Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng
TCCS - Ngày 14-5-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng để chuẩn bị Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân báo cáo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và tình hình kinh tế - xã hội của cả nước những tháng đầu năm 2022, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng từ sau Kỳ họp thứ 2 đến nay…
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội cần thêm thời gian chuẩn bị, trong đó là làm nổi bật vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội; tăng và mở rộng tính dân chủ, tăng tính pháp quyền, tính thích ứng "từ sớm, từ xa", linh hoạt, chủ động thích ứng, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, ngày càng gần dân hơn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, nước ta có hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ, hoàn thiện, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời chia sẻ một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật nhằm tiếp tục kiến tạo sự phát triển của đất nước nhanh, bền vững và tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập quốc tế; khắc phục cho được tình trạng "luật khung, luật ống" hay quy định quá chi tiết, không đáp ứng sự biến động của thực tiễn cuộc sống.
Lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị Đề án nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và định hướng xây dựng pháp luật cho cả 5 năm. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đảng đoàn Quốc hội đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch 81, có 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do đó, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, "từ sớm, từ xa" sẽ góp phần nâng cao chất lượng tốt hơn.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đã tiến bộ nhiều, tình trạng "nợ đọng" văn bản đã giảm đi và công tác này tiếp tục thực hiện hiệu quả.
Để bảo đảm các văn bản hướng dẫn bám sát văn bản luật, tránh chồng chéo, vướng mắc, không thống nhất, Quốc hội chủ trương tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn; đã có hướng dẫn yêu cầu hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cũng làm tương tự, có chương trình xây dựng nghị quyết cho cả 5 năm, giám sát việc tổ chức thực hiện. Chiến lược tập trung vào cả hai nội dung: Xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
Trước mắt có một luật rất quan trọng là Luật Đất đai, Ủy ban Thường vụ sẽ trình với Quốc hội trong kỳ họp này quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Kỳ họp tháng 10 năm nay. Nghị quyết Trung ương đặt ra mục tiêu là hết năm 2023 phải thực hiện xong. Cho nên, dự án luật này dự kiến sẽ được trình, xem xét qua 3 kỳ họp để đến đầu năm 2024 có thể ban hành.
Đồng tình với ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hệ thống pháp luật cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng "không thể, không muốn, không dám" tham nhũng. "Không thể" thì rõ ràng hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. "Không muốn" thì chế độ về chính sách, đãi ngộ của chúng ta sau này như tiền lương và các điều kiện khác, cần phải tiếp tục nỗ lực để cải thiện. Và cuối cùng là chế tài đủ mạnh để "không dám" tham nhũng.
Về lĩnh vực giáo dục, cử tri phản ánh, vừa qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến về việc dự kiến năm học 2022 - 2023, học sinh các trường phổ thông trung học sẽ được quyền lựa chọn có học môn lịch sử hay không. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tọa đàm về ý kiến của cử tri nêu để có những đánh giá, nghiên cứu về ý nghĩa môn lịch sử. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng là cần đổi mới cách dạy và học về lịch sử.
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã thông tin tới cử tri về một số nội dung liên quan đến việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề hòa giải trong ngành tòa án, quy hoạch, tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở, chuyển đổi số quốc gia.../.
Trung Duy (tổng hợp)
Bế mạc Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (13/05/2022)
Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 - SEA Games 31  (12/05/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội  (12/05/2022)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh  (12/05/2022)
Khai mạc Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (11/05/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm