Tối ưu hóa hiệu quả tuyên truyền lý luận chính trị trên không gian mạng của các tạp chí của Đảng thông qua phân tích dữ liệu độc giả bằng công nghệ số
TCCS - Trong kỷ nguyên số, phân tích dữ liệu tổng hợp bạn đọc bằng công nghệ số có ý nghĩa quan trọng, mang tính chất nền tảng để các cơ quan tạp chí của Đảng thiết lập mô hình, tổ chức, sản xuất nội dung, phương thức xuất bản phù hợp với nhóm công chúng đích nhằm tối ưu hóa hiệu quả tuyên truyền lý luận chính trị trên không gian mạng, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
1. Tuyên truyền là truyền bá hệ tư tưởng, chủ thuyết chính trị của giai cấp thống trị để chính thống hóa và duy trì nó ở vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Tuyên truyền là sự biểu hiện tập trung tính mục đích của các phương tiện truyền thông đại chúng, trước hết là mục đích chính trị. Tuyên truyền mang tính phổ quát ở mọi nền truyền thông(1).
Tuyên truyền lý luận chính trị ở nước ta là tuyên truyền, giải thích những vấn đề lý luận chính trị. Tính lý luận thể hiện ở việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phân tích, làm sáng tỏ nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời góp phần tổng kết thực tiễn, bổ sung phát triển lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từng bước hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng; đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tính chính trị là lấy việc tuyên truyền, giải thích đường lối quan điểm của Đảng, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị là mục đích(2). Công tác tuyên truyền lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tính tích cực trong hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đặc biệt, tuyên truyền lý luận chính trị trên không gian mạng nhằm phản bác kịp thời, bẻ gãy từ gốc những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong kỷ nguyên số, hình thức tuyên truyền lý luận chính trị trên các nền tảng số đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông… Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet”(3). Để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 6-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả... Trong đó, xác lập mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 có 50% số cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; đến năm 2030 đạt 90%.
Hệ thống tạp chí của Đảng gồm có tạp chí của Ban Chấp hành Trung ương (Tạp chí Cộng sản), tạp chí của các ban đảng trung ương (tạp chí: Tuyên giáo, Xây dựng Đảng, Dân vận, Kiểm tra…), các tạp chí của các đơn vị, vụ, viện, học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (tạp chí: Thông tin lý luận, Lý luận chính trị, Lý luận chính trị và truyền thông,..). Hệ thống tạp chí của Đảng là một hợp phần quan trọng của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong kỷ nguyên số, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền trên không gian mạng, các tạp chí của Đảng cần phải phân tích, đánh giá chính xác cách thức tiếp nhận, hành vi, tâm lý, thói quen và tương tác của người dùng, từ đó có giải pháp tổng thể, đồng bộ để nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính dự báo; đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động theo hướng tinh gọn, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí trong nước và thế giới.
2. Bạn đọc - công chúng báo chí - người dùng vừa là đối tượng tác động, đối tượng thuyết phục, đối tượng phản ánh, đối tượng phục vụ và là khách hàng của báo chí. Việc nắm rõ tính chất, đặc điểm và nhu cầu, tâm lý, thói quen của bạn đọc là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, đặc biệt là trong bối cảnh của truyền thống số và chuyển đổi số hiện nay.
Ở Việt Nam, so với các loại hình báo chí, như báo, tạp chí in, phát thanh, truyền hình, thì báo và tạp chí điện tử có điều kiện tương tác cao với độc giả nhờ hoạt động trên môi trường mạng. Xét từ môi trường truyền thông và hoạt động thực tiễn của các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, việc sử dụng công cụ số để phân tích dữ liệu công chúng báo chí theo thời gian thực để đo lường nhu cầu, tâm lý, thói quen của bạn đọc một cách chính xác, khách quan làm căn cứ quan trọng trong đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền trong bối cảnh công nghệ báo chí bùng nổ hiện nay là một nhu cầu cấp thiết đang đặt ra. Đặc biệt, trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang thực hiện triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, nhằm phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng thì việc phân tích dữ liệu công chúng báo chí có ý nghĩa quan trọng đến vai trò, vị thế và sức mạnh xã hội của cơ quan báo chí đó.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là sự bùng nổ của viễn thông, internet, không gian mạng trở thành môi trường đặc biệt để các quốc gia khai thác, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 1-2024, tại Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Thời gian người dùng từ 16 đến 64 tuổi sử dụng internet hằng ngày trên tất cả các thiết bị là hơn 6 giờ/ngày. Trong đó, thời gian sử dụng internet trên điện thoại di động 3 giờ 30 phút, trên máy tính và máy tính bảng 2 giờ 47 phút. Tỷ lệ thời gian sử dụng điện thoại di động trên internet hằng ngày chiến 55,7%. Mục đích sử dụng internet để cập nhật tin tức, sự kiện chiếm 59,6%. Các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất theo thứ tự tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Tiktok, Facebook Messenger, Instagram, Telegram,... Mục đích sử dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức, sự kiện chiếm 48,5%(4). Thống kê này cho thấy, người dùng độ tuổi từ 16 đến 64 dành hơn nửa thời gian sử dụng internet để cập nhật tin tức, sự kiện thông qua báo chí và các nền tảng truyền thông xã hội.
Phân tích dữ liệu (analytics) là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành truyền thông để chỉ quá trình đo lường đánh giá hành vi của người dùng thông qua các tiêu chí, như: phân tích tương tác theo thời gian thực, số lần xem trang (pageviews), lưu lượng truy cập (trafic), người dùng (visitor), thời gian trên trang (time on site), vị trí địa lý người dùng, được chia sẻ trên các nền tảng số nào, từ khóa tìm kiếm,… và sử dụng các tiêu chí đó để nâng cao hiệu quả của tổ chức(5). Hiện nay, có nhiều công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu hiệu quả, bao gồm cả các công cụ miễn phí và trả phí, như: Google Analytics, Google Search Console, Similarweb, SentimentBuilder, Reputa (Viettel)…; các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng để theo dõi và phân tích thái độ, hành vi của người dùng thông qua các “dấu vết” mà người dùng lưu lại các nền tảng truyền thông xã hội qua các dòng trạng thái, các bình luận, đánh giá, chia sẻ, như: Kissmetrics, Crazy Egg, Optimizely ClickTale… hoặc các công cụ do cơ quan báo chí tự phát triển phân tích theo các tiêu chí đặc thù cơ quan báo chí.
Đánh giá hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền lý luận chính trị của các tạp chí của Đảng thông qua phân tích dữ liệu bạn đọc cần tập trung phân tích một số tiêu chí sau:
Về số lượng lượt truy cập, qua phân tích, số lượng lượt truy cập (người dùng) các tạp chí của Đảng không nhiều so với các tờ báo chủ lực của Đảng và Nhà nước, cụ thể: Tạp chí Cộng sản điện tử có lượt truy cập nhiều nhất, trung bình gần 900 nghìn người dùng/tháng. Lượt xem (pageviews) trung bình 900 nghìn lượt xem/ngày, tăng cao chủ yếu tập trung và thời điểm trước, trong, và sau những sự kiện chính trị lớn của Đảng (Đại hội Đảng toàn quốc, các Hội nghị Trung ương), các ngày kỷ niệm lớn của đất nước (Quốc khánh 2-9, Chiến thắng Điện Biên phủ 7-5, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4,…).
Tuy nhiên, thời gian trung bình bạn đọc xem tạp chí không dài, trung bình 5,46 phút/lượt đối với Tạp chí Xây dựng Đảng; hơn 3,04 phút/lượt đối với Tạp chí Cộng sản; 1,42 phút/lượt đối với tạp chí Dân vận... Đối với các bài viết trên các tạp chí của Đảng có dung lượng từ 2 đến 5 nghìn chữ, thể loại chủ yếu chuyên luận lý luận chính trị. Như vậy, chất lượng đọc tạp chí còn thấp, bạn đọc mới truy cập và xem lướt bài viết. Một số chuyên mục bạn đọc xem nhưng không có bất kỳ tương tác nào (không click hoặc kéo chuột xuống cuối bài viết). Thời gian đọc và tương tác là tiêu chí quan trọng phản ánh hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, do đó, các cơ quan tạp chí của Đảng cần nghiên cứu các giải pháp để “giữ chân” bạn đọc lâu hơn, đạt trung bình 8 phút/lượt.
Cơ cấu giới tính bạn đọc có: 40,30% nam, 59,70% nữ. độ tuổi gồm: 25,32% (từ 18 - 24), 23,39% (từ 25 - 34), 9,98% (từ 35 - 44), 18,34% (độ tuổi từ 45 - 54), 16,20% (từ 55 - 64), 6,7% (từ 65 tuổi trở lên). Như vậy, tỷ lệ độ tuổi bạn đọc tạp chí khá đa dạng, tập trung chủ yếu vào 3 nhóm tuổi từ 18 - 24; 25 - 34, 45 - 54. Đây là nhóm độc giả có thói quen đọc, theo dõi tạp chí hằng ngày trên các nền tảng số.
Về phân tích nội dung, các bài viết được quan tâm nhiều nhất thường gắn với các sự kiện, ngày kỷ niệm, như: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đăng ngày 16-5-2021 và tuyến bài viết phân tích, làm rõ các luận điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên các tạp chí của Đảng có lượt xem, thời gian đọc và tương tác nhiều nhất. Kỷ niệm 107 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 2024) là năm lẻ, các tạp chí của Đảng không tổ chức các tuyến bài kỷ niệm. Tuy nhiên, một số bài viết về Cách mạng Tháng Mười Nga được xuất bản từ những năm trước được bạn đọc tìm kiếm và xem nhiều, đơn cử, như bài viết “Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm” đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 1-12-2022 có lượt xem ngày 11-11-2024 đạt 475.909 lượt xem/ngày. Ngày 7-5-2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, lượt xem Tạp chí Cộng sản điện tử đạt 1,3 triệu lượt xem/ngày, tập trung chủ yếu vào tuyết bài viết về chiến thắng Điện Biên Phủ. Về các vấn đề - sự kiện chính trị quốc tế, ngày 24-2-2022, Nga tấn công Ukraine, lượt bạn đọc truy cập xem Tạp chí Cộng sản điện tử tăng đột biến, đạt gần 1,2 triệu lượt xem/ngày, trong đó có gần 400 nghìn lượt xem bài viết “Mối quan hệ Nga - Ukraine: Căng thẳng leo thang sau các toan tính của Mỹ và phương Tây?” đăng ngày 14-2-2022 và “Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng”, đăng ngày 3-3-2022. Các bài viết đăng trước, sau thời điểm xảy ra xung đột phân tích bản chất, nguyên nhân sâu xa của căng thẳng giữa Nga và Ukraine và dự đoán khả năng xảy ra xung đột đã thu hút lượt đọc rất lớn. Mặt khác, liên quan đến sự kiện địa - chính trị quốc tế này, các bài viết về quan điểm, chủ trương của Đảng ta về xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, chiến lược quốc phòng “bốn không” của Việt Nam,… có lượt xem tăng đột biết; một số cặp từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên các công cụ tìm kiếm, như “quan điểm của Đảng về xung đột Nga - Ukraine”, “chiến lược bảo vệ Tổ quốc”, “đối ngoại quốc phòng”… Qua phân tích có thể thấy, đây là những bài viết có hàm lượng lý luận chính trị cao; độ chuyên sâu trong thông tin, phân tích, giải thích và giải đáp những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội, vấn đề - sự kiện quốc tế một cách có hệ thống, sâu sắc; là tài liệu nghiên cứu, tham khảo giá trị đối cán bộ, đảng viên, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và là nguồn tri thức quý của bạn đọc.
Lĩnh vực đọc nhiều nhất theo thứ tự: kinh tế, chính trị, xây dựng Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch, quốc phòng - an ninh - đối ngoại, quốc tế, nghiên cứu - trao đổi, văn hóa... Những lĩnh vực này được bạn đọc truy cập và xem nhiều nhất, thời gian lâu nhất, tương tác nhiều nhất, được xem trong một khung giờ cố định (sáng từ 9 giờ đến 11 giờ, chiều từ 2 giờ đến 4 giờ 30 phút) và tập trung chủ yếu từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.
Về không gian địa lý và phương thức đọc tạp chí, trong tổng lượt truy cập, có hơn 20% bạn đọc truy cập trực tiếp vào website qua đường dẫn URL trên công cụ trình duyệt web với tỷ lệ hơn 68% thông qua thiết bị di động. Truy cập qua đường dẫn URL thường là độc giả trung thành, đã hình thành thói quen đọc tạp chí hằng ngày. Hơn 75% bạn đọc truy cập tạp chí thông qua các công cụ tìm kiếm, đây là đối tượng độc giả mới, tìm kiếm thông tin theo từ khóa, bằng các công cụ search. Do đó, để tăng lượng bạn đọc mới này cần tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization) trên các nền tảng công nghệ Google, Bing, Yahoo,… Chỉ có hơn 2% bạn đọc truy cập các tạp chí của Đảng qua các nền tảng truyền thông xã hội, đây là lượng bạn đọc phái sinh từ những bạn đọc trung thành và bạn đọc mới thông qua chia sẻ bài viết qua Facebook, Zalo,.. Đặc biệt, thời gian gần đây, các công cụ số tích hợp trí tuệ nhân tạo, như: chatgpt.com, perplexity.ai, poe.com… là kênh chia sẻ, giới thiệu và tổng hợp nội dung từ các tạp chí tăng đột biến.
Có hơn 2% qua các kênh/website giới thiệu khác. Đây là đối tượng độc giả truy cập thông qua các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử khác đăng tải lại bài, ảnh, video, góp phần lan tỏa đến nhiều bạn đọc hơn, từng bước chuyển hóa bạn đọc giám tiếp thành bạn đọc trực tiếp, thường xuyên.
Bạn đọc truy cập tập trung chủ yếu tập trung ở đô thị lớn, như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, như: Đắk Nông, Kon Tum; duyên hải Nam Trung Bộ (Phúc Yên, Bình Định, Bình Thuận) có lượt truy cập rất hạn chế. Phương tiện bạn đọc dùng để truy cập đa phần đến từ người dùng thông qua sử dụng thiết bị cầm tay.
Qua phân tích dữ liệu bạn đọc các tạp chí của Đảng trên không gian mạng, có thể khái quát như sau: 1- Bạn đọc phần lớn có trình độ chuyên môn, nhận thức về lý luận chính trị cao, có thói quen đọc tạp chí ở khung giờ cố định (giờ hành chính), tập chung chủ yếu ở các khu đô thị lớn, độ tuổi trung bình từ 18 -54; 2- Nội dung tập trung chủ yếu vào hệ bài lý luận chính trị gắn với sự kiện chính trị, ngày kỷ niệm và các vấn đề - sự kiện địa - chính trị quốc tế; 3- Phương thức đọc bài viết chủ yếu thông qua các công cụ tìm kiếm trên internet, như Google, Bing, Yahoo..; 4- Nội dung được giới thiệu nhiều nhất qua các công cụ trí tuệ nhân tạo (chatgpt.com, perplexity.ai, poe.com).
3. Để tối ưu hóa hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền lý luận chính trị của các tạp chí của Đảng trên không gian mạng, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, xác định rõ đối tượng và mục tiêu, để có chiến lược, kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp, đúng thời điểm, bảo đảm tính nguyên tắc, tính thống nhất, tính chính trị. Các tạp chí của Đảng phải luôn nhạy bén về chính trị khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền lý luận chính trị; lựa chọn nội dung phù hợp tuyên truyền trên tạp chí, biết thời điểm nào thì đưa các vấn đề lên mặt tạp chí bảo đảm hiệu quả tuyên truyền, nếu sớm hơn sẽ thiếu độ chín cần thiết, nếu chậm sẽ mất đi ý nghĩa hiệu ứng truyền thông. Tuyên truyền lý luận chính trị đòi hỏi sự trầm tĩnh, tỉnh táo, sâu lắng trước mọi sự kiện khi đưa ra các phân tích, bình luận, đánh giá. Tính hiệu quả tuyên truyền đòi hỏi phải nắm bắt và vận dụng tốt các quy luật truyền thông, ứng dụng phương tiện kỹ thuật số(6). Xây dựng kế hoạch tuyên truyền gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội của đất nước và thế giới. Kế hoạch tuyên truyền phải thật chi tiết, cụ thể, rõ mục đích, yêu cầu theo từng quý, từng năm. Kế hoạch là “xương sống”, “kim chỉ nam” để triển khai hệ bài, tuyết bài đúng, trúng vấn đề. Bên cạnh đó, bám sát những vấn đề, sự kiện mới, phức tạp và nhạy cảm để thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội kịp thời.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền: Về nội dung, tập trung nâng cao chất lượng bài viết, các bài viết phải gắn với yêu cầu nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu, tính hiệu quả của nhiệm vụ tuyên truyền. Gia tăng hàm lượng, chất lượng lý luận của các sản phẩm báo chí. Tính hiệu quả của tuyên truyền đặt ra yêu cầu lựa chọn cách viết, cách trình bày sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, tránh lối “tư biện” sáo rỗng. Về hình thức, đầu tư mới, nâng cấp tổng thể, toàn diện hệ thống - giao diện tạp chí điện tử, định hình rõ phong cách, sắc thái riêng có, dựa vào tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ và công chúng đích của từng loại tạp chí sao cho phù hợp, trang trọng nhưng phải hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hỗ trợ viết bài, biên tập, sáng tạo và thiết kế, trình bày các tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí. Về phương thức, đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất, phân phối nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, siêu tác phẩm báo chí,... Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để đo lường hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền sau mỗi chiến dịch, sự kiện, hằng quý, hằng năm làm căn cứ để tổng kết, rút kinh nghiệm.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với đổi mới công tác cộng tác viên.
Cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định cho cả trước mắt và lâu dài. Từng bước chuẩn hóa các mặt trình độ và kỹ năng, từ lý luận chính trị, chuyên môn - nghiệp vụ, ngoại ngữ đến công nghệ thông tin; từ kỹ năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đến kỹ năng tác nghiệp, biên tập, sản xuất tác phẩm báo chí đa phương tiện. Sử dụng thành thạo các công cụ nền tảng kỹ thuật số. Lựa chọn một số cán bộ có bút lực mạnh, tập trung đào tạo, bồi dưỡng xây dựng thành những cây bút có uy lực, sức thu hút, ảnh hưởng lớn trong xã hội. Bên cạnh đó, tập trung củng cố đội ngũ cộng tác viên nòng cốt, gắn bó lâu năm; mở rộng, đa dạng hóa đội ngũ cộng tác viên, chú trọng những cộng tác viên có hoạt động nghiên cứu và trải nghiệm thực tiễn. Do tính chất đặc thù về tính lý luận, tính chính trị nên bài viết trên các tạp chí của Đảng chủ yếu do đội ngũ cộng tác viên là những nhà nghiên cứu khoa học, nhà lý luận chính trị uy tín. Vì vậy, mở rộng, đa dạng đội ngũ cộng tác viên có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng tạp chí, mang lại sự phong phú, sức hấp dẫn, tươi mới trong các bài viết.
Thế mạnh của tạp chí là chiều sâu của thông tin, là sự phân tích, nhận định, bình luận, đánh giá, dự báo, đề xuất giải pháp… và đặc biệt là uy tín và vị thế của tạp chí kết hợp với công nghệ số sẽ góp phần tối ưu hóa hiệu quả tuyên truyền lý luận chính trị trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay./.
-----------------------
(1) Lê Hải: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2024, tr. 11.
(2) Nguyễn Phú Trọng (2003), Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng, Tạp chí Cộng sản số 22 + 23, tháng 8-2003.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 272
(4) Xem: Digital 2024: Vietnam, https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam
(5) Xem: Paul Bradshaw: Cẩm nang báo chí trực tuyến: Kỹ năng sinh tồn và lớn mạnh trong kỷ nguyên số, Nhà xuất bản trẻ, Hà Nội, 2020, tr. 60.
(6) Đoàn Minh Huấn: Tạp chí Cộng sản - kiên định và sáng tạo trên nền tảng truyền thống vẻ vang 90 năm, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/tap-chi-cong-san-kien-dinh-va-sang-tao-tren-nen-tang-truyen-thong-ve-vang-90-nam-xung-dang-la-ngon-co-tu-tuong-ly-luan-cua-dang-cong-san-viet-nam
Vai trò của giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học trong việc phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (16/02/2024)
Vai trò của giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học trong việc phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh  (16/02/2024)
Nâng cao phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở các tạp chí lý luận chính trị  (15/06/2023)
Nâng cao ý thức chính trị của sinh viên Việt Nam hiện nay  (11/06/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển