Vì sao Ngoại trưởng Mỹ thăm châu Phi?

Võ Giang
20:19, ngày 15-08-2009

TCCSĐT - Tuần qua, một sự kiện thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế là chuyến công du 7 nước châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn. Diễn ra chỉ ba tuần sau chuyến thăm Ga-na của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, chuyến công du của bà Hi-la-ri là sự tiếp nối cam kết của chính quyền Mỹ đưa châu Phi trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Một cách công khai, bà Hi-la-ri Clin-tơn đã đưa ra thông điệp quen thuộc rằng, Oa-sinh-tơn ủng hộ mạnh mẽ các cuộc bầu cử công bằng, nỗ lực chống tham nhũng và chống vi phạm nhân quyền ở châu Phi. Nhưng đằng sau đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới các nước Kê-ni-a, Nam Phi, Ăng-gô-la, Công-gô, Ni-giê-ri-a, Li-bê-ri-a và Cáp-ve được coi là một “chiến dịch ngoại giao toàn diện” nhằm bảo vệ và tăng cường ba lợi ích quan trọng của Mỹ trong hợp tác với châu Phi, gồm: lợi ích từ Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA); lợi ích từ việc khai thác dầu, nguồn tài nguyên thiên nhiên; và lợi ích an ninh.

Lợi ích từ AGOA

Đây là chính sách do chính quyền Mỹ đưa ra từ năm 2000, nhằm hỗ trợ các nước khu vực cận Xa-ha-ra phát triển. AGOA thực hiện miễn giảm thuế cho hơn 6.400 sản phẩm của 39 nước châu Phi khi xuất sang thị trường Mỹ, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân các nước châu Phi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính Mỹ chứ không phải châu Phi được lợi hơn từ AGOA, bởi hầu hết các sản phẩm nông nghiệp của châu Phi vẫn phải cạnh tranh với sản phẩm hàng hóa nông nghiệp được trợ cấp lớn và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh của Mỹ, trong khi AGOA, là cơ sở thực hiện FTAs Mỹ - châu Phi, tạo thuận lợi cho hàng hóa Mỹ tràn vào châu Phi. Thực hiện AGOA, các doanh nghiệp Mỹ còn hưởng lợi từ việc khai thác nguồn nhân công châu Phi rẻ mạt. Ngoài ra, 80% viện trợ Mỹ dành cho châu Phi cuối cùng, cũng dùng để mua, tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ; châu Phi vì thế ngày càng phụ thuộc vào viện trợ Mỹ mà không cải thiện được đáng kể tình hình kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, trong chặng dừng chân đầu tiên, tham gia Diễn đàn AGOA lần thứ 8 ở Kê-ni-a - quốc gia đồng minh lâu năm của Mỹ, bà Hi-la-ri đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó kêu gọi các nước châu Phi gỡ bỏ rào cản thương mại, mở cửa thị trường nội khối. Bà cũng cho biết, tới năm 2014, Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi, đồng thời tăng số lượng các thỏa thuận song phương với các nước trong châu lục.

Thực chất, những lời kêu gọi, cam kết của bà Hi-la-ri để thể hiện “Mỹ có trách nhiệm đối với tương lai châu Phi” là nhằm thuyết phục châu Phi duy trì AGOA lâu dài, bảo đảm cho lợi ích kinh tế chiến lược của Mỹ.

Lợi ích từ khai thác dầu, tài nguyên thiên nhiên

Châu Phi là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ và tài nguyên khai khoáng. Lục địa này hiện cung cấp hơn 15% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ. Dự đoán, tới năm 2015, lượng dầu nhập từ châu Phi sẽ chiếm ¼ tổng lượng dầu nhập của Mỹ, nhiều hơn tổng số dầu Mỹ nhập từ các quốc gia vùng Vịnh. Điều này cho thấy Mỹ không thể phớt lờ châu Phi.

Tuy nhiên, quan hệ có phần lạnh nhạt của Mỹ với châu Phi dưới thời chính quyền G.Bu-sơ đã tạo cơ hội thuận lợi cho Ấn Độ, Bra-xin, A-rập Xê-út, Nga, đặc biệt là Trung Quốc... đẩy mạnh ảnh hưởng, cạnh tranh khai thác các nguồn tài nguyên phong phú ở khu vực này. Trong lúc đó, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ vẫn loay hoay với “bài toán” làm thế nào vừa bảo đảm đủ dầu cho nước Mỹ, vừa duy trì quyền lực Mỹ trong khu vực. Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn chính là “lời giải” giúp Mỹ bảo vệ các lợi ích quốc gia trên.

Tại Nam Phi, bà Hi-la-ri Clin-tơn đã thảo luận với các lãnh đạo mới của nước này về vấn đề HIV/AIDS, vấn đề Dim-ba-bu-ê. Nhưng trên hết, Mỹ muốn thông qua chuyến thăm của bà Hi-la-ri để xây dựng quan hệ tốt đẹp mới với tân Tổng thống Nam Phi, Gia-cốp Du-ma, bởi Nam Phi là nền kinh tế dẫn đầu “lục địa đen” trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Với Ăng-gô-la, quốc gia có tiềm năng kinh tế, trữ lượng dầu lớn, ảnh hưởng rất quan trọng tại vùng Vịnh Gui-nê-a, nơi được dự báo đến năm 2020 sẽ cung cấp từ 20%-25% lượng dầu Mỹ nhập khẩu, sự có mặt của bà Hi-la-ri không chỉ nhằm thắt chặt quan hệ với quốc gia này mà còn để bảo vệ lợi ích các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ tại đây. Bởi nhiều tín hiệu cho thấy, Ăng-gô-la đang dần thoát khỏi ảnh hưởng viện trợ Mỹ, nghiêng sang cung cấp dầu thô cho Trung Quốc.

Việc bà Hi-la-ri tới thăm Ni-giê-ri-a cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi hiện nay Ni-giê-ri-a có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi với 34 tỉ thùng và 2.000 tỉ m3 khí đốt tự nhiên, đồng thời đây còn là đối tác cung cấp dầu chủ yếu cho Mỹ. Chuyến thăm của bà Hi-la-ri đã “xoa dịu” sự ấm ức của nhiều người dân Ni-giê-ri-a trước việc Tổng thống Ô-ba-ma chọn Ga-na chứ không phải là Ni-giê-ri-a để tới thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Có thể thấy, các điểm đến của bà Hi-la-ri đều là những nước xuất khẩu dầu và khoáng sản lớn của châu Phi. Mục đích của bà Hi-la-ri là thuyết phục lãnh đạo các nước châu Phi tạo điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư Mỹ thâm nhập thị trường “lục địa đen”, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác dầu. Đổi lại, Mỹ cam kết sẽ viện trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước hợp tác với Mỹ. Như vậy, Mỹ có cơ hội xây dựng quan hệ mạnh mẽ, can dự sâu vào các nền kinh tế lớn ở châu Phi.

Một số nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang áp dụng chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” với châu Phi. Theo họ, mục tiêu đằng sau việc Ngoại trưởng Mỹ đánh giá cao Cáp-ve như một “hình mẫu dân chủ tại châu Phi”, đồng thời kêu gọi các nước châu Phi khác tăng cường dân chủ, đơn giản là để bảo đảm cho lợi ích kinh tế của Mỹ trong việc khai thác dầu mỏ cũng như tài nguyên thiên nhiên tại đây.

Lợi ích an ninh

Nhận thức tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của châu Phi đối với lợi ích an ninh, từ năm 2007, Mỹ bắt đầu thúc đẩy dự án Bộ chỉ huy quân sự châu Phi (AFRICOM). Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Phi phản đối dự án này vì lo ngại Mỹ lấy cớ “chống khủng bố” để quân sự hóa các hoạt động nhân đạo, kinh tế, đe dọa an ninh, ổn định trong khu vực. Đến nay, AFRICOM tiếp tục đóng ở Xtút-gát (Đức) mà chưa có trụ sở tại châu Phi.

Trong chuyến thăm 7 nước châu Phi, bà Hi-la-ri đã thảo luận hàng loạt hành động cụ thể nhằm giải quyết xung đột ở Xu-đăng, nội chiến ở Công-gô, bạo lực ở Ni-giê-ri-a, hải tặc ngoài khơi Xô-ma-li,... cũng như các chương trình cứu trợ, cung cấp dịch vụ y tế, phòng chống HIV/AIDS. Bằng cách này, Mỹ muốn đàm phán, thuyết phục các nước về vai trò của AFRICOM, với hy vọng về lâu dài, AFRICOM có thể đứng chân trên lãnh thổ một nước châu Phi nào đó, nhằm từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn khu vực.

Có thể nói, chuyến công du dài ngày tới châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ là thông điệp cho thấy, Mỹ sẽ “để mắt hơn” tới vùng cận sa mạc Xa-ha-ra. Nhưng các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng, không dễ gì cụ thể hóa thông điệp trên trong bối cảnh Mỹ còn vướng bận giải quyết hàng loạt vấn đề “nan giải” như: khủng hoảng kinh tế; cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc; vấn đề hạt nhân I-ran, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; xung đột Trung Đông…/.