Công an thành phố Hà Nội tích cực cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng tinh nhuệ và hiện đại
TCCS - Nhằm củng cố, xây dựng lực lượng công an tinh nhuệ, hiện đại, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trong tình hình mới, Công an thành phố Hà Nội tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, xây dựng lực lượng vững mạnh, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.
Tích cực cải cách hành chính, kiện toàn bộ máy, chuyển đổi số
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, lực lượng Công an thành phố Hà Nội luôn tích cực, chủ động thực hiện chủ trương, nghị quyết của Thành ủy, quyết định, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang Thủ đô, dựa vào nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả những chương trình, đề án, kế hoạch, giữ vững an ninh Thủ đô, trật tự an toàn xã hội. Công an Thủ đô là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, giàu đẹp, bình yên và trật tự.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh, trấn áp tội phạm, Công an thành phố Hà Nội triển khai nhiều phương án, giải pháp và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ chủ trương, yêu cầu Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 06-8-2018, của Chính phủ về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an”, Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Bộ Công an (Đề án 106)…
Hiện nay, Công an thành phố cần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, xây dựng lực lượng trong sạch, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung, yêu cầu Đề án số 19 của Bộ Công an về “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh” và triển khai Kế hoạch số 155/KH-CNHN của Công an thành phố Hà Nội về “Tổ chức bộ máy và sắp xếp, bố trí cán bộ theo mô hình tổ chức bộ máy mới đối với một số đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội”.
Chính vì vậy, toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và tất cả cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt ở những đơn vị trong quá trình hợp nhất, sáp nhập đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị cấp phòng, quận, huyện. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy được thực hiện song hành với việc nâng cao năng lực, phẩm chất, sức chiến đấu của toàn lực lượng nên các đơn vị của Công an Thủ đô đều làm tốt công tác chủ động phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, kiềm chế, giảm thiểu tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhiều vụ án hình sự phức tạp, manh động, nghiêm trọng, có tổ chức đều được các đơn vị nghiệp vụ tập trung lực lượng khám phá nhanh. Công an thành phố và công an các quận, huyện đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, sử dụng công nghệ cao…
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phục vụ mục tiêu cải cách hành chính trên địa bàn Thủ đô, thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội chủ động tiến hành công tác tham mưu cho Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ. Để góp phần vào việc xây dựng chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô, việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ ứng dụng, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân là nhiệm vụ cấp bách, cần được triển khai rộng rãi ở tất cả các quận, huyện, phường, xã của thành phố. Vì vậy, Công an thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của ngành công an. Với mục tiêu, khẩu hiệu “Lấy người dân làm trung tâm, vì nhân dân phục vụ”, Công an Thủ đô là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong công tác ứng dụng, đẩy mạnh cải cách, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Do tích cực triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, căn cốt nên công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an thành phố Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực. Hà Nội là địa phương đầu tiên được lựa chọn làm điểm trong việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua 1 năm triển khai thực hiện, với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo 06 của thành phố, Công an thành phố đã tham mưu, triển khai thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ trọng điểm của Đề án và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Hà Nội là 1/14 địa phương trên cả nước hoàn thành việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai 54 dịch vụ công tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến, đem lại hiệu ứng tích cực, được nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao và được Bộ Công an phổ biến, nhân rộng trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thực hiện cải cách hành chính của Công an thành phố có nhiều đổi mới, tiến bộ, bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội còn nhiều khó khăn về hạ tầng, phương tiện giao thông tăng nhanh, ý thức của một số cá nhân tham gia giao thông chưa cao…
Một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện
Để hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đối với công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và xây dựng lực lượng, Công an thành phố Hà Nội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, cần phát huy kết quả, thành tích đạt được, tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Thủ đô tinh nhuệ, vững mạnh; xây dựng Đảng bộ Công an thành phố Hà Nội thực sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô; làm tốt công tác tham mưu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ về cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, trong sạch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, Công an thành phố Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022, của Bộ Chính trị, Đề án số 19 của Bộ Công an và Kế hoạch số 155/KH-CNHN của Công an thành phố Hà Nội; tiếp tục thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua trong lực lượng công an nhân dân; thực hiện tốt văn hóa ứng xử, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Thủ đô trách nhiệm, thân thiện, nhân văn trong lòng nhân dân Thủ đô và của cả nước.
Thứ ba, cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, tích cực triển khai các biện pháp công tác, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, bình yên; tập trung, phối hợp, thực hiện tốt công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và quốc tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Thứ tư, làm tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh mạng,…; bảo vệ an toàn bí mật nhà nước, bí mật nội bộ; giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh nông thôn; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm chống người thi hành công vụ, kinh tế, ma túy, môi trường…; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự; giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tất cả những hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Thứ năm, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kéo giảm tội phạm bền vững, không để tội phạm có cơ hội hoành hành, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân; tăng cường công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng; chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao; có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả với tội phạm lừa đảo, lừa đảo qua mạng, tội phạm ma tuý…
Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra cho lực lượng Công an Thủ đô những nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề, với những mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, kịp thời của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và sự tin tưởng, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp, Công an thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu cao quý và truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam./.
Về miền di sản Sơn Tây (thành phố Hà Nội)  (15/10/2023)
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
- Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
- Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay