Công nhân ngành điện cải tạo, nâng cấp lưới hạ áp
sau khi tiếp nhận - Ảnh: Đăng Duy
TCCS - Trước tình trạng thất thoát, thiếu điện năng, mất an toàn lưới điện, nhân dân phải mua điện với giá cao tại nhiều địa phương trên cả nước, công tác bàn giao lưới điện hạ thế cho ngành điện quản lý đã bước đầu đem lại những kết quả khả quan.

Bất cập do những mô hình quản lý trước đây

Từ năm 2002 trở về trước, khi Nhà nước còn nhiều khó khăn, với phương châm"Nhà nước và nhân dân cùng làm", việc sử dụng điện nông thôn ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều giao cho tổ điện, hợp tác xã dịch vụ điện, ban quản lý điện xã quản lý. Các tổ chức này do chỉ chú trọng lợi nhuận nhưng lại hạn chế về năng lực tài chính, quản lý kỹ thuật, hạch toán kinh tế, nhân sự... dẫn đến tình trạng nhiều nơi mất an toàn lưới điện, tổn thất điện năng lớn, điện áp thấp, không ổn định, giá điện cao, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Khi Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 27/ 2002/QĐ-BCN, ngày 18-6-2002, về việc ban hành quy định, điều kiện, trình tự và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, yêu cầu các tổ chức mua bán điện nông thôn chuyển đổi hoạt động sang các mô hình công ty cổ phần điện; hợp tác xã kinh doanh dịch vụ điện, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân quản lý bán điện, tổ quản lý điện... thì tình hình có được cải thiện. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, các đơn vị trung gian lại khó khăn về tài chính nên không có điều kiện để sửa chữa, đại tu, nâng cấp lưới điện. Vì vậy, các mô hình quản lý này cũng không đáp ứng được yêu cầu, khiến việc cung ứng điện ở các vùng nông thôn hầu như không được cải thiện. Ông Bùi Văn Minh - Phó trưởng thôn Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, bức xúc: "Trước khi ngành điện tiếp nhận, tình trạng mất ổn định, "cắt cúp" điện liên tục xảy ra, có trường hợp xã bên cạnh thì thừa điện, còn bên tôi thì quá tải nhưng không thể san cho nhau. Là làng nghề, mất điện thường xuyên khiến chúng tôi rất khó khăn". Bên cạnh đó, công-tơ điện phần lớn do các hộ dân tự đầu tư, nhiều chủng loại, chất lượng không được kiểm định, được lắp đặt tạm bợ "bám như sung" trên những cây cột nghiêng ngả. Tổn thất điện năng ở các vùng nông thôn vẫn ở mức cao, phổ biến từ 25% - 45%.

Mặc dù, ngành điện thu của các đơn vị trung gian là 390 đồng/kWh, nhưng các đơn vị này thường thu của dân ở mức phổ biến từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng, cónơi thu đến 4.000 đồng/kWh. Như vậy, sự ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã không đến được với người dân nghèo. Tình trạng mất an toàn lưới điện trở nên phổ biến. Qua khảo sát cho thấy, trước khi ngành điện nhận bàn giao, hằng năm, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Nam Định có khoảng 40 - 50 vụ gây chết người, tỉnh Thái Bình có năm cao điểm lên đến trên 70 người chết do tai nạn về điện.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan khảo sát tình hình để xây dựng Quy chế quản lý lưới điện nông thôn. Theo đó, các đơn vị Điện lực tỉnh phải tiếp nhận, cải tạo, nâng cấp, quản lý và trực tiếp bán điện đến hộ dân nông thôn. Ngày 22-10-2008, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 10074/BCT-ĐTĐL, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải thực hiện quyết liệt hơn công tác tiếp nhận lưới điện và bán điện đến từng hộ dân.

Lợi ích gì khi bàn giao cho ngành điện tiếp quản lưới hạ áp nông thôn?

Đầu tiên, phải nói đến đó là giá điện. Nếu như trước đây người dân phải trả ở mức phổ biến trên 1000 đồng/kWh thì sau khi bàn giao điện nông thôn cho ngành điện quản lý, người dân được hưởng giá điện bậc thang như ở thành phố với giá 550 đồng/kWh ở 100 kWh đầu tiên với chất lượng điện ổn định. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho phần lớn hộ sử dụng điện vì đại đa số các hộ sử dụng điện là nông dân hoặc sống ở nông thôn, họ chỉ sử dụng ở mức dưới 100kWh/tháng (Thái Bình có 1,72 triệu người sống ở nông thôn/1,86 triệu người).

Thứ hai, chất lượng điện không ngừng tăng lên, công tác an toàn lưới điện được bảo đảm. Ngay sau khi tiếp nhận, ngành điện tiến hành ngay việc sửa chữa nhỏ lưới điện (đầu tư tối thiểu), thay thế các đường dây cũ dẫn điện kém, các công-tơ bị kẹt, bị cháy để bảo đảm vận hành an toàn, nhiều xã đã được Điện lực tỉnh đầu tư lắp đặt thêm các trạm biến áp. Qua đó, giảm đáng kể các vụ tai nạn điện. Ông Nguyễn Đình Lộc - Giám đốc Điện lực Thái Bình cho biết: "Khi tiếp nhận lưới điện tại các xã, chúng tôi cho tuyên truyền trên đài truyền thanh của địa phương, gửi tờ rơi phổ biến kiến thức an toàn điện đến từng hộ, cho đến nay chưa có trường hợp nào chết do điện giật, các vụ tai nạn chỉ xảy ra do người dân sơ xuất sau công tơ". Hơn nữa, các hộ dân không còn phải đóng tiền cho việc sửa chữa lưới điện, không phải gánh chịu những phát sinh do thất thoát điện năng và được sử dụng hệ thống lưới điện an toàn, ổn định, chất lượng cao tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và phát triển công nghiệp nông thôn tại địa phương.

Thứ ba, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Chính vì giao ngành điện quản lý, với năng lực, trình độ quản lý chuyên nghiệp, mà đã giảm đáng kể được tình trạng thất thoát điện. Qua việc tiếp nhận và đầu tư ban đầu, tỷ lệ giảm thất thoát điện bình quân ở các địa phương khoảng trên 10% (trước bàn giao, các xã ở Nam Định, tổn thất điện năng từ 30% - 35%, nay còn 26%; ở Thái Bình, trước bàn giao thất thoát hơn 33%, nay còn 16,5%), trên phạm vi cả nước, trung bình tiết kiệm khoảng 60 - 70 triệu kWh/năm. Việc giảm tổn thất góp phần tích cực vào việc thực hiện tiết kiệm điện theo tinh thần Chỉ thị 19/2005, của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm chi phí đầu tư các nhà máy điện.

Thứ tư, bản thân ngành điện cũng có lợi vì nguồn thu ngân sách sẽ tăng do sản lượng điện thương phẩm tăng vọt. Ví dụ: ở Nam Định, tổng sản lượng điện tiêu thụ tại các xã đã tiếp nhận bình quân 40 - 45 triệu kWh/tháng, chiếm 40% tổng sản lượng bán ra của Điện lực tỉnh. Ngoài ra, chênh lệch giá điện khi bán cho các hộ dân so với bán cho các đơn vị trung gian trước đây cũng làm tăng nguồn thu lớn cho ngành (giá bán điện đến các đơn vị trung gian là 390 đồng/kWh nhưng bán tới các hộ dân là 550 đồng/kWh).

Một số khó khăn cần tháo gỡ

Việc tiếp nhận lưới điện, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng kéo theo những hệ lụy đối với ngành điện. Bức xúc nhất là vấn đề nhân lực. Với khối lượng tiếp nhận cùng một lúc rất lớn, các chi nhánh điện không đủ lực lượng lao động tổ chức cải tạo nâng cấp, quản lý vận hành lưới điện sau khi tiếp nhận đã phải tận dụng nguồn lao động tại chỗ là những thợ điện nông thôn, tổ chức đào tạo lại và ký hợp đồng dịch vụ ghi chỉ số công tơ, sửa chữa nhỏ cho số thợ điện này. Theo ông Trần Quốc Đạt - Giám đốc Điện lực Nam Định "Cần phải có cơ chế để Điện lực tỉnh có thêm biên chế bởi hiện nay các điện lực phải ký hợp đồng dịch vụ với các đội thợ của các tổ chức bán điện cũ. Việc này lại kéo thêm một loạt các chi phí đào tạo, trả lương dịch vụ cũng như giám sát, quản lý... trong lúc phải tiếp nhận thêm một lượng khách hàng gấp 5 lần với chiều dài đường dây gấp 2 lần trước đây.

Hiện vẫn còn 230 xã và gần 1 triệu hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao chưa có điện, khoảng trên 5.000 xã cần được bảo dưỡng hệ thống điện do mạng lưới ngày càng xuống cấp, tỷ lệ thất thoát điện cao, thường xuyên ách tắc trong quá trình truyền dẫn và phân phối. Mục tiêu của EVN trong năm 2009 sẽ tiếp nhận 2.421 xã để bán điện trực tiếp đến hộ nông dân, phấn đấu đến ngày 30-6-2010 cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các tổ chức kinh doanh điện đều có quá nhiều lao động, gấp 4 - 5 lần định biên của ngành điện. Do đó, vấn đề tiếp nhận nhân lực từ các tổ chức này là hết sức khó khăn, nhất là hầu hết số lao động này lại chưa đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ. Theo ông Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam thì cả nước có 9.096 xã, trung bình mỗi xã phải có 2 người làm công tác quản lý lưới điện thì số lao động vận hành điện nông thôn phải tăng lên trên 18.000 lao động. Cơ chế tiền lương để trang trải cho người lao động sẽ như thế nào? Công đoàn Điện lực sẽ phối hợp cùng chuyên môn kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về cơ chế tiền lương sao cho đời sống thu nhập của người lao động ngành điện được cải thiện, không bị sụt giảm khi tăng số lao động phục vụ lợi ích người dân nông thôn, miền núi.

Công tác củng cố, cải tạo, đầu tư lưới điện sau tiếp nhận cũng là vấn đề nan giải. Chỉ riêng số vốn cần để hoàn thiện lưới điện hạ áp cho gần 5.000 xã sẽ tiếp nhận để bán điện trực tiếp tới 7,4 triệu hộ dân đến năm 2010 đã lên tới 18.400 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp lưới điện và thay thế hệ thống đo đếm đã bị hỏng cùng hàng vạn km các nhánh rẽ ở nông thôn hiện đang sử dụng các loại cột gỗ, tre, cột bê-tông tự đúc và hệ thống dây dẫn tiết diện nhỏ không bảo đảm. Ông Trần Quốc Đạt - Giám đốc Điện lực Nam Định cho biết: "Nếu chỉ đầu tư tương đối cho việc cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế nông thôn, Nam Định phải chi hết khoảng 1.300 tỉ đồng". Hiện nay, về kết cấu hạ tầng nông thôn, nhiều địa phương chưa có quy hoạch tổng thể, vì vậy, việc thực hiện cải tạo, xây dựng lưới điện cũng gặp cản trở. Về việc này, ông Nguyễn Đình Lộc - Giám đốc Điện lực Thái Bình kiến nghị: "Chính quyền và các ngành chức năng khác ở địa phương cần sớm có quy hoạch và thông báo để ngành điện phối kết hợp triển khai, tránh trồng chéo, lãng phí".

Và, vẫn còn khó khăn trong việc bàn giao giữa các tổ chức trung gian và ngành điện. Thực tế đã chứng minh việc bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý là hiệu quả, với đầy đủ những căn cứ, chứng lý thuyết phục, hầu hết các đơn vị trung gian vui vẻ chấp nhận bàn giao lưới hạ áp cho ngành điện. Song, còn không ít những đơn vị đang còn "lấn cấn" bởi họ phải từ bỏ quyền lợi đang được hưởng. Vả lại, các công trình lưới điện bàn giao phần lớn lại không còn hồ sơ thiết kế hoặc không có thiết kế nên việc thống kê để xác định giá trị còn lại của tài sản rất khó khăn, trong khi Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn để áp dụng chung cho toàn quốc nên nhiều địa phương mất rất nhiều thời gian giải thích, họp dân... Phần lớn những đơn vị gặp vướng mắc, chưa bàn giao nằm ở địa bàn xã có sản lượng điện tiêu thụ lớn, họ cũng đã mất công sức, tiền của vào đầu tư, duy tu hằng năm. Vì vậy, Bộ Công thương có thông tư hướng dẫn, nếu đơn vị trung gian nào chưa bàn giao được trước ngày 1-9-2009 thì vẫn được tiếp tục kinh doanh nhưng nhất thiết phải bán điện cho nhân dân theo giá trần Chính phủ quy định.

Như vậy, mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn, nhưng lợi ích thì đã rõ. Và để hoàn thành mục tiêu tiếp nhận lưới điện nông thôn vào năm 2010, ngoài sự nỗ lực của ngành điện còn cần sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của các cấp lãnh đạo địa phương, các tổ chức trung gian kinh doanh điện, cũng như của mỗi người dân./.