Giải quyết việc làm cho người thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp ở NASICO
TCCS - Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, dịch vụ, mở rộng đô thị,... là hướng đi tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thu hồi đất dường như chỉ tập trung cho khâu giải phóng mặt bằng, mà chưa quan tâm đúng mực tới việc làm và đời sống của những người nhường đất là sự thiếu hụt to lớn. Không ít địa phương và doanh nghiệp còn lúng túng trong việc tìm hướng đi, không ít giải pháp, mô hình được đưa ra, nhưng đến nay, nhiều khu vực đất nông nghiệp được thu hồi lâu năm, nông dân vẫn nhọc nhằn tìm việc.
Dưới đây, Tạp chí Cộng sản xin giới thiệu mô hình giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi cho phát triển công nghiệp tại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (NASICO).
Xuất phát từ quan điểm, chủ trương đúng đắn
Do yêu cầu đổi mới và phát triển, từ năm 2001, NASICO không ngừng đẩy mạnh mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất. Từ đó, NASICO, nảy sinh nhu cầu lớn về mặt bằng nhà xưởng, bến bãi, tiếp nhận hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp do nhân dân địa phương bàn giao. Lúc đó, tại NASICO, một vấn đề bức xúc đặt ra trước mắt là làm sao giải quyết việc làm hợp lý cho hàng trăm lao động nông nghiệp của xã Tam Hưng, nơi đơn vị đứng chân. Sau những trăn trở tìm giải pháp, Ban lãnh đạo NASICO lúc đó đã quyết định chấp nhận những khó khăn trước mắt về tài chính để làm sao nhận càng nhiều lao động địa phương càng tốt. Ngày 09-10-2001, NASICO ra Quy chế ưu đãi về việc bàn giao đất cho dự án, áp dụng cho các hộ gia đình thuộc xã Tam Hưng khi giao đất cho NASICO. Chính sách ưu đãi của NASICO đối với các hộ giao đất rất cụ thể: Tiếp nhận lao động chưa có việc làm đã tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật có ngành nghề phù hợp; số lao động chưa được đào tạo, NASICO tổ chức dạy nghề hoặc giới thiệu học nghề, sau khi tốt nghiệp sẽ được tiếp nhận vào làm việc; số lao động chưa qua trường nghề hoặc không có điều kiện tiếp tục học nghề sẽ bố trí dần vào các vị trí lao động phổ thông như: tạp vụ, phun sơn, phun cát, vận chuyển, vệ sinh công nghiệp. Hiện nay, NASICO đang gửi hơn 500 cán bộ, công nhân viên đi học tại trường Đại học Hàng hải, Trường Cao đẳng nghề VINASIN. Tính đến ngày 26-4-2010, NASICO đã tiếp nhận gần 1.200 lao động của xã Tam Hưng (chiếm 1/6 số lao động của Tổng Công ty) vào làm việc. Bằng chính sách thiết thực này, không chỉ ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng mà ở tất cả những nơi có dự án mở rộng mặt bằng, NASICO đều được chính quyền địa phương và bà con nông dân ủng hộ rất nhiệt tình bởi NASICO mang lại sự phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương và cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân.
Chính sách hỗ trợ nêu trên xuất phát từ quan điểm: những người thuộc diện thu hồi đất là những người trực tiếp đóng góp tài sản vào sự phát triển kinh tế của NASICO và đất nước. Vì vậy, NASICO đặt ra yêu cầu: Lấy đất của dân để làm công nghiệp nhưng không làm bần cùng hóa người dân. Bởi người dân nếu chỉ nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng thì rất thiệt thòi, sử dụng tiền chưa chắc đã hiệu quả, hợp lý. Các dự án đầu tư của NASICO khi được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cho nên, ngoài bồi thường về giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản trên đất đúng theo luật định và phù hợp với thực tiễn địa phương, NASICO tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách bảo đảm cho người dân thuộc diện bàn giao đất có điều kiện sống tốt hơn.
Giải quyết lợi ích nhìn từ ba phía
Trước hết, việc thu nhận lao động địa phương (những lao động nông nghiệp nhường đất cho phát triển công nghiệp) đem lại lợi ích lớn cho những đơn vị, doanh nghiệp đứng chân. Ở NASICO, tuyển dụng lao động địa phương lợi ích đầu tiên là, tiết kiệm cho đơn vị một khoản chi phí rất lớn từ việc không phải đưa đón 1.200 công nhân mỗi ngày; hai là, không phải lo chuyện nhà ở, nơi sinh hoạt khác cho công nhân; ba là, có được lực lượng lao động trách nhiệm cao, những lúc có công việc bức thiết, việc huy động công nhân là người địa phương rất nhanh chóng; bốn là, vấn đề an ninh, trật tự trên địa bàn được bảo đảm bởi các gia đình công nhân là lực lượng bảo vệ vòng ngoài rất hiệu quả.
Từ năm 2001 trở về trước, ở xã Tam Hưng rất nhiều tệ nạn, trình độ dân trí thấp, đời sống của dân nghèo. Hiện nay, sau gần 10 năm NASICO có chính sách tuyển dụng lao động, đời sống của người dân Tam Hưng đã được cải thiện rõ rệt. Theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng, nhân dân xã Tam Hưng được bổ sung khoảng 3 tỉ đồng từ tiền lương do NASICO chi trả, đây là khoản tiền lớn đóng góp cho GDP của xã, góp phần quan trọng trong việc ổn định và phát triển đời sống kinh tế, xã hội của địa phương. NASICO còn có trường mầm non dành cho con em cán bộ, công nhân viên và người dân trong xã Tam Hưng. Trong tương lai gần, khi Nam Triệu hoàn thành dự án xây dựng bệnh viện, nhân dân địa phương sẽ được hưởng dịch vụ y tế rất thuận tiện. Hằng năm, NASICO còn dành khoản phúc lợi không nhỏ cho việc làm công tác đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, từ thiện với địa phương.
Với khoản thu nhập không những cao hơn so với lao động nông nghiệp mà còn thuộc diện khá so với lao động công nghiệp, gần 1.200 cán bộ, công nhân viên NASICO người xã Tam Hưng hiện đang có thu nhập, cuộc sống ổn định. Đối với những người đã nhiều năm làm việc, có trình độ kinh nghiệm đã được đề bạt phó phòng, quản đốc thì thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng; anh chị em là tổ trưởng thì từ 4 đến 5 triệu đồng/ người/tháng; công nhân được đào tạo thì thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng; chị em cấp dưỡng (khoảng 250/300 chị em cấp dưỡng là người của xã) có thu nhập 1,5 triệu/người/tháng; lao động phổ thông khoảng hơn 1 triệu/người/tháng. Hiện tại, ở NASICO có 5 cán bộ là người dân xã Tam Hưng giữ chức trưởng, phó phòng, khoảng 70 người giữ chức tổ trưởng tổ sản xuất và khoảng vài chục người là kỹ sư tay nghề cao. Ngoài ra, NASICO tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên người địa phương đi đào tạo các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nâng cao nghiệp vụ, tay nghề. Đối với lực lượng lao động đang công tác tại NASICO có giấy gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, khi hoàn thành nghĩa vụ, NASICO cam kết nhận lại làm việc, nhiều trường hợp còn được nâng lương. Ngoài việc được hưởng các chế độ bảo hiểm, phụ cấp,... theo Nhà nước quy định, hằng năm, anh chị em còn được đi tham quan, nghỉ mát, được làm việc trong môi trường văn hóa cao...
Một số kinh nghiệm sau bài học thành công của NASICO
Thu hồi đất nhằm phục vụ cho các dự án quy hoạch là yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển địa phương, đất nước, nhưng thực tế việc tổ chức thực hiện các chính sách “hậu” thu hồi đất, nhất là việc giải quyết lao động còn bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc và bức xúc. Khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại trong công tác này là nhiệm vụ vừa bức thiết, vừa lâu dài và là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, địa phương. Qua bài học thành công của Nam Triệu trong công tác giải quyết lao động, việc làm sau thu hồi đất nông nghiệp có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư cần chủ động liên doanh, liên kết một cách chặt chẽ với chính quyền địa phương trong đào tạo và tiếp nhận lao động. Cùng với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, đánh giá tình hình lao động, và dựa vào nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp mình để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và tiếp nhận lao động cho phù hợp.
Hai là, về phía chính quyền địa phương, cần phối hợp với doanh nghiệp, chủ đầu tư tổ chức các lớp dạy nghề để chuẩn bị cung cấp nguồn lao động cho doanh nghiệp khi dự án hoàn thành. Thực tế cho thấy, do học viên được hỗ trợ phần lớn hoặc không phải đóng góp kinh phí đào tạo nghề, ra trường có việc làm ngay nên người dân rất ủng hộ.
Ba là, bảo đảm sự công khai, công bằng hợp lý trong giải quyết lao động. Những người có nhiều ruộng đất bàn giao thì con em họ được nhận vào làm trước; hộ nào bàn giao trước thì được nhận lao động trước, bàn giao sau thì nhận sau; hộ bàn giao nhiều ruộng đất thì nhận nhiều lao động, bàn giao ít ruộng đất thì được nhận ít lao động. Ngoài ra còn phải tính đến các đối tượng ưu tiên khác như: người khuyết tật, con em liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng,...
Bốn là, sau khi tiếp nhận, doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động địa phương. Thường xuyên phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, đơn vị dạy nghề khác đưa lao động đi đào tạo và tiếp nhận lao động sau khi tốt nghiệp. Có như vậy mới bảo đảm cho họ công việc, thu nhập và đời sống ổn định lâu dài./.
Thông cáo số 18, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII  (12/06/2010)
Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”  (12/06/2010)
Hướng đi nào cho lao động sau xuất khẩu trở về nông thôn?  (11/06/2010)
Ngày 18-6 sẽ diễn ra Lễ trao giải “Vì sự phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam”  (11/06/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 119 (11-6 -2010)  (11/06/2010)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên