Phát triển bền vững tài nguyên đất đai vùng đồng bằng sông Cửu Long

Như Hùng, ThS. Trần Mai Ước Tạp chí Cộng sản, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
21:53, ngày 28-03-2013
TCCSĐT - Trong thực tiễn quản lý đất đai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã và đang phát sinh nhiều mâu thuẫn mới cần được giải quyết thấu đáo mới có thể tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Từ việc phân tích những hạn chế, bất cập, chỉ rõ nguyên nhân, bài viết gợi mở quan điểm phát triển quản lý đất đai theo hướng bền vững và những giải pháp cơ bản hướng đến phát triển bền vững tài nguyên đất ở khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng đất có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi, trong đó sẵn có tài nguyên đất, ÐBSCL có nhiều lợi thế để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

ÐBSCL thuộc châu thổ sông Mê Kông có diện tích đất tự nhiên gần 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích của cả nước, trong đó khoảng 2,60 triệu ha được sử dụng để phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chiếm 65%. Trong quỹ đất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm chiếm trên 50%, trong đó chủ yếu đất lúa, trên 90%. Đất chuyên canh các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 150.000 ha, đất cây lâu năm: 320.000 ha, khoảng 8,2% diện tích tự nhiên. Đất đai vùng ÐBSCL vừa đóng vai trò là nguồn lực, vừa là yếu tố đầu vào không thể thiếu trong hoạt động kinh tế của vùng. Trong các ngành phi nông nghiệp, đất đai giữ vai trò thụ động với chức năng là cơ sở không gian và vị trí để hoàn thiện quá trình lao động, là kho tàng dự trữ, … Trong các ngành nông - lâm nghiệp, đất đai là yếu tố tích cực của quá trình sản xuất, là điều kiện vật chất - cơ sở không gian, đồng thời là đối tượng lao động và phương tiện lao động. Trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay ở nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng, tài nguyên đất đai vẫn chưa được quản lý, khai thác hợp lý, sử dụng còn lãng phí và kém hiệu quả, ở nhiều nơi đất đai bị suy thoái, ô nhiễm, đến mức báo động; tranh chấp, khiếu nại về đất đai vẫn là vấn đề nóng của vùng ĐBSCL; đóng góp về kinh tế của vùng cho cả nước chưa tương xứng với tiềm năng của tài nguyên đất sẵn có,…. Do vậy, việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên đất vùng ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng.

Những tồn tại, bất cập về quản lý đất đai hiện nay ở vùng ĐBSCL

Hiện nay, vùng ĐBSCL có các nhóm đất chính, bao gồm: Đất phù sa sông (1,2 triệu ha), có độ phì nhiêu tự nhiên cao và không có các yếu tố hạn chế nghiêm trọng nào. Nhiều loại cây trồng có thể canh tác được trên nền đất này; Đất phèn (1,6 triệu ha), loại đất này có đặc trưng bởi độ a-xit cao, nồng độ độc tố nhôm tiềm tàng cao và thiếu lân. Nhóm đất này cũng bao gồm cả các loại đất phèn nhiễm mặn nặng và trung bình. Các loại đất phèn tập trung tại Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên còn các loại đất phèn mặn tập trung tại vùng trung tâm bán đảo Cà Mau; Đất nhiễm mặn ( 0,75 triệu ha), loại đất này chịu ảnh hưởng của nước mặn trong mùa khô. Các vùng đất này khó có thể được cung cấp nước ngọt. Hiện nay lúa được trồng vào mùa mưa và ở một số khu vực người ta nuôi tôm trong mùa khô; Các loại đất khác (0,35 triệu ha), gồm đất than bùn (vùng rừng U Minh), đất xám trên phù sa cổ (cực Bắc của ĐBSCL) và đất đồi núi (phía Tây - Bắc ĐBSCL)(1).

Giai đoạn vừa qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được những tiến bộ rõ rệt, hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường, từng bước phân cấp và phát huy tính tự chủ của địa phương như việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, thu hồi đất bồi thường giải phóng mặt bằng để chuyển sang mục đích sử dụng khác. Pháp luật về đất đai ngày càng được hoàn thiện; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã được hình thành và phát triển nhanh. Những kết quả trên tạo điều kiện cho việc sử dụng đất đai hợp lý và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tình hình quản lý và sử dụng đất đai hiện nay ở ĐBSCL còn bộc lộ nhiều yếu kém thể hiện ở chỗ: 

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành còn chậm. Thiếu đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết của các ngành, quy hoạch không gian đô thị của thành phố,... Ngoài ra, việc lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, tính khả thi chưa cao, việc công bố công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn yếu kém dẫn đến việc phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm chưa sát với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. 

Việc giao đất, cho thuê đất vào mục đích chuyên dùng và đất ở tại các địa phương còn một số tồn tại như sử dụng không đúng vị trí, sai lệch diện tích được giao, sử dụng sai mục đích, tiến độ xây dựng chậm hoặc bỏ hoang hóa, không sử dụng đất, chậm nộp tiền thuê đất. Vẫn còn những hành vi tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai. 

Cơ chế tài chính về đất đai thiếu hiệu quả, thị trường bất động sản còn hoạt động tự phát, tình trạng đầu cơ đất đai đã đẩy giá đất lên cao gây tác động xấu đến môi trường đầu tư. Cơ quan quản lý đất đai các cấp nhìn chung còn nhiều yếu kém, cán bộ địa chính ở cơ sở còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ,… Trong thực tế, công tác quản lý và sử dụng đất đai tại các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp nhà nước, các bộ, ngành còn nhiều lãng phí. 

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách về đất đai, trong thực tế thực sự chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Những hạn chế yếu kém trong việc thực thi chính sách, pháp luật đất đai gồm:

1. Sự phân định giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng về đất đai thiếu rõ ràng, không chặt chẽ; việc đồng nhất các quyền của người sử dụng đối với các loại đất đai khác nhau đã dẫn đến nhiều bất cập trong các chính sách, biện pháp quản lý đối với các loại đất đai khác nhau.

2. Luật pháp và các chính sách về đất đai đã quy định quyền sử dụng đất có giá trị và được đem ra trao đổi, chuyển nhượng trên thị trường, song các chính sách đất đai chưa phù hợp với các yêu cầu và các quy luật hoạt động của nền kinh tế thị trường.

3. Luật pháp và các chính sách về đất đai chưa thể hiện được nguyên tắc phân phối địa tô giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu đất đai làm thất thoát các nguồn lợi do đất đai mang lại từ Nhà nước chuyển sang người sử dụng và chiếm giữ đất đai.

4. Luật pháp đã thừa nhận sự tồn tại và phát triển của thị trường bất động sản song chưa có hệ thống luật pháp và chính sách quản lý và điều tiết một cách hiệu quả hoạt động của thị trường này.

5. Công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất còn mang tính hình thức, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

6. Công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cũng như đăng ký biến động đất đai còn chậm, hạn chế việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai, giải quyết tranh chấp và chống lấn chiếm.

7. Việc phân định trách nhiệm quản lý đất đai cho các cấp, các ngành chưa rõ ràng, còn thiếu cụ thể, không rõ trách nhiệm.

8. Hệ thống văn bản pháp luật và chính sách đất đai được ban hành nhiều, thay đổi thường xuyên nhưng không toàn diện, thiếu thống nhất, còn chồng chéo và để nhiều lỗ hổng. 

Những tồn tại, bất cập ở trên, về cơ bản là do những nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, phân cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai hiện nay chưa hợp lý. Điều này thể hiện sự chồng chéo về thẩm quyền giữa các cấp, các ngành trong việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai,... do có nhiều ngành, nhiều cấp tham gia thực hiện các công việc, vì vậy trách nhiệm của từng ngành, cấp không rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng công việc và kéo dài thời gian thực hiện. Ngoài ra, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp với thực tiễn cũng là “lực cản” đáng kể gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ, công chức ngành địa chính ở các cấp còn quá mỏng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ địa chính cấp cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát thi hành pháp luật đất đai của địa phương và các đối tượng sử dụng đất, nhưng chưa được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu phương tiện làm việc. Chức năng, nhiệm vụ của ngành địa chính chưa rõ ràng, còn mang nặng tính tham mưu, giúp việc hơn là một cơ quan chuyên trách về quản lý đất đai.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đất đai chưa được tiến hành thường xuyên; chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm, thiếu kiên quyết trong khắc phục hậu quả các hành vi sai phạm. Thậm chí, do trách nhiệm của người đứng đầu chưa được quy định chặt chẽ, chế tài xử lý chưa rõ ràng, thiếu gương mẫu, buông lỏng trong công tác quản lý, do vậy đã gián tiếp tiếp tay cho sai phạm; vì lợi ích cục bộ của địa phương và quyền lợi của cá nhân mà làm trái các quy định về quản lý đất đai.

Thứ tư, chưa nhận thức đúng mức đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là nguồn nội lực quan trọng và nguồn vốn to lớn của đất nước; chưa khẳng định rõ quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt và cần có cơ chế quản lý phù hợp. Quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém, quản lý thị trường bất động sản bị buông lỏng. Người sử dụng đất chưa thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Chính sách tài chính đối với đất đai còn nhiều bất cập, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Khuynh hướng tự phát chạy theo cơ chế thị trường đã gây ra nhiều sai lệch trong việc thực hiện chính sách đất đai.

Thứ năm, một số chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng về đất đai chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện (như chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất,...). Văn bản pháp luật về đất đai ban hành nhiều, nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ. Chưa làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về đất đai trong nhân dân. Nhiều chính sách đã ban hành chưa được tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và thi hành nghiêm túc.

Thứ sáu, chậm tổng kết thực tiễn để làm rõ nhiều vấn đề lý luận về quản lý đất đai trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác nghiên cứu khoa học về quản lý đất đai còn yếu. Chậm tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách, pháp luật về đất đai.

Thứ bảy, vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, lợi dụng chức quyền để trục lợi, tham nhũng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội và bất bình trong nhân dân.

Thứ tám, vai trò và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai chưa được xác định rõ. Chưa quan tâm đúng mức việc đầu tư cho công tác quản lý đất đai, xây dựng bộ máy và chỉ đạo công tác quản lý đất đai. Chưa thực hiện tốt công khai, dân chủ trong việc thực thi các chính sách, pháp luật về đất đai. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai.

Một số giải pháp cơ bản hướng đến phát triển bền vững tài nguyên đất ở ĐBSCL 

Thực tiễn hình thành và phát triển vùng ĐBSCL cho thấy, đất đai có một vị trí đặc biệt đối với con người, xã hội, doanh nghiệp. Quản lý tốt tài nguyên đất đai là một trong những “cú hích” quan trọng để ĐBSCL phát triển. Để duy trì ổn định các mối quan hệ về đất đai, từ đó tạo điều kiện cho sử dụng đất đai hiệu quả, Nhà nước rất chú trọng xây dựng chính sách, pháp luật quản lý đất đai. Trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh đến việc: “Đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các loại tài sản công khác để tài nguyên, vốn và các tài sản công được quản lý, sử dụng có hiệu quả, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí. Đất đai, tài nguyên, vốn, tài sản do Nhà nước đại diện chủ sở hữu được giao cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng theo nguyên tắc hiệu quả”(2). 

Để thực hiện định hướng trên, theo chúng tôi cần tập trung vào các quan điểm phát triển quản lý đất đai theo định hướng hiện đại hóa, kinh tế hóa và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL một cách bền vững, về cơ bản cần chú trọng 3 quan điểm chính sau đây:

1. Công tác quản lý đất đai tại vùng ĐBSCL cần được phát triển theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại.

2. Đẩy mạnh kinh tế hóa lĩnh vực quản lý đất đai để nâng tầm đóng góp của đất đai và công tác quản lý đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

3. Phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng ĐBSCL phải là yêu cầu xuyên suốt trong công tác quản lý đất đai.

Giai đoạn sắp tới, để thực hiện định hướng phát triển bền vững tài nguyên đất đai của vùng ĐBSCL - yếu tố quan trọng và cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo hướng bền vững, theo chúng tôi cần tiến hành đồng bộ các giải pháp cơ bản sau: 

Một là, vùng ĐBSCL cần tiếp tục chú trọng tăng cường và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai. Cụ thể, để thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn, vùng ĐBSCL cần tập trung hơn nữa việc thể chế hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản về quản lý và sử dụng tài nguyên đất để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế, song song đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm giảm thời gian, giảm thủ tục, giảm chi phí đối với tổ chức và công dân. Có quy định để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành; không giao đất cho các dự án sản xuất phi nông nghiệp ngoài quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, làng nghề; giao đất, cho thuê đất đúng nhu cầu sử dụng đất hiệu quả và tính khả thi của dự án đầu tư.

Hai là, quản lý chặt chẽ tài nguyên đất. Chúng ta biết rằng, đất đai tại vùng ĐBSCL là nguồn tài nguyên có giới hạn, không thể nào muốn là tăng lên được, trong khi đó, con người ngày càng tăng, do vậy công tác quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất của vùng ĐBSCL và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả là một việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ba là, trong tất cả các yếu tố nằm trong lực lượng sản xuất, con người là yếu tố quan trọng nhất. Để phát triển bền vững tài nguyên đất đai vùng ĐBSCL trong giai đoạn sắp tới, cần chú trọng nâng cao trình độ quản lý của cán bộ ngành địa chính. Thực tế cán bộ địa chính không nắm bắt được kịp thời và đầy đủ các quy định về quản lý đất đai, khi để xảy ra vi phạm, đã không có biện pháp ngăn chặn kịp thời và càng để lâu lại càng khó xử lý. Xuất phát từ thực tiễn đó, cần thiết phải kết hợp giữa giáo dục về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ địa chính, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, với việc chú trọng tăng cường lực lượng cán bộ của ngành địa chính đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, đồng thời được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên./.

-----------------------------------------

(1) Số liệu được lấy từ Báo cáo đã được chỉnh sửa theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về vùng ĐBSCL, họp ngày 15/7/1997 tại Hà Nội.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 207.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011;

2. Luật đất đai 2003, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2004;

3. Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 01-11-2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

4. Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về việc thi hành Luật đất đai;

5. Thông tư 30/2004/TT-BTNMT ngày 01-11-2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 

6. Trần Huy Hùng, Trần Xuân Sơn (Biên soạn), Tìm hiểu về các văn bản pháp luật hiện hành về bất động sản, Nxb Thống kê, Hà Nội, 1995.