Tô thắm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào
TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chummaly Sayasone, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân đã sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 9 đến ngày 11-2-2012.
Cùng đi với Chủ tịch nước lần này có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Viết Tân, Thứ trưởng Bộ Công an; Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Đối ngoại Trung ương; Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nguyễn Văn Thạo, Trợ lý Chủ tịch nước.
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chummaly Sayasone, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong và thăm một số địa phương của Lào, tham dự Tọa đàm xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Trung và Nam Lào.
Với chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước nhằm bảo đảm lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên, nước bạn Lào luôn nhấn mạnh việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và một số nước anh em khác. Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước và là sự kiện mở đầu cho các hoạt động chào mừng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”.
Là nước nằm sâu trong lục địa, không có đường thông ra biển và chủ yếu là đồi núi, 47% diện tích là rừng, đất nước triệu voi có nguồn tài nguyên phong phú về lâm, nông nghiệp, khoáng sản và thủy điện. Những năm gần đây, kinh tế Lào có những bước phát triển đáng mừng. Tăng trưởng GDP của Lào năm 2007 đạt 8%, năm 2008 đạt 7,9%. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng dần theo mức, năm 2000 đạt 298USD/người/năm; năm 2006 đạt 546USD/người/năm, năm 2007 đạt 678USD/người/năm, năm 2008 đạt 841USD/người/năm. Đến năm 2020, Lào phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người tăng gấp 2-3 lần hiện nay, khoảng 1.200-1.500 USD/năm. Hiện nay Lào đã có quan hệ thương mại với 60 nước và ký Hiệp định thương mại với 19 quốc gia, xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng gỗ và khoáng sản.
Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5-9-1962, từ đó đến nay, quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào liên tục được củng cố và phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên duy trì các cơ chế họp thường niên kể cả ở cấp cao, hằng năm đều có các cuộc trao đổi giữa các đoàn, các cấp càng khẳng định sự coi trọng của lãnh đạo cấp cao trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước. Tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 33, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác hai nước năm 2011, Hiệp định hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược Hợp tác 2011-2020 Việt Nam - Lào. Lãnh hai nước đã nhất trí chọn năm 2012 là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào".
Quan hệ đặc biệt, gắn bó và tin cậy Việt Nam – Lào tiếp tục được củng cố và có những bước phát triển tốt đẹp, ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu và có hiệu quả, đặc biệt là quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư... Trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 về đầu tư vào Lào. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 224 dự án đầu tư tại Lào với tổng giá trị đầu tư 3,57 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, điện, nông nghiệp, dịch vụ... Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào tăng trưởng tương đối tốt. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt 636 triệu USD, tăng 48% so với cùng năm 2010. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Lào 239 triệu USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2010. Hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỉ USD trong năm 2012 và đạt 2 tỉ USD vào năm 2015.
Cùng với việc phát triển quan hệ kinh tế, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào trên các lĩnh vực giao thông vận tải, y tế, văn hóa - thể thao - du lịch... những năm qua cũng đạt hiệu quả cao. Giáo dục đào tạo tiếp tục là lĩnh vực hợp tác chiến lược. Hai bên đã ký kết và triển khai “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”. Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã dành gần 700 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam. Sự hợp tác giữa các địa phương cũng tiếp tục được hai nước tăng cường, phát huy mối quan hệ đoàn kết, hợp tác truyền thống gắn bó, bảo đảm an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những vụ việc phát sinh nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, hai bên cũng thường xuyên trao đổi thông tin về các vấn đề quốc tế, phối hợp trong các hoạt động tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); hợp tác trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC); Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Praya - Mekong (ACMECS); Hội nghị Cấp cao CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam); Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; các tổ chức và diễn đàn hợp tác đa phương, tăng cường hợp tác và sử dụng nguồn nước sông Mê Công... Việt Nam cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn, cũng như kinh nghiệm hội nhập quốc tế với nhân dân Lào anh em.
Diễn ra vào thời điểm đặc biệt, mở đầu năm hai nước Việt Nam và Lào tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 – 5-9-2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác (18-7-1977 – 18-7-2012), chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là sự kiện chính trị quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Lào, nhằm tăng cường sự gắn bó, tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; khẳng định Việt Nam hết sức chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và trao đổi phương hướng đưa quan hệ Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.
Trải bao thăng trầm của lịch sử, tình cảm gắn bó Việt – Lào luôn là tài sản quý của hai dân tộc mà các thế hệ cùng góp công vun đắp ngày càng sâu đậm. Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không chỉ là sự kiện mở đầu có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy các hoạt động kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị hai nước mà còn là chuyến thăm tô thắm thêm tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết thương yêu đặc biệt của nhân dân hai nước Việt - Lào anh em./.
Dành mọi ưu tiên để tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào  (09/02/2012)
Ủy ban các vấn đề xã hội của QH làm việc ở Sóc Trăng  (09/02/2012)
"Phát triển sâu rộng hơn quan hệ hợp tác với ADB"  (09/02/2012)
Việt Nam không bán phá giá trụ điện gió vào Mỹ  (09/02/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên