Một số điều cần làm sáng tỏ khi sửa đổi Luật Đất đai 2003

Đỗ Minh Hạnh thực hiện
21:03, ngày 01-02-2013
TCCSĐT - Góp ý cho sửa đổi Luật Đất đai 2003 là vấn đề đang được dư luận cả nước quan tâm. Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Cộng sản đã phỏng vấn GS, TS. Đỗ Thế Tùng, nguyên giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Có một số điểm mà các phương tiện truyền thông đại chúng gọi là "những nút thắt chưa được tháo gỡ" khi sửa đổi Luật Đất đai 2003. Trước hết về sở hữu đất đai, giáo sư có quan điểm gì về vấn đề này?

GS, TS. Đỗ Thế Tùng:  Trong những cuộc thảo luận của các đại biểu Quốc hội, tôi được biết, có đại biểu đề xuất cần nghiên cứu đa sở hữu với đất đai, nếu không thể và chưa đủ điều kiện cần thiết để công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai - điều mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang áp dụng và cũng nên chấp thuận sở hữu tư nhân đối với một số loại đất.

Theo tôi, cả về lý luận và thực tiễn chế độ tư hữu về ruộng đất đều là trở ngại cho việc phát triển một nền nông nghiệp hợp lý. Việc quy định ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là phù hợp với quy luật tiến hóa và xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại. Vấn đề ở đây là phải xác định rõ trường hợp nào được trao cả ba quyền (quyền sở hữu pháp lý, quyền chiếm hữu thực tế và quyền sử dụng đất); trường hợp nào được trao hai quyền sau và trường hợp nào chỉ trao quyền sử dụng. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Điều 66 của Luật Đất đai 2003 quy định đất ở được sử dụng ổn định lâu dài. Tại nước ta, về thực chất, người chủ của đất ở nắm cả ba quyền, còn đất canh tác thì các hộ nông dân chỉ được nhận hai quyền (nhưng Luật Đất đai năm 2003 mới quy định quyền sử dụng, chưa quy định quyền chiếm hữu). Trong thực tế, một số nông trường trồng cao su, mỗi công nhân được giao khoán chăm sóc từ một đến vài ha và hưởng lợi theo hiệu quả sản xuất, như vậy những công nhân này chỉ được nhận quyền sử dụng ruộng đất.

Độc quyền về ruộng đất dựa trên quyền sở hữu và độc quyền về kinh doanh ruộng đất là hai việc hoàn toàn khác nhau. Để kinh doanh các doanh nhân hay hộ phải được quyền chiếm hữu ruộng đất; nhưng vì ruộng đất với tư cách là tư liệu lao động đã tách hoàn toàn khỏi quyền sở hữu và người sở hữu ruộng đất, nên phải xác định ai nắm quyền chiếm hữu, nếu không sẽ vô chủ.

PV: Theo giáo sư cơ chế và thẩm quyền thu hồi đất ở nước ta hiện nay như thế nào?

GS,TS. Đỗ Thế Tùng: Cơ chế và thẩm quyền thu hồi đất ở nước ta hiện nay còn nhiều kẽ hở và phần lớn trường hợp chưa bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất.

Quy định thu hồi đất theo quy hoạch, theo dự án đầu tư và đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất bằng cách chuyển nhượng, cho thuê hay góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng trong thực tế rất ít khi thực thi hình thức thỏa thuận, mà hầu hết dùng biện pháp hành chính.

Đất đai thường gắn với vùng kinh tế, nhưng chỉ được quy định là Chính phủ tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước, chứ không đề cập quy hoạch vùng. Và, tuy đã quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới, đồng thời cấp trên duyệt quy hoạch của cấp dưới trực tiếp, nhưng trong thực tế thường thiếu mối liên hệ theo vùng kinh tế mà chủ yếu theo đơn vị hành chính, nên dẫn đến việc thu hồi đất tràn lan để xây dựng cảng biển, sân bay, sân gôn và khu công nghiệp,… Hậu quả là chỉ 45% số diện tích của các khu công nghiệp thu hút được dự án đầu tư còn lại là đất hoang, trong khi nông dân không còn đất canh tác, mất kế sinh nhai. Có những sân bay hoạt động kém hiệu quả trong khi mấy sân bay quốc tế lại quá tải. Một số cảng biển rất ít hàng hóa và tàu thuyền thông qua trong khi thiếu cảng nước sâu cho cả vùng và khá nhiều sân gôn trá hình,…

Không những thế, thông thường một cơ quan nhà nước vừa đảm nhiệm việc lập quy hoạch, dự án vừa quyết định thu hồi đất, vừa đền bù cho những người bị thu hồi đất, nên dẫn đến tình trạng dễ lạm dụng quyền lực để cưỡng ép nông dân và tham nhũng.

Hơn nữa, hiếm có lĩnh vực nào lại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như đất đai. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay, ngoài Luật Đất đai 2003, còn 20 luật có nội dung liên quan đến đất đai cộng thêm 22 nghị định của Chính phủ, 12 chỉ thị, 17 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 230 văn bản của các bộ, ngành.

Bởi vậy, cần thu hẹp số cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, dự án, thu hồi đất và ban hành các văn bản liên quan đến đất. Thí dụ, không nên cho cấp huyện, cấp xã các quyền trên mà chỉ cho quyền góp ý vào các dự thảo quy hoạch.

Chỉ nên thu hồi đất bằng quyết định hành chính đối với các trường hợp ghi trong Điều 38 của Luật Đất đai 2003. Còn đất được sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, như xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn (như Điều 40 của Luật Đất đai 2003) thì phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi giữa các nhà đầu tư và những người bị thu hồi đất. Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.

PV: Có nhiều người cho rằng khi thu hồi đất, ruộng đất phải được tính theo giá cả thị trường, vậy giá cả thị trường là gì, thưa giáo sư?

GS,TS. Đỗ Thế Tùng: Nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu rất đúng rằng ruộng đất phải được tính theo giá cả thị trường, giá đó phải do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ điều tiết. Nếu Nhà nước quyết định giá cả ruộng đất thì không phải là giá cả thị trường nữa.

Giá cả thị trường của ruộng đất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: vị trí; mục đích sử dụng; điều kiện kết cấu hạ tầng; tài sản trên đất; môi trường sinh thái; độ mầu mỡ; cơ sở pháp lý (được trao cả ba quyền, hay hai quyền hoặc một quyền); quan hệ cung cầu, cạnh tranh; lợi tức ngân hàng hiện hành; sức mua của tiền (mức độ lạm phát); ảnh hưởng của tệ đầu cơ,… Bởi vậy, phải có những tổ chức bình giá ruộng đất độc lập, có trình độ chuyên môn, hoạt động dưới sự giám sát của Nhà nước để theo dõi và tư vấn về giá đất thì mới có thể sát với giá thị trường.

Vì phụ thuộc vào nhiều nhân tố như trên nên giá cả thị trường của ruộng đất cũng thường xuyên biến động, bởi vậy không thể giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá và từ 3 năm - 5 năm mới điều chỉnh, công bố một lần. Thực tế, cũng vì từng tỉnh quyết định và công bố giá đất theo địa giới hành chính nên mới có tình trạng hai thửa ruộng chỉ cách nhau một con mương mà giá chênh lệch tới 5 - 6 lần.

Xác định đúng giá cả thị trường của ruộng đất cũng sẽ tránh được các tình huống bất hợp lý, như Chính phủ quy định khung giá đất, tỉnh này áp dụng mức thấp nhất, tỉnh kia áp dụng mức cao nhất trong khung; nên tuy vẫn đúng luật nhưng người dân ở tỉnh định giá thấp không đồng tình, dẫn đến khiếu nại. Hay là, hai thửa đất kề nhau, nhưng thửa được thu hồi để xây trường học áp giá 20 triệu đồng/m2, còn thửa kia để xây trung tâm thương mại được bồi thường 100 triệu đồng/m2,,…

PV: Đối với đất nông nghiệp nên xác định thời hạn giao đất, hạn điền, cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đất như thế nào là hợp lý?

GS,TS. Đỗ Thế Tùng: Có ý kiến đề nghị giao đất nông nghiệp 50 năm và có đại biểu Quốc hội muốn giao không thời hạn. Về nguyên tắc, thời hạn giao đất phải dài để khuyến khích người sử dụng yên tâm đầu tư cải tạo đất. Song dù thời hạn dài bao nhiêu vẫn phải có cơ quan giám sát để bảo đảm đất được sử dụng đúng quy hoạch, đúng mục đích và có hiệu quả. Luật Đất đai 2003 đã thể hiện được yêu cầu nói trên. Điều 66 quy định các loại đất được sử dụng ổn định lâu dài, Điều 67 quy định đất sử dụng có thời hạn, trong đó ngắn nhất là đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối (là 20 năm); đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất (là 50 năm). Đồng thời, quy định khi hết hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng luật trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy hoạch đã được xét duyệt. Mặt khác, Luật cũng quy định: thống kê đất đai được tiến hành một năm một lần và kiểm kê đất đai 5 năm một lần (Điều 53).

Như vậy là phù hợp, vì cùng với sự tiến bộ khoa học - công nghệ và xã hội hóa nông nghiệp, số người lao động trong nông nghiệp và dân cư nông thôn sẽ không ngừng giảm bớt; yêu cầu tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn sẽ tăng lên, đòi hỏi phải điều chỉnh quyền chiếm hữu và quyền sử dụng ruộng đất. Quy định thời hạn đồng loạt là 50 năm hay vĩnh viễn sẽ trở ngại cho việc điều chỉnh nói trên.

Về hạn điền, dự thảo quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử đụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.

Ở nước ta, khi kinh tế hộ còn phổ biến và diện tích đất canh tác có hạn thì phải quy định hạn điền. Nhưng khi chuyển lên sản xuất hàng hóa lớn đòi hỏi tập trung ruộng đất, cần phải bỏ quy định hạn điền, khuyến khích những người không đủ điều kiện và khả năng tự kinh doanh nông nghiệp chuyển quyền chiếm hữu ruộng đất vào hợp tác xã và trở thành xã viên hay chuyển nhượng cho các chủ trang trại rồi thành công nhân làm thuê hoặc sang làm việc tại các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đất, Điều 48 của Luật Đất đai 2003 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo một mẫu thống nhất trong cả nước đối với mọi loại đất. Điều này không hợp lý, vì về pháp lý có loại đất được trao cả ba quyền, có loại chỉ được trao hai quyền. Về thời hạn, có loại đất được sử dụng ổn định lâu dài, có loại trong một số năm cụ thể. Bởi vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định cấp những loại giấy chứng nhận khác nhau phù hợp với từng loại đất.

PV: Theo giáo sư nên quy định cơ quan nào làm trọng tài xử lý các vụ tranh chấp và khiếu nại về đất đai ?

GS,TS. Đỗ Thế Tùng: Trong Luật Đất đai 2003 quy định nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc tiếp tục khiếu nại đến chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng, trong thực tế người dân rất ngại “đáo tụng đình”, phần vì trình độ am hiểu pháp luật có hạn, phần vì không đủ tiền để chi phí cho việc tranh tụng. Thực tế cho thấy rất ít trường hợp người dân được xử thắng kiện, thậm chí cán bộ và cơ quan bị đơn thường vắng mặt tại tòa mặc dù đã có giấy triệu tập. Còn đơn từ gửi lên các cấp trên hầu hết lại được “kính chuyển” trở lại cho chính cán bộ hay cơ quan bị khiếu nại về việc thu hồi đất hay đền bù không phù hợp với pháp luật. Vì thế, mà nhiều sự việc bị kéo dài nhiều năm không được giải quyết thỏa đáng, vi phạm lợi ích chính đáng của người dân

Bởi vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định cấp trên trực tiếp hoặc một cơ quan có thẩm quyền cao hơn những cán bộ và cơ quan bị khiếu nại làm trọng tài giải quyết các đơn khiếu nại để bảo đảm quyền dân chủ. Cũng cần quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân trong các khu vực đó giám sát việc giải quyết khiếu nại cho người dân.

Xin cảm ơn giáo sư! ./.