Tham nhũng và giải pháp phòng, chống từ góc nhìn văn hóa

Nguyễn Văn Huyên
10:03, ngày 14-08-2009

TCCS - Tham nhũng hiện đang là một vấn nạn. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để nhận diện tham nhũng và đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tham nhũng. Bài viết tiếp cận tham nhũng từ góc nhìn văn hóa, phân tích sâu sắc những khía cạnh phản văn hóa của tham nhũng và kiến nghị một số giải pháp văn hóa trong phòng, chống tham nhũng.

1 - Bản chất của tham nhũng nhìn từ phương diện văn hóa

Loài người tiến lên cùng với lịch sử đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cổ vũ và vươn tới cái tốt, cái đẹp, loại trừ những âm mưu, hành động trái với bản chất và lợi ích của con người, trái với sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Đó chính là con đường và quá trình loài người không ngừng xây dựng các giá trị văn hóa, vươn tới một cuộc sống hoàn thiện với đầy đủ các khía cạnh chân - thiện - mỹ; đó là một xã hội văn hóa mà mọi lý tưởng nhân văn luôn đề ra như mục tiêu phấn đấu của loài người.

Như vậy, về bản chất, tất cả những hiện tượng và hành vi diễn ra trong đời sống xã hội ngăn cản tiến trình lịch sử, sự tiến bộ, đi ngược lại cái chân chính, cái tốt đẹp, cái nhân văn... đều là không văn hóa, phản văn hóa. Tham nhũng từ góc nhìn kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật là sự lợi dụng chức quyền, địa vị, uy tín cá nhân, tập thể, tổ chức - những chức quyền và địa vị do nhân dân trao cho - nhằm thu lợi cá nhân một cách bất chính và gây tác hại đến lợi ích chung, ngăn cản sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của một quốc gia. Về phương diện giá trị lý tưởng nhân văn, rõ ràng tham nhũng là một loại hiện tượng và hành vi phi văn hóa, phản văn hóa. Từ góc nhìn văn hóa, tham nhũng không chỉ là sự vi phạm lợi ích kinh tế - vật chất của cộng đồng, quốc gia; nó còn là loại hiện tượng, hành vi xấu, phản lại cái tốt, cái đẹp, phản lại những giá trị nhân đạo, nhân văn và tiến bộ xã hội - con người; nó chống lại văn hóa và về bản chất là thủ tiêu văn hóa.

2 - Những khía cạnh phản văn hóa của tham nhũng

Tham nhũng - sự thể hiện tinh thần và ý thức phản văn hóa. Nếu văn hóa được nhìn từ góc độ là đời sống tinh thần của xã hội, thì ý thức và hành vi tham nhũng luôn đi theo chiều ngược lại những tinh thần văn hóa cao đẹp, những ý thức tích cực hướng tới xã hội nhân văn. Sự lợi dụng quyền hành, uy tín tổ chức, địa vị xã hội... để mưu lợi bất chính cho cá nhân, rõ ràng là sự phản lại tinh thần cộng đồng, tinh thần dân tộc trong quá trình phấn đấu cho mục tiêu vì một xã hội văn minh, phát triển và tiến bộ.

Từ khi có xã hội, với toàn bộ hoạt động của mình, loài người luôn thể hiện ý thức, khát vọng và ý chí vươn lên chiếm lĩnh và sáng tạo những giá trị cao đẹp, thỏa mãn nhu cầu hoàn thiện và tiến bộ của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, nhân ái. Việc lợi dụng quyền hành để lấy của công làm của tư là ý thức và hành vi đi ngược lại khát vọng vươn tới lý tưởng đó của con người, là sự tước đoạt, sự ăn cắp giá trị xã hội. Tham nhũng luôn là hành vi cụ thể và để lại những hậu quả cụ thể, song xét về mặt tinh thần, văn hóa, nó lại tạo nên những vết thương tiêu cực, gây tác hại hết sức xấu xa trong đời sống tinh thần xã hội.

Tham nhũng - hiện tượng, hành vi, hậu quả phi văn hóa. Nếu văn hóa là toàn bộ giá trị do loài người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động sống, thì tham nhũng là những hiện tượng, hành vi đi ngược lại với bản chất và hệ giá trị con người.

Tham nhũng trước hết là hiện tượng, hành vi mưu cầu bất chính về lợi ích vật chất. Vật chất thuần túy, tự nó không có giá trị văn hóa. Nó chỉ trở thành giá trị văn hóa khi cái vật chất đó nằm trong quan hệ lợi ích giữa con người với con người trong xã hội, nó được đánh giá căn cứ trên tiêu chí giá trị xã hội, trên ý nghĩa cuộc sống. Tham nhũng vật chất là nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của cá nhân, nhưng xét trong quan hệ ý nghĩa cuộc sống nêu trên, thì nó lại chính là nguyên nhân và kết quả của hành vi có ý thức. Vậy là, sự mưu cầu lợi ích vật chất trong tham nhũng trở thành vấn đề của tinh thần, của văn hóa, trở thành vấn đề giá trị, nó đi ngược lại các giá trị xã hội, giá trị phổ quát có ý nghĩa cuộc sống đối với mọi thành viên trong cộng đồng.

Tham nhũng vi phạm và làm suy yếu nội lực văn hóa của xã hội. Nếu văn hóa là sức mạnh bản chất Người, sức mạnh của chế độ xã hội, của nhân dân, thì tham nhũng là hành vi hủy hoại nguồn sức mạnh đó. Mọi quốc gia trên thế giới đều khẳng định tham nhũng là tệ bệnh nguy hiểm, nó đục khoét ngân sách nhà nước, làm suy yếu tiềm lực quốc gia. Đảng ta, trong nhiều văn kiện, đặc biệt là văn kiện các Đại hộiVIII, IX, X đều nhấn mạnh tham nhũng là quốc nạn. Bề ngoài, tham nhũng làm suy thoái sức mạnh vật chất của nền kinh tế. Nhưng nguy hiểm hơn là nó làm suy thoái chế độ xã hội, nhân cách con người, nhân cách cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Vì những nguồn lợi lớn, nhiều kẻ tham nhũng đã bất chấp đạo lý, chà đạp chuẩn mực xã hội, sẵn sàng vi phạm pháp luật, kỷ cương, phép nước. Nguồn lợi lớn chính là yếu tố làm nảy sinh và kích thích mạnh mẽ những mánh khóe, thủ thuật, kể cả sự lừa lọc và hành vi tàn bạo trong bản năng cái ác.

Tham nhũng cũng chính là nguồn gốc của sự phát sinh những mâu thuẫn, mất đoàn kết, tranh giành địa vị, quyền hạn trong nội bộ một số cơ quan đảng và nhà nước; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế đối với dân tộc. Nó làm suy yếu Đảng, Chính phủ - bộ tham mưu và lực lượng nòng cốt thực hiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí nó còn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ ta.

Tham nhũng là những hiện tượng, hành vi đi ngược lại sự phát triển - tiến bộ của xã hội - con người. Nếu văn hóa, từ trong bản chất của nó là cái biểu hiện và chính là hiện thân sự phát triển - tiến bộ của con người và xã hội, thì tham nhũng là hiện tượng và hành vi đi ngược lại sự phát triển - tiến bộ của xã hội - con người.

Hậu quả của tham nhũng không chỉ biểu hiện ở hành vi tham nhũng, mà điều tai hại trước hết là nó do ý thức, do những suy tính đen tối, do sự dối trá, sự phản bội tập thể, cơ quan, tổ chức chỉ đạo. Đến lượt mình, cái ý thức đó, sự dối trá, sự phản bội đó tấn công vào ý thức, tình cảm, tinh thần cao đẹp vì cuộc sống cộng đồng, vì lợi ích chung của từng cá nhân, từng người cán bộ vốn là những con người mẫu mực.

Ý thức và hành vi tham nhũng, bất kể là gây ra hậu quả lớn hay nhỏ, đều là sự thắng thế của cái ác đối với cái thiện, của cái xấu đối với cái đẹp. Và điều nguy hiểm hơn là ý thức, hành vi và hậu quả nhỏ là mầm mống nuôi dưỡng ý thức, hành vi tham nhũng lớn. Nếu hậu quả của sự tàn phá giá trị vật chất - kinh tế chỉ là một thì hậu quả của sự tàn phá tinh thần, tâm hồn, lương tâm, danh dự còn lớn hơn nhiều lần.

Nhà nước ta với bản chất xã hội chủ nghĩa khoa học, nhân đạo, nhân văn không dung chứa căn bệnh này. Định hướng phát triển xã hội ta là phấn đấu đạt tới bản chất xã hội văn hóa cao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội ta thời gian qua, trong hiện thực tệ tham nhũng vẫn tồn tại và hoành hành. Nó vẫn diễn ra một cách nghiêm trọng và phức tạp, ngày càng tinh vi hơn, đa dạng hơn. Nếu trước đây tham nhũng là những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt, thì nay nó trở thành hiện tượng phổ biến mang tính có tổ chức và hệ thống hơn. Tham nhũng được thực hiện trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ưu thế, uy tín để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy địa vị”, để trục lợi cá nhân.

Như vậy, không chỉ có tham nhũng kinh tế, vật chất, mà còn có cả tham nhũng tinh thần; có loại tham nhũng quyền lực, địa vị và chức tước; có loại tham nhũng đúng tên gọi của nó, và có các tham nhũng biến tướng, trá hình, đổi dạng.

Nếu coi văn hóa là phẩm giá, là tổng hòa các giá trị chân - thiện - mỹ, là sự hoàn thiện, phát triển và tiến bộ, thì tham nhũng làm tổn thương các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc - con người Việt Nam; làm tha hóa con người, tha hóa sức mạnh nhân dân, tha hóa quyền lực của Đảng và Nhà nước, là lực lượng cản trở sự phát triển - tiến bộ xã hội - con người, cản trở định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ ta, đất nước ta.

3 - Giải pháp văn hóa trong đấu tranh chống tham nhũng.

- Văn hóa - nền tảng tinh thần cho việc hạn chế nguy cơ tham nhũng. Như đã nói, tham nhũng liên quan đến ý thức, tình cảm, tinh thần của chủ thể gây hành vi tham nhũng. Chủ thể có văn hóa đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền, của giàu sang, các yếu tố của văn hóa và chất văn hóa sẽ ngăn chặn ý nghĩ, hành vi tham nhũng. Hơn nữa chất người, chất nhân văn, lý tưởng về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong văn hóa là nhân tố mạnh, làm lành mạnh hóa, tích cực hóa tâm lý, suy nghĩ, hành vi con người, tạo ra tình cảm con người, tình cảm cộng đồng, tình cảm xã hội, vượt qua cái thấp hèn, vươn tới cái cao cả. Tính tự giác, lương tâm và nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo trội lên sẽ ngăn chặn hành vi sai trái với địa vị, chức trách của mình. Lúc đó, ý thức công dân, ý thức chính trị sẽ thắng cái cá nhân nhỏ nhen, ti tiện. Tự chống tham nhũng - đó là một cuộc đấu tranh quyết liệt trong chính mỗi cá nhân. Cái văn hóa trong cá nhân mỗi người sẽ chiến thắng cái xấu, vươn tới cái đẹp.

Nhiều nhân cách văn hóa trong một cộng đồng sẽ tạo nên môi trường văn hóa, nơi người ta sống và hoạt động. Trong môi trường văn hóa do các chủ thể văn hóa tạo dựng chứa đựng sức mạnh văn hóa cộng đồng cùng với văn hóa cá nhân, nó tạo nên tâm lý đám đông, tâm lý cộng đồng, tâm lý xã hội, triệt tiêu hành vi xấu, khích lệ hành vi tốt. Mỗi cá nhân nếu đứng tách riêng dễ bị vi phạm sai lầm, thì trong môi trường văn hóa cộng đồng sẽ tránh được nhiều hơn những hành vi tội phạm. Đây là tình thế cho giải pháp kiềm chế dục vọng, là điều kiện hữu hiệu cho việc chủ thể tự chống hành vi xấu, vươn tới hành vi tốt.

- Văn hóa dân chủ - môi trường và điều kiện hữu hiệu cho việc ngăn ngừa, chống tham nhũng. Xây dựng một chế độ thực sự dân chủ, nhà nước thực sự của dân cũng chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ của một xã hội văn hóa cao, văn hóa biểu hiện đầy đủ bản chất, đặc trưng của nó.

Trong chế độ đó, người dân là chủ xã hội, chủ nhà nước và thực hiện quyền lực chính trị, thực thi quyền lực nhà nước vì lợi ích của mình. Đó chính là một khía cạnh quan trọng trong văn hóa dân chủ. Chính nó tạo cho chủ thể chính trị giám sát, kiểm tra các hoạt động của bộ máy nhà nước, của đội ngũ cán bộ công chức. Nó hạn chế sự lạm quyền, lợi dụng quyền lực, chức vụ, vị thế của cán bộ cho việc tư lợi bất chính. Văn hóa dân chủ cũng thể hiện ở trình độ, năng lực làm chủ xã hội của nhân dân. Việc người dân có trình độ dân trí cao, hiểu biết sâu sắc về tổ chức, chức năng, cơ chế vận hành và các hoạt động của bộ máy nhà nước sẽ tạo sức mạnh cho họ tham gia điều hành, giám sát nhà nước với bộ máy công quyền của nó. Nạn tiêu cực, tham nhũng không thể tự do hoành hành. Văn hóa dân chủ còn thể hiện năng lực làm chủ ở việc sử dụng quyền làm chủ - quyền giám sát các cơ quan dân cử, đội ngũ công chức và thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thực sự. Đó là những điều kiện và khả năng ngăn ngừa tham nhũng, chống tham nhũng hiệu quả.

- Văn hóa pháp lý - công cụ hữu hiệu ngăn chặn ý thức và hành vi tham nhũng. Bệnh quan liêu, nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân, tệ cửa quyền, lộng hành, tham ô, hối lộ trong bộ máy nhà nước, trong giới cầm quyền nảy sinh và phát triển khi thiếu sự vận hành của nhà nước pháp quyền. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền nhằm mục tiêu hoàn thiện nhà nước phù hợp yêu cầu của chế độ dân chủ nhân dân, là quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời bảo đảm các điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, phát triển con người. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa coi pháp luật là tối thượng trong mọi hoạt động của nhà nước, của xã hội nhằm mục tiêu xây dựng xã hội giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Pháp luật có quyền tối cao trong điều hành, tạo điều kiện cho mọi thành viên xã hội hoạt động tự do theo hiến pháp và pháp luật.

Văn hóa pháp lý cho phép các cơ quan, chủ thể chính trị thể hiện và thực hiện tốt nhất quyền hạn và quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước của mình. Mọi người dân đều có quyền ngang nhau trong vai trò là chủ xã hội, vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đội ngũ công chức, cán bộ. Nó thẳng thắn vạch mặt, dám trừng trị những hành vi phi dân chủ, phi nhân đạo, quan liêu, tham nhũng, v.v..

Một nền hành chính được tổ chức khoa học, hợp lý, phù hợp với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ là một nền hành chính trong sạch và vững mạnh, vận hành tốt và hiệu quả. Nền hành chính đó, một mặt, thể hiện văn hóa tổ chức cao của nhà nước; mặt khác, bảo đảm điều kiện cho các cá nhân có văn hóa pháp lý thực hiện tối ưu việc giám sát các cơ quan trong bộ máy hành chính; kiểm tra, kiềm chế tính tùy tiện, chủ quan, mờ ám, liều lĩnh của các cá nhân.

- Văn hóa kinh doanh góp phần hạn chế và ngăn chặn tham nhũng.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện, còn thiếu nhiều yếu tố và chưa đồng bộ, cơ chế chưa đầy đủ, thì sẽ còn nhiều kẽ hở cho hoạt động kinh tế bất chính, tham ô, lãng phí. Đặc biệt cơ chế "xin - cho" và nhiều tàn dư của căn bệnh quan liêu, sự bất bình đẳng trong kinh doanh, thiếu cơ chế cạnh tranh lành mạnh tạo ra lãng phí, tham ô, hối lộ, tham nhũng nghiêm trọng.

Văn hóa kinh doanh là một trong những phương thuốc tốt chữa trị các tệ nạn tiêu cực tràn lan hiện nay. Việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo sự bình đẳng kinh doanh, có cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tất cả hoạt động theo pháp luật là biểu hiện của một văn hóa kinh doanh cao. Với văn hóa kinh doanh, các chủ thể kinh tế hoạt động theo pháp luật trên nền tảng các quy luật kinh tế. Điều đó tránh được những điều kiện cho tham nhũng nảy sinh.

- Văn hóa đạo đức lấy lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ để ngăn ngừa tham nhũng. Văn hóa đạo đức là cốt lõi xuyên suốt mọi lĩnh vực hoạt động sống của xã hội. Nó là hiện thân của lương tâm và danh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ trong các quan hệ xã hội, quan hệ người - người. Nó mang chất nhân đạo vào trong mọi quá trình hoạt động sống của con người. Bằng các giá trị và chuẩn mực đạo đức của xã hội nhân đạo, nhân văn, văn hóa đạo đức trong mỗi chủ thể chính trị, xã hội, chủ thể kinh tế, văn hóa, v.v.. nâng cao ý thức đạo đức của mình trong hoạt động, tránh tham ô, lãng phí, tham nhũng; có nghĩa vụ, trách nhiệm với mọi người, với tập thể, cộng đồng, với các đối tác cạnh tranh. Văn hóa đạo đức khuyên con người sống tốt, sống đẹp, tăng tình thương và trách nhiệm trong mối quan hệ giữa người với người.

- Văn hóa chính trị - sức mạnh và môi trường phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Văn hóa chính trị kết tinh giá trị, phẩm chất, trình độ, năng lực và phương thức hoạt động chính trị được hình thành trong một nền chính trị với hệ thống, thể chế và cơ chế vận hành đúng đắn, khoa học nhằm thực hiện lợi ích giai cấp, dân tộc, quốc gia, phù hợp với xu hướng phát triển - tiến bộ xã hội. Bản chất và sức mạnh cao đẹp đó của nó thấm sâu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội: từ hoạt động chính trị đến hoạt động kinh tế, từ lao động sáng tạo vật chất đến hưởng thụ các giá trị tinh thần. Nó vừa là nguyên tắc vừa là sức cảm hóa tinh thần nhân văn trong hoạt động sống của các chủ thể trong hệ thống chính trị.

Với văn hóa chính trị, người lãnh đạo và quản lý tự thấy mình phải chịu trách nhiệm về phát triển - tiến bộ của đất nước, dân tộc, trước Đảng, trước nhân dân; tự thấy mình phải gương mẫu trong mọi hành vi riêng và chung, không cho phép mình làm điều phi pháp, trái đạo lý.

Mọi chủ thể trong toàn hệ thống chính trị, với phẩm chất và năng lực văn hóa chính trị của mình, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý, công chức phải làm tốt chức năng của mình là phục vụ nhân dân, vì sự phát triển và tiến bộ chung. Với tư cách là chủ xã hội và năng lực làm chủ của mình, mọi công dân không tạo ra cơ hội và hành vi tham nhũng cho người khác, cho cấp trên và cấp dưới; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi chính sách, pháp luật của cá nhân, tổ chức, cơ quan công quyền.

Văn hóa chính trị thực sự là hệ chuẩn giá trị khoa học - cách mạng - nhân văn, hướng dẫn và điều chỉnh mọi ý nghĩ, hành vi, cấp độ hoạt động trong đời sống chính trị - xã hội; nó cổ vũ, động viên, khuyến khích việc tốt đẹp; nó đả phá, loại bỏ, chống lại việc xấu, việc ác; hướng con người làm việc thiện vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích của mỗi cá nhân. Đó là sức mạnh lớn trong việc ngăn chặn, lên án và tiêu trừ tham nhũng./.