Nhân tố Đức tại Liên minh châu Âu trong bối cảnh hiện nay
15:44, ngày 18-03-2013
TCCSĐT - Là một trong những quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), CHLB Đức đã trụ vững trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu nói chung và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu nói riêng. Với sức mạnh quốc gia, Đức không chỉ là động lực kinh tế, chính trị trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà còn thể hiện vai trò to lớn đối với toàn khu vực trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Sức mạnh của Đức
Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản về GDP, với GDP đạt 3 nghìn tỷ USD, tương đương 25% GDP của Eurozone. Kinh tế Đức tập trung chủ yếu vào sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ngành nông nghiệp chỉ sử dụng khoảng 2% - 3% lực lượng lao động. Đức hiện được đánh giá là quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao nhất ở châu Âu.
Về vị trí địa lý, nằm ở giữa EU, Đức trở thành một trung tâm hậu cần và phân phối lý tưởng của châu Âu. Với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không cùng nhiều sân bay quốc tế, nhiều cảng biển và kho vận tải thuộc loại lớn nhất châu Âu, kết cấu hạ tầng là lợi thế lớn để Đức củng cố thêm vai trò trọng yếu của mình đối với khu vực.
Kinh tế đối ngoại của Đức cũng rất phát triển. Dân số của Đức chỉ chiếm hơn 1% tổng dân số thế giới, song xuất khẩu của nước này chiếm 9% xuất khẩu toàn cầu. Quan hệ thương mại của Đức tập trung chủ yếu vào thị trường châu Âu. Kim ngạch hai chiều với khu vực này chiếm từ 65% - 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đức. Đây là yếu tố chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của Đức. Các đối tác thương mại lớn nhất của Đức bao gồm Pháp, Mỹ và Anh. Không những thế, từ khi EU mở rộng thị trường về phía Đông, thương mại giữa Đức với các nước Đông Âu là thành viên mới của EU cũng đạt được tăng trưởng đáng kể.
Ngoài thương mại, Đức còn là một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế, cơ khí chính xác, hệ thống hậu cần và kết cấu hạ tầng tốt, hệ thống pháp lý ổn định và trình độ chuyên môn cao của đội ngũ lao động. Hiện nay, có khoảng 45.000 công ty nước ngoài, trong đó có 500 công ty lớn nhất thế giới, đang hoạt động tại Đức. Tổng vốn đầu tư do các công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Đức hiện tại vào khoảng 476 tỷ ơ-rô.
Theo Tạp chí The Economist, khi Eurozone lâm vào suy thoái, mọi hy vọng đều đổ dồn vào Đức - chiếc đầu máy vẫn đang duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, giống như nhiều nước EU, Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với nền tảng vững mạnh, sức đề kháng của Đức đã giúp nước này không bị trượt sâu vào suy thoái. Đức đã đề ra những biện pháp kích thích kinh tế, thông qua việc cải thiện thị trường lao động, ổn định ngân sách, thúc đẩy thương mại, giảm tỷ lệ thất nghiệp,…
Theo Tạp chí The Economist, khi Eurozone lâm vào suy thoái, mọi hy vọng đều đổ dồn vào Đức - chiếc đầu máy vẫn đang duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, giống như nhiều nước EU, Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với nền tảng vững mạnh, sức đề kháng của Đức đã giúp nước này không bị trượt sâu vào suy thoái. Đức đã đề ra những biện pháp kích thích kinh tế, thông qua việc cải thiện thị trường lao động, ổn định ngân sách, thúc đẩy thương mại, giảm tỷ lệ thất nghiệp,…
Cho đến giữa năm 2011, kinh tế Đức hầu như không có dấu hiệu bị tác động bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Thậm chí, tình hình khó khăn đó của EU còn mang lại cho Đức nhiều “cơ hội”. Chẳng hạn, tại một số thời điểm, Đức có thể huy động vốn trên thị trường với lãi suất rất thấp. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu IFO, xuất khẩu của Ðức trong năm 2012 tăng 6%, đạt 1.124 tỷ ơ-rô; nhập khẩu cũng tăng 7%, đạt 965 tỷ ơ-rô. Trái ngược với các quốc gia Eurozone đang chìm trong nợ, như Hy Lạp và Tây Ban Nha, thâm hụt ngân sách của Đức đã giảm xuống dưới 1% GDP, nhờ doanh thu từ thuế cao và kinh tế tăng trưởng khả quan. Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đề ra mục tiêu lạm phát 2%, nhưng ngày 10-5-2012, Bộ Tài chính Đức cho biết, kể cả tỷ lệ lạm phát lên tới 3%, nền kinh tế nước này vẫn có khả năng chống chịu. Mặt khác, sức tiêu thụ ở Đức khá ổn định. Doanh số bán lẻ của Đức tăng 2,9% trong tháng 6-2012 so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi nhiều nước EU đang khốn đốn trước khủng hoảng tài chính và thất nghiệp gia tăng mạnh, thì tại Đức, tình trạng thất nghiệp có xu hướng giảm trong nhiều tháng (tháng 7-2012, thất nghiệp ở Đức chỉ có 6,6%).
Chừng nào nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vẫn còn duy trì đà tăng trưởng, chừng đó nó còn có thể dần dần kéo những nước khác ra khỏi “vũng lầy” nợ công. Điều này càng rõ nét hơn khi xem xét số phận của đồng tiền chung châu Âu. Khi người Đức nhận ra được hạn chế của đồng tiền này, họ đã cố gắng để sửa chữa. Điều này thể hiện ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của nước Đức trong bối cảnh hiện nay của EU. Chính vì thế, trong Eurozone, Đức là động lực kinh tế và chính trị. Nếu không có Đức, đồng tiền chung hẳn đã khó tồn tại đến nay. Với tất cả những sức mạnh ấy, Đức là đầu tầu lôi kéo cả đoàn tàu EU, là một trung tâm kinh tế giữa lòng châu Âu, là thị trường lớn nhất và quan trọng nhất trong EU. Đức thực sự là một “đối tác toàn cầu” của nhiều nước.
Khẳng định vai trò
Nước Đức khẳng định muốn một châu Âu tốt đẹp hơn, vì vậy, đã cố gắng góp sức để cộng đồng này tồn tại và phát triển.
Trước tiên là sự đóng góp về tài chính. Với sức mạnh kinh tế của mình, Đức có thể mạo hiểm với các gói cứu trợ cho các quốc gia khác. Việc cứu trợ như vậy cũng sẽ mang lại cho Đức vai trò dẫn đầu trong việc định hình lại cấu trúc quản trị của Eurozone.
Trong quá trình tìm biện pháp chống đỡ khủng hoảng, các nước EU đã đưa ra “chiếc ô cứu trợ ơ-rô”(1). Đây là khoản tiền tín dụng mà các nước có thể nhận được, với điều kiện tốt hơn và lãi suất thấp hơn. Nếu không, những nước này sẽ phải vay tín dụng với lãi suất rất cao và gần như sẽ không có khả năng trả nợ được (cần chú ý là, 17 nước Eurozone có tổng nợ rất lớn, với trị giá 7,8 nghìn tỷ ơ-rô).
Đầu tháng 11-2010, chỉ vài ngày sau khi EU quyết định sử dụng chiếc ô này cho các nước Eurozone, Chính phủ Đức đã trình Quốc hội Dự thảo luật về bảo đảm cứu trợ. Theo đó, những nước đang có nguy cơ mất khả năng chi trả, sẽ được nhận gói tín dụng cứu trợ trị giá tối đa bằng 440 tỷ ơ-rô, với lãi suất thị trường. Bên cạnh đó, họ còn được bổ sung thêm 60 tỷ ơ-rô từ nguồn ngân sách của EU. Cũng theo dự luật này, Đức sẽ bảo lãnh đến 123 tỷ ơ-rô, bằng 28% của gói tín dụng 440 tỷ ơ-rô rót vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Do những nước có nguy cơ mất khả năng chi trả sẽ không phải tham gia bảo lãnh, nên Đức phải bổ sung thêm 20% số tiền bảo lãnh của mình. Do vậy, tổng giá trị bảo lãnh của Đức lên tới 147 tỷ ơ-rô. Phần lớn các nước Eurozone đều góp tiền cho quỹ. Tuy nhiên, gánh nặng lớn nhất đè lên vai nước Đức. Tiếp theo đó, ngày 29-9-2011, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua việc mở rộng Quỹ giải cứu tài chính châu Âu. Như vậy, Đức đã nâng phần đóng góp của mình vào Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) từ 167 tỉ USD lên 287 tỉ USD.
Trong quá trình hoạt động của gói cứu trợ trên, Đức là nước cấp nguồn tín dụng lớn nhất. Là quốc gia chủ nợ lớn nhất và quan trọng nhất, Đức cung cấp khoảng 1/3 các khoản cứu trợ tài chính của Eurozone cho các nước đang gặp khó khăn. Đức còn có vai trò lớn hơn trong việc phối hợp thực hiện các chính sách ứng phó trong Eurozone, tạo ra ảnh hưởng và thúc đẩy sự ổn định kinh tế và tài chính trong khu vực.
Đúng là nước Đức không thể hùng mạnh khi đồng ơ-rô bất ổn, nhưng nền kinh tế toàn cầu cũng không ổn định, nếu Đức sa sút và bất ổn. Người Đức có thể không thích những lựa chọn, nhưng họ lại không thể từ chối trách nhiệm của mình. Các nước láng giềng của Đức đang gặp quá nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp cao và không còn khả năng dựa vào nội lực của mình để phát triển. Thủ tướng A.Méc-ken (A.Merkel) công nhận rằng, chính vì quyền lợi của mình, mà Đức đã hỗ trợ cho các nền kinh tế yếu hơn trong Eurozone.
Hai là về thương mại. Trong 3 tháng đầu năm 2012, các công ty Ðức vẫn xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn dự kiến, trước hết là tới các nước BRICS, cũng như các nước có mức tăng trưởng kinh tế mạnh ở châu Á. Nhóm các nước này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ðức. Tháng 2-2012, xuất khẩu của Ðức đã tăng 1,6% so với tháng 1-2011. Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần cải thiện kinh tế Ðức, giúp nền kinh tế lớn nhất EU này tránh rơi vào suy thoái kinh tế. Với việc đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài đem lại lợi ích cho chính mình, Đức còn giúp cho các nước khác cùng tăng trưởng. Nhiều công ty của Đức xuất khẩu máy móc, xe cộ, hóa chất, kim loại, len, ... dùng để sản xuất hàng hóa, nên họ vẫn nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin. Không chỉ với EU, gần đây, việc ký Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc đã tạo cho kinh tế Đức nhiều cơ hội mới. Với Nhật Bản, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Đức cũng đang đàm phán những thỏa thuận tương tự.
Ba là về đầu tư. Từ lâu, Đức đã được xem là một nơi “trú ẩn” an toàn đối với các nhà đầu tư, bởi đây là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, là nước đóng góp nhiều nhất cho các quỹ cứu trợ của Eurozone. Với kinh tế tăng trưởng đều đặn trong 2 năm qua, Đức đã giúp toàn bộ khu vực Eurozone khỏi nguy cơ chìm sâu hơn vào suy thoái trong năm 2012.
Năm 2011, chỉ có 6 nước EU trong đó có Đức là có đầu tư quốc tế ròng. Những tháng gần đây, Đức đã bán hàng tỷ ơ-rô trái phiếu kỳ hạn 10 năm, với lãi suất khoảng 1,5%. Ngày 11-7-2012, Đức đã bán đấu giá 5 tỷ ơ-rô (tương đương 6,1 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Nói cách khác, các nhà đầu tư phải trả cho Đức một mức phí vì sự an toàn cho các khoản tiền của mình. Đức cung cấp thanh toán các khoản nợ không có rủi ro, còn các khoản đầu tư an toàn khác không được cung cấp lãi suất cao.
Bốn là, sự phối hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực. Đức và Pháp vốn có nhiều bất đồng về kinh tế, thế nhưng, vì sự tồn tại của Eurozone, hai bên đã có những nhượng bộ để hợp tác. Ngày 27-8-2012, hai nước đã quyết định thành lập nhóm làm việc chung, nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ. Nhóm này không chỉ thực thi các quyết định nhằm cứu Hy Lạp và Tây Ban Nha, hai nền kinh tế mắc nợ lớn nhất và có nguy cơ bị loại khỏi Eurozone, mà còn giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu, như giám sát hệ thống ngân hàng, liên minh ngân hàng và hội nhập châu Âu. Hai nước hướng tới việc hỗ trợ những ngân hàng bị ảnh hưởng, đưa ra “gói cứu trợ tổng thể”, cùng với một tầm nhìn mới cho châu Âu. Mặc dù là một nước lớn trong EU, nhưng Pháp cũng đã phải thừa nhận vai trò của Đức tại khu vực này. Báo L’Express nhận định, Pháp đã không còn đủ sức mạnh để cạnh tranh vai trò ở EU với Đức, nhất là khi uy tín của Pháp đã sụt giảm, sau khi nước này bị hạ điểm tín nhiệm tài chính. Thông qua những sự kiện trên, báo L’Express đi đến kết luận: Dù muốn hay không, kể từ nay, Béc-lin bắt đầu nói chuyện với thế giới bên ngoài trên tư cách đại diện cho cả châu Âu. Rõ ràng là, vai trò của Đức đã được thừa nhận. Sứ mệnh giải cứu Eurozone dường như chỉ còn trông cậy vào Đức./.
-------------------------------------
-------------------------------------
(1) Tiếng Đức: EU-Rettungsschirm (EU-Rescue umbrella).
Không thể phi chính trị hoá lực lượng vũ trang  (17/03/2013)
Không thể phi chính trị hoá lực lượng vũ trang  (17/03/2013)
Trao giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2012 cho 67 doanh nghiệp  (17/03/2013)
Đại hội Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ III  (17/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên