Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Juan Somavia cảnh báo cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc Đại suy thoái năm 1929; số người thất nghiệp trên thế giới có thể lên đến mức kỷ lục, “tăng từ 190 triệu năm 2007 lên 210 triệu vào cuối 2009”.
Tác động của khủng hoảng lan rộng và ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nạn nhân chính là tầng lớp người nghèo. Theo thẩm định của ILO, thế giới sẽ có 40 triệu người sống với mức dưới 1 USD/ngày. Số người làm việc có thu nhập dưới 2 USD/ngày lên đến 100 triệu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này còn giáng cả vào các tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới. Các ngành sử dụng nhiều lao động như xây dựng, kinh doanh bất động sản, tài chính, dịch vụ, du lịch… đã bắt đầu đình đốn và phải cắt giảm nhân viên.
Từ nhiều tuần qua, các tập đoàn sản xuất xe hơi ở phương Tây đang thông báo sa thải hàng loạt: 6.000 người ở Renault; một số lượng tương tự ở Volvo (Thụy Điển); 3.500 lao động ở hãng Daimler (Đức); hay 1.680 người ở hãng Nissan (Nhật Bản). Tuy nhiên, theo giới phân tích, dường như đây mới chỉ là “khúc dạo đầu”.
Tại Mỹ và châu Âu, hàng nghìn người đã bị sa thải sau khi nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm bị phá sản. Trong tháng 9, kinh tế đình đốn đã làm 159.000 người mất việc ở Mỹ, mức cao nhất kể từ năm 2003. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alain Greenspan nhận định “rất khó ngăn cản được sự gia tăng số người thất nghiệp”.
Tại Anh, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng mạnh trong tháng 8, lên tới 5,7%. Trong quý III, 11,3% số người trong độ tuổi lao động ở Tây Ban Nha không có việc làm. Còn tại Pháp, đội quân thất nghiệp được bổ sung thêm 40.000 người trong tháng 8. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Pháp sẽ có tỷ lệ thất nghiệp là 8,5% vào cuối năm 2009 và khoảng 9% trong năm 2010.
Đối với châu Á, theo Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, từ nay đến đầu năm 2009, sẽ có từ 9.000 đến 45.000 nhà máy, công xưởng ở nước này phải đóng cửa và ít nhất 2,7 triệu lao động bị sa thải. Trong khi đó, ngày 28-10, Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan cảnh báo trong tháng 11-2008, ở nước này sẽ có khoảng 1 triệu người thất nghiệp. Suy thoái kinh tế ở Mỹ và phương Tây đã thu hẹp thị trường xuất khẩu của Thái Lan.
Tổng Giám đốc ILO Somavia cho rằng bảo đảm việc làm, phối hợp hành động để tránh một cuộc “khủng hoảng xã hội” phải là trọng tâm của các hội nghị cấp cao bàn về khủng hoảng tài chính trong thời gian tới. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng tạo ra “cơ hội” để cân bằng lại tiến trình toàn cầu hóa cho đến nay phát triển dựa trên sự không lành mạnh, không bền vững và không cân bằng./. |