Ân Thi là một huyện thuần nông của tỉnh Hưng Yên. Do vậy, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang là những vấn đề hệ trọng nhất đối với huyện. Trên cơ sở phân tích từ thực tiễn nền kinh tế ở địa phương, trong đó phát triển kinh tế trang trại đang là mô hình mới, được coi như một giải pháp phát triển ở một huyện nông nghiệp nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng như Ân Thi.

Tình hình kinh tế trang trại ở Ân Thi

Huyện Ân Thi nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, có 21 xã, thị trấn; dân số là 132.831 người, 34.723 hộ. Trong đó số hộ làm nông nghiệp là 25.224 hộ, chiếm 72,6%. Diện tích đất tự nhiên 12.825 ha, trong đó dành cho nông nghiệp 9.116ha, chiếm 78,4%, bằng 20% diện tích canh tác của toàn tỉnh Hưng Yên. Bình quân diện tích đất cho canh tác nông nghiệp là 1,75 sào/khẩu, tính ra 6,6 sào/hộ.

Vì vậy, Ân Thi là một trong những huyện trọng điểm lúa của tỉnh, nhiều năm liên tục được mùa, năng suất bình quân trên 60 tạ/ha. Công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi tích cực và có hiệu quả. Giống lúa chất lượng cao đạt trên 60% diện tích gieo cấy, chỉ đạo trồng cây rau màu 2 vụ, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong an toàn lương thực, phát triển kinh tế, ổn định chính trị và nâng cao đời sống nhân dân.

Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 57%; công nghiệp, thủ công nghiệp 15%; dịch vụ 28%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng. Giá trị thu nhập 42 triệu/ha canh tác.

Những số liệu trên phản ánh nền kinh tế Ân Thi hiện còn ở tình trạng thuần nông. Thực trạng về quản lý, sử dụng đất, tập quán canh tác và quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế... tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp còn khá phổ biến.

Huyện Ân Thi sớm có những mô hình kinh tế trang trại khá phù hợp với điều kiện cụ thể và tính đặc thù của một vùng đất thuộc châu thổ sông Hồng. Đa số cư dân vẫn là nông dân làm nông nghiệp. Tuy sản xuất nông nghiệp đang dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhưng để tập trung và khai thác tốt được tiềm năng cả lao động và đất đai thì vấn đề phát triển trang trại có quy mô lớn sẽ là một hướng đi đúng để giải quyết tốt nhất vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Về kinh tế trang trại ở huyện, loại hình trang trại gia đình đã hình thành, đang hoạt động và đem lại hiệu quả tích cực trong những năm qua. Ba trang trại đầu tiên hình thành ở Ân Thi vào năm 1997 thuộc loại hình VAC và chăn nuôi. Đến năm 2000 cả huyện có 10 trang trại tự phát, hoạt động cầm chừng, hiệu quả không cao. Năm 2002 tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 03 về việc cho chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình trang trại. Đó là điều kiện để các trang trại tiếp tục được hình thành và phát triển. Năm 2008 toàn huyện có 88 trang trại. Trong đó: trang trại chăn nuôi 48; trang trại nuôi trồng thủy sản 10; trang trại tổng hợp VAC 30. Xu hướng của nông dân là tập trung chủ yếu vào mô hình trang trại tổng hợp VAC. Những số liệu chủ yếu tổng hợp về kinh tế trang trại ở Ân Thi như sau: về đất đai, tổng diện tích sử dụng 92,6ha, bình quân 1 trang trại 1,05ha; về đầu tư vốn, vốn đầu tư của 88 trang trại là 27.188,2 triệu đồng, bình quân một trang trại 308,6 triệu đồng. Trong đó, vốn tự có là 20.858,9 triệu đồng, bằng 76,8%; vốn vay ngân hàng và huy động từ nguồn khác 6.299,6 triệu đồng, chỉ chiếm 23%; về lao động, lao động được sử dụng thường xuyên trong các trang trại 373 người, trong đó lao động trong gia đình chủ trang trại 261 người, chiếm 70%, lao động thuê theo thời vụ 112 người, chiếm 30%; mức thu nhập bình quân của người lao động từ 500 - 600 nghìn đồng/tháng; hiệu quả kinh tế chung đạt 21.806,3 triệu đồng, bình quân thu nhập của một trang trại là 246,4 triệu đồng; trong đó, thu nhập của các trang trại chăn nuôi đạt 12.552,3 triệu đồng, chiếm 57,6%; thu nhập của trang trại nuôi trồng thủy sản đạt 1.262,9 triệu đồng, chiếm 6%; thu nhập của trang trại kinh doanh tổng hợp đạt 7.941,1 triệu đồng, chiếm 36,4%; tổng giá trị sản phẩm hàng hóa bán ra đạt 18.867,1 triệu đồng, bình quân sản phẩm hàng hóa bán ra của một trang trại là 214,4 triệu đồng, trong đó giá trị bán ra của trang trại chăn nuôi 10.544 triệu đồng, chiếm 55,9%; giá trị sản phẩm hàng hóa bán ra từ trang trại tổng hợp VAC là 7.186,1 triệu đồng chiếm 38,1%. Bình quân mức lãi của một trang trại trong năm đạt 50,19 triệu đồng.

Tác động từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua hơn 10 năm thực hiện, các mô hình trang trại và kinh tế trang trại hình thành và phát triển, đã tác động tích cực đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Điều đó khẳng định chủ trương phát triển kinh tế trang trại là một trong những giải pháp đúng, mang tính quy luật và phù hợp. Tuy vậy, thực tiễn vẫn còn nảy sinh khá nhiều bất cập cần phải tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh, cụ thể là:

- Bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai

Sau khi có Luật Đất đai năm 2003, đất đai được quản lý theo Luật và khai thác sử dụng theo quy hoạch nên việc sử dụng đạt hiệu quả cao hơn. Mặc dù năm 2007 huyện Ân Thi đã duyệt xong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, hiện đang tập trung triển khai quy hoạch điểm dân cư nông thôn, song, những vướng mắc và tồn tại là do vi phạm của chủ trang trại. Biểu hiện ở việc trong quá trình sản xuất, các chủ trang trại thường lấn chiếm đất, hạ thấp mặt ruộng để vượt lập, đóng gạch, bán đất màu... Nhiều trường hợp không được chính quyền ngăn chặn kịp thời hoặc giải quyết dứt điểm. Nhiều trang trại tự phát xây dựng không đúng quy hoạch, xây nhà kiên cố cao tầng trên đất 03, xây nhà bám mặt đường thuộc hành lang giao thông hoặc trên kênh mương thủy lợi để làm dịch vụ. Nhiều chủ trang trại không muốn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận vì các tiêu chí của giấy chứng nhận này nói chung không gắn với sự ràng buộc về lợi ích và trách nhiệm của họ.

- Bất cập do sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở

Trong quá trình sử dụng đất, một số nơi diễn ra tình trạng bán đất trái thẩm quyền, chuyển nhượng đất ở không đúng quy trình theo luật. Tồn tại phổ biến tình trạng chuyển nhượng đất qua Ủy ban nhân dân xã ký xác nhận hoặc hai bên mua bán tự làm giấy biên nhận cho nhau. Một số thôn đã vi phạm việc cho đấu thầu sử dụng đất dài hạn trái thẩm quyền... Những trường hợp này sẽ gây nên trở ngại lớn khi thu hồi, giải phóng mặt bằng để cấp đất cho các dự án xây dựng và quy hoạch khu dân cư. Không ít trường hợp dẫn đến tình trạng khiếu kiện, gây mất ổn định ở nông thôn.

- Bất cập trong hoạt động của các chủ trang trại

Vốn, giống và tài chính đầu tư cho sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có của chủ trang trại (chiếm 76,8%), nguồn vốn vay ngân hàng chỉ được 23,2%. Hiện tại quy định mức vay của ngân hàng cho một trang trại từ 7 đến 10 triệu đồng là quá thấp. Trong khi đó, chủ trang trại phải bỏ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng ban đầu quá lớn, nên nhu cầu về vốn để mở rộng phát triển sản xuất luôn luôn là áp lực lớn cho các chủ trang trại. Về giống, do chủ yếu các chủ trang trại tự khai thác, tự phát nên cơ bản không cải thiện được những yêu cầu cao và chặt chẽ.

Trong chỉ đạo, thực hiện phát triển các mô hình trang trại, Ân Thi đã nhận rõ những bất cập đang diễn ra về quản lý, sử dụng đất đai, trong sự buông lỏng quản lý nhà nước ở cơ sở, dẫn đến sự lách luật hoặc cố tình vi phạm của các chủ trang trại trong sử dụng đất và chuyển đổi mục đích, nhượng bán trái phép; cùng những hạn chế về năng lực đầu tư cho phát triển quy mô lớn nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc chuyển giao khoa học- kỹ thuật và năng lực của một số chủ trang trại còn nhiều yếu kém. Các chủ trang trại tiếp thu khoa học - kỹ thuật chủ yếu từ việc thụ động học kinh nghiệm lẫn nhau chứ chưa được tham gia các chương trình tập huấn. Do khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật kém nên nhiều trang trại hiệu quả đạt thấp hoặc chưa tương xứng với tiềm năng.

Công tác quản lý còn nhiều yếu kém. Chủ trương, chính sách đúng và thuận lợi nhưng việc thực hiện ở cở sở còn nhiều sai sót. Các Quyết định 03 và 46 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nông thôn và mở rộng trang trại, phát triển kinh tế hộ gia đình là những chủ trương đúng đắn và phù hợp, nhưng trong quá trình thực hiện, các cấp cơ sở còn để khá nhiều tồn tại. Chẳng hạn, 100% các xã, thị trấn đã duyệt xong quy hoạch đất đai, trong đó có quy hoạch các vùng trang trại tập trung, xa khu dân cư; vốn vay được ngân hàng đáp ứng thuận lợi và kịp thời hơn cho các chủ trang trại; việc quy hoạch các vùng trang trại tập trung xa khu dân cư là đúng, nhưng rất khó thực hiện vì nhiều lý do như: đầu tư hạ tầng về đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện phục vụ cho khu quy hoạch trang trại tập trung... thì bản thân các chủ trang trại chưa có đủ điều kiện về kinh phí để đầu tư, ngân sách của địa phương cũng khó có điều kiện đáp ứng ngay. Trang trại chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, diện tích hẹp, nếu đưa vùng quy hoạch trang trại tập trung thì phải làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa giữa các hộ nông dân với nhau. Thực tế, tình trạng ở nông thôn hiện nay, việc sở hữu ruộng đất của các hộ nông dân chủ yếu còn nhỏ lẻ, gây trở ngại cho quy hoạch.

- Bất cập về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tính không đồng bộ của thị trường cũng là biểu hiện sự bất cập giữa sản xuất, quảng bá và vùng tiêu thụ. Chủ yếu các chủ trang trại tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, đa số trang trại tiêu thụ tại địa bàn trong tỉnh, một số trang trại liên kết hợp đồng với các nhà máy lớn, các công ty để chế biến nông sản thực phẩm nên khó khăn, rủi ro và bị mua bán ép giá khá phổ biến. Vai trò của chính quyền hoặc hiệp hội dịch vụ trong lĩnh vực này chưa rõ do chưa có sự quản lý chung hoặc vai trò điều phối mang tính hệ thống, nên sản phẩm sản xuất ra chất lượng chưa thỏa mãn các yêu cầu, tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên sản phẩm hàng hóa chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong địa bàn. Chính vì độ rủi ro lớn, dẫn đến hạn chế về tăng lượng sản phẩm và tính chuyên nghiệp của sản xuất hàng hóa trang trại.

Những giải pháp chủ yếu

Một là, tăng cường quản lý đất đai. Trước tình trạng sử dụng đất đai ở nông thôn như đã nói, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc quản lý đất đai. Trước mắt, cần thống kê, rà soát, phân loại lại toàn bộ đất đai, đất ở dân cư, đất nông nghiệp, lập hệ thống quản lý chặt chẽ về biến động đất đai.

Kiểm tra, thống kê toàn bộ trang trại và đất trang trại để kịp thời điều chỉnh các hộ tự chuyển đổi sử dụng đất sai mục đích, kiểm tra hiệu quả hoạt động trang trại, quỹ đất mà các trang trại sử dụng. Tiếp tục cho các địa phương chuyển mục đích sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch để đấu giá tăng thu ngân sách chi cho đầu tư phát triển, hạ tầng cơ sở của địa phương từ diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp. Giữ nguyên hiện trạng ao, hồ, không san lấp, không nên chuyển mục đích sang sử dụng làm đất ở hoặc mục đích khác để giải quyết tốt vấn đề môi trường, môi sinh.

Nhà nước cần sớm có hướng dẫn việc xử lý đất lấn chiếm trước năm 1993, đất vượt hạn mức quy định và xem xét về khoản thuế 1% trước bạ với hộ dân cư đã có quyết định hợp pháp để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân.

Hai là, tiếp tục phát triển trang trại theo quy mô tập trung hướng mạnh vào sản xuất hàng hóa theo quy trình sản phẩm sạch. Nghiên cứu để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại tập trung. Coi phát triển kinh tế trang trại là một khâu để giải quyết các vấn đề công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo; vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trước hết, qua kiểm tra, nghiên cứu toàn diện, từ đó quy hoạch lại các loại hình trang trại và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh của trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với các quá trình công nghệ sạch để tăng giá trị sản phẩm.

Các giải pháp đang đặt ra là tăng cường quản lý, hướng dẫn của Nhà nước về kinh tế trang trại; đồng thời tích cực hỗ trợ các chủ trang trại về các khoản đầu tư hạ tầng lớn theo quy mô vùng, khu vực để họ tập trung vào sản xuất hàng hóa theo quy trình sạch và an toàn, gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, ổn định đời sống nông dân, phát triển nông thôn theo mô hình mới.

Hiện nay do phát triển tự phát, thiếu quy hoạch nên sản phẩm làm ra lúc thừa, lúc thiếu, các trang trại không gắn với công nghiệp chế bến, nên lãng phí và khó điều tiết. Quy hoạch trang trại cần gắn liền quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, với chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng cũng như quy hoạch ngành. Tăng cường các giải pháp về tài chính. Nhà nước có chính sách ưu tiên tăng nguồn vốn vay ngân hàng cho các chủ trang trại tương ứng với quy mô, dự án khuyến khích phát triển.

Ba là, tăng cường vai trò quản lý và hỗ trợ của Nhà nước. Nghiên cứu ban hành các chính sách thuế đối với trang trại. Coi chính sách thuế như một công cụ điều tiết, khuyến khích phát triển. Từ nguồn thuế, có thể xây dựng kết cấu hạ tầng vào khu trang trại tập trung xa khu dân cư như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đường điện, thông tin liên lạc... như chính sách với các khu công nghiệp.

Cải tạo và cung ứng giống cây trồng vật nuôi cho các trang trại là một mục tiêu quan trọng. Những công việc này các chủ trang trại không thể tự làm, Nhà nước phải hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho chủ trang trại, các cán bộ kỹ thuật làm việc trong trang trại. Bồi dưỡng thường xuyên thông qua các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và năng lực quản lý cho các chủ trang trại.

Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, khuyến khích thành lập các hiệp hội giúp nhau về giống, vốn và khoa học - kỹ thuật, quan tâm thị trường tiêu thụ sản phẩm và liên kết chặt chẽ “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông - chủ trang trại và nhà doanh nghiệp). Xây dựng và phát triển hệ thống thị trường, tạo thị trường ổn định cho việc tiêu thụ các sản phẩm của trang trại. Hằng năm, các cấp chính quyền cần tổ chức gặp gỡ, hội thảo với các chủ trang trại, nghe các chủ trang trại báo cáo những thuận lợi và khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị để tìm biện pháp giúp các trang trại tiếp tục phát triển./.