng lưu ý có 357 nhân viên y tế và 211 người trong số này đã tử vong.

Theo WHO, dịch Ê-bô-la vẫn đang tiếp tục hoành hành và dự báo phải mất từ 6 - 9 tháng nữa mới có thể kiểm soát được tại các nước Tây Phi.

Đài Loan: bê bối “dầu bẩn”

Ngày 03-10-2014, người đứng đầu ngành y tế Đài Loan (Trung Quốc) Chiu Wen-ta đã chính thức từ chức do vụ bê bối “dầu bẩn” sau khi cảnh sát Đài Loan phá một đường dây bán hàng trăm tấn dầu ăn tái chế từ thịt gà bẩn và mỡ của các nhà máy sản xuất da thuộc.

Cũng trong ngày 03-10, các công tố viên Đài Loan đã kết tội Yeh Wen-hsiang, Chủ tịch Tập đoàn sản xuất dầu ăn Chang Guann với 235 tội danh, trong đó có tội lừa đảo và vi phạm quy định an toàn thực phẩm với hành vi bán dầu ăn tái chế từ tháng 3-2014. Ba đối tượng khác, trong đó có một nhà quản lý của một nhà máy không có giấy phép hoạt động chuyên cung cấp dầu ăn cho Chang Guann, cũng bị cáo buộc các tội danh tương tự. Ngoài ra, còn có 4 đối tượng liên quan bị buộc tội vi phạm luật xử lý chất thải. Các công tố viên cũng đã yêu cầu tòa án đưa ra mức phạt nặng do các bị cáo không có thái độ hối lỗi và đây là vụ việc nghiêm trọng, không chỉ gây khủng hoảng an toàn thực phẩm mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của Đài Loan.

Theo luật pháp Đài Loan, tội danh lừa đảo và vi phạm quy định an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù tối đa từ 5 - 7 năm. Đây là vụ bê bối thực phẩm thứ hai tại Đài Loan trong vòng chưa đầy một năm qua. Tháng 10-2013, dầu ô-liu tại Đài Loan bị phát hiện chứa một loại hóa chất tạo màu bị cấm dùng trong thực phẩm. Trước thực trạng trên, ngày 17-9, chính quyền Đài Loan thông báo sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt những vi phạm quy định về an toàn thực phẩm./.