Đẩy mạnh xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã lôi cuốn sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân các vùng miền trong cả nước. Phong trào đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, phong trào còn không ít những khó khăn, yếu kém. Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào, trong thời gian tới cần tiếp tục: nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa; giữ gìn và phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể của từng dân tộc; củng cố và hoàn thiện thiết chế văn hóa thông tin cơ sở; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa - thông tin.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở giữ vị trí hết sức quan trọng, vì đây là lĩnh vực có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, nếp sống, lối sống của mỗi người và cộng đồng dân cư ở địa bàn cơ sở. Xuất phát từ quan điểm định hướng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 của Đảng, văn hóa đã được xem như là một yếu tố nội lực quan trọng có tác động thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội: làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện giá trị mới của người Việt Nam.
Thực hiện đường lối phát triển văn hóa của Đảng, nhiều năm qua, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xây dựng các chương trình, nội dung công tác, chú trọng nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với mục tiêu: đáp ứng từng bước nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân lao động; thu hút nhân dân vào các sinh hoạt văn hóa, xây dựng nếp sống và môi trường xã hội tiến bộ, lành mạnh; tạo sự phát triển hài hòa về đời sống văn hóa với đời sống kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Đánh giá về kết quả thực hiện các chương trình, nội dung công tác văn hóa giai đoạn vừa qua, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã khẳng định: Hoạt động văn hóa thông tin phát triển đa dạng hơn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, làm tăng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển sâu rộng hơn. Thực tế cho thấy những năm gần đây công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhất là từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành và đi vào cuộc sống. Nghị quyết đã nêu nhiều giải pháp quan trọng cho xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, trong đó có giải pháp thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Phong trào nhanh chóng trở thành một cuộc tổng động viên, lôi cuốn rộng rãi các lực lượng chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia. Khi cuộc vận động chưa đi vào đời sống, thì sự tham gia của các lực lượng xã hội, các tổ chức, đoàn thể, bộ, ngành và các tầng lớp nhân dân vào hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa thực sự tích cực. Cá biệt ở một số địa phương, bộ, ngành, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phát triển sự nghiệp văn hóa, thậm chí còn quan niệm xây dựng đời sống văn hóa là của riêng ngành văn hóa thông tin. Do đó, sự chuyển biến về nhận thức là hết sức căn bản, tạo điều kiện cho công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đi vào chiều sâu.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được cụ thể hóa vào các phong trào xã hội rộng lớn mạnh mẽ như xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh... Hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào các cấp với sự tham gia của đại diện chính quyền các ban, ngành, đoàn thể. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa, đặc biệt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã tạo được bước chuyển biến và bước đầu tạo tiền đề rất quan trọng để văn hóa nước nhà tiếp tục phát triển đúng hướng và vững chắc.
Xây dựng đời sống văn hóa đã trở thành nội dung công tác quan trọng trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, từng bước đưa văn hóa ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn và phát huy sức mạnh tổng hợp thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả cụ thể về công tác xây dựng gia đình văn hóa cho thấy: Năm 2000, số gia đình đạt danh hiệu văn hóa là 8.703.398 đạt tỷ lệ 49,8%. Năm 2005 số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 12.824.392, đạt tỷ lệ 78,39%.
Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư về phấn đấu thực hiện các tiêu chí gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận tiến bộ, hạnh phúc, đồng thời đây cũng là những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước các tác động của văn hóa độc hại. Các gia đình văn hóa là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng thành công làng văn hóa, khu phố, đơn vị văn hóa.
Năm 2000, cả nước có 16.758/80.303 làng, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 20,8%. Đến năm 2005, số làng văn hóa, khu phố văn hóa tăng lên 42.929, đạt tỷ lệ 53,4%. Như vậy, so với chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng định hướng đến năm 2005 cả nước có 80% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, 50% làng, xóm, phường có nhà văn hóa thì 2 chỉ tiêu về gia đình văn hóa và làng, bản, khu phố văn hóa đã đạt mục tiêu. Tại các làng, thôn, ấp, bản văn hóa đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững; cảnh quan đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, tình đoàn kết xóm làng được tăng cường. Ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng cao, các sinh hoạt văn hóa được tổ chức vui tươi, lành mạnh, bổ ích.
Riêng số lượng nhà văn hóa cấp xã, phường theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thông tin mới đạt khoảng 40%. Khu vực miền núi do đặc thù địa lý, điều kiện giao thông không thuận lợi, việc xây dựng nhà văn hóa thôn, làng, bản cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng do dân cư phân tán. Nhiều xã miền núi có diện tích lớn nên việc xây dựng nhà văn hóa cấp xã chưa phù hợp, cần tập trung xây dựng các nhà văn hóa thôn, bản cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt của nhân dân.
Chủ trương xây dựng các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xã, phường, thôn, ấp, bản, khu phố có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đây là điều kiện cần thiết để tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó tổ chức các nội dung hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi, giải trí cho nhân dân ở cơ sở theo sự chỉ đạo và định hướng của Nhà nước với các nhiệm vụ: thông tin, tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho nhân dân; hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, giữ gìn khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại đây có hàng loạt các loại hình câu lạc bộ văn hóa được tổ chức với các nội dung hoạt động có liên quan đến tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công để phát triển kinh tế; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; vệ sinh môi trường; tuyên truyền và nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân. Các nội dung hoạt động này đã giúp cho cuộc vận động đi vào bề sâu tạo nên hiệu quả và chất lượng của đời sống văn hóa ở cơ sở, là kênh chuyển tải thông tin quan trọng để các giá trị văn hóa thấm sâu vào nếp sống, lối sống của mỗi cá nhân và cộng đồng dân cư, hình thành những nét đẹp văn hóa mới.
Nhiều năm qua việc xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh đã gắn chặt với nhiệm vụ vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chuyển biến tích cực trong việc cưới, tang và lễ hội đã được tổng kết đánh giá kịp thời. Nhiều làng văn hóa trở thành những điểm sáng trong cuộc vận động thực hiện các Chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Nhiều phong tục mới tốt đẹp được hình thành, loại bỏ dần các nghi thức rườm rà, các hủ tục lạc hậu. Các lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, lễ hội văn hóa du lịch... được tổ chức đi dần vào nền nếp và lành mạnh, trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của đất nước. Các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, vùng, miền đã trở thành tiềm năng phong phú để xúc tiến mời gọi đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều mô hình mới, sáng kiến hay về tổ chức xây dựng đời sống văn hóa được ra đời, khẳng định và nhân rộng, tạo nên diện mạo mới cho nhiều vùng. Quần chúng nhân dân chính là người sáng tạo phát huy vai trò chủ thể tổ chức xây dựng đời sống văn hóa.
Thành tích đáng ghi nhận trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của công tác xã hội hóa văn hóa. Qua hoạt động này, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa đạt tiến bộ khá cơ bản. Nhân dân nhiều địa phương đã tự nguyện đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa cách mạng, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, mua sắm các phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa và tham gia các hoạt động sáng tạo văn hóa. Nhiều câu lạc bộ văn hóa gia đình, cộng đồng, nhiều đội văn nghệ được tự nguyện thành lập làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở cơ sở. Tính đến nay, cả nước có 29.840 đội văn nghệ quần chúng hoạt động có hiệu quả.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, số kinh phí do nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng trong 5 năm (2001 - 2005) là 2.523 tỉ đồng. Điều quan trọng hơn là ý thức về nếp sống văn hóa, coi trọng giá trị văn hóa đã được nhận thức và nâng lên trong mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư. Danh hiệu người tốt việc tốt, gia đình văn hóa, làng, thôn, ấp, bản văn hóa không chỉ là tiêu chí phấn đấu mà còn là chuẩn giá trị, tôn vinh của các cộng đồng dân cư là niềm vinh dự tự hào của mỗi gia đình và công dân.
Những nội dung nêu trên đã phần nào chứng minh tác động của xây dựng đời sống văn hóa đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vẫn còn tồn tại một số yếu kém, hạn chế cần được đánh giá để điều chỉnh, chỉ đạo, phát triển đúng hướng và có hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục là:
Thứ nhất, chất lượng của đời sống văn hóa chưa đều. Mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân còn chênh lệch khá xa giữa vùng đồng bằng, đô thị với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Việc đáp ứng nhu cầu văn hóa cho nhân dân về cơ sở vật chất, sản phẩm, phương tiện (thiết chế văn hóa) phục vụ sinh hoạt văn hóa hoạt động nghệ thuật dành cho dân cư ở cơ sở còn thiếu thốn, hạn hẹp.
Thứ hai, hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở chưa cao, chưa phát huy hết vai trò tác dụng trong đời sống nhân dân do thiếu nguồn kinh phí hoạt động và cán bộ tổ chức hướng dẫn. Nhiều tệ nạn xã hội không giảm mà còn gia tăng như tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc, nghiện hút... gây mất ổn định ở địa bàn dân cư. Một số biểu hiện thiếu lành mạnh trong đời sống văn hóa như việc cưới, việc tang vẫn còn phô trương, phiền hà lãng phí. Tổ chức lễ hội chưa khoa học. Khuynh hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa là nguy cơ tiềm ẩn, làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Một số địa phương bị bệnh thành tích chi phối nên chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa không thực chất, thiếu sức thuyết phục.
Thứ ba, chưa phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, vẫn còn hiện tượng trông chờ vào bao cấp, làm giảm đi sự chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức đời sống văn hóa, ảnh hưởng tới việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc của mỗi vùng, miền. Chính các giá trị bản sắc này là thế mạnh, không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa riêng của địa phương mà còn là yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa gắn với kinh tế du lịch.
Từ những tồn tại nêu trên, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm và có những giải pháp để khắc phục. Trước hết, xác định phương hướng đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, trong đó tập trung "Xây dựng nếp sống văn hóa, khắc phục tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội", "Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội và sinh hoạt của nhân dân". Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo của Đảng, ngành văn hóa - thông tin cần nghiên cứu điều chỉnh các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cho phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế. Cần phải dự báo trước những tác động đa chiều, phức tạp đến đời sống tinh thần của xã hội trong quá trình mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế. Làm thế nào để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vừa giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa và các giá trị văn minh của nhân loại là yêu cầu cấp thiết.
Xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở đang đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức. Những thuận lợi đó là: sự chủ động và tích cực hội nhập của Việt Nam vào đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa của thế giới sẽ tạo cơ hội phát triển cho đất nước. Điều kiện tiếp cận với các thành tựu khoa học và công nghệ, giá trị văn minh và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trên thế giới sẽ rút ngắn chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. Trình độ dân trí và chỉ số phát triển con người Việt Nam sẽ được nâng cao. Bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là tác động của những quan điểm trái chiều về văn hóa. Tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường đến tư tưởng đạo đức, nếp sống, lối sống, phong tục tập quán truyền thống của con người và dân tộc Việt Nam. Sự chuyển đổi chuẩn giá trị trong đời sống xã hội cũng sẽ đặt ra nếu không có những định hướng chỉ đạo đúng đắn, sẽ dễ gây dao động trong nhận thức về lối sống, cách sống của các tầng lớp dân cư, nhất là thế hệ trẻ.
Để hạn chế và khắc phục những tồn tại yếu kém, những lực cản và những thách thức đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác này, trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chính :
Một là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó xác định những nội dung trọng điểm cần phải tập trung thực hiện. Đó là tập trung củng cố và nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, coi đây là yếu tố nền tảng để tạo lập môi trường văn hóa, xã hội ổn định, tiến bộ, vững mạnh.
Hai là, chú trọng công tác bảo tồn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của từng dân tộc, địa phương. Sưu tầm và lưu giữ vốn văn hóa địa phương cổ truyền, phục hồi có chọn lọc và tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống thông qua hoạt động lễ hội, hội thi, hội diễn văn hóa thể thao quần chúng. Sáng tạo thêm nhiều sân chơi và các hình thức sinh hoạt văn hóa mới phù hợp với nhu cầu của nhân dân, tạo thêm nhiều sinh hoạt văn hóa mang tính xã hội rộng lớn. Khơi dậy ý thức trách nhiệm và niềm tự hào của người dân đối với truyền thống văn hóa dân tộc.
Ba là, củng cố và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở và các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống nhân dân như đường giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, thư viện, nhà văn hóa, điểm vui chơi cho trẻ em... Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội. Ưu tiên đầu tư kích cầu để hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cũng như các sản phẩm văn hóa cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nghèo và miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Đầu tư xây dựng các điểm chỉ đạo mô hình văn hóa thông tin cơ sở để nhân rộng mô hình.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua việc bổ sung hoàn thiện, xây dựng mới các nghị định, thông tư, quy chế, quy định có liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội như cưới, tang, lễ hội.... để đưa các hoạt động này vào nền nếp. Đồng thời quản lý tốt các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa tại địa bàn cơ sở. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thông tin cơ sở giai đoạn 2006 - 2010, hỗ trợ về nguồn kinh phí cho công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua các dự án, đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin. Đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin cơ sở có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở.
Năm là, củng cố mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội, coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương. Tranh thủ nguồn lực của khối đại đoàn kết toàn dân vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo thêm các nguồn kinh phí cho việc tổ chức củng cố xây dựng các thiết chế văn hóa, giữ gìn tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa và các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Ngành văn hóa - thông tin các cấp cần bám sát tình hình thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề mới phát sinh trong đời sống ở cơ sở, kịp thời điều chỉnh nội dung quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin cơ sở theo đúng định hướng về phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước, đồng thời đáp ứng sự phát triển và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Con người vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố quan trọng của mọi sự phát triển cần được nuôi dưỡng, giáo dục trưởng thành từ trong cái nôi gia đình, cộng đồng, quê hương, cơ quan, đơn vị, nơi sinh hoạt, làm việc hằng ngày. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói cho cùng là xây dựng con người có nếp sống văn hóa. Nhiều người có văn hóa, nhiều gia đình có văn hóa, nhiều làng, thôn, ấp, bản có văn hóa cộng lại sẽ có một xã hội có văn hóa, mà ở đó các giá trị nhân văn được tôn trọng, đề cao. Sự sáng tạo trong lao động được khuyến khích, khơi nguồn, đất nước sẽ phát triển bền vững và phồn vinh.
* TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin
Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí - vấn đề bức thiết hiện nay  (13/03/2007)
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu của nước ta trong 20 năm đổi mới  (12/03/2007)
Phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh mới  (12/03/2007)
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2007  (12/03/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển