Góp phần tìm hiểu thêm về sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xác định rất rõ ràng rằng: Học thuyết Mác - Lê-nin là học thuyết cách mạng nhất, đúng đắn nhất và đó cũng là học thuyết duy nhất có thể soi đường cho cách mạng Việt Nam. Song, Người vẫn hết sức trăn trở, bởi vì Người nhận thấy: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(1). Từ đó, Người đi đến một quyết định, phải “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(2).
Xuất phát từ ý tưởng đúng đắn này, Người đã vận dụng học thuyết Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam hết sức sáng tạo. Sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin góp phần tìm hiểu thêm về bốn vấn đề:
Về tên Đảng và bản chất của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định, cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải có một đảng cách mạng chân chính lãnh đạo để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên hệ với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới. Đảng ấy có vững thì cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy nhanh và đúng hướng. Đảng ấy ở Việt Nam là Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Trong các văn kiện quan trọng của Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930: “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng”, “Điều lệ vắn tắt của Đảng”, “Chương trình tóm tắt của Đảng”, tên Đảng được xác định là “Đảng Cộng sản Việt Nam”(3). Và bản chất Đảng cũng được xác định: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp”(4). Đến năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là “Đảng Lao động Việt Nam”. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung thêm những ý mới rất quan trọng vào nội hàm khái niệm “bản chất Đảng”. Người khẳng định dứt khoát: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(5).
Khi Đảng ta đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam và tuyên bố đó là Đảng của dân tộc Việt Nam, đã bị Ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản phê phán kịch liệt. Họ cho rằng như thế là Đảng ta đã làm lu mờ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, xóa bỏ ranh giới giữa giai cấp công nhân với các giai cấp và tầng lớp khác trong xã hội, sa vào quan điểm “Đảng toàn dân” của chủ nghĩa xét lại. Song, nhận xét như thế là chưa hiểu đúng về Hồ Chí Minh, về Đảng ta và về thực tiễn mang tính rất đặc thù của cách mạng Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có tới 90% dân số là nông dân; giai cấp công nhân còn nhỏ bé; giai cấp tư sản phần lớn là tư sản dân tộc, họ cũng yêu nước, ghét đế quốc. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có không ít các nhà tư sản dân tộc hiến nhà cửa, vàng bạc cho cách mạng. Còn giai cấp địa chủ cũng phần lớn là địa chủ nhỏ và đi theo kháng chiến; số đại địa chủ phản động, độc ác, đi theo đế quốc, bóc lột nông dân đến tận xương tủy không nhiều. Ngoài ra, còn có hàng loạt những nhân sĩ, trí thức yêu nước đã từ bỏ cuộc sống giàu sang ở nước ngoài, trở về Tổ quốc, phục vụ đất nước theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh như vậy mà lúc nào cũng cứng nhắc tuyên bố Đảng là của giai cấp công nhân thì làm sao có thể tập hợp được lực lượng, dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Phải thấy rằng, dù tên Đảng có thay đổi nhưng bản chất Đảng vẫn không thay đổi. Đảng bao giờ cũng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mục đích của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không có người bóc lột người. Đó cũng chính là một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mơ ước.
Về mối quan hệ giữa Đảng - chủ nghĩa Mác - Lê-nin - phong trào công nhân - phong trào yêu nước
V. I. Lê-nin cho rằng, sự ra đời của đảng cộng sản là quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Điều đó hoàn toàn đúng với thực tế ở các nước châu Âu. Còn ở Việt Nam thì khác. Yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã có từ lâu đời. Mỗi khi có giặc ngoại xâm thì phong trào yêu nước lại dâng cao. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời sau khi thực dân Pháp đã thiết lập nền thống trị của chúng trên đất nước ta và qua hai lần khai thác thuộc địa. Phong trào công nhân mới bắt đầu hình thành và phát triển từ những năm 20 của thế kỷ trước. Khi đó, phong trào yêu nước vẫn là phong trào rộng lớn nhất, lôi cuốn giai cấp nông dân chiếm tới 90% dân số. Đấy là chưa kể những bộ phận hợp thành khác của phong trào yêu nước như tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc, các nhân sĩ, trí thức yêu nước... Giai cấp công nhân mặc dù là giai cấp tiên tiến, nhưng còn nhỏ bé, nếu không biết gắn chặt với phong trào yêu nước, làm hạt nhân của phong trào yêu nước thì cũng không thể tập hợp được lực lượng, mở rộng được cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Nói cho thật chính xác thì ở Việt Nam vào thời điểm đó, phong trào công nhân mới chỉ là một bộ phận của phong trào yêu nước và nằm trong phong trào yêu nước. Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao phong trào yêu nước ở Việt Nam, coi nó là một thành tố không thể thiếu được cho sự ra đời của Đảng Cộng sản và chỉ có như thế thì giai cấp công nhân Việt Nam mới trở thành dân tộc như C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã yêu cầu đối với giai cấp công nhân toàn thế giới từ khi viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Với sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo này mà trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết rất thành công mối quan hệ giữa Đảng - chủ nghĩa Mác - Lê-nin - phong trào công nhân - phong trào yêu nước. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã kiểm chứng điều đó.
Về mối quan hệ giữa giai cấp - dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin từ chủ nghĩa yêu nước. Chính vì thế Người cũng đã giải quyết rất tốt, rất đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn rất chặt giai cấp với dân tộc. Song, quan điểm của Người hơi khác với quan điểm của các nhà lý luận Mác-xít đương thời. Trong mối quan hệ này, các nhà lý luận Mác-xít trên thế giới, kể cả một số nhà lý luận Mác-xít ở nước ta, thường đề cao vấn đề giai cấp mà có phần xem nhẹ vấn đề dân tộc. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả hai. Song, mặc dù vậy vẫn phải thừa nhận là Người có phần ưu tiên hơn tới vấn đề dân tộc. Quan điểm này của Người đã có lúc bị phê phán là nặng về dân tộc, nhẹ về giai cấp. Song, thực tiễn của phong trào cách mạng thế giới cũng như thực tiễn của phong trào cách mạng Việt Nam đã kiểm nghiệm và chứng minh luận điểm của Người là hoàn toàn đúng đắn. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là minh chứng rõ ràng cho việc họ không quan tâm và không giải quyết đúng đắn mối quan hệ giai cấp - dân tộc. Nếu họ giải quyết đúng đắn mối quan hệ này và quan tâm nhiều hơn tới vấn đề dân tộc thì đã không xảy ra tình trạng bi đát đó. Chính vì tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề dân tộc, cho nên ngày nay, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều đưa vấn đề dân tộc lên hàng đầu và coi nó như một động lực lớn của đất nước.
Về một số nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng
Để luôn luôn là một tổ chức chặt chẽ và mạnh mẽ của những người cộng sản, Đảng phải tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc về Đảng kiểu mới mà V. I. Lê-nin đã đề ra. Thí dụ: nguyên tắc tập trung, dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc tự phê bình và phê bình... Mỗi vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có sự vận dụng rất sáng tạo. Ở đây, tôi chỉ muốn bàn riêng quan điểm của Người về nguyên tắc tập trung dân chủ. Về nguyên tắc này, V. I. Lê-nin luôn nói “tập trung dân chủ” và luôn đặt “tập trung” lên trên “dân chủ”. Các nhà lý luận Mác-xít Lê-nin-nít và các sách giáo khoa về học thuyết Mác - Lê-nin cũng thống nhất dùng câu chữ như vậy. Chi phối nguyên tắc này chính là quan điểm chuyên chính vô sản. Đã chuyên chính thì dứt khoát phải đưa tập trung lên hàng đầu. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu như chỉ nói “dân chủ, tập trung”. Tại sao lại như vậy? Cốt lõi của vấn đề chính là ở chỗ Người khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ và dân chủ là thứ quý báu nhất của nhân dân. Người nói “dân chủ, tập trung” là có ý nhấn mạnh tới vấn đề dân chủ. Phải dân chủ trước đã, sau đó mới tính đến tập trung. Ngay cả nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, Người cũng giải thích: tập thể lãnh đạo là dân chủ (lên trước); cá nhân phụ trách là tập trung (xuống sau). Nói dân chủ, tập trung không phải chỉ là sự đảo vế, mà chính là sự thay đổi cấu trúc của khái niệm; là sự sắp xếp lại thứ tự nội hàm của khái niệm; là sự chú trọng tới hàm lượng của yếu tố cần nhấn mạnh. Yếu tố cần nhấn mạnh ở đây chính là dân chủ. Chỉ một vấn đề nhỏ này thôi cũng cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý vận dụng học thuyết Mác - Lê-nin sao cho phù hợp với thực tiễn của cách mạng nước ta./.
----------------------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 465
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 3, tr. 5
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 3, tr. 3
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 175
Thêm mục: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII  (20/05/2014)
Kịch bản nào cho U-crai-na  (20/05/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-5-2014  (20/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển