Tìm hiểu khái niệm “G20”
TCCS - G20 là nhóm những quốc gia mạnh nhất thế giới, chiếm 85% nền kinh tế thế giới. G20 được thành lập năm 1999, sau khủng hoảng tài chính châu Á, để bàn về hợp tác quốc tế giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương.
Các nước thành viên chính thức của G20 gồm: Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Ca-na-đa, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, I-ta-li-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Nga, A-rập Xê-út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Trước đây, khi xảy ra khủng hoảng, nhóm các quốc gia giàu có, tập hợp trong câu lạc bộ G7 gồm Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Ca-na-đa và Nhật Bản, tự trao cho mình vai trò độc quyền “chữa cháy” cho thế giới. Ngày nay mọi chuyện đã khác. Bên cạnh G7, tại Oa-sinh-tơn còn hiện diện 4 nền kinh tế mới nổi BRIC: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Bra-xin, cùng với Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ. Việc các nền kinh tế mới nổi ngồi chung bàn hội nghị với các siêu cường phản ánh một thực tế không thể chối cãi: các quốc gia đang cất cánh sẽ đóng vai trò đầu tàu cho nền kinh tế thế giới trong tương lai, trong khi đó Mỹ, EU và nhiều quốc gia công nghiệp khác đang lún sâu vào suy thoái kinh tế. Việc các quốc gia đang cất cánh góp mặt với G7 báo hiệu thời đại mà vai trò của G7 dần dần lu mờ, nhường chỗ cho một định chế mới là G20, trong đó Trung Quốc, Bra-xin, Ấn Độ và Nga có tiếng nói và trọng lượng lớn hơn hẳn.
Thêm vào đó, các nền kinh tế mới nổi còn cho rằng, với cách tổ chức hiện nay họ không có đủ quyền đại diện tại các thể chế kinh tế quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Chính vì vậy, theo những nước này, bất kỳ bàn thảo nào về một hệ thống tài chính toàn cầu mới cần có sự góp mặt của họ.
Một trong những thỏa thuận quan trọng nhất của Hội nghị G20 là việc cải tổ hai thể chế tài chính lớn nhất hiện nay của thế giới IMF và WB, cũng như tăng thêm sự hiện diện của các nước mới nổi tại hai thể chế tài chính này. Đây là vấn đề được đặt ra từ 3 - 4 năm nay. Các nhà lãnh đạo G20 cũng đã nhất trí với nhau trên ba hướng làm việc chính. Thứ nhất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới bằng cách tạo điều kiện cho các chính sách kích thích tăng trưởng. Thứ hai, cải cách hệ thống giám sát, kiểm soát thị trường tài chính quốc tế. Thứ ba, rà soát lại việc điều hành toàn cầu, chủ yếu bằng việc nghiên cứu vị trí của các nước mới trỗi dậy trong các định chế tài chính như IMF và WB. Ngoài ra, theo đề nghị của Mỹ, các nhà lãnh đạo G20 cam kết không nhượng bộ cho chính sách bảo hộ mậu dịch.
Một trong những thỏa thuận mà G20 đạt được là đề ra nguyên tắc các nước phải tự chịu trách nhiệm về quản lý và điều tiết thị trường tài chính, gạt bỏ ý tưởng thành lập một cơ chế siêu quốc gia, một “siêu hiến binh” theo dõi, điều chỉnh các hoạt động của thị trường tài chính thế giới.
Do các thị trường tài chính có liên hệ với nhau, G20 chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế giữa các tổ chức điều tiết quốc gia, củng cố các chuẩn mực tài chính quốc tế để bảo đảm việc áp dụng được thực hiện một cách hài hòa.
Tại Hội nghị Pít-bớc, Mỹ (tháng 9-2009), lãnh đạo G20 đã tiến hành trao đổi quan điểm, thảo luận cách thức hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế. Một chủ đề lớn khác được giới chuyên gia và công luận quan tâm là việc cải thiện hệ thống quản lý, theo dõi lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nơi xuất phát cuộc khủng hoảng. Trong hồ sơ này, các thành viên G20 vẫn còn những bất đồng quan trọng.
Trong bản thông cáo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Pít-bớc, các nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ cùng hợp tác để tiến tới một mô hình cân đối hơn cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ áp dụng những chuẩn mực quốc tế chặt chẽ về tiền lương, tiền thưởng trong các đại công ty đa quốc gia để chấm dứt những tình trạng chấp nhận rủi ro quá đáng.
Bản thông cáo của G20 cũng cho biết sẽ dân chủ hóa các thể chế như IMF hay WB, để các nước đang trỗi dậy chiếm một trọng lượng lớn hơn trong các định chế tài chính đa quốc gia này.
Tham vọng của G20 là thiết lập một trật tự kinh tế toàn cầu mới. Nhưng các tổ chức bảo vệ quyền lợi của các nước nghèo lấy làm tiếc là G20 đã không đưa ra được biện pháp cụ thể nhằm giúp đỡ các nước nghèo. Đó là bản dự thảo thông cáo không hề nói đến 50 tỉ USD mà các nhà lãnh đạo này đã hứa cho các nước nghèo tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào tháng 4-2009 ở Luân-đôn.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đề cập đến vấn đề gia tăng viện trợ - nhưng một cách tự nguyện - cho các nước nghèo để các nước này có được năng lượng sạch. Ngoài ra, các tuyên bố của G20 về việc cải tổ IMF để các nước đang nổi lên có được một vai trò xứng đáng cũng bị đánh giá là còn quá yếu.
Do vậy, nếu IMF không thay đổi luật lệ để các nước nghèo thật sự có quyền phát biểu về cách quản lý IMF, thì tổ chức tài chính quốc tế này tiếp tục chỉ là một câu lạc bộ của những nước giàu./.
An Giang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo  (12/01/2010)
Hoạt động bảo hiểm, tiền gửi Việt Nam góp phần bảo đảm an sinh xã hội  (12/01/2010)
Tổng sản phẩm trong nước năm 2009 theo giá so sánh năm 1994 (%)  (11/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên