Để đồng bằng sông Cửu Long phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, rất cần những hướng đi thực sự khoa học và có tầm nhìn chiến lược. Phát triển đô thị tập trung ven biển thay thế khu công nghiệp là một cách tiếp cận đáng tham khảo.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, cùng vùng đặc quyền kinh tế biển khoảng 360 ngàn km2, hằng năm đồng bằng sông Cửu Long có mức đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước, 50% sản lượng lúa (18,5 triệu tấn), 70% sản lượng trái cây (300 ngàn tấn), 52% sản lượng thủy sản (trên 2 triệu tấn), 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Có rất ít vùng sản xuất nông nghiệp trên thế giới có lợi thế mạnh như đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có lợi thế vào bậc nhất trên thế giới về sản xuất lúa nước, là hệ thống sinh thái hết sức tốt cho nền nông nghiệp mở rộng.

Trong khi đó, xét về phát triển công nghiệp thì đồng bằng sông Cửu Long kém lợi thế hơn nhiều so với nhiều vùng khác trong cả nước. Nhưng một thực tế, vì chạy theo tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên trong 10 năm qua nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cho lập nhiều khu công nghiệp và đang có ý định tiếp tục mở rộng hơn nữa. Các nhà quy hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: những khu đất có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi, nằm gần khu dân cư, đổi việc trồng lúa, trồng cây ăn trái bằng việc xây dựng nhà máy sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương nhanh chóng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Do vậy chỉ trong thời gian ngắn đồng bằng sông Cửu Long đã có 29 khu công nghiệp nhưng hiệu quả hoạt động lại rất thấp, phần lớn các khu công nghiệp này chỉ có tỷ lệ lấp đầy khoảng 35% - 40% thậm chí có khu chỉ mới sử dụng 5% diện tích đất. Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm không như mong muốn nhưng vấn đề môi trường đã đến hồi báo động: nước ven bờ sông Hậu đã bị ô nhiễm cấp độ 2, rạch Sang Trắng có mức ô nhiễm 7, riêng rạch Bò ót (Phước Thới, Ô Môn) cũng đang đi vào nhóm ô nhiễm nặng với mức ô nhiễm 4 do nước thải từ khu công nghiệp và ao nuôi cá... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo một số nhà quản lý tại địa phương khi tổng kết hoạt động các khu công nghiệp trong thời gian qua đã cho biết là do: sự phân bố các khu công nghiệp chưa cân đối, đồng đều; cơ cấu sản xuất, chức năng hoạt động của từng khu công nghiệp kém năng động, chưa có sức cạnh tranh, ít khai thác lợi thế kinh tế vùng; thiếu lao động lành nghề, thủ tục hành chính còn rườm rà; chất lượng dịch vụ đi kèm thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp yếu kém; và cuối cùng là do ít dự án thuê đất nên các khu công nghiệp đã không có điều kiện đầu tư và yêu cầu các doanh nghiệp thuê đất xử lý tốt các vấn đề môi trường... Nguyên nhân được liệt kê giải thích những yếu kém của các khu công nghiệp trong vùng đã chứng minh cho điều kiện đủ của quan điểm đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế để phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái (không phải công nghiệp).

Tuy nhiên đó là những lý thuyết kinh tế thuần túy. Nếu nhìn rộng ra toàn cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ngoài những thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp mà chúng ta đã biết thì những khó khăn tồn tại cũng rất lớn, đó là: quy mô nông hộ bé, sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhỏ, manh mún (đất chật, người đông); thị trường tiêu thụ nông sản xa, không ổn định; trình độ dân trí, lao động còn hạn chế; hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng trong chế biến sản phẩm nông nghiệp còn thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém... Bối cảnh như vậy, các nhà hoạch định chính sách ở đồng bằng sông Cửu Long không chủ trương đẩy mạnh, phát triển công nghiệp thì sẽ rất khó trong việc nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân và họ đã tìm đến cứu cánh của các khu công nghiệp (vòng luẩn quẩn lại xuất hiện).

Khó khăn, thuận lợi của đồng bằng sông Cửu Long và yêu cầu phát triển bền vững đã đưa ra yêu cầu về mô hình phát triển cho đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai sẽ phải đáp ứng phục vụ tốt cho phát triển công nghiệp - dịch vụ nhưng không ảnh hưởng đến thế mạnh sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái. Phát triển công nghiệp, dịch vụ đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng các nhiệm vụ: (1) Rút bớt, duy trì dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới 10 - 12 triệu người (60% dân số toàn vùng); (2) Xây dựng thị trường gần, ổn định cho tiêu thụ các loại nông sản đa dạng của vùng; (3) Đẩy mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản; (4) Phát triển mạnh công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp; (5) Nâng cao trình độ dân trí cho người nông dân (đây là nhiệm vụ của công nghiệp và dịch vụ).

Từ những yêu cầu có tính mâu thuẫn đó thì mô hình phát triển phù hợp có thể chia đồng bằng sông Cửu Long làm 2 khu vực: vùng lõi và vùng đệm (đây chỉ là gợi ý, chúng ta cần phải nghiên cứu thêm để xác định vùng lõi và đệm). Vùng lõi chỉ tập trung phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái. Vùng đệm là vùng sát biển, cuối nguồn nước ngọt sẽ phát triển công nghiệp và các dịch vụ đi kèm nhưng thay vì phát triển các khu công nghiệp đơn giản như truyền thống tại đây, chúng ta nên tập trung phát triển 2 đến 3 thành phố với quy mô dân số khoảng 2 - 3 triệu người/thành phố. Các thành phố này sẽ làm các chức năng: "đưa thị trường" về đồng bằng sông Cửu Long; thu hút lao động; phát triển công nghiệp; phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học... Để cân đối về khoảng cách với Thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp với chiến lược kinh tế biển hiện nay và thực tế địa hình cũng như lịch sử phát triển thì trước mắt khu vực vùng đệm đồng bằng sông Cửu Long nên là khu vực sát biển của tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Các đô thị này cùng với Cần Thơ, Phú Quốc sẽ tạo nên chuỗi đô thị hướng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long tiến ra vịnh Thái Lan.