Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11 năm 2008, cả nước có 106 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 726 triệu USD, tuy thấp hơn hẳn so với tháng trước (trên 2 tỉ USD) nhưng vẫn đủ để đưa tổng vốn FDI cấp mới trong 11 tháng lên 59 tỉ USD, tăng gần 7 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Với 25 lượt dự án tăng vốn đầu tư có tổng vốn đăng ký 272 triệu USD được cấp phép trong tháng 11, tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trong 11 tháng qua cũng lên đến 1,08 tỉ USD. Như vậy, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút được 60,09 tỉ USD vốn đầu tư đăng ký; tiếp tục nâng mức kỷ lục về thu hút nguồn vốn này.

Cũng trong tháng 11, đã có 950 triệu USD được giải ngân theo tiến độ thực hiện các dự án, đưa tổng vốn FDI thực hiện 11 tháng qua lên 10 tỉ USD, đạt mức dự kiến giải ngân cả năm 2008, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bên Việt Nam chiếm từ 10 đến 12%. Doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong 11 tháng đầu năm 2008 ước tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 22,2 tỉ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước đạt 26,2 tỉ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước, nộp ngân sách ước đạt 1,8 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Phan Hữu Thắng cho biết, khả năng thu hút vốn FDI trong năm nay sẽ lên đến 65 tỷ USD (gồm cả cấp mới và tăng vốn), tăng hơn 3 lần so với năm ngoái và lượng vốn giải ngân có thể đạt tới 11 tỉ USD, tăng 37% so với năm ngoái, cao nhất từ trước tới nay. Doanh thu khu vực này cũng sẽ tăng 29,3%, xuất khẩu (trừ dầu thô) tăng 27,3%, nhập khẩu tăng 38,5%, nộp ngân sách tăng 33%.

Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm, ông Phan Hữu Thắng dự báo, năm 2009, dòng vốn FDI đăng ký cũng như vốn FDI thực hiện sẽ bị ảnh hưởng. Vốn đầu tư cấp mới sẽ thấp hơn năm 2008 nhưng vẫn có thể đạt trên 30 tỉ USD với các dự án lớn, trọng điểm, sử dụng công nghệ cao và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Vốn đầu tư thực hiện sẽ tiếp tục gia tăng so với năm 2008. Dự kiến vốn FDI thực hiện trong năm 2009 sẽ đạt tới 12-13 tỉ USD, tăng từ 9% đến 12% so với năm 2008.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, lượng vốn FDI lớn cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là khả năng cung cấp điện, cấp thoát nước, giao thông đường bộ, hàng hải đã quá tải sẽ khó phát triển kịp trong thời gian ngắn để đáp ứng một lượng vốn lớn FDI thực hiện tại Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng; nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư nước ngoài; giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng.../.