Ngành Thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay

Hồ Thị Kim Thoa Thứ trưởng Bộ Công Thương
15:44, ngày 18-03-2013
Những kết quả đạt được của ngành Thương mại Việt Nam

Đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 xác lập đã tạo ra sinh lực mới cho kinh tế đất nước tăng tốc phát triển trong mọi lĩnh vực. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, trong vòng 25 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nước thành công về phát triển kinh tế tại châu Á. Kể từ khi bắt đầu công cuộc cải cách được biết đến với tên gọi “Đổi mới” vào năm 1986, Việt Nam đã liên tục dỡ bỏ những rào cản đối với hoạt động thương mại và sự di chuyển của dòng vốn, mở rộng cánh cửa và tạo sự bình đẳng cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng cao và nhanh hơn so với các nền kinh tế châu Á khác (trừ Trung Quốc). Ngay cả những năm tháng khó khăn do khủng khoảng tài chính khu vực châu Á thời kỳ 1997 - 2000, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm và duy trì được sự tăng trưởng một cách liên tục, bất chấp những điều kiện kinh tế khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á trong thập niên 1990, cũng như cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu nghiêm trọng mới đây. Và, từ nước đói nghèo, hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình (mức thấp) của thế giới, với GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt hơn 1.500 USD... Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận.

Sự thay đổi ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua nhờ những chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập còn được phản ánh qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong vòng 10 năm qua, tỷ trọng việc làm nông nghiệp đã giảm đi 13%, trong khi tỷ trọng việc làm công nghiệp và dịch vụ tăng thêm lần lượt là 9,6 và 3,4%. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm 6,7%, trong khi tỷ trọng các ngành công nghiệp lại tăng thêm 7,2%. Tốc độ tăng giá trị gia tăng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã theo kịp mức bình quân của nền kinh tế, tỷ trọng của lĩnh vực dịch vụ trong GDP luôn duy trì tương đối ổn định. 

Đồng thời, với lực lượng lao động trẻ ngày càng đông đảo, các cải cách chính sách sau khi mở cửa nền kinh tế đã đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, như sự gia tăng của hoạt động đầu tư tư nhân trong nước và các dòng vốn đầu tư mới từ nước ngoài, tạo nên những chuyển biến đáng kể trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo - chế biến và thương mại, dịch vụ. 

Trên chính trường quốc tế, từ nước bị bao vây cấm vận, hầu như bị cô lập, Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của ASEAN, Liên hợp quốc,… Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, từ chỗ chỉ quan hệ với các nước trong khu vực thị trường nhỏ hẹp là Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) xưa kia, nay Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng hóa Việt Nam vươn ra hơn 100 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam trở thành một trong những chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng nhiều mặt hàng thiết yếu cho thị trường thế giới, thay vì phải nhập khẩu mọi thứ như hai thập niên trước đây. Hoạt động xuất khẩu các sản phẩm cũng được hưởng lợi về thuế và thị trường rộng lớn.

Nhờ những kết quả phát triển kinh tế do công cuộc đổi mới, cũng như quá trình mở cửa hội nhập đem lại mà hoạt động thương mại ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Về thương mại nội địa, hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối nói riêng mang tính chuyên nghiệp cao, ổn định, gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi liên kết từ sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng trên cơ sở phân chia thị trường theo khu vực địa lý. Các kho hàng bán buôn, các trung tâm logistics làm nhiệm vụ đặt hàng, phân loại, bao gói, chế biến và cung ứng hàng hóa cho mạng lưới bán lẻ, kèm theo những chương trình chăm sóc khách hàng, tiếp thị, phát triển thương hiệu liên tục được phát triển.

Trước đây, các hoạt động xúc tiến thương mại qua những trung tâm hội chợ triển lãm chỉ do một số ít tổ chức của Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu tham gia nhưng đến nay đã trở thành một hoạt động không thể thiếu đối với tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước, kể cả những tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, cả nước đã có 16 trung tâm hội chợ triển lãm tại 14 tỉnh, với tổng diện tích là 815.667m2.

Những năm qua, ngoài các kho xây dựng từ thời kỳ kế hoạch hóa tập trung đã được nâng cấp, cải tạo hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, đến nay đã hình thành hệ thống kho đa dạng cho các loại hình, gắn liền với các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và chợ đầu mối. Năm 2007 cả nước có 1.958.643m² kho phục vụ thương mại, đến năm 2011, cả nước có khoảng 3.153.427m² kho phục vụ thương mại, tăng 12,1% so với năm 2010 và tăng 161% so với năm 2007.

Từ năm 2003 đến năm 2007, cả nước xây dựng mới được 1.192 chợ, cải tạo nâng cấp 1.241 chợ, nâng tổng số chợ trên cả nước đến năm 2007 lên tới 8.173 chợ (trong đó chợ thành thị 1.772 chợ, chợ nông thôn 6.401 chợ; chợ hạng 1: 183 chợ, chợ hạng 2: 860 chợ, chợ hạng 3: 7.130 chợ). Từ năm 2008 đến năm 2011, cả nước xây mới được 804 chợ và cải tạo, nâng cấp được 1.747 chợ, nâng tổng số chợ cả nước năm 2011 lên 8.643 chợ; trong đó chợ hạng 1 có 229 chợ, chợ hạng 2 có 950 chợ, chợ hạng 3 có 7.464 chợ, nông thôn có 6.761 chợ chiếm khoảng 78% so với tổng số chợ của cả nước. 

Năm 1996 chỉ có 12 siêu thị tại 6/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 639 siêu thị tại 59 tỉnh; có 121 trung tâm thương mại tại 35/63 tỉnh. Năm 2011, số lượng siêu thị tăng khoảng 43,3% và trung tâm thương mại tăng khoảng 50,0% so với năm 2008. Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi phân bố rộng khắp cả nước. 

Các tập đoàn phân phối như Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia), Lotte của Hàn Quốc... đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động với các mô hình phân phối hiện đại, quản lý tiên tiến, vừa tạo sức cạnh tranh, vừa góp phần phát triển hệ thống phân phối Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại. 

Tự do hóa hoạt động thương mại dịch vụ cũng tạo ra nhiều cơ hội cho sự mở rộng nhanh chóng một loạt loại hình dịch vụ, trong đó có bán lẻ, vận tải, và du lịch. Mức tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong giai đoạn 2007 - 2012 đạt 25%. Đến năm 2012, tổng mức bán lẻ đạt 2.234.443 tỷ đồng.

Hàng hóa được cung ứng tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, gia tăng đầu tư đã giúp nâng cao tổng lượng vốn của Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn, trang thiết bị và hạ tầng cơ sở với số lượng và chất lượng tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất.

Thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện nhiều mặt theo hướng mở rộng tự do hóa thương mại và đầu tư, phù hợp với các cam kết của nước ta với WTO, cũng như các cam kết đa phương và song phương khác, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp và tăng khả năng thu hút đầu tư, góp phần tạo ra nguồn lực quan trọng để mở rộng quy mô sản xuất và gia tăng khối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và làm tiền đề phục vụ cho xuất khẩu.

Về hoạt động thương mại quốc tế, những năm qua, Việt Nam đã tận dụng khá tốt các cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế và việc gia nhập WTO mang lại. Cụ thể:

+ Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng, bằng khoảng 70% GDP của cả nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2007 - 2012 đạt vào khoảng 20,4%. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 72,19 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2009; tới năm 2011 đạt 96,9 tỷ USD, tăng 34,2% so với năm 2010 và năm 2012 đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. 

+ Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng và bước đầu có sự chuyển dịch tích cực: tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến từ 60% năm 2007 lên khoảng 65% năm 2012, giảm nhanh nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản từ 19,5% xuống còn khoảng 10,3%, tỷ trọng nhóm hàng nông sản, thủy sản giữ ở mức khoảng 20%. 

+ Thị trường xuất khẩu hàng hóa ngày càng trở nên đa dạng hơn. Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường trọng điểm, giá trị xuất khẩu tăng trên hầu hết trên các thị trường và ít có biểu hiện chuyển hướng thương mại dưới tác động của những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Một số mặt hàng được hưởng lợi từ các thỏa thuận của FTA còn có bước tăng trưởng xuất khẩu đột biến như xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc tăng 84% trong năm 2009 và khoảng 70% trong năm 2010.

+ Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập thương mại khu vực sâu rộng hơn trong khung khổ 6 FTA khu vực. Tỷ trọng giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam với 15 nước đối tác đã ký FTA chiếm 58% tổng giá trị thương mại quốc tế của Việt Nam, trong đó, chiếm gần 44% kim ngạch xuất khẩu và 69% kim ngạch nhập khẩu (năm 2010). 

+ Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam, bao gồm du lịch, cũng tăng trưởng mạnh. Kể từ năm 2005, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ vận tải tăng bình quân 15%/năm và dịch vụ lữ hành tăng 7,5%/năm, phản ánh đúng thực tế lượng khách nước ngoài đến Việt Nam đã tăng hơn 1,5 lần kể từ năm 2005 đến nay.

+ Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng góp phần thúc đẩy sản xuất và phát triển xuất khẩu. Khoảng 55% tổng số dự án và trên 50% tổng số vốn FDI đã được thu hút vào những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản phẩm cho xuất khẩu. Số doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu tăng nhanh từ 3.272 doanh nghiệp trong năm 2007 và khoảng trên 4.000 doanh nghiệp trong năm 2010, chiếm gần 20% tổng số doanh nghiệp xuất khẩu cả nước.

Một số khó khăn, thách thức

Những năm qua kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Thương mại nói riêng đã tăng trưởng mạnh nhờ sự đóng góp của nhiều ngành ở cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, hoạt động của ngành Thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế sau: 

Thứ nhất, Việt Nam là một nước đang phát triển có trình độ phát triển kinh tế chưa cao, công tác quản lý nhà nước còn chưa hoàn thiện, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân còn nhỏ bé, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung có nhiều hạn chế, hệ thống chính sách kinh tế, thương mại chưa hoàn chỉnh..., nên sẽ gặp khó khăn lớn trong cạnh tranh cả ở trong nước, ngoài nước. Cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện sâu, rộng hơn. Do thực hiện những cam kết của một thành viên WTO, đặc biệt là việc phải cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu, mở cửa sâu rộng nền kinh tế, trong đó có việc phải mở cửa các lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ nhạy cảm cao như: ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng, vận tải, chuyển phát nhanh, nông nghiệp... bởi vậy, nguy cơ rủi ro kinh tế, tình trạng phá sản doanh nghiệp luôn hiện hữu. 

Thứ hai, công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm phát triển, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu khá cao nên các doanh nghiệp thường gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Thứ ba, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch chậm và chưa thực sự hợp lý. Đa số các mặt hàng nông sản, khoáng sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, có giá trị gia tăng thấp. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực mang nặng tính gia công và còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Quá trình chuyển dịch cơ cấu mặt hàng theo hướng công nghiệp hoá diễn ra chậm, chủ yếu vẫn là chuyển dịch theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu.
 
Thứ tư, thị trường nước ngoài mở rộng nhanh nhưng cơ cấu thị trường vẫn còn nhiều bất cập; khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi và tận dụng triệt để những lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và khu vực để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều phụ thuộc vào một số thị trường và do đó dễ chịu tác động mạnh từ những biến động của những thị trường này.

Để khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng những cơ hội mà hội nhập quốc tế đem lại, rõ ràng cần có ý chí quyết tâm cao và nỗ lực không ngừng của tất cả các ngành, các cấp và toàn dân, trong đó ngành Thương mại sẽ đóng góp phần không nhỏ. Với những cố gắng đó, chắc chắn kinh tế đất nước sẽ phát triển, đưa Việt Nam ngày càng sánh vai với các nước trong khu vực và quốc tế./.