Một vài suy nghĩ về quan điểm thế giới quan Hồ Chí Minh
Thế giới quan triết học được hình thành trên cơ sở tổng hòa tri thức khoa học và triết lý của con người trong việc giải thích nguồn gốc của các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội. Thế giới quan triết học, do đó thể hiện trình độ phát triển rất cao của nhận thức con người về thế giới.
Quá trình hình thành và đặc điểm của thế giới quan trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ nhất, thế giới quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được tổng hợp với các yếu tố duy vật biện chứng trong triết học Việt Nam và phương Đông
Thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là toàn bộ các quan điểm và cách thức duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của con người về thế giới trong tính chỉnh thể của nó - sau đây gọi tắt là thế giới quan Mác - Lê-nin. Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin con đường và phương pháp giải phóng dân tộc. Cho nên, trước tiên Người chịu ảnh hưởng của thế giới quan Mác - Lê-nin ở phương diện thế giới quan duy vật lịch sử. Nói cách khác, Người tiếp cận thế giới quan Mác - Lê-nin trước hết từ tính đặc trưng của triết học phương Đông, nhất là của Việt Nam, là tư duy trực giác tổng hợp và tập trung nhắm vào vấn đề “là người và làm người” hay vấn đề nhân sinh quan. Từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu thế giới quan Mác - Lê-nin ở từng nguyên lý riêng lẻ, mà trước hết tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở phương diện chủ nghĩa duy vật lịch sử; trong đó tập trung giải quyết mối quan hệ giữa hoạt động tự do của con người với tính tất yếu lịch sử theo quan điểm duy vật biện chứng. Trên cơ sở đó, Người khắc phục được cách giải đáp chưa khoa học, có khi rơi vào duy tâm, trừu tượng và thần bí của thuyết Thiên - Địa - Nhân hợp nhất trong thế giới quan triết học phương Đông.
Thứ hai, để hình thành thế giới quan mới, trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng tư tưởng về con người, bản chất con người và sự cần thiết phải giải phóng con người khỏi thế giới quan cũ, xây dựng thế giới quan mới
Khi bắt đầu tổ chức tiến hành đấu tranh cách mạng, ngay trên đầu trang nhất, số đầu tiên của báo Le Paria - Người cùng khổ, Hồ Chí Minh viết: Báo Le Paria sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của nó chắc chắn sẽ đạt được: giải phóng con người. Lúc cuối đời, trong Di chúc, Người vẫn tâm niệm, việc “đầu tiên là công việc đối với con người”. Theo Người, “ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa.
Nhân hòa là thế nào?
Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”(1).
Để giải phóng con người khỏi thế giới quan cũ và xây dựng thế giới quan mới, cũng như các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ con người hiện thực. Vì phải xuất phát từ “con người hiện thực”, “nhân dân hiện thực” mới hình thành được thế giới quan đúng, và mới có tiền đề hiện thực để hiểu được quá trình phát triển của lịch sử loài người. Những con người hiện thực là đồng bào Việt Nam khi mất nước; là phụ lão, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ, công, nông, binh, trí thức, cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Con người, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhân cách với những “tính cách riêng”, “sở trường riêng”, quyền lợi riêng, đời sống riêng. Người ta có tính tốt và tính xấu. Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng. Thiện và ác không phải tự nhiên có, mà “phần lớn do giáo dục mà ra”. Do đó, phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi.
Gốc rễ của việc giải phóng con người Việt Nam khỏi thế giới quan cũ là phải giành được độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng giành được độc lập, tự do cho dân tộc mà nhân dân không được hưởng sung sướng thì cũng chẳng có nghĩa lý gì cho việc xây dựng thế giới quan mới. Vì thế, phải xây dựng chủ nghĩa xã hội để “làm sao cho dân giàu nước mạnh”, thực hiện “công bằng hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, ... Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ và chăm nom”, “nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”(2).
Còn bản thân con người phải có tài và đức; trong đó đạo đức là cái gốc làm người (người dân, cán bộ, đảng viên,...), còn tư tưởng làm cốt của trí khôn, là bàn chỉ nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”(3).
Từ quan niệm về tính tích cực của chủ thể, Hồ Chí Minh yêu cầu phải “trồng người” để con người có khả năng nhận thức và cải tạo thế giới, theo phương châm: Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Và sự nghiệp xây dựng đó có thể “trồng” được những con người xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, vai trò quyết định của thực hành và sứ mệnh “cải tạo thế giới” của thế giới quan mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, “chỉ có thực hành mới là mực thước đúng nhất cho sự hiểu biết của người về thế giới. Chỉ do quá trình thực hành (quá trình sản xuất vật chất, giai cấp đấu tranh, khoa học thực nghiệm), người ta mới đạt được kết quả đã dự tính trong tư tưởng, và lúc đó sự hiểu biết mới được chứng thực”(4).
Ở Người, nội dung hoạt động thực hành gồm tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và cả sinh hoạt thường nhật, để giải phóng con người khỏi giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”, nhằm phát triển con người mới, xã hội chủ nghĩa.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động thực hành không phải là hoạt động trừu tượng, chung chung, không gắn với các công việc thực tế hằng ngày và không gắn với việc bồi dưỡng chủ thể hoạt động thực hành trong những điều kiện lịch sử - cụ thể. Nó là hoạt động giải phóng, đồng thời gắn với xây dựng, phát triển con người, giai cấp, dân tộc và nhân loại.
Việc coi sinh hoạt thường nhật là một dạng hoạt động thực hành, hoạt động vật chất có chủ đích, chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần, vận dụng và phát triển sáng tạo quan niệm của C. Mác về bản chất tổng hòa các quan hệ xã hội của con người trong đời sống hiện thực. Quan niệm “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” là nhằm xây dựng ý thức tự giác của các chủ thể hoạt động thực hành, đặc biệt ở con người xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động thực hành, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn ra trong mối quan hệ biện chứng giữa “diện” và “điểm”, cụ thể là giữa việc thực hiện các “công việc hằng ngày” với phong trào thi đua, giữa tấm gương “người tốt, việc tốt” với người người thi đua, ngành ngành thi đua, giữa giải phóng và phát triển, nhằm xây dựng xã hội mới, con người mới. Chỉ thông qua thực hành “mà tìm ra sự thật. Lại do thực hành mà chứng thực sự thật và phát triển sự thật. Từ hiểu biết bằng cảm giác tiến lên hiểu biết bằng lý trí. Lại từ hiểu biết bằng lý trí tiến lên thực hành lãnh đạo cách mạng, cải tạo thế giới”(5). Nói cách khác, chỉ thông qua thực hành, con người mới phản ánh được thế giới, giải thích được thế giới, và quan trọng là cải tạo được thế giới.
Thứ tư, thế giới quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hệ quan điểm duy vật về thế giới hiện thực dựa trên phương pháp biện chứng
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai điểm rất quan trọng trong quá trình nhận thức thế giới:
“Một là sự hiểu biết bằng lý trí phải dựa vào sự hiểu biết bằng cảm giác. Nếu không có cảm giác, thì lý trí như một dòng nước, không có nguồn, một chòm cây không có rễ; mà như thế là chủ quan. Nếu nhắm mắt, bịt tai, không nghe, không thấy sự vật khách quan bên ngoài thì làm gì có hiểu biết. Đó là hiểu biết theo chủ nghĩa duy vật.
Hai là hiểu biết phải tiến hóa sâu sắc, từ giai đoạn cảm giác đến giai đoạn lý trí. Đó là hiểu biết theo phương pháp biện chứng.
Chỉ cảm giác thôi không đủ. Muốn hiểu biết toàn bộ một sự vật, hiểu biết bản chất và quy luật nội bộ của nó, thì phải suy xét kỹ lưỡng, gom góp những cảm giác phong phú lại, rồi chọn lọc cái nào thật, cái nào giả, cái nào đúng, cái nào sai, từ ngoài đến trong, để tạo thành một hệ thống khái niệm lý luận. Đó là hiểu biết do thực hành mà có và được cải tạo trong thực hành. Hiểu biết ấy đúng hơn, phản ánh sự vật một cách hoàn toàn hơn”(6).
Nhưng nếu chỉ dừng ở hệ thống khái niệm lý luận thì “hiểu biết như thế chỉ mới là hiểu một nửa”, mà còn phải dùng sự hiểu biết ấy cải tạo thế giới. “Sự tiến tới (phát triển) của hiểu biết chẳng những ở chỗ từ cảm giác tiến đến lý luận, mà cốt nhất là từ lý luận tiến đến thực hành cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích ngắn gọn, giản dị, khúc triết về nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử cho rằng, sự tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội,... Và từ quan niệm “lấy dân làm gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng nhân dân không chỉ là đối tượng chủ yếu của nhận thức lịch sử, mà là chủ thể chủ yếu có năng lực nhận thức và cải tạo thế giới. Vì “một lẽ rất đơn giản, dễ hiểu: tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”(7). Nhân dân là lực lượng chủ yếu thực hiện sản xuất, tiến hành đấu tranh chống bọn bóc lột. Do đó, nhận thức của họ là nội dung chủ yếu của lịch sử, và cũng là nội dung chủ yếu của thế giới quan về lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày ngắn gọn, khúc triết về sự phát triển của các hình thái xã hội với tính cách là một trong những vấn đề quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử: “Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được. Chế độ cộng sản nguyên thủy biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa”(8).
Thứ năm, tính thống nhất của thế giới quan duy vật biện chứng và duy vật lịch sử
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kinh nghiệm, cảm giác là bước đầu tiên trong quá trình hiểu biết. Đó là hiểu biết theo chủ nghĩa duy vật lịch sử. Hiểu biết phải tiến hóa sâu sắc, từ giai đoạn cảm giác đến giai đoạn lý trí. Đó là hiểu biết theo phương pháp biện chứng. Và không chỉ dừng ở hiểu biết lý trí (lý luận), mà phải dùng sự hiểu biết ấy để cải tạo thế giới. Đó là sự thống nhất của của hiểu biết theo phương pháp biện chứng và theo phương pháp duy vật lịch sử. Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần làm rõ tính thống nhất của thế giới quan duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán quan niệm duy tâm tư biện của “những người khuynh hữu. Tư tưởng của họ không theo kịp sự biến đổi của tình hình khách quan. Tình hình đã tiến lên, mà sự hiểu biết của họ cứ ở chỗ cũ”(9). Và Người cũng “phản đối những người khuynh tả. Họ chỉ biết nói cho sướng miệng. Tư tưởng của họ nhảy qua những giai đoạn phát triển nhất định. Họ cho ảo tưởng là sự thật. Họ xa rời thực hành của đại đa số nhân dân”(10). Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luận chứng mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể trong quá trình phát triển của thế giới quan duy vật biện chứng: “Thực hành, hiểu biết, lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng. Và nội dung của thực hành và hiểu biết lần sau cao hơn lần trước. Đó là nội dung vấn đề hiểu biết trong duy vật biện chứng.
Đó là quan điểm biết và làm thống nhất của duy vật biện chứng”(11).
Mối quan hệ giữa thế giới quan và năng lực nhận thức, cải tạo của con người đối với thế giới trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Kế thừa tư tưởng của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong tác phẩm Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “hoạt động sản xuất là nguồn gốc của sự phát triển hiểu biết của loài người.
Ngoài hoạt động của sản xuất, sự thực hành của người ta còn có: giai cấp đấu tranh, sinh hoạt chính trị, hoạt động khoa học và nghệ thuật,... Tóm lại, tất cả mọi ngành hoạt động trong xã hội đều do người của xã hội tham gia”(12).
Qua đó, Người đã góp phần làm rõ mối quan hệ giữa thế giới quan và vấn đề cơ bản của triết học: giữa vật chất và ý thức thì cái nào có trước, cái nào có sau, và cái nào quyết định cái nào? Kế thừa quan điểm của V.I.Lê-nin về lý luận nhận thức trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (năm 1908), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con người có khả năng nhận thức thế giới; tức là Người bác bỏ thuyết “bất khả tri”. Theo Người, “hoạt động sản xuất của xã hội phát triển từng bước, từ thấp đến cao. Vì vậy sự hiểu biết của người ta (về giới tự nhiên, cũng như về xã hội) cũng phát triển từng bước, từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ một mặt đến toàn diện.
Trước kia, người ta chỉ hiểu một mặt của lịch sử. Đó là vì giai cấp bóc lột thường làm sai lịch sử của xã hội, lại vì sản xuất hãy còn trong khuôn khổ nhỏ hẹp, nên nó hạn chế tầm con mắt người ta. Chỉ đến khi có công nghiệp to, sản xuất lớn, có giai cấp vô sản, sự hiểu biết lịch sử mới phát triển đến toàn diện, sự hiểu biết xã hội mới thành một khoa học. Đó là duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác”(13).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, một mặt, “trong cả tổng quá trình phát triển tuyệt đối của toàn thể vũ trụ thì những quá trình phát triển cụ thể chỉ là tương đối. Vì thế, những sự hiểu biết của người ta trong từng giai đoạn nhất định chỉ là những sự thật tương đối trong cái sự thật tuyệt đối to lớn. Vô số sự thật tương đối thì họp thành sự thật tuyệt đối”(14). Mặt khác, “sự phát triển của quá trình khách quan chứa đầy mâu thuẫn và đấu tranh. Sự phát triển của hiểu biết cũng đầy mâu thuẫn và đấu tranh. Công việc xã hội phát sinh, phát triển và tiêu diệt là vô cùng. Sự hiểu biết phát sinh, phát triển cũng là vô cùng”(15), cho nên trong việc xem xét năng lực nhận thức của con người đối với thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, tôn trọng “tính cách riêng”, “sở trường riêng”, “đời sống riêng”, quyền lợi riêng của mỗi người.
Nghĩa là, Người không cào bằng tính cách, sở trường, đời sống và quyền lợi riêng của mỗi con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Người nêu khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là với ý nghĩa đó. Người xem xét phẩm chất đạo đức không tách rời năng lực, ý chí, nghị lực cá nhân. Đối với Người, trí tuệ, dũng khí cá nhân có vai trò tổ chức, dẫn dắt để bảo đảm cho sự bền vững và tiến bộ quá trình nhận thức thế giới. Và bản thân Hồ Chí Minh đã hơn một lần thể hiện, khẳng định trí tuệ, dũng khí cá nhân, ở những thời điểm then chốt của lịch sử; ví dụ khi quyết định Đảng rút vào hoạt động bí mật (tháng 11-1945) và khi ký Hiệp định sơ bộ (ngày 6-3-1946),...
Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý đến sự đóng góp khác nhau của con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Trên cơ sở chú ý đến năng lực, phẩm chất sáng tạo cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người tùy theo điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của họ trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới. Nhưng Người không tuyệt đối hóa tính chất bẩm sinh, thiên phú của phẩm chất, năng lực cá nhân. Người đấu tranh để “quyét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Thiện, ác và năng lực cá nhân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “phần lớn do giáo dục” mà hình thành; nghĩa là được hình thành chủ yếu từ việc truyền lại, bồi dưỡng, giáo dưỡng của thế hệ trước, của xã hội. Vì thế, vai trò của các hạng người, nhất là hạng hăng hái, trung kiên chỉ được phát huy trong sự đoàn kết của các hạng người, trong sự đoàn kết toàn dân. Bởi lẽ, năng lực nhận thức, cải tạo thế giới của mỗi cá nhân chỉ là hữu hạn trong sức nhận thức và cải tạo vô hạn của toàn dân. Đoàn kết để nhận thức và cải tạo thế giới với sự chú ý đúng mức đến phẩm chất, năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, để hướng năng lực cải tạo thế giới hữu hạn của cá nhân vào sự sáng tạo vô hạn trong nhận thức và cải tạo thế giới của toàn dân và để sáng tạo vô hạn của toàn dân được lâu bền, được tiến bộ.
Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh chữ “đồng”, như đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng bào, đồng minh, đồng chí. Người coi trọng đoàn kết toàn dân và coi đó là động lực sáng tạo. Nhưng Người không xem “Dân”, “Nhân dân”, “Toàn dân” là một khối quần chúng đồng nhất, mà là một cộng đồng, là đồng bào, gồm những người có phẩm chất, năng lực khác nhau trong nhận thức và cải tạo thế giới; những nhóm người trung kiên, hăng hái khác nhau; các giai cấp, giai tầng xã hội, các dân tộc khác nhau; đồng bào trong nước, đồng bào ngoài nước. Cho nên phải chú ý đến những năng lực khác nhau đó trong đoàn kết toàn dân để nhận thức và cải tạo thế giới. Nếu trái lại, sự đoàn kết sẽ không lâu bền và không đạt được kết quả tiến bộ trong nhận thức và cải tạo thế giới.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nguyên tắc quan trọng là huy động được các nguồn lực trong dân (tài dân, sức dân và của dân), để nhận thức và cải tạo thế giới. Chỉ như vậy mới tự chủ, tự lực cánh sinh, sáng tạo trong nhận thức và cải tạo thế giới. Thông qua đó, mỗi người dân, mỗi cộng đồng và toàn dân, thực sự là người sáng tạo và phát huy được năng lực nhận thức và cải tạo thế giới của mình.
Cuối cùng, theo Người, một nguyên tắc có tính mục tiêu là phải hướng mọi hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới vào làm lợi cho dân. Mỗi người dân, mỗi cộng đồng và toàn dân không được hưởng hạnh phúc thì mọi hoạt động sáng tạo trong nhận thức và cải tạo thế giới của họ cũng chẳng có nghĩa lý gì./.
--------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.479.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.8, tr.226, t.9, tr.175, và t.10, tr.556.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.252-253.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.249.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248-257.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, 241.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, Hà Nội, 2000, t.9, tr.20.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248-257.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248-257.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.257.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248-257.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248-257.
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.248-257.
Chuẩn bị chu đáo, nhạy bén nắm bắt thời cơ - vấn đề cốt lõi trong thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945  (13/08/2013)
Học tập và làm theo Bác ở Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương  (13/08/2013)
Để Ngày Sách Việt Nam đi vào cuộc sống  (13/08/2013)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên