Từ ngàn đời nay, mối quan hệ giữa con người và đất nông nghiệp là mối quan hệ đa chiều, vừa mang tính chất kinh tế, vừa mang tính chất xã hội. Có thể nói, đất nông nghiệp trung tâm của các mối quan hệ trong xã hội nông thôn, là sự liên kết cuộc sống của họ qua nhiều thế hệ. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi có sự giải quyết thấu tình, đạt lý của các cấp lãnh đạo...

Vấn đề đặt ra khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp

Hiện nay, do yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, Nhà nước cần lấy đi một phần đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị mới và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế chung của đất nước. Đó là một yêu cầu khách quan và còn có xu hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, việc lấy đất nông nghiệp để phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị mới đã làm xuất hiện việc nhiều hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, trong thời gian 5 năm (1995 - 2000) đã có 400.000 ha đất nông nghiệp được chuyển sang mục đích sử dụng khác, trong đó chuyển sang đất chuyên dùng là 96.780 ha, chiếm 24,19% tổng diện tích đất nông nghiệp thực giảm(1).

Theo Hội Nông dân Việt Nam, trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở hạ tầng, mỗi năm cả nước có gần 200.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng, tương ứng mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Năm 2001, thành phố Hà Nội thu hồi 733 ha cho 159 dự án; năm 2002 lấy 1.003 ha cho 194 dự án; năm 2003 lấy 1.424 ha cho 260 dự án và năm vừa qua ước thu hồi 1.980 ha cho 280 dự án. Cùng với số đất bị thu hồi, tình trạng nông dân không có việc làm trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Bình quân mỗi năm có khoảng 13 - 15 nghìn lao động không có việc, phần lớn lại chưa qua đào tạo nghề(2).

Như vậy, nếu tính bình quân một hộ nông dân có khoảng 0,6 ha đất nông nghiệp (trong tổng số 7 triệu héc-ta đất nông nghiệp của 11 triệu hộ nông dân trên cả nước), thì sẽ làm giảm 96.000 ha đất nông nghiệp khi chuyển sang mục đích xây dựng và đồng thời có khoảng 161.300 hộ nông dân không có đất nông nghiệp để sản xuất. Cho dù Nhà nước đã có chính sách đền bù cho các hộ bị lấy đất, song trong thực tế, khung giá đất nông nghiệp đã được Nhà nước quy định rất thấp, còn giá các loại đất chuyên dùng lại rất cao, việc thực hiện chính sách giải tỏa, đền bù chưa được giải quyết một cách thỏa đáng nên người dân chưa thực sự sẵn sàng trả lại đất, thậm chí còn phản đối, khiếu kiện hết sức phức tạp. Thu hồi đất và bồi thường đất là nguyên nhân của trên 70% số đơn kiện hiện nay. Điều này đã được nhiều người nhắc tới mà nguyên nhân cốt lõi chính là ở cách tính giá trị đất thu hồi.

Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, trong thời gian 5 năm (1995 - 2000) đã có 400.000 ha đất nông nghiệp được chuyển sang mục đích sử dụng khác, trong đó chuyển sang đất chuyên dùng là 96.780 ha, chiếm 24,19% tổng diện tích đất nông nghiệp thực giảm.

Lấy đất nông nghiệp đã giao cho nông dân sử dụng ổn định lâu dài để chuyển thành đất xây dựng là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Mặc dầu trên văn bản, các báo cáo cũng như trong thực tế đều khẳng định đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất không có gì thay thế được trong sản xuất nông nghiệp, cần phải được bảo vệ, cải tạo và phát triển. Trên thực tế, chưa cần có một sự đầu tư gì, chỉ cần một quyết định chuyển đất nông nghiệp sang mục đích xây dựng thì giá trị đất đó tự nhiên đã tăng vọt. Song cơ hội tiền tỷ này lại không thuộc về người nông dân có đất bị thu hồi mà thường rơi vào tay những kẻ cò mồi hay giới quan chức có liên quan. ở khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Tây), để đối phó với việc Nhà nước thu hồi đất và đền bù với giá thấp, nhiều hộ nông dân đã tự xây dựng nhà trên đất ruộng để bán với giá cao hơn, hoặc để có cơ sở đòi giá đền bù đất ở chứ không phải đất nông nghiệp. Bởi vì, người dân có sự so sánh rất đơn giản, khi trả đất cho Nhà nước để làm khu công nghiệp thì họ chỉ được đền bù 24 triệu đồng/sào (360m2). Trong khi đó, xây một căn nhà tuyềnh toàng trên đất ruộng rồi bán đi cũng được 400 - 500 triệu đồng. Vì vậy, người dân không muốn trả đất cho Nhà nước làm khu công nghiệp là điều dễ hiểu. Những vụ khiếu kiện kéo dài ngăn cản không cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải phóng mặt bằng để thi công công trình như ở khu công nghiệp An Khánh (Hà Tây), khu đô thị mới ở Đông Anh (Hà Nội) cũng đều xuất phát chủ yếu là do giá đền bù thu hồi đất.

Điều băn khoăn của người nông dân không phải là không có cơ sở. Bởi khu vực nông nghiệp mà họ đang sinh sống sẽ trở thành khu công nghiệp, từ nông thôn thành khu đô thị mới, nếu như họ được tái định cư trong khu vực quy hoạch này, thì với số tiền được đền bù như giá đất nông nghiệp là quá thấp, làm thế nào để họ có thể sống được trong môi trường mới với giá cả của khu đô thị, khu công nghiệp. Một vấn đề khác cũng rất đáng được quan tâm là, khi lấy đất nông nghiệp, theo quy hoạch của nhà nước sẽ làm đảo lộn ý định làm ăn lâu dài của các hộ nông dân. Để tạo dựng một nghề mới không phải một sớm, một chiều, nhất là đối với những người lâu nay chỉ quen gắn bó với nghề nông. Nếu chuyển sang nghề mới thì hàng loạt vấn đề đặt ra, chẳng hạn: ai dạy nghề cho họ, vốn đầu tư cho nghề mới lấy từ tiền đền bù đất có đủ hay không? Ai cho vay thêm, lãi suất vay như thế nào? Đó là những vấn đề cần được xem xét, nghiên cứu và giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.

Một số kiến nghị và giải pháp

Từ thực trạng phổ biến trên, xin đưa ra một số kiến nghị sau:

1 - Việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi địa phương và quy hoạch chung của cả nước. Để bảo đảm được yêu cầu này, trước hết các địa phương cần phải có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình nhằm bảo đảm tính chiến lược, không phá vỡ sự ổn định lâu dài.

2 - Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt trong việc thu hồi đất nông nghiệp đã giao cho các hộ nông dân để phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới và xây dựng kết cấu hạ tầng cần phải bảo đảm được lợi ích của nhà nước, lợi ích của người nông dân, lợi ích của các nhà doanh nghiệp và nhà đầu tư sử dụng diện tích đó cũng như lợi ích của cộng đồng, bảo đảm đời sống của nhân dân trong khu vực được quy hoạch. Đặc biệt coi trọng việc bảo đảm đời sống cho những người nông dân không còn đất sản xuất và những người phải di dời tới một nơi ở mới.

3 - Mức giá đền bù đất thu hồi là một vấn đề hết sức phức tạp, liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, nhất là người dân chuyên sống về nghề nông, do đó phải được giải quyết một cách thỏa đáng.

Hiện nay, đang có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có người cho rằng, thực hiện đền bù theo giá của Nhà nước cộng với hệ số điều chỉnh theo từng địa phương như Luật Đất đai quy định là hợp lý. Lại có người cho rằng, cần phân chia ra 2 loại quyền sử dụng: quyền sử dụng lâu dài và quyền sử dụng có thời hạn để có chính sách giá đền bù theo 2 quyền đó. Loại đất được quyền sử dụng lâu dài, đất thu hồi sẽ được đền bù theo giá thị trường; còn loại đất được quyền sử dụng có thời hạn thì tính theo các loại giá cụ thể như giá hoa màu, giá kinh tế bị thiệt hại do thu hồi đất.

Trên thực tế, ở cơ sở, tình trạng phổ biến là dân đòi hỏi đền bù đất thu hồi theo giá thị trường. Để đáp ứng một phần nguyện vọng của người dân bị thu hồi đất, chính quyền một số địa phương đã giải quyết hệ số điều chỉnh này, nâng mức giá đền bù lên so với mức quy định, giảm bớt được ít nhiều độ chênh lệch giữa giá thị trường với giá nhà nước thu hồi. Song, không phải nơi nào, địa phương nào, công trình nào cũng giải quyết được thỏa đáng mức giá đền bù đất thu hồi, vì vậy đã dẫn đến tình trạng dân giữ đất không trả, khiếu kiện kéo dài, thậm chí có nơi xảy ra xô xát giữa người dân và đơn vị giải phóng mặt bằng.

4 - Ngoài việc xác định giá đền bù đất nông nghiệp một cách hợp lý, thỏa đáng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân trong trường hợp phải di dời để tái định cư, nhất là phải tái định cư ngoài khu vực quy hoạch như hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ trong giáo dục, học tập cho con cái họ, và các hạ tầng thiết yếu cho cả cộng đồng.

5 - Sớm triển khai nghiên cứu để đề ra một chính sách đất đai mới dựa trên cơ sở định giá thuê đất công khai, minh bạch. Có như vậy mới khắc phục được những hiện tượng đầu cơ, sử dụng đất hiệu quả, mà không bị thu hồi để giao cho người khác sử dụng; trong lúc, đúng ra các loại địa tô sử dụng đất phải được Nhà nước quản lý, sử dụng chặt chẽ và hiệu quả.

6 - Tạo điều kiện để người nông dân có đất bị thu hồi được định giá đất thỏa đáng và được tham gia góp vốn, thậm chí có thể bằng đất (hộ và Nhà nước cùng góp vốn) bằng cổ phần vào các dự án phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất hay các khu đô thị mới.
 

(1) Nguyễn Ngô Hạo, Vụ Chính sách - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Báo cáo chuyên đề: "Thực trạng sử dụng nguồn lực đất đai và các giải pháp".
(2) http://vnexpress.net/Vietnam/ Xa-hoi/2005/07/3B9DFB49/

Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, trong thời gian 5 năm (1995 - 2000) đã có 400.000 ha đất nông nghiệp được chuyển sang mục đích sử dụng khác, trong đó chuyển sang đất chuyên dùng là 96.780 ha, chiếm 24,19% tổng diện tích đất nông nghiệp thực giảm.