TCCSĐT - Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ lại leo thang khi ngày 10-01-2014, Ấn Độ quyết định trục xuất một quan chức ngoại giao Mỹ tại nước này.

Ngoại trưởng Mỹ kết thúc chuyến công du Trung Đông không đạt đột phá

Ngày 06-01-2014, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) đã lên đường về Mỹ, kết thúc 4 ngày với các hoạt động ngoại giao tích cực tới Trung Đông mà không đạt thỏa thuận đột phá nào nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các bên trong vòng đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin. Phát biểu trên truyền hình I-xra-en ngày 05-01, ông G. Ke-ri thừa nhận các cố gắng của ông có thể sẽ tiếp tục thất bại vì các cuộc đàm phán giống như việc điền vào trò chơi ô chữ phức tạp. Trong chuyến công du lần thứ 10 tới khu vực này trên cương vị Ngoại trưởng, ông G. Ke-ri đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) và Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmud Abbas), cũng như đến thăm các đồng minh A-rập quan trọng là Gioóc-đa-ni và A-rập Xê-út. Ông G. Ke-ri đã đặt hạn chót để I-xra-en và Pa-le-xtin đạt một thỏa thuận là vào tháng 4 tới sau khi nối lại các cuộc đàm phán vào tháng 7-2013, tuy nhiên, chuyến công du vừa qua đã không giúp ông đạt thỏa thuận khung để định hướng cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai nước. Chuyến đi lần thứ 10 này của ông đã bị phủ bóng đen bởi việc các lãnh đạo của I-xra-en và Pa-le-xtin cáo buộc lẫn nhau “không phải là đối tác nghiêm túc” trong việc tìm kiếm hòa bình. Ông B. Nê-ta-ni-a-hu chỉ trích người Pa-le-xtin “tiếp tục chiến dịch kích động thù địch”, trong khi người Pa-le-xtin khẳng định không công nhận I-xra-en là một nhà nước Do Thái và sẽ tiếp tục phản đối bất cứ binh sĩ I-xra-en nào đồn trú tại Thung lũng Gioóc-đa-ni với lý do bảo đảm an ninh cho I-xra-en khi Pa-le-xtin có nhà nước mới.

Thay đổi lớn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc năm 2013

 

Năm 2013 đã chứng kiến ba thay đổi lớn trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo giới chuyên gia quốc tế, năm 2013 đã chứng kiến ba thay đổi lớn trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tin của Project syndicate ngày 07-01-2014 cho biết, thay đổi đầu tiên đó là kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng nhanh hơn theo chiều ngược lại. Theo các số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Mỹ, trong 8 năm (2006 - 2013), mức tăng xuất khẩu hằng năm của Mỹ sang Trung Quốc cao hơn mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Trong 10 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 6,9% so với mức tăng 3,3% xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và đạt 131,3 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ của Mỹ. Thay đổi thứ hai đó là đầu tư của Trung Quốc sang Mỹ tăng nhanh hơn đầu tư của Mỹ sang Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ lên tới 14 tỷ USD, tăng gấp đôi trong năm ngoái, trong đó, các công ty tư nhân chiếm tới 76% tổng mức đầu tư. Một thay đổi đáng kể khác là Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Trong 8 năm qua, đồng nội tệ của nước này đã tăng giá 35%. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 - 2009, Trung Quốc đã thực hiện bốn bước để thúc đẩy tiến trình này gồm: tăng cường khả năng chuyển đổi của đồng nhân dân tệ với các đồng tiền khác; khuyến khích việc thành lập các trung tâm giao dịch bằng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài; khuyến khích việc trao đổi trực tiếp đồng nhân dân tệ với các đồng ngoại tệ mạnh khác và cuối cùng là tìm cách đưa nhân dân tệ vào nhóm các đồng nội tệ cho quyền rút vốn đặc biệt.

Eurozone chưa giải quyết được tình trạng thất nghiệp

Ngày 08-01-2014, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11-2013 vẫn duy trì ở mức cao 12,1%, tăng so với con số 11,8% cùng kỳ năm trước đó. Đây là tháng thứ tám liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đạt mức cao trên 12%. Nếu tính trên toàn Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ thất nghiệp là 10,9%, cũng là mức đã duy trì từ tháng 5-2013. Hy Lạp vẫn là thành viên Eurozone rơi vào tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng nhất, với tỷ lệ lên tới 27,4%, tiếp đó là Tây Ban Nha 26,7%. Nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong khu vực là Áo 4,8%, trong khi tỷ lệ này ở nền kinh tế hàng đầu Đức là 5,2%. Tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên tiếp tục là vấn đề đáng quan ngại ở châu Âu. Ở Eurozone, số thanh niên trong độ tuổi 16 - 25 không có việc làm trong tháng 11 vẫn là 24,2%, còn trên toàn EU, con số này lại tăng từ 25,5% lên 25,6%. Riêng tại I-ta-li-a, cứ 10 người ở độ tuổi thanh niên thì có 4 người không có việc làm. Số liệu do Cơ quan thống kê nhà nước I-ta-li-a (ISTAT) đưa ra ngày 08-01 trong báo cáo trình Chính phủ về tình trạng thất nghiệp năm 2013, cho thấy đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 37 năm qua, kể từ khi ISTAT bắt đầu thống kê về tình trạng này năm 1977.

Hội nghị thượng đỉnh về bạo loạn tại Cộng hòa Trung Phi

Ngày 09-01-2014, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi (ECCAS) diễn ra tại Thủ đô Nơ-gia-mê-na của Cộng hòa Sát nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình hình bạo lực sắc tộc, thúc đẩy tái thiết hòa bình và an ninh tại Cộng hòa Trung Phi. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký ECCAS A-mát An-la-mi (Ahmat Allami) bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tại Trung Phi trong thời gian qua, cho thấy sự bất lực của chính quyền quá độ trong việc chấm dứt các vụ bạo lực tôn giáo. Theo ông A. An-la-mi, chính quyền hiện nay nên từ chức nếu không thể nhanh chóng ổn định tình hình an ninh trong nước. Chính khách này đồng thời nhấn mạnh các phe phái tại Trung Phi cần tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ECCAS, hỗ trợ tìm giải pháp thỏa đáng và tham gia tiến trình xây dựng hòa bình ở quốc gia này. Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Ngoại trưởng Pháp Lô-răng Pha-bi-uýt (Laurent Fabius) cho rằng nhà lãnh đạo các nước khu vực Trung Phi cần có quyết định về tương lai của chính quyền tạm quyền tại Cộng hòa Trung Phi do Tổng thống Mi-sen Giô-tô-đi-a (Michel Djotodia) đứng đầu. Hiện quân đội Pháp đã triển khai 1.600 quân, bên cạnh 2.500 quân của Liên minh châu Phi (AU), nhằm lập lại an ninh tại Cộng hòa Trung Phi.

Căng thẳng ngoại giao Mỹ - Ấn Độ chưa hạ nhiệt

 

Vụ nhà ngoại giao Đê-vi-a-ni Khơ-bra-ga-đê bị bắt ở Niu Oóc tháng 12-2013 vẫn là tâm điểm căng thẳng ngoại giao Ấn Độ - Mỹ. Ảnh: PTI/TTXVN


Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Ấn Độ lại leo thang khi ngày 10-01-2014, Ấn Độ quyết định trục xuất một quan chức ngoại giao Mỹ tại nước này. Trước đó, Niu Đê-li đã yêu cầu Oa-sinh-tơn rút một quan chức có cấp bậc tương đương với Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Niu Oóc, bà Đê-vi-a-ni Khơ-bra-ga-đê (Devyani Khobragade) - người bị bắt giữ tháng 12-2013 do cáo buộc gian lận thị thực. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gien Pxa-ki (Jen Psaki) xác nhận việc Ấn Độ quyết định trục xuất quan chức ngoại giao Mỹ và bày tỏ “lấy làm tiếc” khi Niu Đê-li coi việc trục xuất này là cần thiết. Dự kiến, quan chức Mỹ bị trục xuất sẽ rời khỏi Ấn Độ trong vòng 48 giờ theo yêu cầu của Niu Đê-li. Hiện danh tính của nhân vật này chưa được tiết lộ. Bà Gi. Pxa-ki nhấn mạnh quan hệ ngoại giao Mỹ - Ấn Độ đang trong giai đoạn thử thách và chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm biện pháp nhằm xoa dịu sự căng thẳng trong quan hệ hai nước, đồng thời hy vọng vụ việc sẽ sớm kết thúc. Bà cũng bày tỏ mong muốn Ấn Độ có những bước đi quan trọng cùng với Mỹ cải thiện mối quan hệ chiến lược này. Mặc dù trước đó hai bên đã đạt được thỏa thuận cho phép bà Đ. Khơ-bra-ga-đê được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và về nước, song người phát ngôn khẳng định bà Đ. Khơ-bra-ga-đê vẫn có thể bị đưa ra xét xử tại tòa án nước này khi quay lại Mỹ. Ngoài ra, hồ sơ của bà sẽ được lưu trong các hệ thống giám sát nhập cảnh và thị thực để tránh cấp thị thực mới.

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Tây Vơ-gi-ni-a

Ngày 11-01-2014, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Tây Vơ-gi-ni-a sau vụ rò rỉ hóa chất làm tê liệt nhiều hoạt động tại bang này. Với quyết định trên đây, chính phủ liên bang sẽ cấp 75% ngân sách cho những thiết bị và nguồn lực chi cho việc xử lý tình trạng rò rỉ. Bộ An ninh nội địa (DHS) và Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) trong những ngày qua cũng đã vận chuyển nhiều chuyến nước ngọt đóng chai cung cấp cho người dân các khu vực bị ảnh hưởng. Tổng thống B. Ô-ba-ma ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi gần 20.000 lít hóa chất bị rò rỉ từ một bồn chứa của một nhà máy sản xuất hóa chất ở thành phố Cha-le-x-tơn, bang Tây Vơ-gi-ni-a chảy xuống dòng sông Elk. Nhiều trường học, cơ sở kinh doanh tại đây phải đóng cửa và khoảng 300.000 người không có nước uống. Chính quyền bang Tây Vơ-gi-ni-a cũng khuyến cáo người dân tạm thời không uống, tắm rửa, nấu ăn hay giặt giũ bằng nước vòi vì vụ rò rỉ xảy ra ngay cạnh một nhà máy xử lý nước. Cơ quan y tế địa phương nhắc nhở nếu dân chúng uống hay dùng nước đã bị nhiễm hóa chất có thể xuất hiện những triệu chứng như đau rát cổ họng, đau rát hai mắt, ói mửa liên tục, khó thở và bỏng rát trên da. Các quan chức bang và liên bang đang phối hợp điều tra nguyên nhân của vụ rò rỉ./.