Ở mỗi thời kỳ cách mạng, xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cụ thể của Đảng và căn cứ vào bối cảnh trong nước và quốc tế, Đảng ta luôn có những phương thức lãnh đạo phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ đó. Trong công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự đổi mới toàn diện, sâu sắc về kinh tế - xã hội và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta rất coi trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo đối với xã hội, đối với Nhà nước; tiếp tục tự đổi mới mình, tự nâng cao mình để khẳng định vị thế Đảng cầm quyền

Phương thức lãnh đạo của Đảng gắn liền với sự ra đời của Đảng và luôn được bàn đến. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã bàn đến phong cách lãnh đạo; từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta bàn nhiều về phương thức lãnh đạo.

1 - Phương thức lãnh đạo của Đảng là gì?

Theo nghĩa danh từ: phương thức là phương pháp và hình thức tiến hành; còn phương pháp là cách thức tiến hành công việc, hoạt động của con người và tổ chức do con người lập ra nhằm đạt hiệu quả cao. Khi điều kiện vật chất, bao gồm cả vật chất dưới dạng xã hội, hạ tầng cơ sở có sự thay đổi, thì phương thức tiến hành cũng phải có sự thay đổi.

Phương thức lãnh đạo của Đảng là phương pháp và hình thức tiến hành lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng phụ thuộc trước hết vào vị trí của Đảng trong xã hội. Đồng thời luôn phát triển theo sự phát triển của hệ thống chính trị, sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ trong mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể. Cùng với công tác tổ chức và cán bộ, phương thức lãnh đạo của Đảng hợp thành nội dung chủ yếu của công tác xây dựng Đảng.

Khi nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo, cần đề cập đến đổi mới cả nội dung lãnh đạo. Vì nội dung lãnh đạo luôn gắn liền với phương thức lãnh đạo, chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Do đó, khi đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải nghiên cứu để đổi mới cả 3 vấn đề sau:

1 - Đổi mới nội dung lãnh đạo

2 - Đổi mới phương pháp lãnh đạo.

3 - Đổi mới hình thức và phong cách lãnh đạo

Về nội dung lãnh đạo của Đảng:

Tất cả các nội dung lãnh đạo của Đảng thể hiện ở Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối, nghị quyết... do Đảng ta đề ra và lãnh đạo thực hiện trong từng giai đoạn cách mạng.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội bằng chủ trương, đường lối, bằng nghị quyết. Một chủ trương, một nghị quyết chính xác và phù hợp thực tiễn khách quan đã chứa đựng nội dung lãnh đạo của Đảng. Các chủ trương, đường lối của Đảng phải được luật hóa thông qua Quốc hội. Hệ thống pháp luật này phải thể hiện đẩy đủ những định hướng lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tế đang diễn ra và phải thể hiện được xu hướng phát triển của thực tiễn. Dựa vào các chủ trương, định hướng phát triển, nghị quyết của Đảng về các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nhà nước phải cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết đó bằng các dự án lớn, quan trọng, phát triển từng lĩnh vực để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thực chất là sự đổi mới cách thức lãnh đạo của Đảng trong cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ sao cho có hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm giữ vững và tăng cường về vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức

Về phương pháp lãnh đạo của Đảng

Phương pháp là toàn bộ những cách thức với tính chất là hệ thống các nguyên tắc nhằm tác động vào đối tượng, khách thể để thực hiện mục tiêu đã định với hiệu quả cao.

Phương pháp một mặt mang tính chủ quan, vì do con người tìm kiếm, lựa chọn, sử dụng; mặt khác lại mang tính khách quan vì nó gắn với đối tượng, khách thể mà con người muốn tác động bằng hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của mình. Phương pháp nhất thiết phải xuất phát từ cơ sở đối tượng, khách thể, nó tồn tại và vận động theo các quy luật khách quan, không phụ thuộc vào cảm giác của con người (tính chủ quan). Phương pháp đúng đắn, khoa học phải bảo đảm phù hợp của hai mặt chủ quan và khách quan. Phương pháp sẽ sai lầm nếu nó chỉ là kết quả của sự tìm kiếm chủ quan, áp đặt duy ý chí.

Phương pháp lãnh đạo của Đảng được thể hiện và thông qua nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Nguyên tắc này mọi đảng viên, các tổ chức đảng, cấp ủy đều biết và hiểu, nhưng khi vận dụng vào thực tiễn không phải dễ. Trong thực tế vẫn còn có những đảng viên độc đoán, chuyên quyền, lộng quyền, áp đặt ý muốn chủ quan của cá nhân vào hoạt động lãnh đạo. Do vậy, để thực hiện đúng phương pháp lãnh đạo, đầu tiên phải vận dụng đúng nguyên tắc tập trung dân chủ vào hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Lãnh đạo thông qua tổ chức và đảng viên. Tổ chức đảng và đảng viên hoạt động theo Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và các nguyên tắc Đảng. Nếu tổ chức đảng và đảng viên yếu kém thì không thực hiện được mục tiêu quản lý và lãnh đạo. Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ đều khẳng định "Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối công tác tổ chức cán bộ". Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua các tổ chức đảng và đảng viên trong bộ máy nhà nước. Do đó, Đảng có trách nhiệm giới thiệu những đảng viên đủ tiêu chuẩn để Quốc hội bầu và phê chuẩn vào các vị trí chủ chốt của các cơ quan nhà nước. Đảng đòi hỏi các tổ chức đảng và đảng viên công tác và hoạt động trong các cơ quan nhà nước, trong bộ máy của Chính phủ phải chấp hành nghiêm nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đặc biệt, phải lãnh đạo việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp, luật pháp của Nhà nước và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Sự đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước theo hướng xây dựng thể chế đòi hỏi bảo đảm tôn trọng và phát huy vị trí, vai trò, chức năng của Nhà nước.

Lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát. Đảng ta đã khẳng định: không kiểm tra coi như không lãnh đạo và đến nay đã xác định kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát không chỉ là của ủy ban kiểm tra các cấp mà là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp ủy. ủy ban kiểm tra chỉ là cơ quan chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Phải xác định đúng điều này, để cấp ủy có trách nhiệm và thông qua các ban của mình để kiểm tra, giám sát các đảng viên và tổ chức đảng trong hệ thống nhà nước. Mỗi một lĩnh vực, Đảng đều có nghị quyết, các ban của cấp ủy phải tham mưu để kiểm tra, giám sát chính các nghị quyết thuộc lĩnh vực của mình, trước tiên để xem xét các nghị quyết đó có đến được với tổ chức đảng và đảng viên không và việc triển khai, hiệu quả thực hiện nghị quyết đó như thế nào.

Qua tổng kết 20 năm đổi mới, có 2 vấn đề về phương pháp lãnh đạo của Đảng cần nghiên cứu rút kinh nghiệm.

Thứ nhất, Đảng vẫn còn bao biện, làm thay, lấn sân vào các cơ quan nhà nước và Quốc hội. Thực tế có cấp ủy còn lấn sân công việc của chính quyền như: quyết định những vấn đề về dự án đầu tư, về đấu thầu, chỉ định thầu... Hoặc có cấp ủy còn đi sâu quản lý việc chi tiêu của các dự án...

Thứ hai, hiện nay nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn buông lỏng quản lý. Cụ thể, không ban hành các quy chế hoạt động, thiếu các quy định cụ thể làm chuẩn mực cho tổ chức đảng và đảng viên thực hiện, không thực hiện việc kiểm tra, giám sát, không sâu sát thực tế, không gần dân, lắng nghe dân, không gần đảng viên. Do đó đã không phát hiện hoặc chậm phát hiện các dấu hiệu vi phạm xảy ra.

Về phong cách lãnh đạo của Đảng

Phong cách hiểu theo nghĩa rộng là lề lối, cung cách, phong thái, phong độ và phẩm chất đã trở thành nền nếp ổn định của một người hoặc của một lớp người (ví dụ như phong cách Hồ Chí Minh, phong cách giai cấp công nhân, phong cách lãnh đạo của Đảng...) được thể hiện trong mọi hoạt động tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó. Qua phong cách thể hiện, độ uy tín của một người hoặc một tổ chức do những con người đó hợp thành được nâng lên.

Phong cách có quan hệ mật thiết với tư tưởng, đạo đức, đường lối và phương pháp. Đường lối có tính quyết định thì phương pháp là những cách thức có tính nguyên tắc, để đưa đường lối vào cuộc sống thực tiễn. Nhưng dù phương pháp nào đi nữa thì nó chỉ được thực hiện thông qua những con người cụ thể với phong cách khác nhau. Phong cách khác nhau thì việc vận dụng phương pháp và kết quả thực hiện đường lối khác nhau. Phong cách đúng đắn, thực sự cách mạng và khoa học thì kết quả đạt được sẽ cao. Một phong cách giản dị, thẳng thắn, chân thành, cởi mở, gần dân, sát dân, lắng nghe dân, không sợ khuyết điểm, dám nhận trách nhiệm về mình cùng với hiểu biết khoa học, khách quan luôn giúp người lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Hiện nay phong cách lãnh đạo của một số đảng viên xa dân, không chịu lắng nghe ý kiến của dân, đến với dân với thái độ hách dịch, quan cách. Nhìn vào người lãnh đạo, đầu tiên người dân nhìn vào phong cách. Chúng ta đã xem những đoạn phim tư liệu về Bác Hồ, hình ảnh một Chủ tịch nước giản dị, quần nâu, áo vải đến với dân, hòa nhập vào dân vĩnh viễn không phai mờ. Phong cách giản dị của Bác vẫn luôn in đậm trong tâm trí của mọi người, mà sao chúng ta lại không học tập, vận dụng phong cách đó vào hoạt động lãnh đạo. Phong cách lãnh đạo phải xây dựng là phong cách Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh không phải ở tầm cao không thể vươn tới, mà luôn luôn rất gần gũi với mọi người. Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể từ phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách viết và diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt...

2 - Đổi mới như thế nào?

Từ sự phân tích trên và xuất phát từ: "Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn chậm và lúng túng. Chậm nghiên cứu và ban hành những quy định cụ thể về phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước..." và "chưa thực sự coi trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thực hiện nói đi đôi với làm; tình trạng nói nhiều làm ít, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi"(1), do đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là cần thiết và quan trọng. Vậy đổi mới như thế nào?

Trước hết, Đảng muốn mạnh thì bộ máy của mình phải mạnh. Phải xây dựng tổ chức đủ mạnh với hệ thống quy định đơn giản, dễ làm. Chúng ta vừa xác định lãnh đạo là thông qua các tổ chức đảng, vậy tổ chức phải như thế nào? Tổ chức càng cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng thì khó đạt hiệu quả lãnh đạo. Một bộ máy tinh gọn cộng với cách làm việc khoa học, dễ hiểu, không qua nhiều tầng nấc sẽ làm cho hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng cao rất nhiều. Cho nên phải đổi mới cách làm. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng thì tổ chức này phải được đổi mới và cơ chế hoạt động của tổ chức đó phải được nghiên cứu phù hợp. Nghĩa là đổi mới tổ chức phải đồng thời với xây dựng cơ chế hoạt động của tổ chức đó cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn.

Hai là, phải đổi mới công tác kiểm tra, giám sát - một nội dung của phương thức lãnh đạo. Đã xác định Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát, thông qua kiểm tra, giám sát, lãnh đạo bằng tổ chức, thông qua tổ chức, nhưng để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thì cách tổ chức ủy ban kiểm tra cần đổi mới. Nếu để đại hội bầu ủy ban kiểm tra thì vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trong công tác của ủy ban sẽ khác hơn. Phải xây dựng quy chế hoạt động và cơ chế phối hợp hữu hiệu để ủy ban thực sự là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Đảng, giúp cấp ủy thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Ba là, đổi mới và hoàn thiện phong cách lãnh đạo của Đảng, tập trung vào xây dựng phong cách của người lãnh đạo và phong cách đảng viên theo phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đảng ta là đảng cầm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống đó. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là cần thiết và quan trọng. Có đổi mới phương thức lãnh đạo thì mới bảo đảm nâng cao vị trí cầm quyền và vai trò lãnh đạo của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới.
 

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tr 272 - 273