Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ chỉ nhằm hủy hoại xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thời đại
Đã nhiều năm nay, cứ vào dịp đầu năm, Hoa Kỳ lại tự cho phép quyền phán quyết nhân loại bằng cái gọi là “báo cáo tình hình nhân quyền ở các nước” do Bộ Ngoại giao công bố, cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật về những tiến bộ trong cải thiện vấn đề dân chủ, nhân quyền trên thế giới. Tự cho mình quyền “ăn không nói có”, vu cáo và ngang nhiên nhúng mũi vào công việc nội bộ của người khác. Mục tiêu của Mỹ không nhằm gì khác là đẩy mạnh một trong ba mục tiêu của chiến lược an ninh quốc gia sau "chiến tranh lạnh" - cái gọi là “thúc đẩy dân chủ” trên phạm vi toàn thế giới, từng bước thiết lập trật tự thế giới đơn cực Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ đang vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế do tính bất hợp pháp, phi lý và vô nhân đạo của nó. Công luận quốc tế cho rằng, báo cáo nhân quyền thường niên của Mỹ chỉ nhằm huỷ hoại xu thế chủ yếu của thời đại, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bất hợp pháp, phi lý và vô nhân đạo.
Cái gọi là “Báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nước” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được trình lên quốc hội Mỹ hằng năm theo Đạo luật Viện trợ nước ngoài (FAA) là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm thô bạo Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc bình đẳng quốc gia trong ứng xử quốc tế. Theo đạo luật này, cứ vào ngày 25 tháng 2 hằng năm, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phải trình lên Chủ tịch Hạ viện và Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thượng viện một bản “báo cáo đầy đủ và chi tiết về tình hình nhân quyền của các nước nhận viện trợ, ở các nước thành viên Liên hợp quốc và không là đối tượng của báo cáo nhân quyền theo quy định của đạo luật”. Các bản báo cáo này là cơ sở để quốc hội Mỹ phê chuẩn các chính sách đối với các quốc gia nhận viện trợ và các quốc gia khác được coi là có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Nếu chỉ dừng lại là việc riêng của nước Mỹ thì không có chuyện gì đáng bàn, vì lẽ thông thường, để quyết định các chính sách đối ngoại, chính phủ nào cũng phải đánh giá tình hình của các bên đối tác. Tuy nhiên, trường hợp của Mỹ không phải như vậy. Người ta có thể nhận thấy mục đích chính của các báo cáo này là sự áp đặt cái gọi là “giá trị Mỹ” trên phạm vi toàn cầu, dọn đường cho sự can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, thúc đẩy chiến lược “diễn biến hoà bình” đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, đem quân xâm lược các nước được Mỹ liệt vào “các quốc gia khủng bố”, “tài trợ khủng bố “, “trục ma quỷ”, hay “các quốc gia thất bại”.
Sau khi Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã vào thập niên 90 của thế kỷ trước, mất đối thủ tiểm tàng, còn lại siêu cường duy nhất, Mỹ cho rằng đây là thời cơ giành bá chủ thế giới, vì vậy đã triển khai chiến lược an ninh quốc gia mới với tham vọng thiết lập trật tự thế giới một cực do Mỹ độc tôn lãnh đạo. Oa-sinh-tơn không ít lần ngạo mạn tuyên bố: “…đã đến lúc người Mỹ phải đảm nhận lấy vai trò lãnh đạo thế giới " hay "một thế giới không do Mỹ lãnh đạo sẽ là một thế giới bất ổn". Sa-mu-en R.Béc-gơ, một trong những chiến lược gia hàng đầu của Mỹ khẳng định: "...chưa bao giờ sự lãnh đạo của chúng ta (nước Mỹ) lại cần thiết và cấp bách đến thế..."(1). Mục tiêu chính của “chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới” của Mỹ là lập lại trật tự thế giới, đó là trật tự đơn cực do Mỹ làm hạt nhân, ngăn chặn sự trỗi dậy của các đối thủ chiến lược tiềm tàng. Nhà Trắng không giấu diếm, rằng “chúng ta phải ngăn chặn mọi đối thủ chiếm lĩnh các vùng có nguồn lực giúp cho họ trở thành đại cường quốc...phải làm nản lòng các nước công nghiệp phát triển về mọi ý đồ nhằm thách thức sự lãnh đạo của Mỹ" và "phải ngăn chặn trong tương lai mọi đối thủ cạnh tranh toàn cầu”(2)
Nhiều năm nay, Mỹ đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản Hiến chương Liên hợp quốc, những giá trị cơ bản của quyền con người được quốc tế thừa nhận rộng rãi khắp hành tinh. Tiến hành các hoạt động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia bằng việc dựng lên các báo cáo giả mạo về nhân quyền là việc làm vô nhân đạo. Theo thống kê, Mỹ đã không dưới 68 lần can thiệp quân sự, gây chiến tranh xâm lược, dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền, tự do tôn giáo, thúc đẩy dân chủ”. Lịch sử đã ghi nhận “chiến tích” của “những chiến sỹ xung kích” bảo vệ nhân quyền của Hoa Kỳ bằng việc vô cớ chiếm đóng và bắn giết hàng triệu người dân vô tội ở Đông Dương, Triều Tiên, Li-bi, Nam Tư… và đang thả sức thảm sát nhân dân các nước I-rắc, Áp-ga-ni-xtan…Không lẽ những người dân vô tội này là những kẻ vi phạm nhân quyền? Phải chăng những hành động bắt cóc, ám sát, lật đổ, gây rối an ninh xã hội các quốc gia có chủ quyền ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ-La tinh, Đông Âu và nhiều điểm nóng của thế giới được các cơ quan đặc biệt Hoa Kỳ thực hiện từ trước đến nay là những hành động trượng nghĩa, bảo vệ nhân quyền? Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ sẽ không bao giờ quên tội ác của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Những vụ thảm sát đẫm máu dân thường ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), Khâm Thiên (Hà Nội) và các nạn nhân chất độc da cam do quân Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam mãi mãi là bằng chứng không thể chối cãi, minh chứng cho tính vô nhân đạo của cái gọi là “giá trị Mỹ”. Liệu Oa-sinh-tơn có thể chứng minh cho sự trong sạch, ngay thẳng của mình khi đem bom tàn phá Li-bi, Bê-ô-grát (Xéc-bi-a), đem quân vào xâm lược Áp-ga-ni-xtan, I-rắc? Phải chăng những hành động bắt bớ, giam cầm, tra tấn, hãm hiếp, giết hại dân thường của quân nhân Mỹ đang diễn ra ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan là hành “động thúc đẩy dân chủ”?
Sự thật, đó là những hành động “khủng bố nhà nước” không hơn không kém. Nó còn nguy hiểm gấp bội lần hành động của chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện đại. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá một cách thỏa đáng rằng, hòa bình thế giới hiện nay đang bị đe dọa bởi hai kẻ khủng bố lớn nhất hành tinh, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố nhà nước Hoa Kỳ. Có thể nói, lưỡi gươm khủng bố Hồi giáo cực đoan và lưỡi gươm khủng bố nhà nước Hoa Kỳ (được núp dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố) đang treo lơ lửng trên đầu nhân loại.
Trong khi lớn tiếng rao giảng “dân chủ” và truyền bá cái gọi là “giá trị của thế giới tự do” khắp hành tinh thì trong lòng xã hội Mỹ còn đầy rẫy bất công và bạo lực. Đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Ở Mỹ vẫn có 25% số gia đình sống trong tình trạng nghèo đói, 25% trẻ em bị đe doạ chết đói, trong khi đó 1% số gia đình giầu nhất nước lại sở hữu 19% tổng số tài sản quốc gia, một bộ phận dân chúng lao động, nhất là người da màu, dân nhập cư sống trong tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, không được chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và bị bóc lột. Đó là tệ phân biệt chủng tộc và bạo lực tràn lan. Không ở đâu như ở Mỹ, súng đạn được bán và trang bị cho mọi người như một thứ đồ sinh hoạt thông thường. Hiến pháp và pháp luật Mỹ cho phép “quyền được mang và sử dụng vũ khí” được coi là quyền tự do cá nhân và bất khả xâm phạm. Đó là nền “văn hóa súng đạn”, như cách gọi của cựu thủ tướng Ốt-xtrây-li-a Giôn Hô-uốt đánh giá về nền văn hóa này của Mỹ sau vụ thảm sát 32 giáo viên, sinh viên ngày 16 tháng 4 năm 2007 tại trường đại học công nghệ Vơ-gi-ni-a. Ở Mỹ đang có khoảng 250 triệu khẩu súng được dân chúng sở hữu và sử dụng, tức là trung bình mỗi người dân Mỹ có một khẩu súng. Nền văn hoá súng đạn của Mỹ đã gây ra hậu quả xã hội hết sức nghiêm trọng, những vụ thảm sát tập thể dã man xảy ra như cơm bữa. Xã hội Mỹ là một xã hội kém an toàn nhất thế giới.
Phản bác lại “Báo cáo nhân quyền ở các nước năm 2007” được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 11 tháng 3 năm 2008, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định rằng, đánh giá của Mỹ về nhân quyền không đáng tin cậy và là hành động “bẩn thỉu”. Theo Nga, báo cáo nhân quyền của Mỹ thể hiện chính sách hai mặt của chính quyền Oa-sinh-tơn sử dụng nhân quyền làm công cụ can thiệp vào công việc của người khác trong khi lại không giám đối mặt với những vi phạm nhân quyền ngay trong lòng nước Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cho rằng, Mỹ sử dụng nhân quyền cho mưu đồ chính trị. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung quốc khẳng định, Mỹ quá kiêu ngạo tự cho mình quyền phán xét nhân quyền của nước khác trong khi còn rất nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền ngay trên đất Mỹ. Báo cáo kết luận, khi trên đất nước mình còn đầy rẫy sự sai trái thì người Mỹ chẳng có lý do và chẳng có quyền hạn gì để nhận xét những gì đang diễn ra tại các nước khác.
Rõ ràng rằng, báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới của Mỹ là bất hợp pháp và hoàn toàn phi lý, hành động sử dụng vấn đề nhân quyền như một phương tiện chính trị can thiệp, gây rối, chia rẽ các quốc gia, dân tộc là hành động vô nhân đạo.
Hủy hoại xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thời đại.
Cộng đồng quốc tế đang thừa nhận một thực tế rằng, mặc dù thế giới còn tồn tại những xung đột cục bộ chưa được giải quyết, nhưng xu thế chủ yếu của thời đại ngày nay là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Cộng đồng quốc tế trong thời đại ngày nay phải dựa vào nhau nhiều hơn, chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu và cùng phát triển. Mỹ cũng không ngoại lệ, nếu không dựa vào cộng đồng quốc tế, mình nước Mỹ không thể giải quyết được. Bờ-dê-din-xki thống kê có không dưới 20 vấn đề mà tự Mỹ không thể giải quyết nổi. Còn B. Clin-tơn khi còn làm tổng thống cũng đã thừa nhận bước sang thế kỷ XXI, Mỹ phải đối phó với một thế giới đầy bất trắc và hiểm hoạ, thế giới ngày nay vẫn là nơi nguy hiểm và không rõ ràng. Đáng tiếc rằng, những việc làm ngang ngược của Mỹ, trong đó có vấn đề nhân quyền đang đi ngược lại và hủy hoại xu thế chủ yếu này của nhân loại.
Lịch sử và hiện thực đang chứng minh rằng, chính sách lợi dụng những đặc điểm không giống nhau về văn hóa, quan điểm về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc có chủ quyền của Mỹ đã gây ra những mâu thuẫn trầm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc tế. Đó là tình trạng mất ổn định xã hội ở các nước Đông và Trung Âu dẫn đến các cuộc cách mạng màu sắc trong mấy năm gần đây, phá vỡ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết dân tộc ở Nam Tư, Tiệp Khắc (hai quốc gia này đã không còn tên trên bản đồ thế giới), Liên Bang Nga…Và đang khuyến khích chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng, Tân Cương (Trung Quốc), Chéc-xni-a (Nga), Cô-xô-vô (Xéc-bi-a)… nhằm làm giảm đi đáng kể sức mạnh của các quốc gia được Mỹ coi là “đối thủ tiểm tàng”. Đặc biệt hơn, chính sách hai mặt trong ứng xử quốc tế của Mỹ đã làm cho các mâu thuẫn chủ yếu của thế giới đương đại có mặt trầm trọng hơn, đẩy nhân loại đứng trước thảm họa xung đột vũ trang cục bộ. Đó là xung đột tôn giáo, sắc tộc, nạn khủng bố quốc tế ở Trung Đông, châu Phi và châu Á. Chính sách bao vây, cấm vận và chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ đã làm cho nhiều quốc gia, dân tộc điêu đứng trước nạn nội chiến, đói nghèo, bệnh tật như ở vùng Sừng châu Phi, Cu-ba, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Pa-ki-xtan, Sri-lan-ca…
Các báo cáo về tình hình nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như các đạo luật về nhân quyền dành cho các nước của Quốc hội Mỹ trong nhiều năm qua đã bị dư luận trong nước và quốc tế lên án là hành động hủy hoại hòa bình, hợp tác và phát triển. Năm 2004, ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết H.R 1587 (Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2004, dự luật này đã bị 45 nghị sỹ bỏ phiếu chống và 65 nghị sỹ không bỏ phiếu), nhiều nghị sỹ có danh tiếng đã lên tiếng phản đối. Hạ nghị sỹ L. Ê-van cho rằng “dự luật này sẽ hủy hoại mối quan hệ Mỹ-Việt Nam”. Còn Hạ nghị sĩ Gim Kô-bê thì cho rằng, việc thông qua và thực hiện H.R 1587 có thể tổn hại đến quan hệ giữa hai nước, những nỗ lực trong giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng đối với Mỹ, như chống khủng bố, vấn đề MIA, ngăn chặn HIV/AIDS và chống ma túy. Nhiều chính khách Mỹ nhắc nhở nhà cầm quyền Oa-sinh- tơn rằng, đừng quên Mỹ đã từng tàn phá đất nước và gây tội ác đối với nhân dân Việt nam. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, ngày 15 tháng 3 năm 2008 khẳng định rằng, việc chính trị hóa vấn đề bảo vệ nhân quyền và bóp méo tình hình nhân quyền không giúp được gì cho việc giải quyết các vấn đề hiện nay mà chỉ phá hoại giá trị của các nguyên tắc và mục tiêu của hợp tác quốc tế.
Nhân quyền là thành quả phát triển của lịch sử lâu dài của cả nhân loại. Vấn đề nhân quyền ở mỗi quốc gia, không kể hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị- xã hội, kinh tế và văn hoá đều có những giá trị chung giống nhau, không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau, đồng thời mang tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về chính trị, lịch sử, văn hoá và tôn giáo. Liên hợp quốc tuyên bố:“Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan đến nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo”(3). Đáng tiếc rằng, trong khi cộng đồng quốc tế thừa nhận cả hai đặc tính của quyền con người, thì Mỹ và đồng minh lại phủ nhận tính đặc thù của quyền con người, đề cao tự do cá nhân, rêu rao học thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Họ tự vỗ ngực là người bảo vệ nhân quyền, lợi dụng các vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, “dân tộc” xuyên tạc, vu cáo các nước khác vi phạm nhân quyền, ngang nhiên can thiệp và công việc nội bộ, đe doạ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia có chủ quyền. Hành động ngạo mạn của Mỹ tự cho mình quyền phán quyết vấn đề nhân quyền ở các nước và lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phần thế giới còn lại không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ làm phức tạp thêm các vấn đề quốc tế. Nó đang đi ngược lại xu thế và huỷ hoại môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển của thế giới đương đại.
Quan hệ Mỹ - Việt đã có bước phát triển theo hướng tích cực có lợi cho hoà bình, an ninh khu vực và lợi ích của nhân dân mỗi nước. Trên lĩnh vực nhân quyền, Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật được quốc tế thừa nhận đặc biệt trong các lĩnh vực cải cách dân chủ, tôn giáo, dân tộc, tự do báo chí, tự do thông tin và các thành tựu văn hoá, y tế, giáo dục và các vấn đề xã hội khác. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng hai đặc tính cơ bản của vấn đề quyền con người và sẵn sàng đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì phẩm giá con người, nhưng kiên quyết không chấp nhận việc lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam chủ trương gia tăng các cuộc tiếp xúc, đối thoại với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và không can thiệp vào công việc của nhau để giải quyết các bất đồng xung quanh vấn đề nhân quyền. Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ rõ:“Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam”(4).
Nông nghiệp và nông dân Việt Nam phải làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế  (19/03/2008)
Nông nghiệp và nông dân Việt Nam phải làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế  (19/03/2008)
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn  (19/03/2008)
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên